Một cuộc gặp tình cờ với cậu bé Esaki Kyohei trên xe lửa đã đưa đẩy Yukawa Manabu, một phó giáo sư vật lý đang đi dự hội nghị, tới nghỉ tại quán trọ buồn hiu mang tên Lục Nham Trang, để rồi bị cuốn vào số phận những con người nơi đó. Cái chết của người khách trọ Tsukahara Masatsugu, cựu cảnh sát hình sự thuộc Sở Cảnh sát Tokyo dưới vách đá gần biển Harigaura buộc cảnh sát phải lục lại hồ sơ một vụ án xảy ra cách đó mười sáu năm, nhưng Yukawa Manabu, vị "thám tử Galileo" đã nhận ra những điều bất thường quanh đó. Một bí mật tưởng chừng đã bị chôn sâu dưới đáy biển Harigaura đang chờ khám phá, mà cội nguồn của nó có thể kéo về tận Tokyo nhiều năm về trước.
Xem thêm

Nằm trong series Galileo, Phương Trình Hạ Chí có sự xuất hiện của nhà vật lý tài ba Yukawa. Mình vốn rất tệ trong khoản nhớ tên Nhật Bản nên đọc mãi 1 lúc sau mình mới nhận ra nhân vật này đã từng xuất hiện trong Phía Sau Nghi Can X. Trong bộ này, Yukawa nhận được lời mời tham dự một hội nghị nhằm thăm dò, khai thác tài nguyên tại vùng biển, thị trấn Harigaura và rồi tình cờ bị cuốn vào một vụ giết người bí ẩn.

Văn phong và cách dẫn dắt câu chuyện của Keigo thì vẫn cuốn hút và hợp gu mình như vậy. Mình thích cách bác ấy triển khai từng chi tiết, từng câu chuyện nhỏ xung quanh các nhân vật để rồi ghép chúng lại thành 1 bức tranh tổng thể cuối cùng. Cách viết này nói là ưu điểm thì cũng không hẳn. Với người đọc thiếu kiên nhẫn thì họ sẽ dễ cảm thấy nản, có suy nghĩ: "Sao lan man thế? Sao tự dưng lại kể mấy chi tiết chẳng liên quan gì như thế này nhỉ?" Ví dụ như việc chơi pháo hoa, bức tranh bí ẩn, thí nghiệm trên bãi biển, tài nghệ của chủ nhân khu nhà khách,… Nhưng với những người như mình - vì quá thích văn phong mềm mại và thú vị của tác giả mà sinh tò mò, kiên nhẫn đọc cho đến cuối cùng thì cách viết này là một điểm cộng cực lớn. Mặc dù truyện rất dày so với một bộ án có động cơ và cách thức gây án tương đối đơn giản nhưng mình vẫn thấy thỏa mãn và hài lòng. Nếu có điều gì khiến mình hơi lấn cấn thì có lẽ đó là động cơ gây án. Còn lại mọi thứ đều rất ổn, rất đáng đọc. 

Mình rất thích những đoạn hội thoại giữa Yukawa và cô con gái của chủ trọ Lục Nham Trang về môi trường. Con người ta không thể khăng khăng đòi hỏi việc bảo vệ môi trường 100% trong khi nhu cầu về phát triển kinh tế vẫn còn đó. Một khi đào bới tài nguyên thì tất yếu sẽ có tổn thất về môi trường. Vấn đề ở đây là con người ta chịu đánh đổi bao nhiêu, và làm thế nào để hạn chế tổn thất đó ở mức thấp nhất. Mà để bảo vệ thiên nhiên 1 cách đúng đắn và hiệu quả thì hiểu về rừng sâu, biển bạc không là chưa đủ mà còn phải nắm rõ kiến thức cả về những công nghệ khai thác tài nguyên. Mình thì vốn là người yêu tự nhiên nhưng thực ra hơi khó chịu với những ai có thái độ thù địch một cách quá khích với công nghệ. Quan trọng giải pháp đưa ra là gì để cân bằng cả 2 bên chứ không phải 1 bên thì gào thét, biểu tình còn 1 bên thì lờ lớ lơ đi mọi quan điểm từ đối phương. Ngoài ra thì đoạn hội thoại giữa Yukawa và cậu bé Kyohei về khoa học cũng rất thú vị. 

Chủ đề về gia đình và tình cảm giữa người và người cũng là một điểm sáng trong truyện. Đúng là cha mẹ dù có thế nào cũng sẽ cố gắng làm mọi điều tốt nhất cho con cái, mặc cho cái giá phải đánh đổi là quá đắt. Sự hi sinh thầm lặng, dù đau lòng nhưng không uổng phí. Đọc đoạn cuối lúc Yukawa nói mình thấy xúc động khủng khiếp: "Việc của… là từ giờ hãy sống một cuộc sống thật ý nghĩa." (xin phép giấu tên và viết đại khái để tránh spoil). Bất giác, trong lòng mình cũng bật lên suy nghĩ: "Thật biết ơn vì được sinh ra trên đời này. Mình nhất định sẽ sống thật tốt." Có lẽ vì đọc vào đầu năm - cái thời điểm con người ta nhìn lại bản thân nên mình mới nhạy cảm vậy. Nhưng cũng vì thế mà Phương Trình Hạ Chí trở thành 1 trong những tác phẩm để lại ấn tượng sâu đậm nhất của Keigo trong lòng mình.

Nói tóm lại thì đây là một tác phẩm rất ổn của Keigo. Mình thấy hơi mệt khi cứ quyển nào của bác xuất bản là thiên hạ lại đem nó so sánh với Phía Sau Nghi Can X. Dù biết đấy là tâm lí không thể tránh khỏi nhưng mà trời ơi mỗi quyển có cái hay riêng mà. Về yếu tố trinh thám, bộ này hay Ác Ý có thể không bằng nhưng về yếu tố xã hội, tinh thần truyển tải thì mình lại thích hai bộ này hơn. 

Thật không khó hiểu khi “Phương trình hạ chí” bị đem ra so sánh với Phía Sau Nghi Can X. Một là vì trong lòng đại đa số độc giả, Phía Sau Nghi Can X là kinh điển, vì thế hễ là truyện của Higashino Keigo thì sẽ bị so sánh. Hai là vì “Phương trình hạ chí” nằm trong loạt tiểu thuyết Galileo với tài phá án bằng vật lý của phó giáo sư Yukawa.

Câu chuyện trong “Phương trình hạ chí” ổn, thậm chí ổn ngang ngửa Phía Sau Nghi Can X, chỉ là vì câu chuyện cũng khá đơn giản nhưng tác giả lại dẫn dắt lòng vòng, thành thử ra nó bị đánh giá kém hơn Phía Sau Nghi Can X. Bản thân mình không thích Phía Sau Nghi Can X nhất trong các truyện của sensei, mình cho rằng một trong những lý do nó chiếm thiện cảm của độc giả vì nó cô động, súc tích, nên độc vừa đủ hứng thú, không bị ngán. Cứ nhìn độ dày của sách là rõ.

Mình tham khảo review trên mạng, có bạn nói là thích Phía Sau Nghi Can X hơn, vì nó là cuộc đấu trí của thiên tài vật lý và thiên tài toán học, trong khi “Phương trình hạ chí” thì một mình Yukawa cân team. Thật ra mình thấy Phía Sau Nghi Can X cũng chẳng cân não, cân tài cân sức mấy. Đọc một chút mình đã đoán được thủ pháp rồi. Mình chỉ thích số phận của Ishigami mà sensei đã viết nên, một thiên tài kém may mắn trong sự nghiệp. Hết rồi.

Câu chuyện trong “Phương trình hạ chí” cũng tốt, cũng nêu ra nhiều vấn đề như tình yêu, tình thân, chuộc tội, môi trường… nhưng mà mọi thứ lại hơi sơ sài so với việc tác giả xoáy sâu vào các vấn đề khác trong Thánh giá rỗng. Mình cũng không đánh giá cao “Phương trình hạ chí”, vì như đã nói, câu chuyện đơn giản, dễ đoán nhưng tác giả lại dẫn mình đi đường vòng cho nó dài ra.

Dù vậy, “Phương trình hạ chí” vẫn đáng để bạn đọc. Và hơn hết, sự lựa chọn chính là điều mình trăn trở sau khi gấp sách lại. Giống như một số tác phẩm khác, sensei hiếm khi cho kẻ thủ ác chịu sự trừng phạt của pháp luật, mà là tự họ chuộc lỗi với cuộc đời này.

Vì truyện thuộc series, nên buộc phải so sánh với 2 người anh trước đó rồi.

Đầu tiên vẫn là Galileo (Yukawa).

Anh đã trở lại, tần suất xuất hiện khá nhiều, đủ thấy được vai trò chính bên phe điều tra của anh. Ngoài những tình tiết về phá án, lần này ta còn thấy được một phần tính cách đời thường của anh. Bằng cách thêm vào một cậu nhóc, Galileo có cơ hội thể hiện vai trò mentor, và một chút của người bảo hộ.

Cá nhân tôi rất thích các tình tiết ngoài lề thế này, nó cho ta thấy được đầy đủ hơn về nhiều mặt của các nhân vật, cũng đóng vai trò như các quãng nghỉ nhẹ nhàng xuyên suốt mạch truyện. Galileo những lúc bên cậu bé vẫn nói chuyện theo cách không giống ai, nhưng không còn sự lạnh lùng nữa, thay vào đó là sự nhiệt huyết và quan tâm.

Tóm lại, về nhân vật trung tâm Galileo, cuốn này còn xuất sắc hơn cả Phía Sau Nghi Can X.

Nhóc ghét mấy môn tự nhiên cũng không sao cả, nhưng hãy nhớ một điều. Nếu cứ giữ thái độ buông xuôi trước những điều mình không biết, đến một lúc nào đó nhóc sẽ phạm phải sai lầm lớn đấy.

Về vụ án và hung thủ.

Bản thân vụ án không quá phức tạp hay có pha lật kèo nào quá bất ngờ. Nhưng vẫn gây ấn tượng nhờ câu chuyện phía sau nó. Một câu chuyện về tình yêu nam nữ và tình yêu gia đình, là 2 loại tình cảm có thể trở thành động lực giúp ta làm những điều phi thường.

Phong cách này làm tôi liên tưởng tới trinh thám cổ điển như Sherlock Holmes, cái kiểu vụ án có chút xíu mà câu chuyện cảm động giải thích lý do gây án lại dài lê thê. Nhưng Phương Trình Hạ Chí không quá sa đà như vậy, câu chuyện ngắn vừa đủ để không bị dài dòng, mà vẫn gợi được sự cảm thông của độc giả.

Cách kể thì vẫn theo hướng trinh thám đại trà, là lần giở từng dấu vết để truy tới sự thật cuối cùng. Lượng nhân vật còn đồ sộ hơn cả Sự Cứu Rỗi Của Thánh Nữ, và tất nhiên, độ nhạt nhòa cũng vậy. Quá nhiều nhân vật phụ tôi không nhớ nổi tên, đặc biệt là bên tổ điều tra. Vẫn biết trong thực tế, sự rối rắm của các tổ chức pháp luật là có, nhưng đâu nhất thiết phải đưa vào truyện để cho rối lên như vậy chứ. Dù phải điều tra ở nhiều địa điểm, thì mỗi nơi 1 người là được rồi. Truyện mà, làm sao để người đọc đừng bị phân tâm bởi những cái không đáng mới quan trọng, chứ nhồi nhét để “cho giống thật” đâu đem lại giá trị tích cực gì…

Về thông điệp và các câu chuyện bên lề.

Như một đặc sản của trinh thám Nhật, lần này Keigo đem tới cho chúng ta thông điệp mạnh mẽ về sự hi sinh cho những người mình yêu thương. Thầm lặng và hết mình, dù động lực là gì đi nữa, sự hi sinh đó đều đáng trân quý.

Ngoài ra, còn những câu chuyện nho nhỏ về những sự kết nối ấm áp giữa người với người, đặc biệt như tôi đã nói ở trên, là mối quan hệ giữa Galileo và cậu bé Kyohei.

Tóm lại, đây vẫn là một cuốn trinh thám Nhật tốt. Nếu so sánh với 2 người anh thì, ăn đứt Sự Cứu Rỗi Của Thánh Nữ, và một 9 một 10 với Phía Sau Nghi Can X. Cụ thể hơn, so với Nghi Can X, vụ án lần này chưa lắt léo bằng, nhưng về các yếu tố khác, thì cuốn này lại thú vị hơn. Nói chung, đã yêu thích Keigo thì không nên bỏ qua Phương Trình Hạ Chí.

Nhiều năm trước, có một cô gái xinh đẹp ở Tokyo trước đây từng là tiếp viên, sau đổi sang nhân viên quán ẩm thực địa phương, mặc dù biết anh chàng “nọ” đã có vợ nhưng vẫn yêu thầm. Thậm chí đến khi sắp sửa cưới chồng, trước khi kết hôn còn có tình một đêm chóng vánh với anh chàng ấy.

Và nhiều năm sau, chính cái hậu quả của mối tình một đêm năm xưa, đã gây ra bao nhiêu câu chuyện đau lòng. 2 cái chết, một cái chết lãng xẹt và một cái chết đáng thương đã xảy ra, những người đáng bị pháp luật trừng trị, thì đều đã hưởng một cái kết khoan hồng hơn rất nhiều. Còn những người thân – những đàn ông vĩ đại bên cạnh họ, lại chịu một thảm cảnh khốc liệt. Thật đúng với câu “một phút sa chân, người thân lãnh đủ”.

Khi trinh thám cổ điển thuần suy luận lên ngôi

Phương Trình Hạ Chí là một tác phẩm trinh thám mà yếu tố suy luận logic được đặt lên hàng đầu – có vẻ như ông tác giả là một fan trung thành của trinh thám cổ điển. Higashino không miêu tả quá nhiều tới pháp y, tới các vật chứng – điều mà trinh thám hiện đại làm rất tốt & nhanh gọn. Thực tế thì nếu có sự hỗ trợ tài tình của pháp y, kiểu như nhà hình sự học Lincoln Rhyme của Jeffery Deaver, hay team pháp chứng của Tần Minh, thì vụ án mạng này sẽ được phá giải không đến một tuần.

Nhưng vì để thể hiện tài năng suy luận logic của thám tử, sự vô dụng của cảnh sát địa phương cũng như thể hiện một tác phẩm có chiều sâu hơn (suy ngẫm về hậu quả của những hành vi sai trái), Keigo đã dụng ý để cho hung thủ từ từ lộ diện bằng những phán đoán đầy logic.

Đỉnh cao về trinh thám cổ điển được Keigo miêu tả trong Phía sau nghi can X có thể nói là mẫu mực nhất của ông, điển hình tiêu biểu tới mức những tác phẩm khác, đều rất khó để sánh kịp. Phương Trình Hạ Chí cũng là trường hợp tương tự, dù rằng nó vẫn thể hiện một cách hết sức xuất sắc.

Yếu tố bất ngờ không được chú trọng trong tác phẩm này. Vì giáo sư vật lý nổi tiếng Yukawa đóng vai thám tử nên không có gì ngạc nhiên, những suy luận của thiên tài này đều hết sức đắt giá. Thậm chí có thể nói từ đầu tới cuối, duy nhất anh ta là người nhìn thấu rõ hoàn toàn sự việc, dựa trên những chi tiết tưởng chừng không liên quan. Tuy nhiên độc giả hoàn toàn có thể dễ dàng đoán ra được hung thủ đã sát hại vị cảnh sát già Tsukahara, bởi cái nhà trọ Lục Nam Trang không có quá nhiều thành viên!

Như Sherlock Holmes từng nói “bắt một gã sát thủ trong một đám tù nhân là điều hết sức dễ dàng, với tôi thì chỉ cần 24h là đủ “.

Ấy vậy mà mỉa mai thay, đám cảnh sát Nhật bản ở địa phương lại loay hoay trong đám tơ vò mà mãi mãi chẳng thể tìm ra đáp án! Có vẻ như tất cả sẽ phải “cạn lời” khi mà nguyên nhân tử vong đã rất rõ ràng “ngộ độc khí CO trong một không gian khép kín”. Chỉ cần vài suy luận đơn giản cũng có thể đoán ra, chẳng hiểu sao Higashino Keigo lại để cho hình ảnh của đám cảnh sát tỉnh trở nên tầm thường đến thế.

Vật lý, toán học & vấn đề bảo vệ môi trường

Dù không ghi điểm với tính chất của một sách trinh thám, song tác giả của Phương Trình Hạ Chí lại rất thành công khi để lại dấu ấn với những ví dụ hết sức thực tiễn về vật lý, toán học, hóa học & nêu lên thực trạng về môi trường biển đáng để độc giả suy ngẫm

Ít ai biết một miếng giấy thiếc có khả năng làm gián đoạn sóng điện thoại, và việc của hành khách đi tàu khi không muốn tắt nguồn chỉ cần đơn giản là dùng thiếc bọc quanh nó. Giáo sư Yukawa đã dạy cậu bé Kyohei một cách dễ hiểu như thế.

Tại sao tổng ba góc của một tam giác lại bằng 180 độ? Nhiều lúc chúng ta chỉ cần thêm nhiều những giáo sư như thế, dạy học bằng bản chất, đơn giản là suy luận logic dễ hiểu, không khuôn sáo máy móc. Việc giáo dục gắn với thực tiễn sẽ khiến cho học sinh cảm thấy đi học là điều hết sức tuyệt vời

Khí CO được sinh ra trong điều kiện cháy không hoàn toàn. Ví dụ đơn giản hơn là chúng ta nếu muốn sưởi ấm bằng than tổ ong trong mùa lạnh, rất dễ gây ra tai nạn chết người vì bình thường trong môi trường đóng kín thiếu Oxi, than sẽ cháy không sinh ra CO2 mà lại là khí độc CO.

Với Phương Trình Hạ Chí, lại một lần nữa, nơi mà những sai lầm của nữ nhân xinh đẹp đều khiến cánh mày râu – những người thân trong gia đình, họ hàng, phải lãnh một hậu quả nặng nề.

Không biết đọc xong tác phẩm này, những người đàn ông thành đạt còn có ý định trăng hoa với những cô bồ nhí bên ngoài nữa hay không. Bởi sau tất cả: Kẻ tù tội, rồi chết vì u não. Người nhẹ nhàng hơn thì lĩnh án vài năm vì tội bao che. Kẻ lại bất đắc dĩ phải ra tay sát hại người vô tội đáng kính, kết cục cũng thê thảm.

Vấn đề giáo dục về những giá trị đạo đức một lần nữa lại trở thành đề tài nóng hổi. Nếu như một cô gái có được môi trường giáo dục tốt, liệu rằng có yêu một người đàn ông đã có vợ, thậm chí cắm sừng ông chồng tương lai? Chắc chắn là không rồi. Viện cớ nhân danh tình yêu, thẳng thắn mà nói thì tất cả chỉ là ngụy biện

Một tác phẩm không quá đỉnh cao về trinh thám, nhưng sẽ lại khiến độc giả nhớ mãi, vì những điều thật đặc biệt.

Nhân vật thám tử trong quyển này là nhà vật lý Yukawa giống trong “Phía Sau Nghi Can X”, vì một dự án khai thác quặng biển mà anh đã đến vùng quê Harigaura – một miền biển đang xuống cấp do không phát triển du lịch được như xưa. Yukawa trọ ở nhà trọ Lục Nham Trang, tại đây anh quen biết với cậu bé Kohei học lớp 5 đang đến ở nhờ nhà bác mình, vì bố mẹ đi công tác xa. Một buổi tối, ở ven biển phát hiện xác của người đàn ông tên Tsukahara cũng đang trọ ở Lục Nham Trang, nguyên nhân ban đầu được xác định là do say rượu nên trượt chân ngã xuống mỏm đá. Yukawa và một vị cảnh sát tỉnh người quen của nạn nhân lại phát hiện những điểm bất thường của vụ tai nạn này.

Văn phong của bác Keigo vẫn nhẹ nhàng, mượt mà, đặc biệt là cuốn này đề cập khá nhiều kiến thức vật lý, chẳng hạn như khi Yukawa chỉ cậu bé Kohei làm pháo phụt. Tuy nhiên mình thấy không ấn tượng khả năng điều tra của Yukawa cho lắm, tác giả không nhấn mạnh vào chuyện đó mà hướng người đọc vào câu chuyện nhà ông chủ quán trọ hơn. Vấn đề môi trường cũng được đề cập khá nhiều, cô con gái Narumi của chủ nhà trọ rất tâm huyết với việc bảo vệ miền biển quê hương nên đã cố tình làm khó dự án khai thác quặng. Khi vụ việc được phơi bày mình lại nghĩ động cơ không đáng lắm, nhất là vụ ông Tsukahara. Và việc kéo cháu mình giúp mình giết người cũng không chấp nhận được rồi, cứ nghĩ là trẻ con thì không biết gì ấy. Một quyển sách dễ đọc, mạch truyện cũng nhẹ nhàng, chậm nhưng không gây khó chịu.

Trong “Phương Trình Hạ Chí”, Yukawa đã trở lại. Nói thật thì tôi vẫn căm anh này từ hồi Phía Sau Nghi Can X Lắm, vì lẽ phải của anh mà tâm huyết của Ishigami đổ sông đổ bể. Nhưng thôi, cứ phải gác lại đã, vì series có anh còn dài, tức là tôi còn phải gặp anh nhiều.

Thừa nhận là khó có tác phẩm nào của Higashino Keigo có thể vượt qua được Phía Sau Nghi Can X, nhưng câu chuyện này quá dễ đoán. Chủ đề gia đình có yếu tố gây nhiễu là bảo vệ môi trường, không phải là chủ đề lạ, càng không phải chủ đề khó làm người ta thổn thức. Nhưng tác phẩm này không chỉ dễ đoán, mà còn có phần chưa rõ ràng. Senba là một phần quan trọng, rất quan trọng, câu chuyện của Senba cũng hay, cũng thú vị, nhưng câu chuyện chính thì bị bỏ quên, không có cái gì để chứng minh cho động cơ ngoài mấy chi tiết vô thưởng vô phạt.

Điểm tôi thích nhất ở Keigo là tâm lý nhân vật. Nhưng trong tác phẩm này tôi không thấy có nhân vật nào đáng để tôi suy tư. Chính ra cuộc chiến trong anh chàng Yukawa tôi còn thấy ly kỳ chông chênh hơn tuyến chính, vì cậu chàng cân nhắc về Kyohei mãi mới nói được.

Quanh đi quẩn lại, là fan thì vẫn mua được. Trinh thám cũng ổn. Duy chỉ mấy đứa như tôi, chờ đợi một câu hỏi hay, một chủ đề sâu sắc, thì nên chuẩn bị trước.

Được cái truyện này nhẹ nhàng. Cần chút gì đó yên bình tĩnh tại thì ổn.

Mới đọc cuốn này có cảm giác giống “Ma nữ của Laplace”, cũng sử dụng những chi tiết về khoa học, vật lý (cuốn ấy mình không thích lắm), nhưng hóa ra không giống. Đây là một câu chuyện khác và xuất sắc hơn nhiều.

“Phương trình hạ chí” là một trong những cuốn trinh thám suy luận điển hình cho cách viết trinh thám của Keigo. Sử dụng những lập luận logic để đưa ra những kết luận cuối, xây dựng nhân vật có chiều sâu về cả quá khứ hiện tại, xoáy sâu vào những vấn đề đạo đức.

Đôi chương đầu không có gì đáng kể, chỉ ở bình thường. Nhưng càng đọc lại càng hay, nhất là khi án mạng xảy ra. Nhưng không giống toán học, phương trình được giải ra kết quả, nhưng đó chưa phải là tất cả. Một vụ án lật mở bao nhiêu uẩn khúc đằng sau.

Đọc tới hồi kết lòng mình chùng xuống, trái tim như cũng nghẹn lại. Cái cảm giác bồi hồi khi gấp lại sách đúng kiểu Keigo, cho chúng ta nhiều trăn trở, nghĩ suy. Về cuộc đời, về con người. Trong truyện các nhân vật vì bảo vệ người thân yêu của mình mà sẵn sàng làm mọi chuyện, kể cả giết người vô tội và làm liên lụy người khác. Mình cảm thấy họ ích kỷ vô cùng. Câu hỏi “Tình yêu có thể khiến người ta đi xa đến đâu?” lần nữa lại được đặt ra trong tác phẩm này.

Bỏ qua một vài sự “tình cờ” có phần áp đặt (mình đã nhận ra điểm này trong một số truyện khác của Keigo) thì có lẽ “Phương trình hạ chí” là một trong những cuốn hay nhất của Keigo đã xuất bản ở Việt Nam.

Dưới cái nắng chói chang của mùa hè, dù mặt biển được trang hoàng bởi vẻ lấp lánh tựa những viên đá quý, bóng tối vẫn lẩn khuất đâu đây khi xác của một người đàn ông được phát hiện đã dạt vào bên bờ. Phương Trình Hạ Chí là một cuốn sách trinh thám lấy bối cảnh một ngôi làng du lịch bên bở biển đang dần lụi tàn. Nét tương phản giữa vẻ đẹp thiên nhiên và sự hoang tàn của ngôi làng như đang gợi nhắc đến việc thời thế và lòng người đổi thay. Tôi rất thích nhân vật chính, vị giáo sư Vật lý lập dị Yukawa, nhưung tôi cũng đồng ý rằng cách xây dựng nhân vật vị giáo sư đôi lúc có hơi nông, hoặc hơi quá cứng nhắc, nhưng có lẽ đây chính là ý đồ của tác giả. Tôi cũng rất thích việc tác giả lồng ghép nhiều góc nhìn, những vẫn giữ cho mạch truyện không bị rối. Cốt truyện có phần kỳ lạ và phân ra nhiều hướng khác nhau, một điều tuyệt vời vì nó ngăn không cho việc bí mật được bật mí chỉ sau vài chương ngắn ngủi. Một vài đoạn trong quá trình Kusanagi và Utsumi đi tìm kiếm bằng chứng có nhịp độ hơi chậm. Tác giả đã tìm ra được sự kết hợp hoàn hảo giữa những vấn đề bất ngờ và những xung đột hấp dẫn, và chắc chắn bạn sẽ đúc rút được kinh nghiệm từ đây. Một cuốn sách rất đáng đọc.

Cuốn thứ 3 trong loạt sách về thám tử Galileo và Kusanagi khá là bình thường. Một vài lý do có thể kể đến như động cơ và phương thức gây án không quá ấn tượng và đủ sáng tạo. Việc có quá nhiều khoảng nghỉ và cốt truyện nền chiếm đi phần nào đó sức nặng của bí ẩn cần giải đáp. Giáo sư Yukawa đến Hari Cove trong vai trò là một chuyên gia thuộc Cơ quan Tài nguyên kim loại và khoáng sản dưới biển (DESMAC), nơi mà người dân đang tỏ ra lo lắng về những tác động của việc khai thác khoáng sản dưới biển tới nơi họ sinh sống. Ông ở tại ngôi nhà trọ của một gia đình với đầy những bí mật, và một cậu bé được gửi đến đây, người mà đã nhanh chóng kết bạn với vị giáo sư. Khi một vị khách của khu trọ đột ngột biến mất, và xác được tìm thấy ở dưới chân vách đá, cảnh sát đã kết luận rằng đây chỉ là một vụ tai nạn. Nhưng rồi họ phát hiện ra rằng nạn nhân từng là cựu cảnh sát Tokyo, và nghi ngờ rằng vụ việc này đã được sắp đặt từ trước. Nếu không có những đoạn trao đổi giữa vị giáo sư và cậu bé, cuốn sách này sẽ chẳng khác gì một bí ẩn tầm thường với đầy rẫy những sự trùng hợp. Kể cả vậy thì những đoạn đối thoại kia cũng chỉ toàn là về chủ đề khoa học. Thật sự rất là lạc quẻ luôn. Cách cuộc điều tra khai mở ra câu chuyện phía sau cũng rất nhàm chán. Cách nạn nhân cư xử trước khi bị sát hại gắng gượng và không thật sự tự nhiên. Không có những yếu tố gây bất ngờ thường thấy ở các tác phẩm của Higashino. Có lẽ hơi bất công, nhưng tôi thấy quyển này không cuốn bằng những quyển trước đó.

Cuốn thứ 3 trong loạt sách về thám tử Galileo và Kusanagi khá là bình thường. Một vài lý do có thể kể đến như động cơ và phương thức gây án không quá ấn tượng và đủ sáng tạo. Việc có quá nhiều khoảng nghỉ và cốt truyện nền chiếm đi phần nào đó sức nặng của bí ẩn cần giải đáp. Giáo sư Yukawa đến Hari Cove trong vai trò là một chuyên gia thuộc Cơ quan Tài nguyên kim loại và khoáng sản dưới biển (DESMAC), nơi mà người dân đang tỏ ra lo lắng về những tác động của việc khai thác khoáng sản dưới biển tới nơi họ sinh sống. Ông ở tại ngôi nhà trọ của một gia đình với đầy những bí mật, và một cậu bé được gửi đến đây, người mà đã nhanh chóng kết bạn với vị giáo sư. Khi một vị khách của khu trọ đột ngột biến mất, và xác được tìm thấy ở dưới chân vách đá, cảnh sát đã kết luận rằng đây chỉ là một vụ tai nạn. Nhưng rồi họ phát hiện ra rằng nạn nhân từng là cựu cảnh sát Tokyo, và nghi ngờ rằng vụ việc này đã được sắp đặt từ trước. Nếu không có những đoạn trao đổi giữa vị giáo sư và cậu bé, cuốn sách này sẽ chẳng khác gì một bí ẩn tầm thường với đầy rẫy những sự trùng hợp. Kể cả vậy thì những đoạn đối thoại kia cũng chỉ toàn là về chủ đề khoa học. Thật sự rất là lạc quẻ luôn. Cách cuộc điều tra khai mở ra câu chuyện phía sau cũng rất nhàm chán. Cách nạn nhân cư xử trước khi bị sát hại gắng gượng và không thật sự tự nhiên. Không có những yếu tố gây bất ngờ thường thấy ở các tác phẩm của Higashino. Có lẽ hơi bất công, nhưng tôi thấy quyển này không cuốn bằng những quyển trước đó.