Một cuộc gặp tình cờ với cậu bé Esaki Kyohei trên xe lửa đã đưa đẩy Yukawa Manabu, một phó giáo sư vật lý đang đi dự hội nghị, tới nghỉ tại quán trọ buồn hiu mang tên Lục Nham Trang, để rồi bị cuốn vào số phận những con người nơi đó. Cái chết của người khách trọ Tsukahara Masatsugu, cựu cảnh sát hình sự thuộc Sở Cảnh sát Tokyo dưới vách đá gần biển Harigaura buộc cảnh sát phải lục lại hồ sơ một vụ án xảy ra cách đó mười sáu năm, nhưng Yukawa Manabu, vị "thám tử Galileo" đã nhận ra những điều bất thường quanh đó. Một bí mật tưởng chừng đã bị chôn sâu dưới đáy biển Harigaura đang chờ khám phá, mà cội nguồn của nó có thể kéo về tận Tokyo nhiều năm về trước.
Xem thêm
Vì truyện thuộc series, nên buộc phải so sánh với 2 người anh trước đó rồi.
Đầu tiên vẫn là Galileo (Yukawa).
Anh đã trở lại, tần suất xuất hiện khá nhiều, đủ thấy được vai trò chính bên phe điều tra của anh. Ngoài những tình tiết về phá án, lần này ta còn thấy được một phần tính cách đời thường của anh. Bằng cách thêm vào một cậu nhóc, Galileo có cơ hội thể hiện vai trò mentor, và một chút của người bảo hộ.
Cá nhân tôi rất thích các tình tiết ngoài lề thế này, nó cho ta thấy được đầy đủ hơn về nhiều mặt của các nhân vật, cũng đóng vai trò như các quãng nghỉ nhẹ nhàng xuyên suốt mạch truyện. Galileo những lúc bên cậu bé vẫn nói chuyện theo cách không giống ai, nhưng không còn sự lạnh lùng nữa, thay vào đó là sự nhiệt huyết và quan tâm.
Tóm lại, về nhân vật trung tâm Galileo, cuốn này còn xuất sắc hơn cả Phía Sau Nghi Can X.
Nhóc ghét mấy môn tự nhiên cũng không sao cả, nhưng hãy nhớ một điều. Nếu cứ giữ thái độ buông xuôi trước những điều mình không biết, đến một lúc nào đó nhóc sẽ phạm phải sai lầm lớn đấy.
Về vụ án và hung thủ.
Bản thân vụ án không quá phức tạp hay có pha lật kèo nào quá bất ngờ. Nhưng vẫn gây ấn tượng nhờ câu chuyện phía sau nó. Một câu chuyện về tình yêu nam nữ và tình yêu gia đình, là 2 loại tình cảm có thể trở thành động lực giúp ta làm những điều phi thường.
Phong cách này làm tôi liên tưởng tới trinh thám cổ điển như Sherlock Holmes, cái kiểu vụ án có chút xíu mà câu chuyện cảm động giải thích lý do gây án lại dài lê thê. Nhưng Phương Trình Hạ Chí không quá sa đà như vậy, câu chuyện ngắn vừa đủ để không bị dài dòng, mà vẫn gợi được sự cảm thông của độc giả.
Cách kể thì vẫn theo hướng trinh thám đại trà, là lần giở từng dấu vết để truy tới sự thật cuối cùng. Lượng nhân vật còn đồ sộ hơn cả Sự Cứu Rỗi Của Thánh Nữ, và tất nhiên, độ nhạt nhòa cũng vậy. Quá nhiều nhân vật phụ tôi không nhớ nổi tên, đặc biệt là bên tổ điều tra. Vẫn biết trong thực tế, sự rối rắm của các tổ chức pháp luật là có, nhưng đâu nhất thiết phải đưa vào truyện để cho rối lên như vậy chứ. Dù phải điều tra ở nhiều địa điểm, thì mỗi nơi 1 người là được rồi. Truyện mà, làm sao để người đọc đừng bị phân tâm bởi những cái không đáng mới quan trọng, chứ nhồi nhét để “cho giống thật” đâu đem lại giá trị tích cực gì…
Về thông điệp và các câu chuyện bên lề.
Như một đặc sản của trinh thám Nhật, lần này Keigo đem tới cho chúng ta thông điệp mạnh mẽ về sự hi sinh cho những người mình yêu thương. Thầm lặng và hết mình, dù động lực là gì đi nữa, sự hi sinh đó đều đáng trân quý.
Ngoài ra, còn những câu chuyện nho nhỏ về những sự kết nối ấm áp giữa người với người, đặc biệt như tôi đã nói ở trên, là mối quan hệ giữa Galileo và cậu bé Kyohei.
Tóm lại, đây vẫn là một cuốn trinh thám Nhật tốt. Nếu so sánh với 2 người anh thì, ăn đứt Sự Cứu Rỗi Của Thánh Nữ, và một 9 một 10 với Phía Sau Nghi Can X. Cụ thể hơn, so với Nghi Can X, vụ án lần này chưa lắt léo bằng, nhưng về các yếu tố khác, thì cuốn này lại thú vị hơn. Nói chung, đã yêu thích Keigo thì không nên bỏ qua Phương Trình Hạ Chí.