“Sách là người bạn tốt
nhất của tuổi già, đồng thời cũng là người chỉ dẫn tốt nhất của tuổi trẻ”.
- Sao thầy không mãi teen teen – Lê Hoàng

Sao thầy không mãi teen teen của Lê Hoàng được đầu tư cả về nội
dung lẫn hình thức. Màu sắc tươi sáng với hình ảnh minh họa sinh động, rất hợp
với tuổi teen. Các tình tiết trong truyện bất ngờ và thú vị. Lê Hoàng đã sử
dụng rất nhiều tên các nghệ sĩ nổi tiếng như Hoài Linh, Trấn Thành, Khổng Tú
Quỳnh,… Cách đặt tên nhân vật “rất teen” như Ly Cún, Mai Tồ, Chích Chòe,… Tôi
không hiểu tại sao Lê Hoàng đã trải qua tuổi teen lâu rồi mà lại viết về tuổi
teen sống động như vậy. Điều đó chứng tỏ, Lê Hoàng đã tìm hiểu và khám phá ra thế
giới tuổi teen thế kỷ 21 muôn màu muôn vẻ.
Nhân vật chính là Ly Cún, nữ sinh 17
tuổi, dám “to gan” yêu thầy giáo trẻ “đẹp trai như Vĩnh Thụy”, 22 tuổi. Mọi sự
việc trong câu chuyện đều xoay quanh những cảm nhận của Ly Cún. Ly Cún đã đưa
ra những nhận định gây choáng, xưa nay hiếm như “Cứ nghe thiên hạ đồn yêu là
đau khổ, yêu là buốt giá, yêu là cay đắng! Sai bét. Hóa ra yêu là kinh ngạc,
yêu là sửng sốt. Yêu là tức lộn cả ruột trên đầu”. Hay “Teen phải có chút kiêu
kỳ mới là teen hoàn chỉnh”. Ly Cún đi bơi với thầy, dạy thầy tập bơi, cùng thầy
đi bar, uống rượu ngọt, tới nhà thầy chơi. Nói chung là rất thân thiết với
thầy. Còn thầy giáo Sử thì đưa Ly Cún và lớp 11A đi từ ngạc nhiên này đến ngạc
nhiên khác. Từ cách dạy khác người như học Sử qua phim ảnh và tất cả mọi thứ.
Từ một cái bàn gỗ xoan hay một cái bánh bao, thầy có thể lần ra lịch sử gia
đình, lịch sử dân tộc. Chưa hết, thầy còn đưa học sinh đến bảo tàng để học lịch
sử. Thầy có cách giải quyết xung đột rất thú vị dựa trên bài học lịch sử về
chiến tranh. Lần đầu tiên có một giáo viên dạy Sử được học sinh yêu mến đến
vậy. Lớp 11A đã biểu tình để thầy Sử quay lại dạy lớp mặc dù thầy chưa có bằng
tốt nghiệp đại học. Nhưng cuối cùng, thầy dạy Sử cũng từ bỏ bục giảng để theo
đuổi ước mơ làm diễn viên điện ảnh của mình. Bởi thầy “vốn không hề thích Sử”.
Cuộc tranh luận giữa thầy giáo dạy Sử và thầy Hiệu trưởng về cách dạy không
theo sách giáo khoa. Đó cũng là lúc thầy đưa ra các ý kiến của mình. Nhưng ý
kiến đó cuối cùng cũng không được chấp nhận. Việc đổi mới dạy và học lịch sử đã
không được thay đổi bởi tư tưởng ngại thay đổi của một số người. Có lẽ đó là
tình trạng chung của một số người có tâm huyết đối với môn Sử. Tôi nhận ra rằng
những người học Sử chưa chắc đã đam mê Sử, còn những người đam mê Sử chưa chắc
đã theo đuổi Sử học.
Thông qua cuốn sách này, tôi muốn nhắn
gửi với các bạn: Nếu ai đam mê Sử thì hãy theo đuổi Sử. Nó không đem lại ánh
hào quang như những nghề khác. Nhưng tôi chắc chắn rằng, lịch sử còn đem lại
thứ quý hơn nhiều. Đó là bài học lịch sử được rút ra trong quá khứ, có giá trị
cho đến ngày nay. Cuối cùng, tôi xin chốt lại bằng lời nói của thầy lịch sử:
“Nếu ta không học về con voi, con voi vẫn sống. Nếu ta không học về con chim
họa mi, con chim họa mi vẫn hót. Nếu ta không học về mặt trời, mặt trời vẫn mọc
lên mỗi buổi sáng. Nhưng nếu không có người dạy Sử, không có ai học Sử thì Lịch
sử dừng lại. Lịch sử lập tức chết đi”.
- Nhà giả kim – Paulo Coelho
"Nhà giả kim, cuốn sách “như một
chuyện cổ tích giản dị, nhân ái, giàu chất thơ, thấm đẫm nhưng minh triết huyền
bí của phương Đông”, “làm rung động hàng triệu tâm hồn, trở thành cuốn sách bán
chạy nhất mọi thời đại, và có thể làm thay đổi cuộc đời người đọc”. “Tất cả
những trải nghiệm trong chuyến phiêu du theo đuổi vận mệnh của mình đã giúp
Santiago thấu hiểu được ý nghĩa sâu xa nhất của hạnh phúc, hòa hợp với vũ trụ
và con người”. Khi đọc cuốn sách này, tôi đã suy nghĩ nhiều về ước mơ, về lý
tưởng. Paulo Coelho “chỉ mơ ước thành nhà văn, chứ không thành kỹ sư như cha
anh mong đợi”, “vẫn quyết tâm đi theo con đường đã lựa chọn… và đã trở thành
một trong những nhà văn Mỹ Latinh được đọc nhiều nhất thế giới”. Chắc có lẽ,
trong đó có hình ảnh của tôi và chúng ta. Mấy ai dám theo đuổi ước mơ tới cùng,
thậm chí một số người chả biết ước mơ của mình là gì. Tôi là người sống không
mục đích, không lý tưởng, không ước mơ. Nhiều lúc, tôi thấy cuộc đời tôi sao bế
tắc đến như vậy.
Từ khi tôi đọc cuốn sách ấy, tôi đã nghiệm
ra nhiều điều. Chẳng hạn, “Đừng bao giờ từ bỏ ước mơ của mình!” và đừng sợ đau
khổ khi thực hiện ước mơ, vì “mỗi giây phút tìm kiếm là một khoảnh khắc găp gỡ
Thượng Đế và Vĩnh hằng”, và vì “ khi đã quyết tâm muốn điều gì thì cả vũ trụ sẽ
tác động để giúp ta đạt mục đích!”; “Người ta sợ theo đuổi những giấc mơ
vĩ đại, vì cảm thấy không xứng đáng được hưởng hoặc sẽ không thể nào đạt nổi”;
“Người nào sống trọn đường đờì của mình, người đó biết tất cả những gì càn
biết. Chỉ có một điều khiến không thể nào đạt được ước mơ: đó là sợ bị thất
bại”. Tôi đã có lý tưởng, ước mơ, niềm tin dẫn đường. Ước mơ của tôi chính là
vượt qua bản thân mình, vượt qua mọi trở ngại, khó khăn trên con đường mà tôi
đã chọn. Dù con đường tôi chọn là đúng hay sai, bằng phẳng hay gập ghềnh, tôi
vẫn theo đuổi tới cùng. Tôi nhận ra rằng, khi mình đặt niềm tin vào bản thân,
mặc cho cả thế giới quay lưng lại với mình, mình vẫn chiến thắng được tất
cả.
Nhà giả kim không chỉ có giá trị văn
học mà còn có giá trị tư tưởng rất sâu sắc. Cuốn sách xứng đáng là “cuốn sách
bán chạy chỉ sau kinh thánh”."
- Có hẹn với bình yên – Nắng Lạnh
Có hẹn với bình yên, một cuốn sách
“dành tặng cho thanh xuân của chính mình và của tất cả những người từng can đảm
yêu, can đảm từ bỏ và cũng can đảm làm lại từ đầu”, mà tôi tâm đắc nhất trong
các cuốn sách mà tôi đã đọc. Tôi đã say sưa đọc nó và vô cùng thích thú. Tác
giả hồi tưởng lại tuổi thanh xuân của mình với những chiêm nghiệm về tình yêu
tuổi trẻ. Bình yên ấy là bến đỗ của hạnh phúc sau những nắng mưa của tuổi trẻ,
“dù bạn đang ở đâu trên chặng đường của mình, chừng nào bạn chưa hạnh phúc là
bạn vẫn chưa tìm tới đích”. Một cuốn sách rất chân thực, sống động và giàu cảm
xúc. Tôi thấy thú vị về những triết lý tình yêu tuổi trẻ qua những câu chuyện
và những suy nghĩ của tác giả trong cuốn sách nhỏ này.
Đầu tiên, tôi cảm thấy lạ về bút danh
của tác giả là Nắng Lạnh. Tại sao không phải là nắng ấm hay nắng mai? Chắc đó
là thứ ánh nắng buổi sáng còn chút hơi lạnh của màn đêm. Có lẽ, tác giả là “một
kẻ mộng mơ cô đơn, thường xuyên làm bạn với nỗi buồn, nhưng lại thích viết về
những niềm vui”. Tác giả đã đem đến cho tôi trải nghiệm các cung bậc tình yêu
tuổi trẻ, có yêu thương, giận hờn, đôi lúc sợ hãi,
- Đừng chỉ yêu thôi.
Hãy học cách thương
Tôi nghĩ điều ấy rất đúng đắn. Khi yêu
một người, ta phải học cách thương người đó, như thế tình yêu mới bền lâu. Tác
giả đưa ra những lập luận mà tôi thấy rất hay: “Quên người mình yêu đã khó,
quên một người mình từng thương còn khó hơn”, “Nếu ví tình yêu là cơn mưa rào
mùa hạ đến bất ngờ và hối hả, thì có lẽ thương chính là những cơn mưa phùn giữa
mùa đông, ngấm vào lòng từng nỗi buồn lạnh ngắt”, “Yêu có thể mất đi, nhưng
thương thì còn mãi. Hết yêu có thể quên nhưng hết thương, lòng ta vẫn day dứt
mãi không thôi” hay “Nếu chỉ yêu ai đó, ta sẽ coi tình yêu là cái cớ ích kỷ để
chiếm hữu và đặt vào họ những kỳ vọng lớn lao. Nhưng khi thương họ rồi, ta sẽ
tự ngăn mình lại trước khi nói ra một lời gây thương tổn, cảm giác của họ sẽ
được đặt trên tất thảy những ham muốn và kiêu hãnh của bản thân”. Tôi chưa yêu
ai bao giờ, tôi vẫn chưa biết yêu là gì, còn thương là gì, nó ra sao, thế nào.
Có lẽ, đó là hai cung bậc cảm xúc của tình yêu. Người ta có yêu mới có thương.
Yêu một người đã khó, bởi “Suy cho cùng, chúng ta đang yêu ai đó hay chỉ yêu sự
hào nhoáng bề ngoài của họ? Khuôn mặt xinh đẹp khi trang điểm, áo quần là lượt
với nước hoa thơm lừng, cử chỉ nhã nhặn và duyên dáng. Tôi nghĩ rằng, không
điều gì trong những thứ ấy đủ để giữ chân một người khi họ muốn rời đi. Dù
chúng ta có chỉn chu, tốt đẹp hay hoàn hảo đến đâu, ngoài kia sẽ luôn có những
người làm được nhiều điều hơn thế. Chỉ có sự chân thành, cái nắm tay dịu dàng
thay lời an ủi, tiếng cười trong trẻo trước những chuyện đùa, chỉ những điều
như thế mới đủ khiến tình yêu không nỡ bỏ rơi ta”, học cách thương một người
còn khó hơn.
- Tình yêu năm 17
tuổi và năm 25 tuổi rất khác nhau
Thật vậy, “Khi còn trẻ, ta mải miết
chạy theo thứ tình cảm ngông cuồng khiến mình bỏ lại lý trí sau lưng. Rồi đến
lúc trái tim đã thấm mệt sau muôn vàn bão tố, ta biết rằng mình chỉ cần ai đó
để tựa vào vai lúc cuối ngày, cùng lắng nghe một bản tình ca”. Tuổi 17, ta mơ
về một tình yêu màu hồng, thậm chí là mơ hồ. Ta yêu bất chấp, yêu khờ dại, yêu
không lý trí bởi “Tuổi trẻ là một cung đường đầy những trải nghiệm của niềm vui
và hạnh phúc, của đổ vỡ và rạn nứt, của tin tưởng và thất vọng, của lạc mất và
tìm thấy”. Nhưng rồi, khi trái tim đã thấm mệt, ta chỉ cần có ai đó để tựa vào
những lúc mệt mỏi hay cùng người đó vượt qua bão tố cuộc đời. Ta lo vun vén cho
hạnh phúc gia đình và đã hiểu thương một người là thế nào. Tôi đã từng mơ về
một hạnh phúc như thế. Người tôi yêu sẽ dắt tay tôi đi đến cuối con đường hạnh
phúc, sẽ đồng hành với tôi trong suốt cuộc hành trình. Nhưng đến bây giờ, tôi
vẫn chưa thực hiện được. Cho đến bây giờ, khi tôi đã sống gần nửa đời người,
tôi cần sự thực tế hơn là mơ mộng. Tôi cần ai đó yêu thương tôi thật lòng.Tôi
cần một bờ vai, một vòng tay ấm áp, chỉ thế thôi! Trái tim vẫn chỉ là trái tim
thôi, đôi lúc mệt mỏi thì ta lại cần bình yên. “Thì ra, thứ giữ chân một người
không phải là những lời thề non hẹn biển mà là ánh mắt kiên định đến cùng,
không phải nụ hôn chớp nhoáng mà là vòng tay ôm dịu dàng, nhẫn nại. Thì ra, an
toàn mới là cảm giác gây nghiện nhất và bình yên mới chính là nơi người ta muốn
dừng chân sau vạn nẻo đường dài”. Và bình yên chính là bến đỗ của hạnh phúc, là
kết quả của một tình yêu. “Đâu là thời điểm thích hợp nhất để kết hôn? Đó chính
là khi bạn nhận ra, bạn và người ấy đã cùng đi qua những ngày đẹp nhất và tệ
nhất, chẳng còn lý do gì để hai người không tiếp tục bên nhau”.
- Chúng ta thực ra
đều giống nhau, mang trong lòng muôn nỗi cô đơn, đợi mãi một ai đó chịu đứng
lại lắng nghe mình
Ta sống giữa một biển người nhưng ta
vẫn thấy cô đơn. Bởi chẳng ai thực sự hiểu ta và ta không biết nên làm bạn với
ai. Thế giới càng rộng lớn, con người càng cô đơn. Tìm được một người bạn đã
khó, tìm một người hiểu mình càng khó hơn. Đôi khi, ta cô đơn trong chính thế
giới của mình. Cũng như tình yêu, đôi lúc ta khó mở lòng mình ra để yêu một ai
đó, bởi sự ích kỷ, tính toán hay đã tổn thương quá nhiều. Ta cứ luẩn quẩn trong
cô đơn. Dòng đời vội vã, con người chẳng chịu dừng lại để lắng nghe, để thấu
hiểu nhau. Chỉ có những người thật lòng yêu thương ta, quan tâm đến ta mới lắng
nghe những gì ta nói, ta mới trải lòng cùng họ.
Có hẹn với bình yên mang một ý nghĩa đặc biệt. Cuốn sách đã cho ta suy ngẫm về tuổi thanh xuân, tuổi trẻ của mình, đặc biệt là tình yêu. Có người hụt hẫng, cũng có người tiếc nuối về khoảng thời gian ấy. Riêng tôi, cuốn sách ấy đã cho tôi sự trải nghiệm cái cảm giác yêu một người là thế nào, một cảm giác mà tôi chưa từng trải qua. “Khi chúng ta còn trẻ, chúng ta không thể tránh khỏi sai lầm. Nhưng người ta trưởng thành không phải nhờ thời gian, mà bởi những nỗi đau và những lần vấp ngã. Nếu không vấp ngã, làm sao chúng ta học được cách đứng dậy và đi tiếp? Và nếu chúng ta sống mà chưa từng hối tiếc lấy một lần, biết lấy gì để nhớ về thanh xuân? Bởi vậy, hãy cứ sống và cứ mơ, cứ khóc rồi cứ cười, cứ đi lạc rồi tìm đường quay trở lại, cứ tô lên bức tranh tuổi trẻ của mình thật nhiều màu sắc rực rỡ. Đến một ngày, bạn sẽ thấy những khó khăn mà mình đã trải qua xứng đáng vô cùng”.
Tác giả: [Nguyễn Thị Yến Ngọc]
Nếu bạn yêu thích bài viết này, hãy ấn nút Like của bài viết trên website và chia sẻ đến cộng đồng nhé!
--------
Tham gia cuộc thi The Reader Next Door để chia sẻ những cuốn sách hữu ích cho cộng đồng tại: https://bit.ly/31a65xY
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị và các cuộc thi về sách tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn