Sáng tạo không phải
là khả năng thiên phú, nó là một kỹ năng, mà nếu đã là kỹ năng thì đều cần phải
mài giũa thường xuyên. Hơn nữa, mục đích của sáng tạo là giải quyết các vấn đề
và đổi mới, vì thế các content creator cần phải nắm vững thuần thục nền tảng chuyên
môn của mình và tiến hành bùng nổ kỹ năng sáng tạo đó. Sẽ có rất nhiều việc trước
mắt cần phải làm, và một trong số ưu tiên đó chính là đọc cuốn Content hay nói thay nước bọt, biên soạn
bởi MediaZ.
Sơ lược về content marketing
Content marketing là một khái niệm còn rất mới. Từ xưa
đến nay, con người vẫn thường xuyên thực hiện các hoạt động content marketing,
tuy nhiên họ không nhận ra điều đó. Content marketing được thực hiện một cách
vô thức, bởi vậy hiệu quả đạt được chưa thực sự cao.
Các nghiên cứu khám phá ra bản chất của content
marketing có thể coi là một bước đột phá trong hoạt động tiếp thị. Càng khám
phá sâu, các nhà tiếp thị càng có thêm nhiều chiến thuật để chiến dịch
marketing của mình đạt được hiệu quả cao. Vậy content marketing là gì? Đây là một
khái niệm còn rất mới mẻ. Hiện nay chưa có nguồn tài liệu nghiên cứu chính thống
nào về content marketing để có thể đưa ra định nghĩa học thuật sát nhất, tuy
nhiên có thể sử dụng định nghĩa content marketing từ Content Marketing
Institute – nơi đào tạo và tư vấn cho người làm truyền thông về nghệ thuật và
các hoạt động thực tiễn của content marketing.
Content marketing là một phương pháp marketing có tính
chiến lược, tập trung vào việc xây dựng các nội dung hữu ích, phù hợp và nhất
quán, nhằm thu hút và giữ chân một nhóm công chúng riêng biệt để đưa họ tới hoạt
động nào đó giúp phát sinh lợi nhuận.
Content hiện hữu khắp mọi nơi, không bị giới hạn bởi bất cứ định dạng nào. Mọi thứ được viết ra, nói ra hay vẽ ra đều là content, thậm chí những ý tưởng nảy sinh trong đầu đều có tiềm năng trở thành content sau này. Content len lỏi trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, không ngoại trừ tiếp thị. Nó đặt ra cho các doanh nghiệp bài toán về một chiến dịch content marketing có hiệu quả. Hoặc là thương hiệu của doanh nghiệp sẽ đi vào lòng người tiêu dùng, hoặc là họ sẽ bị khách hàng từ chối.
Bài toán content
marketing
Đây chắc chắn là một bài toán không hề đơn giản. Trong
quá trình giải quyết bài toán này, một số cản trở có thể xuất hiện và nó buộc
doanh nghiệp phải vận dụng tối đa nguồn lực sáng tạo của mình.
Cản trở đầu tiên là khối lượng content khổng lồ “ập tới”
khách hàng mục tiêu mỗi ngày. Họ không chỉ là khách hàng mục tiêu của một doanh
nghiệp duy nhất mà là của rất rất nhiều doanh nghiệp. Điều này khiến khách hàng
không thể nhớ được toàn bộ những gì họ thấy, và dần dần sẽ khiến họ rơi vào trạng
thái nghẽn mạch (ad clutter).
Tâm lý “Lại quảng cáo à?” cũng là một trở ngại không dễ
vượt qua. Nó khiến cho công chúng ngày càng kỹ tính hơn với content. Họ sẽ tiếp
cận content cùng sự sàng lòng khắt khe hơn. Và nếu content của doanh nghiệp bị
quy kết thành PR, quảng cáo thì có nghĩa là doanh nghiệp đã phải nhận “thẻ
vàng” từ phía khách hàng. Không một doanh nghiệp nào muốn như vậy cả.
Thách thức của những người làm content marketing không chỉ là tạo ra content đều đặn để duy trì tương tác với công chúng mà còn phải lựa chọn đúng thông điệp và xây dựng hướng tiếp cận phù hợp để thông điệp đó có thể nhẹ nhàng đi vào tâm trí của công chúng mục tiêu để khiến họ cảm thấy hài lòng. Và tất nhiên, content marketing cũng phải tạo ra giá trị ngược cho doanh nghiệp. Để có thể xây dựng một chiến dịch content marketing, doanh nghiệp phải tốn một khoản chi phí nhất định, bởi vậy chiến dịch đó phải giúp doanh nghiệp được yêu thích hơn, được công chúng biết đến rộng rãi hơn hoặc giúp họ bán được nhiều sản phẩm hơn.
Đó cũng chính là vai trò của content marketing trong đời sống và truyền thông.
- Có thể truyền tải được tâm tư của sản phẩm – dịch vụ
- Dễ dàng tiếp cận công chúng
- Hình thành cộng đồng
- Làm cuộc sống “màu sắc” hơn
Content creator là ai?
Đó là một chàng trai hoặc một cô gái “Đa Zi Năng”.
Tùy vào đặc thù của mỗi tổ chức mà content creator sẽ phải
đảm nhận những công việc khác nhau. Content không có giới hạn, bởi vậy người phụ
trách nó cũng sẽ không có giới hạn công việc. Biên tập video; Viết; Kế hoạch
truyền thông; Chạy event;... và rất rất nhiều việc không tên, đều có thể là nhiệm
vụ mà một content creator sẽ phải làm.
Tính chất công việc không giới hạn đòi hỏi content creator phải trang bị cho mình một bộ các kỹ năng để có thể đáp ứng được yêu cầu
đặt ra.
Một content creator xuất sắc phải có kỹ năng quan sát tốt
bằng cả 5 giác quan, bởi quan sát sẽ giúp anh ấy có cái nhìn đa chiều về việc
tiếp nhận, thu thập thông tin khách quan. Cái tài của một content creator giỏi
thể hiện ở việc anh ấy có thể nhìn ra những góc cạnh khác nhau của những sự vật
đơn giản.
Là người Việt nhưng không phải ai cũng dùng Tiếng Việt
chuẩn xác. Nói sai, viết sai ngữ pháp, “xai trính tã” là chuyện không hiếm gặp.
Một content creator không được phép phạm phải sai lầm đó. Nếu anh ấy viết sai,
công chúng có thể tiếp nhận sai và ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng bởi content đó. Vì
thế, kỹ năng đọc – viết ngôn ngữ của content creator phải được trau chuốt kỹ
càng.
Tư duy hình ảnh cũng là một kỹ năng không thể thiếu của một content creator giỏi trong thời đại ngày nay. Đây là thời đại của “Truyền thông thị giác” (Visual Communication), những ấn phẩm đẹp mắt thường sẽ có khả năng thu hút công chúng mạnh hơn. Một content creator sẽ phải nghĩ cách thiết kế sao cho content của mình đẹp mắt.
Và kỹ năng quan trọng bậc nhất mà bất cứ content creator nào cũng cần phải có chính là kỹ năng sáng tạo. Một công việc không có
giới hạn đòi hỏi người phụ trách nó phải có một kỹ năng không có giới hạn tương
ứng. Và còn gì lý tưởng hơn kỹ năng sáng tạo? Sáng tạo không có giới hạn và
cũng không phải là khả năng bẩm sinh. Tất cả chúng ta đều có thể rèn luyện.
Một số kỹ năng mềm khác mà content creator nên trau dồi
để có thể đạt được thành công trong công việc như kỹ năng quản lý thời gian, kỹ
năng làm việc nhóm, kỹ năng sử dụng tin học,....
Tôi là người mới bắt đầu nên không biết phải xây dựng kế hoạch
content như thế nào
Đừng lo, vì Content
hay nói thay nước bọt sẽ hướng dẫn bạn điều đó. Các content creator giỏi
cũng đều xuất phát từ con số 0, tuy nhiên họ khác với những người bình thường ở
thái độ học hỏi và chăm chỉ rèn luyện. Thành công của họ khiến chúng ta cảm thấy
“gato”, nhưng liệu ta có biết rằng, để đạt được thành công đó, họ đã phải trau
dồi, học tập rất nhiều.
MediaZ sẽ dẫn dắt bạn từng bước xây dựng kế hoạch
content thông qua cuốn sách này. Bạn chỉ cần chăm chỉ rèn giũa kỹ năng và thực
hành thật nhiều.
Để xây dựng một bản kế hoạch content phải thông qua 3
bước cụ thể, có mối liên quan chặt chẽ với nhau.
Trước tiên, bạn cần phải chắc chắn có một brief trong tay, nếu không mọi thứ đằng sau sẽ đi chệch hướng, và bạn – một content creator – sẽ phải tốn nhiều sức hơn. Brief là một tài liệu dưới dạng văn bản gồm những thông tin cơ bản nhất về yêu cầu của đối tác hoặc cấp trên. Nó sẽ giúp content creator trả lời câu hỏi “Đang cần làm cái gì?”, từ đó có được phương án phù hợp để triển khai kế hoạch tiếp theo. Brief sẽ định hướng sự sáng tạo của content creator, vì vậy một brief tốt đóng vai trò rất quan trọng.
Có brief trong tay, content creator có thể tiến hành bước
tiếp theo đó là đặt bút thiết kế nội dung. Tuy nhiên trước khi viết, hãy nhớ
một điều quan trọng: Đừng viết bừa, hãy nghiên cứu kỹ thông tin. Đầu tiên, content creator cần phải nghiên cứu kỹ sản phẩm, dịch vụ và thương hiệu bởi nó
sẽ là những thông tin xuất hiện trong content mà doanh nghiệp mong muốn truyền
tải tới khách hàng. Sau đó, bạn phải tiến hành nghiên cứu ở tầm rộng hơn một
chút, tức là sẽ phải có những quan sát về thị trường, ngành hàng và đối thủ cạnh
tranh. Cuối cùng, hãy quan sát phía công chúng mục tiêu và insight của họ. Đây
là những người mà content của bạn muốn truyền đạt, càng hiểu rõ về họ, bạn càng
có được một content chất lượng. Insight có thể hiểu đơn giản là động cơ bên
trong khách hàng, yếu tố có khả năng thôi thúc khách hàng mua sản phẩm của
doanh nghiệp, nếu bạn hiểu được động cơ này thì bạn có thể tìm được cách để tác
động gián tiếp vào nó.
Có định hướng thông qua brief, có những nghiên cứu sơ bộ về công chúng mục tiêu, bạn hoàn toàn có thể tiến hành bước cuối cùng đó là lập kế hoạch content. Một kế hoạch content tốt cần phải có những yếu tố sau:
- Tổng hợp thông tin. Bản kế hoạch cần xác định được mục tiêu và những tìm hiểu ban đầu về công chúng mục tiêu.
- Phát triển kế hoạch. Kế hoạch cần phải triển khai qua một số khâu thiết yếu như: Xây dựng thông điệp truyền thông; Phát triển concept và idea; Dựng ấn phẩm cụ thể; Chọn kênh truyền thông; Ngân sách.
- Lập kế hoạch thực hiện. Bao gồm: Đưa ra các quy chuẩn cụ thể; Lên danh sách các chủ đề khai thác; Xác định các loại ấn phẩm content; Lên danh sách các kênh truyền thông; Lên timeline hoạt động.
- Kiểm tra. Bạn cần trả lời câu hỏi: “Mình có làm tốt không?” bằng việc so sánh kết quả với mục tiêu ban đầu. Để so sánh khách quan, bạn cần dùng đúng công cụ đo lường. Để chọn đúng công cụ đo lường, hãy nhìn lại mục tiêu ban đầu để biết được mình cần đo cái gì. Cuối cùng, hãy lập báo cáo tổng kết để ghi lại quy trình triển khai kế hoạch content marketing của mình.
Hãy nhớ rằng: “Mọi thiên tài đều bắt đầu từ chữ A”.
Content writing
Content writing là gì? Đó là viết, viết và viết.
Không phải ai cũng có kỹ năng viết. Một chàng trai lãng
tử hoa văn chưa chắc đã viết văn hay và ngược lại, một ông sinh viên kỹ thuật
khù khờ có khi lại làm thơ cực giỏi. Viết là một kỹ năng, mà đã là kỹ năng thì
ai cũng có thể rèn luyện.
Câu hỏi muôn thuở đặt ra cho nghề viết: “Ý tưởng nơi
đâu?”. Nhiều khi một cây bút phải sống chết với ý tưởng của mình.
Để có ý tưởng, bạn phải thường xuyên lao động (rèn luyện
sáng tạo), đồng thời học cách tích lũy để tìm ra những ý tưởng mới nhất, tốt nhất
cho content và thoát khỏi vòng luẩn quẩn.
Ý tưởng có thể đến từ rất nhiều nguồn. Content creator
có thể tích lũy ý tưởng từ mọi thứ mà anh ấy gặp hàng ngày như trên mạng xã hội,
trong các diễn đàn, các cuộc nói chuyện hàng ngày, qua phim ảnh, tạp chí. Thậm
chí “hóng chuyện” cũng có thể đem lại ý tưởng. MediaZ tóm gọn những nguồn ý tưởng
này trong cụm từ: “chịu khó quan sát” và “lượm lặt thông tin hàng ngày”.
Content creator cũng có thể lưu trữ ý tưởng bằng các chức
năng lưu trữ trên mạng xã hội, trên máy tính, điện thoại. Đôi khi trong cuộc sống,
nhiều lúc ý tưởng bất chợt đến, anh ấy có thể sử dụng những thứ “ngay và luôn”
như sổ tay, nghĩ ra gì thì ghi luôn vào đấy. Trong một lần diễn show tại Tokyo,
Charlie Puth đã phải ghi âm thật nhanh đoạn ý tưởng về giai điệu của mình vào
chiếc iPhone sau cuộc trò chuyện với một người bạn. Và đó chính là những giai
điệu sơ khai nhất của ca khúc nổi tiếng We
don’t talk anymore.
Ý tưởng có xung quanh chúng ta, và một content creator xuất sắc là người có khả năng nắm bắt và triển khai các ý tưởng ấy thành một thứ có ý nghĩa.
Khi viết content, các content creator thường gặp
phải 3 sai lầm phổ biến.
Sai lầm đầu tiên là anh ấy đã quá vội vã bắt tay vào viết,
viết ngay và luôn trước khi hiểu sản phẩm. Một điều chắc chắn là người đã có trải
nghiệm, cảm nhận về sản phẩm sẽ viết khác với người chưa từng chạm vào sản phẩm
hoặc chỉ tìm hiểu sơ qua. Bài viết của ai xuất sắc hơn? Câu trả lời quá rõ
ràng.
Tham lam khi đưa quá nhiều thông điệp vào bài là sai lầm
thứ hai mà các content creator hay mắc phải. Sẽ hiệu quả hơn nếu bài viết hàm chứa đầy đủ các thông điệp chủ chốt của sản phẩm. Trong
nhiều trường hợp, nếu đưa quá nhiều thông điệp vào bài viết, khách hàng sẽ cho
rằng doanh nghiệp đang tâng bốc sản phẩm của mình. Sự tin cậy sẽ bị giảm sút, bởi
chẳng ai muốn tin vào một người thích nói ba hoa khoác lác cả.
Sai lầm cuối cùng thường thấy là content creator viết
bài chỉ cho anh ta đọc, không viết cho công chúng. Đó là những bài viết viết ra
những gì mà doanh nghiệp có thay vì những gì công chúng cần. Ngôn ngữ được sử dụng
nên là ngôn ngữ của công chúng, thể hiện tính cách của thương hiệu.
Bạn không thể viết theo phong cách Otofun “Mời các cụ
xem hàng” để mời chào những sản phẩm, dịch vụ B2B. Tương tự, không nên viết
“Chúng tôi trân trọng kính mời Quý anh chị” để mời nhóm teen, người trẻ đến dự
sự kiện EDM (Electronic Dance Music) được.
Hãy lưu ý:
- Don’t tell, just show!! (Đừng nói. Hãy chứng minh!!)
- Khi viết, PHẢI căn cứ vào sản phẩm, tính cách thương hiệu và công chúng mục tiêu.
Một số lỗi nhỏ khác mà các content creator cũng có thể
gặp như sai chính tả, bài viết lộn xộn, diễn đạt chưa logic,.... Tuy nhiên, hãy
tin tưởng một điều rằng những lỗi này sẽ rất ít gặp phải khi bạn đã có chút kinh
nghiệm, và nếu muốn có kinh nghiệm, hãy tích cực trau dồi, rèn luyện.
Landing page content
Nếu để ý một chút, bạn sẽ thấy trong bản mô tả công việc
mà nhà tuyển dụng gửi cho các ứng viên content creator thường có nhiệm vụ viết
bài landing page. Đây là một khái niệm mới.
Trong các chiến dịch marketing và quảng cáo, landing page là một trang web đơn được thiết kế để dẫn dắt và thuyết phục người đọc cho một mục tiêu tập trung duy nhất. Dựa theo mục tiêu chuyển đổi, landing page được chia ra làm 3 loại chính:
- Landing page thu thập khách hàng tiềm năng
- Landing page bán hàng
- Landing page trung gian chuyển đổi
Làm sao để xây dựng một landing page thành công? MediaZ tổng hợp thành 3 nguyên tắc:
- Bắt đầu với một mục tiêu cụ thể. Nó trả lời cho câu hỏi: “Công chúng vào page để làm gì?” Mục tiêu cụ thể không chỉ giúp content trên landing page tập trung hơn mà nó còn giúp content creator tự định hướng được cách thức triển khai Call To Action (CTA) (Kêu gọi hành động).
- Một landing page dài bao nhiêu là đủ? Có rất nhiều tầng lớp công chúng, nếu chỉ cần một cái landing page chưa chắc đã đủ. Doanh nghiệp cần phân loại khách hàng mục tiêu thật chính xác và xây dựng landing page phù hợp cho từng nhóm đối tượng ấy.
- Mỗi chữ đều có “bổn phận” của nó. Các yếu tố trong landing page không hề độc lập mà bổ trợ cho nhau để cùng tạo ra kết quả cuối cùng. Một phần không tốt sẽ gây ảnh hưởng tới cả page, những phần còn lại sẽ trở nên chẳng có ý nghĩa gì.
Landing page là một khái niệm còn mới mẻ và công việc
viết bài landing page cũng vậy. Để có thể hiểu rõ hơn về khái niệm đó, bạn phải
tích cực tìm hiểu và nắm bắt nền tảng của nó. Và Content hay nói thay nước bọt sẽ là một sự lựa chọn đáng tin tưởng
cho độc giả.
Chạm đến cảm xúc của khách hàng
Nếu content không khiến cho khách hàng phát sinh cảm
xúc (dù là cảm xúc tích cực hay tiêu cực) thì xin chúc bạn may mắn lần sau,
khách hàng sẽ chẳng quan tâm tới content đó đâu.
Bài toán đặt ra cho các content creator là: Làm sao để xây dựng một content chạm tới cảm xúc của khách hàng?
Bí quyết đầu tiên là “Kết hợp visual với copy”. Visual
là hình ảnh, còn copy là chữ. Hãy kết hợp hai yếu tố này. Một thông điệp sẽ
truyền tải trọn vẹn ý nghĩa nếu kết hợp được visual và copy. Không chỉ giúp cho
copy được hình ảnh hóa, visual còn giúp cho copy trở nên dễ nhớ hơn. Và để kết
hợp được hai yếu tố này, một content creator thường sẽ bắt đầu với key message
(thông điệp chủ đạo). Anh ấy sẽ vẽ ra giấy từ khóa đó theo ý hiểu của mình, sau
đó liên kết từ khóa chính tới những sự vật, sự việc tương ứng để chốt visual
ưng ý. Cuối cùng, anh ấy chỉ cần hoàn thiện phần copy là đã có được một sự kết
hợp hoàn hảo.
Story-telling là bí quyết hữu ích thứ hai. Bí quyết
này còn được gọi là nghệ thuật kể chuyện. Sức mạnh của một câu chuyện đối với
thương hiệu được thể hiện khi câu chuyện đó có thể khiến những thông tin khô
khan nhất trở nên thú vị và có sức sống hơn, gắn kết con người với con người,
con người với sự vật. Công chúng có thể quên những gì doanh nghiệp nói, cũng có
thể quên những gì doanh nghiệp làm, nhưng họ sẽ khó có thể quên được những cảm
xúc mà doanh nghiệp mang lại cho họ.
Một bí quyết hữu ích không kém mà doanh nghiệp có thể sử
dụng để content của mình chạm tới cảm xúc khách hàng chính là sử dụng video content. Không giống như các loại nội dung khác, video content có khả năng mang
lại những trải nghiệm thật hơn cho người xem. Chuyển động, âm thanh, hình ảnh
trong video có thể kích thích các giác quan của khách hàng, giúp câu chuyện trở
nên sinh động hơn.
Và bí quyết cuối cùng, cũng là bí quyết mà bất cứ content creator thành công nào cũng đều phải sở hữu, chính là sự sáng tạo bùng
nổ.
Hiểu sai về sáng tạo, bạn sẽ tự trói mình trong suy
nghĩ tự ti, nhỏ bé và không dám thoát ra để thay đổi.
Nếu bạn tự thấy kỹ năng sáng tạo của mình chưa tốt, bạn
nên luyện tập. Ai cũng có thể sáng tạo, không kể già trẻ gái trai.
Bản thân bạn là người duy nhất quyết định phát triển khả
năng sáng tạo của mình. Hãy nhớ rằng sáng tạo không cần thời gian, nó cần sự tập
trung.
Kết
“Mạch máu” của một content creator chính là khả năng
sáng tạo. Thiếu sáng tạo, anh ta sẽ chết, bởi nếu không có sự sáng tạo, anh ta
sẽ không thể tìm đâu ra ý tưởng cũng như phương hướng triển khai ý tưởng ấy.
Chính vì vậy, cuốn sách Content hay nói
thay nước bọt đã nhắc đi nhắc lại một luận điểm, nhắc rất nhiều lần:
Sáng tạo về bản chất cũng là một kỹ năng, mà đã là kỹ
năng thì cần được rèn luyện và mài giũa thường xuyên.
Ai cũng có khả năng sáng tạo, chẳng qua là chúng ta có muốn rèn luyện nó không hay thôi. Nhưng với content creator thì khác, muốn thành công, điều kiện cần là phải thực sự sáng tạo.
Tiêu đề của cuốn sách này chính là một sự sáng tạo “đẳng
cấp” của đội ngũ biên soạn đến từ MediaZ. Chúng ta có thể gặp danh từ “Nước bọt”
trong các giáo trình Sinh học, nhưng chưa bao giờ thấy nó trong tiêu đề của một
cuốn sách viết về kỹ năng cả. Nó là một danh từ hàm chứa nghĩa bóng một cách đầy
tinh tế. Vậy có thể hiểu Content hay nói
thay nước bọt như thế nào?
“Chỉ cần content hay, chẳng cần nói gì khách hàng cũng
tự hiểu!”.
Tác giả: DO
______________
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật
các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy
Bạn đam mê viết lách, yêu thích đọc sách
và muốn lan toả văn hoá đọc tới cộng đồng của YBOX.VN? Đăng ký để trở thành
CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv
(*) Bản quyền bài viết thuộc về
Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ
“Tên tác giả - Bookademy”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều
không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
Cuốn sách "Content Hay Nói Thay Nước Bọt" biên soạn bởi MediaZ là một cuốn sách khuyến khích người đọc phát triển kỹ năng sáng tạo của mình thông qua việc nắm vững nền tảng chuyên môn và tìm cách tiếp cận vấn đề một cách đổi mới. Cuốn sách cũng đề cập đến những thách thức mà content creator phải đối mặt trong quá trình tạo ra nội dung. Với lượng lớn content được tạo ra hàng ngày, khách hàng mục tiêu trở nên khá khó tính và dễ bị quá tải thông tin. Cuốn sách khuyến khích người đọc tìm hiểu kỹ về sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu và người tiêu dùng để xây dựng nội dung chất lượng.