Đây là tác phẩm của André Aciman được viết vào năm 2007. Tuy thời gian ra mắt đã lâu nhưng cuốn sách Call me by your name - Gọi em bằng tên anh vẫn nhận được sự đón nhận nồng nhiệt, nhất là khi bộ phim chuyển thể từ tác phẩm công chiếu năm 2017. Lấy bối cảnh tại vùng nông thôn miền Bắc nước Ý năm 1983, câu chuyện kể về Elio và mối tình thời niên thiếu của cậu cùng với anh chàng sinh viên cao học – Oliver. Mối tình ấy chỉ vỏn vẹn kéo dài trong vòng sáu tuần vừa non nớt vừa thầm lặng, nhưng đó cũng chính là quá trình giúp Elio bước trên con đường tìm được bản thân và trưởng thành từng ngày. Cả câu chuyện tràn ngập cái nắng mùa hè qua từ ngữ diễn tả quan cảnh thơ mộng của nước Ý. Nếu dành ra hai từ để miêu tả tác phẩm này, tôi chỉ có thể cảm thán nói rằng: mùa hè và quyến rũ.

“Gặp sau!”- Mở đầu cho câu chuyện tình yêu 

“Gặp sau!” Hai chữ đó, giọng nói đó, thái độ đó.

Trước giờ, tôi chưa từng nghe ai dùng hai chữ “gặp sau” để tạm biệt. Nó có vẻ khắc nghiệt, cụt lủn, xua đuổi, thốt lên với sự bất cần ẩn giấu của những người không quan tâm là sẽ gặp lại hoặc nghe tin về ta nữa hay không.

Đó là điều đầu tiên tôi nhớ về anh, và đến tận hôm nay tôi vẫn còn nghe câu đó. Gặp sau!

...

Bạn thấy đó, tôi nghĩ đây sẽ là cách anh tạm biệt chúng tôi khi tới lúc. Sẽ là hai chữ Gặp sau! Ẩu tả, cộc cằn.

Từ giờ tới đó là sáu tuần lễ, chúng tôi sẽ phải chịu đựng anh ta.

Oliver lần đầu xuất hiện với vẻ ngoài phóng thoáng đậm chất “Mỹ”, đặc biệt là anh hay dùng từ “gặp sau” kết thúc cuộc trò chuyện. Đối với Elio - cậu bé 17 tuổi thông minh, thì ấy giống như sự thiếu tế nhị biết nhường nào!

Từ đó Oliver để lại cho cậu một ấn tượng không mấy đẹp đẽ! Nhất là khi anh đã nhiều lần dùng cách này để trò chuyện cùng cậu, mà điều này như dội nước lạnh vào một cậu trai trẻ đang trưởng thành và nhạy cảm như Elio. Nhưng cũng chính điều này khiến Elio phải lưu tâm, cậu cảm thấy Oliver như thể có ác cảm mình. Đối với một chàng trai vẫn chưa tiếp nhận sự cọ sát xã hội thì rõ ràng hành động ấy - dù là hữu ý hay vô tình vẫn khiến Elio cảm thấy thiếu an toàn và không thoải mái. 

Chính điều này đã làm Elio đặc biệt chú ý đến anh chàng Mỹ Oliver nhiều hơn, kể từ ngày đầu tiên anh ở lại nhà cậu, Elio đã quan sát anh: ngắm nhìn anh trên bàn ăn, trông thấy sợi dây chuyền ngôi sao của người Do Thái - cậu bắt đầu suy nghĩ về điều này, bởi Elio cũng sở hữu một sợi dây chuyền giống vậy, như thể giữa anh và cậu bắt đầu xuất hiện mối liên kết khó nói nào đó. Kể từ ấy, Elio cảm thấy tâm tư bản thân dần dần hướng đến Oliver, nhẹ nhàng và chậm rãi mà chính Elio cũng không hề hay biết. Cậu ngờ vực trái tim của mình, thắc mắc chẳng biết điều ấy bắt đầu từ khi nào... 

Có lẽ chuyện bắt đầu không lâu sau khi anh tới, ngay giữa một trong những bữa ăn trưa thê thảm đó. Anh ngồi xuống cạnh tôi, và rốt cuộc tôi nhận ra rằng, dù làn da anh có hơi rám nắng sau ít ngày ở Sicily mùa hè đó, màu da lòng bàn tay anh cũng xanh xao, mỏng mảnh như làn da ở lòng bàn chân, hầu, dưới cánh tay – những chỗ này không bị phơi ra nắng nhiều, gần như màu hồng nhạt, lấp lánh và trơn láng như bụng thằn lằn. Kín đáo, trong sáng, non tơ, giống như màu ửng hồng trên gương mặt một vận động viên hoặc thoáng bình minh sau một đêm giông bão. Bấy nhiêu cho tôi biết nhiều điều về anh mà tôi sẽ chẳng biết hỏi thế nào. 

Có lẽ chuyện bắt đầu trong những giờ bất tận sau buổi ăn trưa, lúc mọi người thơ thẩn trong những bộ đồ tắm cả bên trong và ngoài ngôi nhà, thân thể nằm ườn ra khắp nơi, giết thì giờ cho tới khi ai đó rốt cuộc đề nghị chúng tôi xuống chỗ rặng đá để bơi. Họ hàng, anh em họ, láng giềng, bạn, bạn của bạn, đồng nghiệp hoặc đơn giản là bất kỳ ai gõ cửa nhà chúng tôi rồi hỏi mượn sân quần vợt – ai ai cũng được chào mời vào thơ thẩn và bơi và ăn và được dùng cả căn nhà nghỉ, nếu họ ở lại đủ lâu. 

Hay có lẽ chuyện bắt đầu trên bãi biển. Hoặc ở sân quần vợt. Hoặc trong lúc chúng tôi đi bộ cùng nhau lần đầu vào cái ngày đầu tiên, lúc tôi được nhờ dẫn anh đi xem nhà và chung quanh, và việc này dẫn tới việc kia, tôi đã đưa anh qua cánh cổng bằng sắt rèn cũ xưa đến tận bãi trống bát ngát ở khu đất heo hút gần với dọc đường ray xe lửa bỏ hoang từng nối B. với N. 

...

Anh có muốn xem toa tàu không? “Có lẽ để sau.” Thái độ dửng dưng lịch sự, cứ như anh nhận thấy lòng sốt sắng sai chỗ của tôi nhằm làm vui lòng anh, và đẩy tôi ra xa một cách ngắn gọn.

Nhưng tôi lại đau.

Quả thực, Elio đã trải qua rất nhiều những chuyến đi, những cuộc vui bên cạnh Oliver, có lẽ những trải nghiệm mùa hè ấy khiến cho mối tình non trẻ, mới lớn ấy lại càng đơm nở nhiều hơn! Lặng lẽ quan sát từng biểu cảm, sắc mặt, thái độ của Oliver trở thành thói quen của cậu: Elio nhận ra cậu yêu thích làn da rám nắng, hồng hào, bóng láng và khỏe mạnh của anh. Từ chi tiết ấy ta thấy rõ ràng cậu là một người tinh tế, từng chi tiết nhỏ cậu đều đưa ra nhận định biểu lộ sự kiềm chế nỗi khao khát anh.

Elio càng thể hiện nhiều sự quan tâm đối với vị khách mới, ta lại càng thấy tình yêu của cậu lớn dần theo từng ngày. Tuy bản thân Elio thắc mắc từ khi nào tình cảm của mình lại vượt lên sự kiểm soát của bản thân, nhưng đồng thời cũng vô tình khẳng định cậu luôn khảm vào lòng về những khoảnh khắc bên anh chàng người Mỹ này. Ngây ngô! Khiến bất kì ai đọc chi tiết này cũng làm họ bỗng chốc trở thành những “Elio” - nhớ về tuổi thanh xuân nào đó, bên một ai đó, trải qua những giây phút ‘mập mờ’, ý tình như thế. 

Nhưng trả lời lại sự nhiệt tình của Elio, Oliver tỏ ra hời hợt, tránh né và lại dùng “có lẽ để sau” để kết thúc cuộc trò chuyện với cậu. Nếu ban đầu Elio đối với lời nói này là sự khó chịu, khó chấp nhận, thì giờ đây với cậu ấy là nhát dao, là thủy tinh rỉ vào da thịt cậu, làm buốt nhói xúc cảm trong Elio. 

Nó làm tôi phấn khích và tự hào, rõ ràng là anh quan tâm – anh thích tôi. Vậy thì đâu có gì khó khăn như tôi tưởng. Nhưng rồi lúc nói xong, tôi quay sang đối mặt, nhìn vào mắt anh thì lại gặp cái nhìn chằm chằm lạnh lùng, buốt giá – cái ánh mắt ngay lập tức thành ra hằn học và trơ trơ gần như là ác độc. 

Tôi hoàn toàn mất hứng. Tôi đã làm gì nên nỗi để bị như vậy? Tôi muốn anh lại tử tế với tôi, cười với tôi như vài ngày trước ở chỗ đường tàu hoang phế, hay khi tôi giải thích cũng trong buổi chiều đó rằng B. là thị trấn duy nhất ở Ý nơi corriera, tuyến xe buýt nội vùng có Chúa phù hộ, chạy suốt mà không bao giờ dừng lại. Lập tức anh bật cười và nhận ra lời ám chỉ mập mờ tới cuốn sách của Carlo Levi. Tôi thích cách tâm trí chúng tôi dường như song hành với nhau, cách chúng tôi lập tức suy ra được từ ngữ mà người kia chực nói, nhưng rốt cuộc lại giữ lại.

...

Tôi nghĩ, tốt hơn cả là hãy tránh xa anh ra. Nghĩ rằng tôi đã suýt phải lòng vì làn da trên bàn tay, trên ngực, bàn chân anh chưa từng chạm vào một mặt phẳng thô ráp nào từ xưa đến giờ – và cặp mắt anh, khi ánh mắt kia, cái ánh mắt dịu dàng nhìn vào bạn nhiệm màu như sự Phục sinh vậy. Bạn sẽ chẳng thể nào nhìn lại đủ lâu, nhưng cần phải nhìn lại để tìm cho ra tại sao bạn lại không thể. Tôi hẳn đã trao cho anh cái liếc mắt nguy hại tương tự. 

Hai ngày ròng, chúng tôi bỗng nhiên chẳng chuyện vãn gì với nhau. 

Trên bao lơn dài chung của cả hai phòng ngủ chúng tôi diễn ra sự tránh né cùng tận: câu chào, thời tiết tốt nhỉ, những lời tán gẫu hời hợt.

Khi đã đơn phương, họ chỉ mong tình cảm của mình được hồi đáp, và Elio - cậu bé đang đắm chìm trong cảm xúc hỗn độn trước thái độ “sáng nắng chiều mưa” thất thường của Oliver, cậu đã hy vọng anh thích cậu giống như cậu đang đối với anh. Với một người trẻ như Elio, việc có được sự chú ý, nhất là những người lớn là điều vô cùng phấn khích, và Oliver - trong lúc Elio nói chuyện anh đã chăm chú nhìn cậu, cậu đã tin rằng ấy là dấu hiệu của tình yêu. Nhưng không! Cậu cảm nhận được ánh mắt ấy không hề là sự thiện ý - theo cách nghĩ của cậu và trong đầu Elio, ánh mắt ấy như tố cáo sự chán ghét của anh đối với cậu. Elio hụt hẫng, lo lắng mình đã làm gì sai với anh mà lại phải hứng chịu điều này, con tim nhạy cảm của Elio hoang mang và lo sợ trước ánh mắt ‘khác thường’ ấy!  

Chính sự hiểu lầm xuất phát từ sự nhạy cảm của cậu bé 17 tuổi này, bằng cách hiểu nào đó từ hai phía, họ tránh mặt nhau. Thế nhưng Elio vẫn vậy, vẫn chú ý anh từ xa, vẫn thầm theo dõi Oliver qua vài câu chào hỏi xã giao. Bởi có lẽ một khi đã đằm mình vào ngọn lửa tình ấy thì liệu kẻ nào lại cưỡng lại được nhu cầu yêu thích và quan tâm đến đối phương.

Tôi đứng dậy, bước vào phòng khách, để cửa sổ mái mở cho anh nghe tôi chơi bài đó trên đàn piano. Anh theo tôi đến giữa quãng và, tựa vào khung gỗ cửa sổ, nghe một lát.

“Cậu đổi rồi. Không phải bản đó. Cậu đã làm gì vậy?”

“Tôi chỉ đánh theo cách Liszt sẽ chơi nếu ông ta cải biên nó.”

“Đánh lại lần nữa đi mà!”

Tôi thích cách anh giả vờ bực tức. Nên tôi bắt đầu đánh bản đó lần nữa.

Sau một lúc: “Tôi không tin nổi, cậu lại đổi nữa rồi.”

“À thì đâu có bao nhiêu. Đây là cách Busoni chơi, nếu ông ta cải bản của Liszt.”

“Cậu không chơi nhạc Bach theo đúng như Bach đã soạn được hay sao?”

...

Tôi biết chính xác đoản khúc nào trong bản nhạc rõ ràng là đã khiến anh chú ý ở lần đầu, và mỗi lần tôi đàn, tôi như đang gửi cho anh một món quà nhỏ, bởi vì nó thực sự là dành riêng cho anh, như một biểu tượng cho điều gì đó rất đẹp đẽ trong tôi mà không cần phải thiên tài mới nhận ra, và điều đó thôi thúc tôi thêm vào một đoạn độc tấu nữa. Chỉ dành cho anh.

Chúng tôi – và hẳn anh đã nhận ra tín hiệu khá lâu trước tôi – đang tán tỉnh nhau.

Lát sau trong buổi tối đó, tôi ghi vào nhật ký của mình: Lúc tôi nói rằng tôi tưởng anh ghét bản nhạc, tôi đã phóng đại. Điều tôi muốn nói là: Tôi tưởng anh ghét tôi. Tôi đã hi vọng anh sẽ thuyết phục tôi tin điều ngược lại – và anh đã làm vậy, một lát. Cớ gì sáng hôm sau tôi lại không tin? 

Con người anh là vậy, tôi tự nhủ sau khi thấy anh bật từ lạnh lùng sang tươi vui

Elio xuất hiện bằng trẻ tuổi nhiệt huyết cùng với tài năng và sự thông minh, một thiếu niên 17 tuổi, cậu có thể chơi nhạc cụ thành thục, biên soạn nhạc theo phong cách của từng nhạc sĩ. Cả đoạn trích này như một phép thử, Elio muốn thử xem Oliver có thật sự ghét cậu như cậu đã nghĩ không hay cậu đã sai. Và có lẽ Elio đã có câu trả lời cho mình! Cậu biết Oliver thích đoạn nhạc của theo phong cách của Bach, nhưng Elio đã ‘chọc tức’ anh bằng cách chơi bản nhạc ấy theo nhiều phong cách khác nhau. 

Từ đầu tới cuối, Oliver dù tỏ ra không vui nhưng lại không gắt gỏng với cậu, anh kiên nhẫn chỉ để lắng nghe một khúc nhạc cậu đàn, thậm chí là toàn bộ sự nghiêm túc. Cuộc đối thoại của hai người theo cách nào đó, thực sự là những lời tán tỉnh nhau - vừa nghệ thuật vừa hàm ý. Qua đây, Elio cũng trở nên bạo dạn hơn, cậu sẵn sàng tỏ thái độ thách thức với Oliver để thăm dò tâm tình của anh, dám đùa giỡn với điều anh mong mỏi, và cậu dám đối mặt với anh, xem những khúc nhạc cậu đàn như món quà dành riêng cho Oliver. Như thể cậu đã hoàn toàn chấp nhận tình cảm của bản thân, trước đó ta thấy Elio chưa thực sự đối diện với điều này, cậu chưa từng tấn công anh mỗi khi chỉ hai người, nhưng giờ đây cậu đã vượt khỏi vòng an toàn. Nhờ cuộc trò chuyện này mà cả hai lại có thể quay lại như trước và Elio cũng đã có được câu trả lời cho sự mông lung trước đây của cậu: Oliver chưa hề ghét cậu. 

Sau lần ấy, khi ở sân chơi bóng Oliver đã giúp cậu nhóc bóp vai, hành động này vô tình khiến Elio không kịp phản ứng, tim cậu tựa tiếng trống đang liên hồi đập mạnh. Song, cậu cũng mong muốn được nhận nhiều hơn, khao khát được cảm nhận cơ thể đẹp đẽ của anh, mơ về sự hòa quyện cùng anh... Đối với tình cảm đang dạt dào nảy nở trong lòng, Elio thắc mắc về sự “loạn nhịp” của bản thân. Cậu chẳng thể ngờ tình cảm ấy đã tiến chuyển đến mức khiến cậu xao xuyến, rộn ràng nơi lồng ngực, khiến cậu trăn trở mỗi đêm chẳng thể yên giấc được. Elio tựa như loài thiêu thân chỉ muốn nhào vào đám lửa, sẵn sàng phát điên vì tình yêu này. Mà Oliver trở thành chất gây nghiện, khiến Elio đã có lại càng muốn nhiều hơn, quấn quýt không rời. 


“Nếu không phải bây giờ thì khi nào”

 “Elio ơi?”

“Sao?”

“Cậu đang làm gì vậy?”

“Đọc.”

“Làm gì có.”

“Vậy thì đang nghĩ.”

“Nghĩ gì?”

Tôi muốn nói với anh chết đi được.

“Bí mật,” tôi đáp.

“Vậy là cậu không kể à?”

“Vậy là tôi sẽ không kể.”

“Vậy là người đó sẽ không kể,” anh lặp lại một cách trầm ngâm, như thể đang giải thích với ai đó về tôi.

Elio mê đắm Oliver nhưng chúng ta liệu có tưởng tượng ra rằng thực tế Oliver cũng mê đắm Elio không? Bằng chứng là qua đoạn đối thoại này, từng chút từng chút hiện rõ cho ta thấy anh cũng dành cho Elio những cái quan sát âm thầm. Nếu không làm sao anh biết cậu không hề chú tâm đọc, Oliver đeo cái kính râm đâu có nghĩa anh chỉ đang hưởng thụ. Có lẽ do lời văn qua giọng kể của Elio nên ta chỉ thấy được tình cảm dạt dào từ phía cậu, những nhận định về anh từ cậu, ta chưa thực sự đi vào nội tâm của Oliver, chưa hề hiểu anh đang nghĩ gì, đang mong muốn điều nào, có giống điều cậu đang nghĩ không? 

Ta không biết, nhưng qua cuộc đối thoại kia, ta nhận ra ấy là sự quan sát song song, họ thực sự dành sự chú tâm cho nhau, nhưng có lẽ vì nỗi sợ thầm kín, vì nỗi băn khoăn khó lý giải mà họ né tránh nhau. Elio chẳng dám nói cho Oliver nghe tâm tư của mình, và Oliver đã khao khát được biết đến mức nào, khao khát lớn đến nỗi anh đã vờ như đang giải thích cho ai đó về Elio khi cậu không nói cho anh biết, như thể giấu đi sự thật rằng anh đã mong được tìm hiểu Elio nhiều đến nhường nào!

Elio cảm nhận được điều ấy, như một món quà quý giá, như bao người khác mong muốn đối phương chủ động với mình. Elio cũng vậy, cậu đón nhận điều ấy, dù không rõ nỗi lòng anh như cậu đã thực sự vui mừng. Cứ nghĩ mà xem! Ta sẽ thật hạnh phúc khi trong mối quan hệ, có một người lùi và có một người tiến, và ở đây Elio và Oliver cũng vậy, họ nhịp nhàng phối hợp dù chưa là gì của nhau.

Có lẽ ngay cả những người khác cũng mộng tưởng gì đó hơn bình thường về anh, mỗi người che giấu và bày tỏ theo cách riêng. Tuy vậy, không như kẻ khác, tôi là người đầu tiên bắt gặp những lúc anh từ bãi biển đi vào vườn, hoặc những lúc bóng dáng mơ hồ chiếc xe đạp của anh, mờ mờ trong làn sương giữa chiều nhú ra từ lối đi dọc hàng thông dẫn vào nhà chúng tôi. Tôi là người đầu tiên nhận ra bước chân anh khi anh tới rạp phim trễ một đêm nọ và đứng đó chờ chúng tôi, im thít cho tới khi tôi quay sang, biết rằng anh rất vui sướng vì tôi đã bắt gặp anh. Tôi nhận ra anh nhờ tiếng bước chân anh lên cầu thang ra bao lơn hoặc trên chiếu nghỉ ngoài cửa phòng ngủ của tôi. Tôi biết khi anh dừng lại bên ngoài cửa sổ áp mái của tôi, như thể đang phân vân nên gõ cửa hay chăng, rồi nghĩ lại, và bước tiếp. Tôi biết đó là anh đang chạy xe đạp nhờ tiếng chiếc xe trượt một cách tinh quái xuống con dốc sỏi dài và vẫn lao đi khi lốp không còn bám chút nào, rồi lại dừng một cách thình lình, mạnh bạo, với chút gì đó dõng dạc voilà trong cái cách anh phi xuống.

Tôi luôn cố giữ anh trong tầm mắt mình. Tôi không khi nào để anh trượt khỏi tôi trừ khi anh không ở cạnh tôi. Và khi anh không ở cạnh, tôi không quan tâm mấy chuyện anh làm gì lâu thế, bởi anh vẫn chính là con người ấy với kẻ khác cũng như với tôi. Đừng để anh là ai khác khi anh ở xa. Đừng để anh là ai đó tôi chưa từng gặp. Đừng để anh có cuộc đời khác chứ không phải cuộc đời anh sống với chúng tôi, với tôi.

Đừng để tôi mất anh.

Tôi biết tôi không cách chi giữ anh, không có gì để cho đi, không có gì để mồi chài anh.

Tôi không là gì.

Chỉ là một thằng nhóc.

Elio trải lòng mình, đối với cậu Oliver đã trở thành tình yêu khó có thể dứt ra. Cái chăm chú của cậu dành cho anh cũng càng thêm mạnh mẽ, chẳng khi nào Elio rời mắt khỏi Oliver, dù là biển người tấp nập cậu vẫn có thể nhận ra anh. Cách Elio thể hiện tình yêu vừa e dè, rụt rè lại vừa nồng nhiệt, cháy bỏng, liệu có ai lại âm thầm từng chút một xem người ấy đã về nhà chưa, cảm nhận từng giọt âm thanh, tiếng bước chân của Oliver vào phòng hay lắng tai nghe anh dừng lại trước cửa, định gõ cửa hay không! Cậu nhóc sợ rằng cậu không thể nắm bắt được Oliver, nhất là khi giờ đây anh đã quen biết với một số người trong cái thị trấn nhỏ bé này, liệu bao nhiêu cô gái sẽ “ngã gục” trước vẻ đẹp tự do, phóng khoáng của anh, liệu sẽ bao nhiêu người “xếp hàng” trước sự thông thái của anh? Elio sợ hãi, sợ rằng rồi đây bản thân sẽ chẳng còn hiểu được anh, sẽ vụt mất anh hay thậm chí chính Oliver sẽ trở thành một con người khác, một con người mà cậu sẽ chẳng biết đến, cứ thế từ từ anh sẽ trở nên xa vời với cậu. Nhất là khi có sự xuất hiện của Chiara, Elio lại càng thêm lo lắng, ngộ nhỡ anh sẽ đem lòng yêu cô gái này thì phải chăng cậu sẽ mất đi tất cả, mất đi anh và tình yêu vẫn chưa nói thành lời...

Elio quyết định hành động, cậu bắt đầu kể về thân hình của Chiara cho Oliver nghe và ngược lại, kể về thân hình của Oliver cho cô nàng nghe, trở thành kẻ tệ hại chuyên nói xấu cả hai người họ cho đối phương nghe. Chúng ta hiểu được Elio tại sao như vậy, vì lòng đố kỵ, ích kỷ, nhất là khi Oliver là mối tình đã “khắc cốt ghi tâm” của cậu. Sau đó, Elio chuyển sang ‘đóng vai’ tác hợp, tự biến bản thân thành quân tốt, trở thành đồng minh, kẻ đồng lõa với họ. Để dù không có được tình yêu thì Oliver vẫn phải xem cậu như người giúp đỡ anh, buộc anh vào thế xem cậu như ân nhân. Nhưng qua sự việc này ta cũng thấy rằng cậu bé Elio đã mạnh mẽ đến nhường nào, vì cuối cùng cậu vẫn dừng lại việc nói xấu hay thúc đẩy quan hệ giữa Oliver với một cô gái nào đó. Ngay cả khi Oliver “cầu cứu” muốn mượn chiếc xe đạp của Elio cho một cô gái, cậu đã gật đầu ngay lập tức và giây tiếp theo cậu nhảy nhào về phòng, khóc nức nở trong gối, sự tổn thương ấy Elio đã xử lý bằng cách tự ôm nỗi đau, tự chịu đựng và giữ cho mình một phong thái ung dung trước Oliver. 

Cậu quyết định trả đũa Oliver, khi đi cũng Marzia - cô bạn cùng thị trấn của Elio, cậu đã cùng cô bơi đêm và một đêm khó quên…

“Tụi con suýt nữa là làm tới rồi,” tôi nói với cả bố tôi và Oliver sáng hôm sau lúc chúng tôi dùng điểm tâm.

“Mà tại sao con lại không?” Bố tôi hỏi.

“Ai biết.”

“Cố gắng rồi thất bại còn hơn...” Oliver nửa giễu cợt, nửa an ủi với cái câu cũ rích ấy. “Con chỉ cần lấy can đảm mà chìa tay ra và chạm vào, thì em ấy đã chịu rồi,” tôi nói, một phần là nhằm gạt đi chỉ trích từ hai người nhưng một phần cũng nhằm chứng tỏ khi nói tới chuyện tự giễu mình thì tôi tự chủ được liều lượng, cảm ơn nhiều. 

Tôi đang khoe khoang.

“Sau này cố lần nữa,” Oliver nói. Đây là điều mà những người ổn với bản thân họ làm. Nhưng tôi cũng cảm nhận được rằng anh đang nói tới gì đó mà không chịu để lộ ra, có lẽ bởi có gì đó hơi băn khoăn đằng sau cái câu ngớ ngẩn dù rằng có ý tốt của anh sau này cố lần nữa. Anh đang chỉ trích tôi. Hoặc trêu chọc tôi. Hoặc nhìn thấu tôi.

Tôi bị đau khi rốt cuộc anh nói phứt ra. Chỉ có người đã hoàn toàn thấu hiểu tôi mới nói như vậy. “Nếu không sau này thì khi nào?”

Như một cách để chứng tỏ bản thân không vì tình yêu đối với anh mà dằn vặt nữa, càng không để vì tình yêu ấy mà đánh mất đi cơ hội của bản thân, Elio hy vọng vào một tình yêu mới. Hay đối với Elio, được trải nghiệm với người mới có thể là sự che giấu - như lớp ngụy trang đi sự thật rằng cậu yêu anh vô vàn. Và Elio đã hy vọng sau khi nói ra anh sẽ có một phản ứng khác, nghiêm trọng hơn, chứ không phải là sự thờ ơ. Elio đã ngỡ rằng một cô gái mới có thể giúp cậu ít yêu Oliver lại nhưng đối diện trước thái độ của anh chỉ làm Elio đau đớn hơn. 

Một buổi tối nọ lúc đang đọc sách trong phòng đọc của bố, tôi gặp câu chuyện về một chàng hiệp sĩ trẻ đẹp si mê một nàng công chúa. Nàng cũng yêu chàng, dù rằng nàng có vẻ không hoàn toàn nhận biết điều ấy, và dù tình bạn nảy nở giữa họ, hoặc có lẽ vì chính tình bạn ấy, chàng thấy mình sao quá đỗi hèn mọn và nghẹn ngào bởi sự trong trắng đến đáng sợ của nàng, đến nỗi chàng hoàn toàn không thể nói lên được tình yêu của mình. Một ngày kia chàng thẳng thừng hỏi nàng: “Nói ra hay chết quách đi thì tốt hơn?”

Câu chuyện này khiến Elio liên tưởng đến vấn đề của chính bản thân mình, Oliver và Elio, về hai kẻ yêu nhau nhưng không dám thổ lộ. Nhưng tôi tự hỏi, liệu có thật rằng công chúa không nhận ra hay chính nàng đã trả lời cho câu hỏi ấy: Có lẽ không nên nói ra, vì đã nói rồi liệu tình cảm đã gắn kết hai người có còn bền chặt? Oliver có lẽ cũng hiểu được vấn đề này và anh thầm lường được tình cảm của bản thân sâu nông ra sao. Phải chăng anh cũng mang nỗi phiền muộn như nàng công chúa kia, lẽ nào anh cũng lo sợ sợi dây kết nối hai người sẽ đứt đoạn chỉ vì tình cảm không nên có này! Chúng ta chẳng thể biết được kết cục của nàng công chúa và chàng hiệp sĩ, giống như Oliver đối với mối tình này, anh đâu thể biết được tình cảm Elio dành cho mình là gì, tương lai của cả hai liệu sẽ kéo dài bao lâu. Đối với một người đàn ông trưởng thành, điều này quá mạo hiểm, quá khó khăn nhất là khi thời điểm những năm 1983 thì tình yêu đồng tính vốn không được chấp nhận. 

Rồi ngày đó tới. Chúng tôi ở trong vườn, tôi nói với anh về cuốn tiểu thuyết ngắn mà tôi vừa đọc xong.

“Sách về gã hiệp sĩ không biết nên nói hay là chết quách đi. Cậu có kể rồi.”

Rõ là tôi có kể, và đã quên.

“Phải.”

“Thế nào, hắn biết hay là không biết?”

“Nàng bảo, nói ra thì tốt hơn. Nhưng nàng cảnh giác, nàng cảm thấy như có bẫy.”

“Rồi hắn có nói không?”

“Không, hắn lảng tránh.”

“Biết mà.”

Oliver chờ đợi chàng hiệp sĩ trả lời ra sao, và khi đọc qua chi tiết này ta như cảm giác được cái thở phào nhẹ nhõm của Oliver khi biết chàng hiệp sĩ không thể nói ra. Oliver hiểu rõ việc anh và cậu đến với nhau kết quả chỉ là ‘được ăn cả ngã về không’, và nếu cố chấp đuổi theo thì cả hai chỉ nhận lấy tổn thương. Rõ ràng anh không hề muốn vì mình mà khiến Elio phải hối hận. Nhiều người khi đọc xong cuốn sách cho rằng Oliver không yêu Elio nhiều như cậu yêu anh, nhưng khi nhìn lại thì tình yêu của Elio khá bồng bột, hoàn toàn chìm đắm và không nhường chỗ cho lý trí, nhưng ở Oliver anh mang suy tư của kẻ tri thức và đặc biệt anh là người đã trưởng thành, anh có lý trí của bản thân.


Gò vẽ của Monet – Khi hai kẻ si tình đối diện với tình yêu

“Sao cái gì cậu cũng biết hết vậy?”

Tôi nhìn anh. Đây là khoảnh khắc của tôi. Tôi có thể nắm lấy nó hoặc để mất nó, nhưng dù chọn cách nào thì tôi biết mình sẽ chẳng bao giờ vượt qua được. Hoặc tôi có thể hả hê vì lời khen của anh – nhưng rồi sống hối tiếc mọi điều khác. Đây có lẽ là lần đầu trong đời tôi nói chuyện với một người lớn mà không tính trước điều mình sắp nói. Tôi quá căng thẳng, chẳng tính toán được gì.

“Tôi không biết gì cả, Oliver. Không gì hết.”

“Cậu biết nhiều hơn bất kỳ ai trong vùng này.”

Tại sao anh đáp lại giọng điệu gần như bi kịch của tôi bằng một câu tâng bốc nhạt thếch như vậy?

“Giá mà anh biết rằng tôi biết rất ít về những điều thật sự quan trọng.”

Tôi đang đi xuống nước, không phải để chìm hay để bơi vào chốn an toàn, chỉ là đứng yên chỗ, bởi vì sự thật là thế này – ngay cả khi tôi không thể nói ra sự thật hoặc gợi ý về nó, tôi dám thề là nó nằm quanh chúng tôi thôi, giống như cách ta nói về một cái vòng cổ rớt mất khi ta bơi: Tôi biết nó ở đâu đó dưới kia. Ước gì anh biết, giá mà anh biết được rằng tôi đang cho anh cơ hội để suy ra từ những điều đã biết, và hiểu được tất cả.

“Những điều gì mới quan trọng?”

Có phải anh đang không thành thật?

“Anh biết điều gì mà. Tới lúc này thì hơn ai hết, anh nên biết mới phải.” Im lặng.

“Tại sao cậu nói với tôi tất cả những chuyện này?”

“Bởi tôi nghĩ anh nên biết.”

“Bởi cậu nghĩ tôi nên biết.” Anh chậm rãi nhắc lại câu đó, cố hiểu trọn nghĩa, cứ lật đi lật lại, lần nữa bằng cách lặp lại những chữ ấy. Tôi biết là tình thế đang gay go.

“Bởi vì tôi muốn anh biết,” tôi buột miệng. “Bởi vì tôi chỉ có thể nói với một mình anh thôi, không ai khác.”

Đó, tôi nói ra rồi.

Lời ấy có ý nghĩa chăng?

Toàn bộ cuộc đối thoại như sự ngưng động, ngưng động để lặng nghe con tim Elio đang đập loạn đến mức nào. Cuối cùng cậu cũng đã nói lên điều cất giấu bấy lâu nay, điều mà ta ngỡ Elio sẽ chẳng có cơ hội nào để nói. Trong từng câu nói của Elio chứa đựng đâu đó sự trách móc, vì sao đã để cậu chờ đợi, vì sao lại khiến cậu đau đớn, vì sao làm cậu rơi vào hoàn cảnh như vậy? Như thể Oliver là người đem đến cho cậu toàn bộ những bức rức, những phiền não và giờ đây cậu không cam lòng khi chỉ một mình cậu chịu đựng. Đó là lòng tham khi con người ta đắm đuối trong tình yêu, không hẳn là cầu sự đáp trả, chỉ là họ cảm thấy bất công khi phải chờ đợi dù rõ ràng đối phương thấu hiểu nỗi lòng mình. Giờ đây, giây phút này, cậu đã nói ra điều cần nói, thổ lộ nỗi niềm mà cậu gậm nhấm suốt bấy lâu nay không phải để nghe câu từ chối hay cái gật đầu đồng ý. Elio chỉ nói, vì nó khiến lòng cậu nhẹ tênh, nói ra để trút đi gánh nặng nơi đáy lòng. Và Oliver, một lần nữa lại tránh né lời tỏ tình của cậu, tránh né cảm xúc của cậu. Hơn ai hết ai hết anh hiểu tình cảm của Elio, mà tình cảm ấy giờ phút này đều phụ thuộc vào sợi dây tinh thần của Oliver, hoặc là giữ vững tâm trí ban đầu hoặc là phải đầu hàng vì cậu.

Anh nhìn thẳng vào mặt tôi, như thể anh thích gương mặt tôi và muốn ngắm nghía nó và để kéo dài việc ấy anh đưa ngón tay cầm lấy môi dưới của tôi rồi đưa sang trái sang phải rồi phải rồi trái nhiều lần trong khi tôi nằm đó, nhìn anh cười, nụ cười làm tôi sợ rằng bất cứ gì cũng có thể xảy ra lúc này và chẳng còn thể quay lại được nữa, sợ rằng đây là cách anh hỏi và đây là cơ hội để tôi từ chối hoặc nói gì đó và chần chừ, để tôi vẫn có thể đấu tranh với chính bản thân mình, bởi chuyện đã đến mức này – ngoại trừ việc tôi chẳng còn thời gian nữa, bởi anh đã áp môi vào miệng tôi, một cái hôn ấm áp, hòa giải kiểu tôi-sẽ-gặp-cậu-ở-giữa-chặng-đường-không-hơn cho tới khi anh nhận ra sự đáp lại của tôi nghèo nàn tới mức nào. Tôi ước gì mình biết hôn như anh. Nhưng đam mê cho phép chúng tôi che giấu nhiều hơn, và giây phút ấy ở gò vẽ của Monet, nếu tôi có ước ao che giấu tất cả mọi thứ về bản thân trong nụ hôn ấy, tôi cũng quá mong quên nó đi bằng cách chìm đắm vào nó.

“Khá hơn chứ?” Sau đó anh hỏi.

Tôi không trả lời, nhưng ngẩng mặt lên ngang mặt anh và hôn anh lần nữa, gần như cuồng dại, không phải bởi vì tôi tràn đầy đam mê hay thậm chí vì nụ hôn của anh vẫn thiếu cái nhiệt tình mà tôi tìm kiếm, nhưng bởi tôi không chắc nụ hôn ấy đã thuyết phục tôi tin vào bất cứ gì về bản thân mình. Thậm chí tôi không chắc được là mình đã thích nó nhiều như mong đợi, và cần phải thử lần nữa, để kiểm tra lại bài kiểm tra bằng hành động của mình. Tâm trí tôi chuyển sang nghĩ tới những điều thế tục nhất. Phủ nhận nhiều vậy sao?

Lớp phòng bị cuối cũng của Oliver cuối cùng cũng vỡ. Dù trong lòng có bao nhiêu ý nghĩ ‘không được phép’ nhưng anh đã không từ chối Elio, dù luôn miệng bảo rằng ấy là sai trái nhưng anh không kiềm lòng được mà hôn cậu. Cái nhìn của anh dành cho Elio là cái nhìn của một gã si tình mê mẩn người tình của gã, mà ánh mắt ấy chất chứa bao cái nồng nàn, dịu dàng và trân trọng, anh sợ mất đi khoảng thời gian đẹp đẽ này biết bao! Mà Elio trong thời khắc này đã hưởng thụ nụ hôn của người mình yêu, gò vẽ trở thành nơi đánh dấu cho bước tiến mới của cậu, Elio muốn biết rốt cuộc bản thân yêu anh đến chừng nào... Giống như con nít, khi trông thấy kẹo thì ‘mê lấy mê để’, nhưng khi nếm phải rồi thì chưa hẳn ấy là cục kẹo mình muốn. Thực tế, không hẳn Elio thất vọng trước nụ hôn với Oliver, cậu chỉ đang không rõ ấy có thực sự là xúc cảm cậu đang tìm không, huống hồ Oliver chính là mối tình khiến Elio trưởng thành hơn, bản thân anh chính là ‘cột mốc’ của cậu.

Tôi nên học cách tránh anh, cắt đứt từng mối ràng buộc như một bác sĩ phẫu thuật thần kinh cắt tách từng neuron, từng ước ao cháy bỏng, thôi đi ra vườn sau, thôi nhìn trộm, thôi vào thị trấn buổi đêm, như kẻ nghiện mỗi ngày cai đi một ít, mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút, mỗi giây còn vật vã. Có thể làm được. Tôi biết chuyện mình chẳng có tương lai. Giả như anh vào phòng tôi đêm nay. Hay tốt hơn là tôi uống vài ly rồi vào phòng anh mà nói trắng ra cái sự thật vào mặt anh, Oliver: Oliver, tôi muốn anh chiếm lấy tôi. Ai đó phải làm vậy, và người đó có thể là anh. Sửa lại: tôi muốn đó là anh. Tôi sẽ cố để không phải là bạn tình tệ nhất đời anh. Hãy làm với tôi như anh muốn làm với bất kỳ ai anh mong là sẽ chẳng bao giờ tái ngộ. Tôi biết nói thế này chẳng lãng mạn chút nào nhưng tôi bị rối như bòng bong nên tôi cần tới biện pháp mạnh. Nên cứ làm vậy đi.

Giá mà Oliver có câu trả lời nào cho mối quan hệ của cả hai, điều này như đẩy cậu bé Elio vào hố đen mờ mịt, anh luôn tỏ ra tử tế và ân cần nhưng cậu lại chẳng biết ấy có phải là yêu không? Giống như kẻ chết đuối cố giữ lấy sợi dây mà chẳng biết sợi dây chắc chắn hay không vậy! Elio trở nên sợ sệt trước mối quan hệ thiếu rõ ràng này, cậu muốn tìm cho mình lối thoát thay vì vật vã vì cái tình cảm mãi mãi không đến với mình. Elio dần dần tách xa Oliver, nhưng hẳn là quá khó khăn, bởi tình yêu càng sâu đậm thì lại càng khó dứt mà Oliver như một lực hấp dẫn, Elio càng tránh anh thì lại càng va sâu vào đấy!

Rõ ràng là vậy! Elio tự mình tách xa Oliver nhưng đồng thời đã miên man nghĩ về anh cả đêm. “Tình yêu” vốn là căn bệnh mà “đơn phương” lại càng là căn bệnh khó trị, chúng ta ghét nó, ghét cái cảnh phải chịu đựng sự vô tâm của kẻ còn lại, ghét cái việc phải theo đuổi ai đó dù trước đấy ta đã từng dặn lòng hàng ngàn lần. Nhưng vốn là vậy, đã yêu thì rất khó giữ lại lý trí dù biết nếu yêu bằng toàn bộ trái tim ta dễ dàng tự tổn thương chính mình hơn. Mạch truyện điểm rõ cho ta thấy tâm hồn của một thiếu niên, đang ‘quơ quào’ trước hai ngã rẽ, tiếp tục hay dừng lại, dù nói ra nhưng chẳng có hồi âm, dù thẳng thắn bày tỏ nhưng chỉ nhận sự tránh né. Elio không muốn bản thân trở thành kẻ bị lụy nhưng cậu đâu biết rằng cậu đã dần chìm vào cái bi lụy ấy tự lúc nào không hay!

Không lời đáp. Cô bé đang nhìn về phía không có ánh mặt trời lặn.

“Anh thích anh ấy, phải không?”

“Ừa,” tôi nói.

“Anh ấy cũng thích anh, em nghĩ là nhiều hơn anh thích anh ấy.”

Vimini - cô bé hàng xóm, cô bé đã hấp dẫn Oliver bằng sự hồn nhiên và trong sáng, có lẽ vì thế mà anh đã nói cho Vimini biết về bí mật anh đã giấu suốt bao lâu qua. Elio sau khi nghe thấy những lời nói ấy, cậu đã có bao nhiêu ngỡ ngàng, đã thích cậu vì sao anh không nói, vì sao lại khiến cậu trở nên khổ sở đến vậy! Lời tiết lộ của Vimini đã trở thành sự cứu rỗi, xảy ra ngay khi Elio đang muốn bỏ cuộc nhất, xuất hiện ngay khi cậu chẳng còn thể chờ đợi được nữa, như thể ông trời đã quyết cho cậu phải tiếp tục kiên nhẫn với tình yêu này. Thế nhưng trước mặt Elio, Oliver vẫn vậy, dù trước hai người đã hôn nhau, đã ve vãn nhau qua những lần cọ chân dưới bàn ăn và hôm nay anh lại trưng bộ mặt “chẳng thèm liếc một cái”. Elio hụt hẫng và tìm đến Marzia, một lần nữa tìm cách quên Oliver. Ấy mà lúc Elio hôn Marzia, tâm trí của cậu lại nghĩ về gò vẽ, nghĩ về nơi đã in dấu nụ hôn của cậu và Oliver, và khi đối diện với câu hỏi của cô: Anh thích em thật chứ? Cậu là lơ là nghĩ về lời nhắn muốn gửi đến Oliver...

Trong khi hôn nhau say đắm, và tay chúng tôi đi lạc khắp trên thân thể nhau, tôi lại thấy mình soạn ra lời nhắn mà tôi quyết tâm luồn vào khe cửa phòng anh đêm đó: Không chịu nổi im lặng nữa. Tôi cần nói với anh.

...

Trưởng thành đi chứ! Nửa đêm tôi gặp cậu.

Đó là những gì anh thêm vào dưới dòng của tôi.

Và trước lời phản hồi của Oliver, Elio gần như nhảy cẫng lên vì niềm vui sướng, nôn nóng pha một chút mong chờ. Elio bắt đầu chú ý tới thời gian, nhẩm đếm xem còn bao nhiêu tiếng nữa để được gặp anh. Cậu đã mong chờ giây phút ấy từ lâu, kể từ khi ở gò vẽ hay thậm chí là trước đó, khi ngắm anh uống nước mơ hay ăn trứng chần. Tóm lại, Elio đã chờ đợi khoảnh khắc này từ rất lâu, bây giờ chẳng điều gì có thể ngăn cậu gặp Oliver cả! Elio chờ đợi buổi tối đến, đến mức cậu thầm chán ghét nó, Elio đã vạch ra một lịch trình bận rộn nhằm vờ như không để ý, chỉ khi tâm trí bị phân tâm thì cậu sẽ chẳng phải “lo suy lắng nghĩ” nhiều nữa! 

“Cậu tới tôi mừng quá,” anh nói. “Tôi nghe tiếng cậu đi lại trong phòng, cứ tưởng là cậu đổi ý, chuẩn bị đi ngủ mất rồi.”

“Tôi mà đổi ý à? Tất nhiên tôi tới chứ.”

Thật lạ khi thấy anh vòng vo ngượng nghịu thế này. Tôi đã mong đợi một trận những lời châm chích, bởi thế tôi căng thẳng. Nhưng tôi lại được chào đón bằng lời quanh co, giống như ai đó xin lỗi vì không có thì giờ để mua bánh quy hoặc trà chiều ngon hơn vậy.

...

“Em chắc là muốn thế này?” Anh hỏi, cứ như anh đã ngần ngại đến nay vì nỗi nghi ngờ. Tôi gật lần nữa. Tôi đang nói dối. Lúc đó tôi không chắc được. Tự hỏi khi cái ôm của tôi đã dứt thì bao lâu sau tôi, hoặc anh sẽ chán. Nhanh? Chậm? Ngay bây giờ?

“Mình chưa nói chuyện,” anh nói.

Tôi nhún vai, tức là, Không cần nói. 

Anh đưa hai tay nâng mặt tôi lên, nhìn tôi chăm chú như hôm nọ bên gò vẽ, lần này còn chăm chú hơn, bởi chúng tôi biết mình đã vượt quá giới hạn. “Anh hôn em được chứ?” Hỏi thật lạ, sau cái hôn bên gò vẽ! Hay chúng tôi đã quên sạch quá khứ, đang bắt đầu lại lần nữa?

Tôi không cho anh câu trả lời. Không gật đầu. Tôi liền cúi sang miệng anh, như tôi đã hôn Marzia đêm trước.

...

“Hãy gọi anh bằng tên em, và anh sẽ gọi em bằng tên anh.” Tôi chưa từng làm vậy trong đời, và ngay khi tôi nói tên mình như tên anh, tôi như được đưa vào một cõi mình chưa từng chia sẻ với ai trước giờ, hoặc cả sau này.

Chuyện gì tới sẽ tới, Oliver cũng giống như Elio, hoàn toàn bị cuốn sâu vào mối tình này. Giống cơn lốc xoáy nằm sâu dưới mặt biển êm dịu, sự kiên định cuối cùng của Oliver đã bị phá vỡ. Oliver đã sụp đổ trước Elio, tất cả những sự mạnh mẽ, cứng cỏi giờ đây đã tan biến, anh yêu cậu và anh không thể che giấu điều này thêm được nữa. Anh đã cố làm Elio bỏ cuộc nhưng không thể, cậu cố chấp mà chính bản thân anh cũng chẳng khá hơn. Lý trí mách nhiều lần mách bảo Oliver không nên lún sâu vào mối duyên này, bởi có lẽ anh đã biết rằng nó chẳng thể đến đâu! Nhưng rồi anh lại không thể từ chối, tình yêu là cám dỗ, là mật ngon mà bất cứ con ruồi nào sơ sảy đều có nguy cơ trở thành nạn nhân, mà Oliver – chính là con ruồi bị làm cho điên đảo vì thứ mật ngọt ấy.

Anh yêu Elio, bằng tất cả những gì anh có, bằng toàn bộ cơ thể và cái tên anh – “Call me by your name and I will call you by mine”. Câu thoại ẩn chứa trọn vẹn cảm xúc tình cảm của cả hai con người, họ khát vọng hòa quyện cùng nhau, khát vọng kết nối với nhau và đó trở thành cách họ thể hiện mình yêu đối phương như chính bản thân mình. Qua đó ta thấy Oliver đã thực sự trân trọng Elio nhiều như thế nào, anh luôn miệng hỏi Elio có thích anh làm vậy không? Hay anh có thể hôn cậu không? Như một thái độ nâng niu anh dành cho người mình yêu, dùng toàn bộ sự tử tế mà đối đãi với cậu. 

Trải qua đêm đầu tiên, từ một Oliver tự tin, phóng khoáng biến thành kẻ ngần ngại, lo âu. Anh lo sợ Elio bài xích cái quan hệ mà họ tạo dựng từ tối qua, liệu rằng có phải cậu đang muốn tránh né anh, không thể tiếp tục với mối quan hệ này nữa! Thực ra ta phải hiểu rằng Elio chỉ mới 17 tuổi, sự trải nghiệm của cậu là con số không, mà Oliver là người đầu tiên vượt qua ranh giới, và đặt cậu vào vị trí cậu chưa từng trải qua. Có lẽ với cậu điều này quá mức hổ thẹn và thậm tệ. Và đối với Oliver, anh cũng đã dần hối hận, tự trách lẽ ra anh vẫn nên giữ khoảng cách với Elio, chỉ nên trò chuyện chứ không nên có những hành động vượt xa như vậy. Anh sợ hãi, có lẽ là sợ hãi cậu sẽ lìa xa anh ngay khi anh đã bước vào cái vòng xoáy vô tận chẳng thể quay ra được, liệu cậu có bỏ mặt lại anh bơ vơ giữa cái tình cảm này rồi tự tìm đường thoát thân hay không... Từ đó ta mới thấy rằng câu nói của Vimini là đúng - “Anh ấy cũng thích anh, em nghĩ là nhiều hơn anh thích anh ấy.” Giờ đây, Oliver dằn vặt mà chính Elio cũng dằn vặt, cậu còn quá trẻ, cậu có thể yêu điên cuồng, song cậu cũng sợ hãi việc phải lộ ra toàn bộ tâm tư bản thân cho người yêu thấy. Cậu muốn dành lại cho mình một phần, có lẽ vì không đủ can đảm, hay có lẽ vì cậu cảm nhận được mối nguy trong cuộc tình này...

Tôi là tôi vì anh. Anh là anh vì tôi. Anh là cái ống dẫn bí mật vào chính tôi – giống như chất xúc tác cho phép chúng ta trở thành chúng ta, cái thân thể được ghép, máy điều hòa nhịp tim, mảnh mô ghép, miếng dán gửi đi tất cả những xung nhịp đúng đắn, cái kim ghim thép giữ xương một người lính lại với nhau, trái tim của người đàn ông kia khiến cho chúng ta là chúng ta hơn lúc trước khi phẫu thuật cấy ghép.

Ý nghĩ này đột nhiên khiến tôi muốn buông bỏ mọi thứ tôi sẽ làm ngày hôm nay, để chạy đến với anh. Tôi chờ mười phút, lấy xe ra rồi dù đã hứa là không đi xe hôm ấy, phóng đi qua ngả nhà Marzia, rồi lao lên con đường đồi dốc nhanh hết tốc lực. Khi tới quảng trường, tôi nhận ra mình tới sau anh vài phút. Anh đang dựng xe, đã mua tờ Herald Tribune, và đang đi lại bưu điện – việc cần làm đầu tiên. “Em phải gặp anh,” tôi nói lúc chạy ào tới. “Sao vậy, có gì không ổn à?” “Chỉ là em phải gặp anh.” “Em không chán anh sao?” Em nghĩ em định – em định nói là – và em muốn được – “Chỉ là em muốn được ở bên anh,” tôi nói. Rồi chợt nghĩ: “Nếu anh muốn thì em về vậy,” tôi nói. Anh đứng yên, thõng bàn tay cầm mớ thư chưa gửi, rồi chỉ đứng đó nhìn tôi chăm chú, lắc đầu. “Em có biết là anh vui xiết bao khi mình ngủ với nhau?”

Tôi nhún vai như để xua đi một lời bình phẩm. Tôi không đáng lời bình phẩm nào cả, nhất là do anh nói ra.

“Em không biết.”

“Có vẻ như là em không muốn biết. Anh không muốn hối tiếc bất cứ gì – kể cả điều em không cho anh nói sáng nay. Anh chỉ sợ ý nghĩ là đã làm cho em rối loạn. Anh không muốn ai trong chúng ta phải trả giá cách này hay cách khác.”

Tôi biết chính xác anh đang nói tới điều gì nhưng giả vờ như không. “Em không nói với ai. Sẽ chẳng có rắc rối nào hết.”

“Anh không nói chuyện đó. Chắc chắn là anh sẽ trả giá thế nào đó.” Lần đầu tiên giữa ban ngày tôi bắt gặp một Oliver khác. “Đối với em, dù em có nghĩ gì đi nữa thì cái chính vẫn là chuyện vui chơi thôi, nên như vậy. Còn với anh thì nó là thứ gì khác mà anh chưa hình dung ra.

Không hình dung ra nổi, nên anh sợ.”

“Bộ anh không thích em tới đây?” Có phải tôi đang cố ý đần độn?

“Nếu được thì anh sẽ ôm hôn em ngay.”

“Em cũng vậy.”

Đoạn đối thoại này khiến ta nhận ra, Oliver rốt cuộc đã thổ lộ bản thân yêu Elio nhiều như thế nào! Anh đã chẳng thể là anh như lúc trước, thờ ơ trước cậu nhóc 17 tuổi này nữa, từng câu từng chữ chất chứa là sự níu kéo, là lời yêu khó nói, là tâm tình anh đã cất giấu, là băn khoăn về những suy tư của Elio. Và bản thân Elio cũng nhận ra anh quan trọng đến mức nào đối với cậu, anh chính là cánh cửa để cậu đón nhận ánh dương. 


Liệu mọi cuộc chia ly đều là kết thúc?  

Tôi dậy, lấy một trái đào, ấn ngón cái vào khe cuống, đẩy mở hạt ra đặt lên bàn, rồi nhẹ nhàng đặt trái đào ửng đỏ, lốm đốm lông tơ vào giữa hai chân, bắt đầu ấn vào nó cho tới khi cái ấy của tôi xuyên qua hẳn.

...

Câu chuyện làm tôi nổi hứng tới nỗi suýt nữa tôi đột ngột đạt cực khoái. Cảm giác tôi có thể ngừng lại ngay lúc đó, hoặc chỉ cần một cú trượt nữa tôi sẽ ra, rốt cuộc tôi ra, cẩn thận nhắm vào lõi đỏ của trái đào như một nghi thức thụ tinh vậy. 

Chuyện này thật là điên rồ. Tôi ngửa người ra, hai tay cầm trái đào, mừng vì nước và dịch đều chưa kịp rơi xuống làm bẩn tấm trải giường. Trái đào bầm dập, tả tơi như một nạn nhân bị hiếp nằm nghiêng trên bàn, tủi thẹn, cương nghị, đau đớn, và bối rối, cố giữ thứ tôi đã để lại trong nó. Nó khiến tôi nhớ lại có lẽ dáng vẻ tôi cũng chẳng khác mấy trên giường anh đêm qua sau khi anh vào trong tôi lần đầu tiên.

...

Anh vồ lấy, hôn nó, rồi mở chăn ra, có vẻ ngạc nhiên khi thấy tôi trần trụi. Lập tức anh đưa đôi môi đến nơi mà sáng nay chúng đã hứa hẹn.

Anh thích cái vị dinh dính nọ. Tôi đã làm gì vậy?

Tôi kể với anh, rồi chỉ vào cái tang chứng bị bầm dập nằm trên bàn.

“Để anh xem nào.”

Anh đứng dậy, hỏi tôi có chừa lại cho anh không.

“Nào, anh đâu cần phải làm vậy. Em là người theo đuổi anh, em tìm ra anh, mọi chuyện xảy ra là do em – anh không phải làm vậy.”

“Nhảm nhí. Anh muốn em từ ngày đầu tiên. Có điều anh giỏi giấu hơn.”

“Chứ gì nữa!”

“Dù có gì xảy ra giữa chúng ta, Elio, anh chỉ muốn em biết là đừng bao giờ nói rằng em không biết.” Tình cảm dâng trào là một chuyện. Nhưng lúc này không phải thế.

Anh đang đưa tôi đi cùng anh.

Lời anh nói chẳng có nghĩa gì. Nhưng tôi biết chính xác ý nghĩa ấy.

Tôi đưa lòng bàn tay vuốt ve mặt anh. Rồi không rõ lý do vì sao, tôi bắt đầu liếm mí mắt anh.

“Hôn em đi, khi nó vẫn còn,” tôi nói. Miệng anh có vị của đào và của tôi.

Có lẽ cả câu chuyện đây là một trong những tình tiết được xem là táo bạo nhất. Thế nhưng nó lại không dung tục, mà biểu đạt rõ cái ham muốn trần tục để thể hiện một cách nghệ thuật nhất có thể. Oliver tiết lộ cho ta biết được kể từ gặp Elio, anh đã hoàn toàn rơi vào “lưới tình”, chỉ là anh giấu đi, biến nó câu chuyện chỉ mình anh biết. Đối với Elio, ấy trở thành một hành trình, bộc lộ cảm xúc của cậu, đồng thời hiện rõ sự thay đổi về tâm lý của cậu. Vì sao lúc trước Elio tìm đến Marzia, nhưng thời điểm này cậu lại tìm đến một quả đào, có lẽ cậu đã yêu Oliver, quyết định mở toàn bộ cánh cửa nội tâm cho anh thấy, vì thế cậu chẳng thể để ai chen vào được nữa. Và tình tiết này, đã đánh dấu sự gắn bó và gần gũi giữa hai cá thể, họ không còn kiêng kỵ, không còn ngại ngùng, họ trao cho nhau những cái thật nhất, trần thế nhất. Nếu ở lúc trước, Elio tiến thì Oliver sẽ lùi và ngược lại, cả hai luôn e dè trước mọi bước đi của mình. Nhưng chỉ riêng ở lúc này, cả hai như thể cùng tiến lên trước, can đảm đối mặt, gạt bỏ mọi mâu thuẫn và những tầng cảm xúc lên xuống thất thường.

Anh đang ngồi trên một tảng đá cao, mặc cái áo khoác len sọc trắng và xanh dương kiểu thủy thủ, hàng nút luôn mở dọc vai mà anh đã mua ở Sicily hồi đầu hè. Anh chẳng làm gì cả, chỉ đang ôm gối, nghe tiếng nước róc rách vỗ vào đá bên dưới. Đứng ở hàng rào chấn song ngắm nhìn anh, tôi chợt nghe một cảm giác dịu dàng dành cho anh khiến tôi nhớ lại mình đã háo hức chạy tới B. để bắt kịp anh trước khi anh còn chưa vào bưu điện. Đây là con người tốt đẹp nhất mà tôi từng biết.

Tôi đã kỹ càng khi chọn anh. Tôi mở cánh cổng, đi lướt qua vài tảng đá, tới gặp anh.

“Em đã chờ anh,” tôi nói.

“Anh tưởng em định đi ngủ. Anh cứ ngỡ em không muốn.”

“Không. Vẫn chờ. Em chỉ tắt đèn thôi.”

Tôi nhìn lên ngôi nhà. Mọi cánh cửa sổ đều đã khép.

Tôi cúi xuống hôn lên cổ anh. Đây là lần đầu tiên tôi hôn anh với cảm xúc này, không chỉ là lòng dục. Anh quàng tay ôm tôi. Có ai thấy chăng nữa cũng đâu hại gì.

“Anh đang làm gì?” Tôi hỏi.

“Nghĩ.”

“Về điều gì?”

“Nhiều thứ. Trở về Mỹ. Mấy khóa dạy thu này. Cuốn sách. Em.”

“Em sao?”

“Em sao?” Anh đang nhại lại sự khiêm nhường của tôi.

“Không ai khác?”

“Không ai khác.” Anh im lặng một lúc. “Đêm nào anh cũng tới ngồi đây. Có khi nhiều tiếng đồng hồ.”

“Mỗi một mình anh thôi?”

Anh gật đầu.

Giá mà Elio biết điều này sớm hơn, nhưng có lẽ vì Oliver muốn giấu thì chẳng ai có thể biết được anh đã ngồi ở mỏm đá, hàng tiếng đồng hồ chứ không phải là chơi bài hay vui đùa ở đâu đó trong thị trấn. Có lẽ anh đã nghĩ về Elio, chịu đựng cậu vui vẻ bên Marzia hay khiến bản thân bình tâm trước cảm xúc hỗn độn của mình. Anh ở đó, như thể bất lực trước sự tiến triển ‘lùi không được bước không xong’. Ở hoàn cảnh này ta mới hiểu Oliver đã khổ sở biết bao nhiêu, khi tình cảm chẳng dám nói dù biết đối phương yêu mình khôn siết, khi tất cả đáng lẽ đi đúng quỹ dạo thế nhưng anh đã phá vỡ nó, khi mà tình yêu Elio dành cho anh san sẻ với một cô gái khác. 

“Anh đã nhìn về đó,” anh nói tiếp, chỉ về đường chân trời, “và nghĩ rằng sau hai tuần anh sẽ trở về trường Columbia.”

Anh đúng. Tôi đã cố ý không bao giờ đếm ngày. Mới đầu là vì tôi không muốn nghĩ anh sẽ ở với chúng tôi bao lâu; về sau là vì tôi không muốn đối mặt với sự thật là những ngày còn lại nơi đây của anh thật ít ỏi.

“Có nghĩa là sau mười ngày nữa khi em từ đây trông ra xa, anh không còn bên cạnh. Em không biết lúc đó mình sẽ làm gì. Ít ra thì anh sẽ ở nơi nào khác, nơi không có kỷ niệm.”

Anh siết chặt vai tôi vào vai anh. “Cách em nghĩ đôi lúc thật là... Em sẽ ổn thôi.”

“Có thể. Nhưng rồi cũng có thể không. Mình đã lãng phí biết bao ngày – biết bao tuần lễ.”

“Lãng phí à? Anh không biết. Có lẽ mình chỉ cần thời gian để biết được rằng đây là điều mình muốn.”

Thời gian còn lại vỏn vẹn vài ngày, suốt những tuần qua Elio và Oliver đã ‘đưa đẩy’ bao nhiêu lần chỉ để chờ đợi, hy vọng, tránh né. Giá như có phép màu, để tình cảm được cất lên, để mâu thuẫn được sáng tỏ. Elio biết mọi thứ không thể thay đổi sự thật nhưng vẫn thốt ra câu nói “Mình đã lãng phí biết bao ngày – biết bao tuần lễ.” trong vô vọng, trải dài trong không gian của hai người, như sự tiếc nuối vì họ đã vụt mất thời gian quý báu. Nhìn lại thời gian vốn đã không nhiều - chỉ kéo dài sáu tuần, thế mà họ vẫn có thể bên nhau, trở thành một phần tuổi trẻ của nhau. Không chỉ với Oliver mà Elio đã xem điều này là món quà, là thời khắc, là năm tháng khi ta nhìn lại ta bất giác mỉm cười, hạnh phúc với những gì đã cùng trải qua. Và qua hôm sau, Elio quyết định cùng Oliver thực hiện mọi điều mà họ mong muốn: đi bơi cùng nhau, giúp anh cắt phần vỏ của quả trứng chần mà anh sắp ăn hay đôi bàn chân họ quấn quýt dưới gầm bàn một cách lén lút. 

Những ngày cuối cùng ở lại, Oliver đã cùng Elio đến Roma trong ba ngày, đối với nhiều người ba ngày ấy chẳng là gì nhưng đối với những kẻ sắp chia xa người yêu đó là nỗi đau không phải ai cũng hiểu. Ba ngày không đủ nhiều để họ có một kỉ niệm trọn vẹn nhưng đủ để họ trải lòng và trân trọng nhau từng giây phút một. Họ gặp được nhiều người, học hỏi được nhiều thứ, họ bên nhau dù sáng hay đêm, trao cho nhau những cử chỉ thân mật, trìu mến, tận hưởng hết mình chuyến đi chơi ấy. Ngày Oliver lên chuyến tàu về Mỹ, Elio đã mặc chiếc áo sơ mi màu xanh - chiếc áo anh đã mặc vào ngày đầu tiên, chiếc áo mà cậu đã đặt tên là Dợn-sóng. Elio đã mặc chiếc áo như cách lưu giữ lại hơi ấm thuộc về Oliver, cậu vẫn chưa thể chấp nhận được việc rời xa anh, nhất là khi quay về căn nhà, nơi từng xuất hiện bóng dáng của Oliver càng khiến cậu khó khăn hơn. Làm sao ta có thể vượt qua việc đã quen với hình ảnh của ai đó gắn liền trong cuộc sống thường nhật của mình. Ta vẫn hay nói kẻ ở lại luôn là người chịu ám ảnh nhiều nhất, phải chấp nhận hơi ấm của người kia vẫn còn thoang thoảng nhưng cũng sẽ sớm phai, dần dần biến mất không một vết tích, thứ duy nhất tồn tại chỉ còn là kỉ niệm.

“Xuân năm sau có thể anh cưới,” anh nói. Tôi chết lặng. “Nhưng chưa nghe anh nói gì cả.” “À chuyện cứ khi này khi khác cũng hơn hai năm rồi.” “Em thấy đây là tin tuyệt vời,” tôi nói. Người ta cưới nhau luôn là tin tuyệt vời, tôi vui cho họ, hôn nhân thì tốt lành, và nụ cười tươi trên mặt tôi chắc là đủ thật, ngay cả khi một thoáng sau đó tôi nghĩ ra rằng tin như thế có thể không tốt đối với chúng tôi. Tôi có phật ý chăng? Anh hỏi. “Anh ngốc quá,” tôi nói. Im lặng hồi lâu. “Giờ anh vào giường chứ nhỉ?” Tôi hỏi. Anh nhìn tôi thận trọng. “Một lát. Nhưng anh không muốn làm gì cả đâu.” Nghe như phiên bản cập nhật, bóng bẩy hơn của Có lẽ để sau. Vậy là chúng ta trở lại đó, đúng không? Tôi bỗng muốn bắt chước anh, nhưng kìm lại. Anh nằm bên cạnh tôi, trên tấm chăn, vẫn mặc nguyên áo len. Thứ duy nhất anh cởi ra là đôi giày bệt. “Em nghĩ chuyện này sẽ kéo dài bao lâu?” Anh nhăn nhó hỏi. “Hi vọng là không lâu.” Anh hôn môi tôi, nhưng đó không phải cái hôn sau chuyện bên tượng Pasquino, lúc anh ép chặt tôi vào tường ở phố via Santa Maria dell’Anima. Tôi nhận ra mùi vị này lập tức. Không nhận biết được mình đã thích nó đến thế nào, hay đã nhớ nhung nó bao lâu. Thêm một thứ nữa cho vào danh sách những gì tôi sẽ nhớ trước khi mất anh mãi mãi.

Điều gì khủng khiếp bằng người yêu mà bấy lâu mong đợi đã trở về, nhưng là để thông báo sắp kết hôn. Điều này chắc hẳn đã khó khăn với Oliver đến mức nào khi nói cho Elio biết. Đối mặt với cú sốc lớn, Elio của quá khứ có thể sẽ khóc, sẽ đau khổ, sẽ trách móc Oliver. Nhưng Elio của hiện tại không như vậy, cậu chỉ mỉm cười, thậm chí thầm tự nhủ với bản thân ấy là tin vui và đáng mong chờ biết bao, cậu sẵn sàng chúc anh hạnh phúc. Ta thấy tình yêu mà Elio dành cho Oliver đẹp đẽ đến nhường nào, khi họ không nhất quyết phải là bản thân cùng người yêu đi đến cuối đời, họ chỉ thầm cầu nguyện cho người ấy được hạnh phúc. Elio càng mạnh mẽ thêm bao nhiêu thì thâm tâm cậu lại càng như lửa đốt bấy nhiêu, cái mỉm cười ấy cũng chỉ che đi tâm hồn đang vụn nát của cậu, câu nói tự trấn an cũng chỉ là che đậy sự khốn khổ của bản thân. Rõ ràng Elio đang cố gồng mình để bản thân không bị sụp đổ. Có lẽ nếu Oliver không có việc kết hôn thì Elio cũng chẳng thể hy vọng về tương lai của họ, mọi thứ như vượt khỏi tầm với, và cứ dần xa cậu hơn. Elio không đuổi theo thứ vô vọng, cậu hiểu tình cảm này vốn đã là khó khăn, chỉ là Elio vẫn chưa thoát khỏi hình bóng của Oliver. Rồi tất cả chỉ là vấn đề của thời gian, cậu sẽ tìm được nơi thuộc về mình, sẽ xem anh như mối tình đã qua - nhẹ nhàng và trân quý.  

Anh nhìn tôi, mỉm cười. Điều ấy làm tôi vui sướng. Có lẽ vì tôi biết anh đang trêu chọc mình.

Hai mươi năm thấm thoắt như mới hôm qua, và hôm qua chỉ là sớm hơn buổi sáng nay, và buổi sáng dường như cách xa diệu vợi.

“Anh giống em,” anh nói. “Anh nhớ tất cả mọi thứ.”

Tôi dừng lại một giây. Nếu anh nhớ tất cả mọi thứ, tôi muốn nói, và nếu anh thực sự giống em, thì trước khi anh rời đi vào ngày mai, hay khi anh vừa sắp sửa đóng cửa chiếc taxi, vừa nói xong lời từ biệt với mọi người khác và chẳng còn gì để nói nữa trên đời này, khi ấy, chỉ một lần này thôi, quay nhìn em, dù chỉ là vui đùa, hoặc là thoáng nghĩ lại, những điều này có ý nghĩa biết bao với em khi ta từng bên nhau, và như ngày xưa, hãy nhìn thẳng vào mặt em, để em ngắm anh, và gọi em bằng tên anh.

Hai mươi năm sau, khi ngoảnh lại nhìn tất cả như mới xảy ra, vừa mơ hồ vừa lạ lẫm xen kẽ chút thân thương. Họ đã trải qua suốt hai mươi năm, đủ chuyện vui buồn. Dù đã chia ly nhưng tâm hai người đã luôn hướng về nhau, như một cách để giữ mãi sự đẹp đẽ ấy, tựa cái dầm đâm vào thịt, dù có lấy ra thì vẫn còn vết thương, dù có chữa lành thì vẫn là sẹo. Họ nhớ tất cả về nhau, từng ngóc ngách trong căn nhà, đều lưu giữ từng hơi ấm của một thời thanh xuân đã qua. Mọi thứ như giấc mơ, một giấc mơ mà khi ta tỉnh dậy, cái dư âm vẫn khiến ta chẳng biết đâu là thực tại đâu là hư ảo. 


Lời kết

Cuốn sách nhận được nhiều lời khen ngợi và trong giải thưởng văn học Lambda lần thứ 20, Gọi em bằng tên anh đã thắng giải tiểu thuyết chủ đề đồng tính luyến ái. Tác phẩm đã thành công tái hiện lại mùa hè, mà ở đó tình yêu trở nên thơ mộng, bình lặng khiến người đọc phải đắm chìm. André Aciman đã khắc họa các nhân vật qua nhiều cung bậc cảm xúc, tựa như nốt nhạc lúc trầm lúc lắng khiến câu chuyện càng thêm lãng mạn, hòa cùng cái nắng hạ nước Ý và những bài thơ phối hợp nhịp nhàng. Nói đến Gọi em bằng tên anh, ta chỉ đơn thuần là kể lại một câu chuyện tình yêu dở dang nhưng khiến người ta phải hoài niệm khi nhớ về, bồn chồn khi nghĩ lại cái ‘lưng chừng’ mà tác phẩm mang đến.

ĐMA.Thư – Bookademy

Hình ảnh: ĐMA.Thư

Mua sách TẠI ĐÂY

--------------------------------------------------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy

Bạn đam mê viết lách, yêu thích đọc sách và muốn lan tỏa văn hóa đọc tới cộng đồng của YBOX.VN? Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.



















Xem thêm

Như một thước phim quay chậm, ký ức đưa tôi trở về với nước Ý xinh đẹp vào năm 1980. Bầu trời cao lộng lẫy, nắng vàng dịu dàng cùng những đêm hè yên tĩnh như vẽ nên khung cảnh lãng mạn cho câu chuyện tình dang dở của tôi. Hình ảnh chàng sinh viên Mỹ với chiếc áo sơ mi xanh dương rộng thùng thình, cổ áo phanh hở, ẩn hiện trong tâm trí tôi như một mảnh ghép không thể xóa nhòa. Tất cả bắt đầu khi tôi gặp Elio, một chàng trai trẻ thông minh, tài năng nhưng cũng đầy những suy tư. Cuộc sống của Elio hoàn toàn thay đổi khi Oliver, một chàng trai Mỹ đẹp trai và quyến rũ, xuất hiện với vai trò trợ giảng cho cha mình trong mùa hè. Ban đầu, Elio cảm thấy khó chịu và có phần dè chừng Oliver. Tuy nhiên, sau những ngày tháng chung sống, họ dần hiểu nhau hơn và nảy sinh tình cảm. Mùa hè năm ấy, dưới bầu trời nước Ý, hai chàng trai trẻ đã được sống đúng với chính mình, được yêu thương và khám phá những rung động thầm kín trong tâm hồn. Mối tình của họ tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại dấu ấn sâu đậm trong trái tim mỗi người. Trên mảnh đất Ý thơ mộng, dưới ánh nắng vàng rực rỡ, trái tim Elio rung động trước Oliver, chàng trai cao ráo, thông minh và đầy cuốn hút. "Call Me by Your Name" là bản tình ca ngọt ngào vang lên, vẽ nên bức tranh tình yêu mãnh liệt, cháy bỏng của hai thiếu niên. André Aciman đã khéo léo miêu tả tâm hồn tinh tế, e ấp pha lẫn khao khát yêu thương của Elio, hòa quyện cùng sự phóng khoáng, năng động mang hơi thở "Mỹ" của Oliver. Hai con người tưởng chừng như đến từ hai thế giới hoàn toàn khác biệt ấy lại bất ngờ tìm thấy sự đồng điệu, sự kết nối kỳ diệu khi ở bên nhau. Tác phẩm đầu tay của nhà văn Mỹ André Aciman đã chinh phục trái tim độc giả bởi câu chuyện tình yêu đồng giới đẹp đẽ nhưng cũng đầy tiếc nuối giữa Elio và Oliver. Chàng trai trẻ Elio đã dành trọn vẹn trái tim cho Oliver, nhưng mối tình ấy, vì những rào cản xã hội và định kiến, đã không thể có được cái kết viên mãn. Câu chuyện tình yêu đầy cảm xúc này sau đó đã được chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên và gặt hái được nhiều thành công vang dội. Bộ phim vinh dự nhận giải Oscar cho Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất tại lễ trao giải Oscar lần thứ 90, khẳng định sức hút mãnh liệt và giá trị nghệ thuật sâu sắc của tác phẩm.

André Aciman, một nhà văn tài ba thuộc thế hệ hiện đại, nổi tiếng với khả năng sáng tác những câu chuyện sâu sắc và tinh tế về tình yêu, nhận thức bản thân và những mối quan hệ phức tạp. Ông không chỉ chinh phục độc giả bằng những trang văn đầy cảm xúc mà còn bởi khả năng kết nối sâu sắc với tâm hồn con người, dẫn dắt họ khám phá những cung bậc cảm xúc và góc khuất trong tâm trí và trái tim. Sinh ra tại Alexandria, Ai Cập vào ngày 2 tháng 1 năm 1951, trong một gia đình Do Thái, cuộc đời Aciman gắn liền với những hành trình di cư và trải nghiệm đa văn hóa. Việc di chuyển qua nhiều quốc gia và hòa nhập vào những nền văn hóa khác nhau trở thành nguồn cảm hứng dồi dào cho ngòi bút của ông, mở ra cánh cửa cho việc khám phá và diễn tả sâu sắc những khía cạnh phức tạp của con người và xã hội thông qua các tác phẩm văn học. Tác phẩm nổi tiếng nhất của Aciman là "Gọi tên tôi bằng tên của bạn" (Call Me by Your Name), một câu chuyện tình yêu đầy mê hoặc và tinh tế giữa hai nhân vật chính là Elio, một chàng trai trẻ người Ý - Mỹ, và Oliver, một sinh viên sau đại học. Lấy bối cảnh nước Ý vào những năm 1980, tác phẩm không chỉ đơn thuần là một câu chuyện tình lãng mạn mà còn là hành trình khám phá bản thân, tìm kiếm và thấu hiểu những cảm xúc và nhận thức. Aciman không chỉ đơn thuần là một nhà văn, ông là một nghệ sĩ ngôn từ, một bậc thầy vẽ nên những bức tranh đầy màu sắc về tình yêu, về cuộc sống và về những trải nghiệm của con người. Ngòi bút của ông như chạm đến tâm hồn người đọc, khơi gợi những cảm xúc sâu thẳm và khiến họ suy ngẫm về những giá trị cốt lõi của cuộc sống.

Call Me by Your Name không chỉ là một trang sách, mà là một trải nghiệm tinh thần, dẫn dắt ta qua những cung bậc cảm xúc sâu lắng. Bằng ngôn từ trau chuốt, tác giả Andrea Aciman vẽ nên những hình ảnh sinh động, khơi gợi những cảm xúc mãnh liệt trong lòng người đọc. Tác phẩm xoay quanh mối tình lãng mạn giữa hai chàng trai trẻ Elio và Oliver trong khung cảnh thơ mộng của miền quê nước Ý. Tác giả khéo léo miêu tả sự tương tác tinh tế giữa các nhân vật, cùng với bối cảnh thiên nhiên tươi đẹp và ngôn ngữ mượt mà, tạo nên một bức tranh văn học đầy sức sống. Sự thành công của Call Me by Your Name không chỉ dừng lại ở bản sách. Năm 2017, tác phẩm được chuyển thể thành phim cùng tên và nhận được sự tán dương nhiệt liệt từ cả khán giả lẫn giới phê bình. Diễn xuất tài tình của Timothée Chalamet và Armie Hammer đã góp phần tái hiện trọn vẹn mối quan hệ đầy cảm xúc giữa Elio và Oliver. Bộ phim không chỉ tôn vinh nguyên tác văn học mà còn góp phần lan tỏa thông điệp về tình yêu thương, sự bao dung và đề cao giá trị con người. Call Me by Your Name đã khẳng định vị trí của mình như một tác phẩm nghệ thuật xuất sắc, chạm đến trái tim và khơi gợi niềm cảm hứng cho người đọc và người xem. Ngoài Call Me by Your Name, Andrea Aciman còn là tác giả của nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng khác như "Enigma Variations", "Eight White Nights", và "Find Me". Những tác phẩm này tiếp tục khai thác và mở rộng thế giới nhân vật và mối quan hệ được xây dựng trong Call Me by Your Name, dẫn dắt người đọc đến những suy tư sâu sắc về tình yêu, nỗi nhớ và thời gian.

André Aciman không chỉ là một nhà văn tài ba mà còn là một nhà viết bài sắc sảo, nhà phê bình văn học uyên thâm và nhà nghiên cứu văn hóa am hiểu. Kiến thức sâu rộng cùng góc nhìn độc đáo của ông được thể hiện rõ nét qua những bài viết đầy chắp bút. Nhờ khả năng miêu tả cảm xúc tinh tế, giàu sức tưởng tượng và tinh thần sáng tạo dồi dào, Aciman đã ghi danh mình vào danh sách những nhà văn vĩ đại của thời đại. Tác phẩm của Aciman không chỉ đơn thuần xoay quanh chủ đề tình yêu lãng mạn mà còn đi sâu vào những vấn đề phức tạp về tình yêu, bản thân và hành trình trưởng thành. Bằng ngôn từ trau chuốt, giàu sức gợi, Aciman đã khắc họa một cách sinh động từng cung bậc cảm xúc của nhân vật, tạo nên một tác phẩm văn học đầy giá trị nhân văn. Nhờ những đóng góp to lớn cho nền văn học, André Aciman đã khẳng định vị thế của mình trong thế giới văn học đương đại. Tác phẩm của ông không chỉ mang đến cho người đọc những giây phút thăng hoa cảm xúc mà còn mở ra những cuộc thảo luận sâu sắc về tình yêu, bản thân và các mối quan hệ trong xã hội.

Truyện bắt đầu khi Oliver, một giáo sư trẻ 24 tuổi từ Colombia, đặt chân đến dinh thự của gia đình Elio ở Ý, với nhiệm vụ chỉnh sửa bản thảo cho cuốn tiểu thuyết của mình trong suốt 6 tuần. Mối quan hệ giữa chủ nhà, Elio, một chàng trai 17 tuổi, nhạy cảm và đam mê âm nhạc, và Oliver, một khách trọ 7 tuổi lớn hơn, bắt đầu trở nên ngọt ngào dần trong bầu không khí hè ấm áp của Ý, với cảnh đẹp mê hồn của những bờ biển, những thảm cỏ xanh mướt và khu vườn ươm đầy trái cây chín mọng. André Aciman tạo hình nhân vật Elio với sự thông minh và ngây thơ, trong khi Oliver được mô tả là một người đàn ông điển trai, bí ẩn và cuốn hút. Dù tình yêu của họ chỉ kéo dài trong 6 tuần ngắn ngủi, nhưng những cảm xúc mãnh liệt và thăng hoa của họ sẽ đi theo họ mãi sau này. Mặc dù mùa hè có thể kéo dài nhưng người ta thường cảm thấy nó ngắn ngủi hơn mùa đông. Do đó, tình yêu của Oliver và Elio cũng diễn ra nhanh chóng và mãnh liệt. Họ như hai con thiêu thân lao vào lửa, đắm chìm trong cảm xúc như chưa từng yêu ai. Tình yêu của họ trẻ trung, mãnh liệt và sâu đậm, hiển nhiên qua những hoạt động như câu cá, đạp xe, và những cuộc tranh luận về âm nhạc, cùng những nụ hôn nồng cháy dưới ánh nắng chiều và bên dưới ánh đèn lấp lánh của đêm. Tác phẩm "Call Me by Your Name" của André Aciman vượt xa khỏi khuôn khổ thông thường của một câu chuyện tình yêu, dẫn dắt ta vào hành trình tâm linh sâu sắc về hành trình khám phá bản thân, trưởng thành và sự kết nối nhân văn. Tình yêu trong tác phẩm được miêu tả một cách tinh tế và phức tạp, không chỉ giới hạn ở khía cạnh lãng mạn mà còn là sự thấu hiểu sâu sắc về bản thân và đối phương. Elio và Oliver không chỉ là những nhân vật đơn thuần, mà là những cá thể mang trong mình những cảm xúc mãnh liệt, suy tư nội tâm sâu sắc và khao khát kết nối. Tình yêu của họ không bị ràng buộc bởi thời gian hay giới tính, nó vượt qua mọi rào cản xã hội để trở thành một sự kết nối tinh thần, một sự hòa quyện trọn vẹn qua những rung động chân thành và sự đồng điệu tâm hồn. Tuy nhiên, hành trình tình yêu ấy không hề dễ dàng. Elio và Oliver phải đối mặt với những thử thách, những cung bậc cảm xúc trái chiều từ niềm vui mãnh liệt đến nỗi đau tột cùng. Song, chính qua những thăng trầm ấy, họ trưởng thành và học hỏi được nhiều điều về tình yêu và về chính mình. Tình yêu trong "Call Me by Your Name" còn là câu chuyện về sự chấp nhận và thay đổi. Khi mối quan hệ kết thúc, đó không chỉ là khoảnh khắc đau lòng mà còn là hành trình nhìn nhận bản thân, chấp nhận sự đổi thay và trưởng thành từ những trải nghiệm. Tác phẩm khẽ khàng mở ra cánh cửa tâm hồn, cho ta thấy rằng tình yêu không phải lúc nào cũng viên mãn, nhưng nó mang đến cho ta sự trưởng thành, sự thấu hiểu và lòng nhân ái. "Call Me by Your Name" không chỉ là một câu chuyện tình yêu, mà còn là một bài học về sự nhìn nhận, chấp nhận và yêu thương.

Tác phẩm "Call Me by Your Name" của André Aciman không chỉ vẽ nên bức tranh lãng mạn về tình yêu mùa hè mà còn khắc họa sâu sắc những cung bậc cảm xúc khi đối diện với sự chia ly và mất mát. Khi mùa hè rực rỡ qua đi, Elio và Oliver phải đối mặt với thử thách lớn nhất trong mối quan hệ: sự chia xa. Nỗi đau không chỉ đến từ khoảng cách địa lý mà còn từ việc kết thúc một hành trình đầy cảm xúc và ý nghĩa. Ba ngày ngắn ngủi ở Rome như một nốt thăng hoa cuối cùng, nơi họ dành trọn vẹn thời gian cho nhau, trân trọng từng khoảnh khắc bên nhau. Họ khám phá thành phố, học hỏi những điều mới mẻ, cùng nhau tận hưởng những giây phút ngọt ngào và trao nhau những cử chỉ âu yếm. Hình ảnh Elio mặc chiếc áo sơ mi xanh "Dợn-sóng" - món quà kỷ niệm từ Oliver - trong ngày tiễn anh lên tàu như một lời níu giữ vô vọng. Chiếc áo mang hơi ấm của Oliver, đại diện cho sự hiện diện của anh trong cuộc đời Elio. Căn nhà bỗng trở nên trống trải khi thiếu vắng bóng hình Oliver, khiến Elio càng chìm trong nỗi nhớ nhung da diết. Sự chia ly như một vết cắt sâu thẳm trong tâm hồn Elio. Cậu phải học cách chấp nhận sự thật rằng Oliver đã rời xa, rằng hơi ấm của anh sẽ dần phai mờ theo thời gian. Kỉ niệm là tất cả những gì còn sót lại, là minh chứng cho một mối tình đẹp nhưng dang dở. Đoạn văn khắc họa thành công sự chia ly đầy xót xa trong mối tình của Elio và Oliver. Nỗi đau da diết, sự trống trải và nuối tiếc được thể hiện qua từng câu chữ, khiến người đọc thổn thức và đồng cảm. Thay vì đau khổ và trách móc khi người mình yêu thương bấy lâu bỗng thông báo sắp kết hôn, Elio chọn cách mỉm cười và chúc phúc cho Oliver. Nụ cười ấy ẩn chứa cả một trái tim tan vỡ và sự hy sinh cao cả. Elio hiểu rằng tình yêu của họ không thể vượt qua những rào cản hiện thực, và điều tốt đẹp nhất dành cho Oliver chính là hạnh phúc bên người khác. Thay vì níu kéo thứ không thể, Elio mạnh mẽ đối diện với sự thật và tự nhủ rằng đây là tin vui. Cậu tự dặn lòng phải buông tay Oliver, để cả hai có thể tìm thấy hạnh phúc riêng cho mình. Sự hy sinh thầm lặng của Elio khiến người đọc cảm động và trân trọng. Cậu đã dành cho Oliver một tình yêu đẹp đẽ và vị tha, đặt hạnh phúc của người mình yêu lên trên tất cả. Dù Elio đang cố gắng tỏ ra mạnh mẽ, nhưng trong sâu thẳm trái tim, cậu vẫn đang phải chịu đựng nỗi đau tột cùng. Hình ảnh Elio mỉm cười và tự trấn an bản thân chính là minh chứng cho sự mạnh mẽ và lòng vị tha của cậu. Câu chuyện về Elio là lời nhắc nhở về những mối tình thầm lặng, nơi người ta âm thầm hy sinh và chúc phúc cho người mình yêu thương, dù bản thân phải chịu đựng tổn thương.

"Gọi Tên Tôi Bằng Tên Em" cuốn hút người đọc bởi câu chuyện tình yêu lãng mạn đan xen hành trình khám phá bản thân đầy tinh tế. Ngòi bút điêu luyện của tác giả dẫn dắt ta qua những cung bậc cảm xúc mãnh liệt, khơi gợi sự đồng cảm và thấu hiểu trong trái tim mỗi người. Hơn cả một chuyện tình yêu, tác phẩm là bức tranh sinh động về quá trình trưởng thành của tuổi trẻ. Elio và Oliver, hai tâm hồn trẻ, đã cùng nhau khám phá những bí mật của tình yêu, tình bạn và cả chính bản thân mình. Trên hành trình ấy, họ đối mặt với những định kiến xã hội, những nghi ngờ và cả những tổn thương. Nhưng qua tất cả, họ vẫn giữ được niềm tin vào tình yêu và sự tự do của bản thân. "Gọi Tên Tôi Bằng Tên Em" không chỉ là một câu chuyện tình yêu đơn thuần, mà còn là lời ca ngợi vẻ đẹp của tình yêu đa dạng và sự tự do trong tâm hồn con người. Tác phẩm khuyến khích chúng ta cởi mở đón nhận những điều mới mẻ, phá vỡ những rào cản và sống thật với chính mình. Với những giá trị nhân văn sâu sắc và lối viết đầy lôi cuốn, "Gọi Tên Tôi Bằng Tên Em" xứng đáng là một tác phẩm không thể bỏ qua. Hãy để mình đắm chìm trong thế giới diệu kỳ của Elio và Oliver, để cùng họ khám phá những cung bậc cảm xúc của tình yêu và trưởng thành.



0 điểm

Đây là ví dụ của một cuốn sách dở. Thay vì là một bài nhận xét bình thường, bài này nên bắt đầu bằng một vài câu trích đặc biệt. 

[Anh ta chưa bao giờ nghĩ rằng khi đặt quả mơ vào lòng bàn tay của tôi, anh ta đang cho tôi cơ hội giữ lấy phần mông của anh ta hoặc rằng, khi cắn quả mơ, tôi cũng đang cắn vào phần cơ thể đó, chắc là trắng hơn phần còn lại vì nó không bao giờ chuyển màu - và gần đó, nếu tôi dám cắn xa hơn, “cái đó” của anh ta.] Lúc đó, thật kinh khủng. Còn bây giờ, sau hai, “cái đó” dường như đã trở thành từ vựng của tôi. 

Đây không phải là văn chương. 

[Chúng tôi chưa bao giờ tắm chung. Chúng tôi chưa từng ở trong cùng một phòng tắm. "Đừng xả nước," tôi nói, "Tôi muốn nhìn." Điều tôi thấy đã đem lại những dòng chảy của lòng trắc ẩn, cho anh ta, cho cơ thể của anh ta, cho cuộc sống của anh ta, mà đột ngột trở nên mong manh và dễ tổn thương. "Cơ thể của chúng ta sẽ không còn bí mật nữa," tôi nói khi tôi lên lượn và ngồi xuống. Anh ta đã nhảy vào bồn tắm và sắp bật vòi sen. "Em muốn anh nhìn em." tôi nói. Anh đã làm nhiều hơn thế. Anh bước ra ngoài, hôn môi tôi, anh đặt tay lên rồi xoa bóp bụng tôi bằng lòng bàn tay phẳng của mình, sau đó quan sát mọi thứ.] 

Cuốn sách này chỉ là kinh tởm. Tôi sẽ không bàn đến ngữ nghĩa của đoạn văn mà nhân vật chính giao hợp với một quả đào rồi sau đó đưa cho người yêu của mình ăn, miễn là bạn biết rằng điều đó xảy ra trong các trang của cuốn sách này. Và nó thậm chí không phải là một kho chứa kỳ lạ về fetish, mà thay vào đó là sự cô đơn kéo dài sáu tuần trong cuộc đời một thiếu niên. 

Thật không may, Aciman không chỉ hơi lệch lạc (và là một người phỉ báng đến các thành kiến của người đồng tính trên toàn thế giới), mà ông ta còn tin rằng sáu tuần trong mùa hè của tuổi mười bảy có thể làm hỏng cuộc đời của bạn mãi mãi. Mặc dù điều này đúng với một số trường hợp, và sáu tuần đó không thể phủ nhận là quyết định, những trải nghiệm của Elio là loại thứ mà bạn nên học và trưởng thành từ đó, không phải là loại thứ mà bạn nên ngâm ngấm trong đến sau khi qua tuổi bốn mươi.

“Gọi em bằng tên em, gọi anh bằng tên anh; gọi anh bằng tên em, gọi em bằng tên anh. Em là anh, anh là em, và chúng ta là của nhau.” 

Phong cách của Aciman vừa mơ màng vừa vi diệu: những câu văn dài đẹp mô tả một nơi, một chuỗi cảm xúc, một cảm xúc được mô tả như một sự kiện, và sau đó cảm xúc thay đổi; những chi tiết nhỏ nhặt của cảm xúc, sự bàng hoàng và những biến chuyển của chúng, đến và đi. Mỗi cảm xúc nhỏ hoặc sự thay đổi của cảm xúc được mô tả, được phóng to, sau đó lại trở nên nhỏ bé. “Bé cưng à, em là trẻ hư, em đã để nỗi buồn chiến thắng.” 

Aciman mô tả cảm xúc như chúng được cảm nhận khi bạn còn trẻ: mãnh liệt đến mức nước mắt luôn trực chờ trên khóe mi, hoặc một cơn giận trào dâng hoặc một cảm xúc vô danh khó tả, một điều gì đó tuyệt vời hoặc kinh khủng sắp ập đến, nhưng lại giữ nó trong lòng. Giữ một khuôn mặt điềm tĩnh, giọng điệu khéo léo châm biếm và hành động như không quan tâm, cố gắng che đậy tất cả. 

Xem cách họ trốn chạy kìa… Tôi đang khóc, thật sự, những giọt nước mắt lăn dài trên má. Aciman viết về những đặc điểm đồng nhất như thể nó là một sợi dây, rồi ông xoắn nó lại rồi uốn cong nó, khiến nó rối tung lên để nó trở nên khác biệt so với lúc trước. Và rồi khi nó trở lại hình dạng ban đầu, nó đã không còn là chính mình, nó đã thay đổi. Nhưng dù gì đi nữa, bản chất của sợi dây vẫn không thay đổi, nó vẫn là chính nó, nhưng với một sứ mệnh khác. “Bé cưng à, em là trẻ hư, giờ thì kéo quần lót xuống.” 

À, còn cái cảnh Oliver ăn quả đào. Kiểu, anh ta ăn nó như thể đào là thứ trái cây yêu thích của mình vậy. Lúc đó tôi như hồn lìa khỏi xác rơi thẳng xuống địa ngục. Tê liệt cảm xúc. Thề là tôi sẽ không bao giờ đụng đến quả đào nào nữa, trời ơi. Vậy đó. Ngoài những cảnh “ấy ấy” đáng sợ và vấn đề về tuổi tác, thì nội dung còn lại chán oải cả chưởng. Tôi tưởng rằng mình sẽ thích bối cảnh ở Ý của cuốn sách, nhưng không nha má! 

Ngoài việc bị sang chấn tâm lý, tôi hầu như không nhớ được tình tiết nào sau khi Oliver và Elio đến Rome cùng nhau. Tôi chỉ nhớ đúng một điều là cái kết rất lãng xẹt, với cả văn phong cũng tệ nữa. Tác giả chắc hẳn đã cố gắng rất nhiều để viết nên mấy dòng thơ ngớ ngẩn đó nhỉ? Bởi vì chẳng hay ho chút xíu nào (đặc biệt là trong mấy cảnh “ấy ấy”, trái cây rồi ti tỉ thứ khác). Các đoạn văn dài và rườm rà, giống kiểu viết xong rồi không đọc lại ấy, cứ viết mãi rồi không tách đoạn khi có cuộc đối thoại diễn ra. Tôi đã phải đọc toàn bộ đoạn văn nhiều lần vì không biết đang là lượt nói của ai. 

Chẳng biết đó có phải là lựa chọn phong cách hay không, nhưng đối với tôi nó rất là nhảm, và không hiểu tại sao mọi người lại thích nó? Tại sao, cuốn sách chết dẫm này, lại được chuyển thể thành phim zậy??? Ủa alo??? Chưa bao giờ tôi muốn ném cuốn sách này vào sọt rác đến vậy luôn á. Trời ơi, quá hối hận vì đã mua. Hối hận vì vẫn đọc tiếp sau cái tình tiết quần tắm. Tôi muốn lấy lại tiền của mình huhu. 

Tóm lại, một từ thôi: TẠI SAO. 

(Nếu bạn muốn đọc sách LGBT+, hãy thử đọc cuốn “How To Be A Normal Person” của T.J. Klune, hoặc cuốn “A Light Amongst Shadows” của Kelly York và Rowan Altwood, hoặc cuốn “A Gentleman’s Guide to Vice & Virtue” của Mackenzi Lee. Nói thật luôn là những tác phẩm này hay hơn gấp mấy lần so với cuốn này, và không có tình tiết chênh lệch tuổi tác đâu ạ. Ngoài ra, hai tựa sách đầu tiên được viết bởi các tác giả tự do thuộc cộng động LGBT+). 

Tôi sẽ chỉ kể cho các bạn về một chuyện kinh tởm xảy ra sau đó. Và nó kiểu ủa cqq gì vậy? Tại sao lại có tình tiết này trong một cuốn sách? Chúa ơi. (Tôi cảm thấy mình như là Gus trong cuốn “Cách Để Làm Người Bình Thường” vậy đó, thật sự, tôi cần Gus để có thể vượt qua đống bầy nhầy này huhu). 

Thì nói chung là, hai nhân vậy này hẹn hò và “ấy ấy” lần đầu. Ok chưa. Tôi thậm chí còn không biết chuyện gì đã xảy ra vì, thành thật mà nói, phong cách viết nó cứ bị sao sao (tôi sẽ than phiền về điều đó sau khi tôi vượt qua cú sốc này). Họ đã “ấy ấy” nhau, gọi nhau bằng tên của đối phương trong lúc “ấy ấy” (mà tôi đoán đây là ngữ cảnh đằng sau tiêu đề). Ý tưởng thì ok đó, nhưng giữa việc đổi tên và phong cách viết tệ, khiến tổng thể nó rất khó đọc. Tất cả những gì tôi hiểu được là Elio ở dưới và Oliver ở trên. (Xém xíu nữa là lỡ tay gõ tên Gus rồi, Gustavo Tiberius xứng đáng hơn thế. Tôi xin lỗi, Gus). Sau khi họ “ấy ấy”, Elio bắt đầu tự hỏi liệu đó có phải là một ý tưởng tốt, liệu cậu ấy có thực sự thích Oliver như vậy không, v.v. Và tại một số thời điểm xuyên suốt cuốn sách — tôi thậm chí không biết làm sao hoặc tại sao điều này trở thành vấn đề nan giải luôn ấy — cậu ta bỗng dưng lại đi “ấy” một quả đào. 

Ừa, đọc đúng rồi đó, không sai đâu. Cậu ta :) “ấy” :) một :) quả :) đào :) Kiểu bẻ đôi nó ra xong luồn “con đường thiên lý” vào. Thậm chí là còn “phụt phụt” nữa má! 

Tôi chưa bao giờ xem bộ phim, nhưng có đi search thử, thì bùm! Cảnh đó có xuất hiện trong phim với tên “Phân cảnh quả đào”. TẠI SAO x n lần. Trời ơi, tôi đã đọc cái thứ quỷ quái gì vậy nè! Sao không ai cảnh báo trước zậy?! 

Đọc đoạn đầu thật đau lòng. Elio! Elio! Một thiếu niên mười bảy tuổi, bị ám ảnh bởi ham muốn và tình yêu đối với một người đàn ông, ám ảnh đến mức không thể quay đầu. Hành trình của cậu ta đau đớn, gần như đáng sợ và rất không lành mạnh. Tôi đã thử nghe bản sách nói nhưng không thể hòa mình vào giọng kể của Armie, anh ta có một giọng rất tuyệt nhưng với tư cách là một người kể chuyện, anh ta đã thất bại, anh ta chỉ đọc đúng một tông giọng cho mọi nhân vật, vì vậy tôi chuyển sang đọc, và ôi trời ơi. 

Trải nghiệm thật kỳ diệu, nhưng tôi phải thừa nhận ở một vài chi tiết câu chuyện cảm thấy lạ lẫm và tôi bị lẫn lộn, nhưng vẫn ổn. “Chúng tôi tắm cùng nhau. Chúng tôi mặc quần áo của nhau. Chúng tôi mặc đồ lót của nhau.” Đây có phải là một câu chuyện tình yêu không? Chắc chắn, có lẽ, tôi không biết liệu đây có phải là tình yêu không được đáp trả không? Cũng có thể. Tôi không biết liệu đây có phải là sự ám ảnh của tuổi teen không? Có lẽ, nhưng vẫn chưa chắc chắn. Có phù hợp với mọi lứa tuổi không? Không, nhưng nếu bạn có thể chịu được lối viết văn xuôi pha lẫn thơ ca thì hãy thử đọc. 

Tất cả những gì tôi biết là:

- Đây là một câu chuyện đẹp, kỳ diệu 

- Đau lòng khi đọc về cảm xúc của Elio. 

- Lối viết thơ ca đã thu hút tôi. 

- Thơ của Leonard Cohen đầy ma mị. 

- Thơ mộng, gần gũi và đưa tôi trở lại những năm thời tuổi teen đầy ám ảnh. 

- Phong cảnh thật đẹp, giờ đây tôi muốn đến Ý và đạp xe đến một cửa hàng sách.

Cậu ta gần như bắt đầu ham muốn Oliver chỉ sau 0.2 giây gặp gỡ. Đó là định nghĩa sách giáo khoa của sự ham muốn tức thì, và nếu bạn tra từ điển bạn sẽ thấy khuôn mặt của Elio (chúng ta có bao giờ biết họ của cậu ta không???) trong từ điển. Cậu ta bắt đầu mơ tưởng về “cái ấy” của Oliver ngay từ đầu. Nổi da gà, nhưng thôi. Tôi nghĩ lời bình luận nhỏ nhắn so sánh mông và quả cà chua của Oliver khá là khó chịu (cậu ta đã đi xa đến mức gọi nó là "cà chua cậu nhỏ của Oliver"), nhưng tôi SẼ DỄ DÀNG chấp nhận một triệu cà chua cậu nhỏ hơn so với những trò ngớ ngẩn (không có ý đồ chơi chữ) xảy ra sau đó. 

Nhưng trước hết, trước khi chúng ta cần bàn đến những cảnh tình dục khó chịu, tôi muốn chỉ ra rằng có một điểm nào đó ở đầu cuốn sách này lúc Elio ước rằng, “Oliver là một người tàn tật ngồi xe lăn để anh ấy không tài nào có thể chạy trốn.” Nếu đó không phải là trích dẫn trực tiếp, thì cũng gần đến thế. Có chút kì thị người tàn tật người ngồi xe lăn, ok. 

Tiếp tục, về cơ bản ngữ cảnh của mối quan hệ là Elio là một đứa trẻ từ Ý, và trong mùa hè, bố mẹ cậu ta kinh doanh một biệt thự nghỉ dưỡng. Họ cho thuê một số phòng trong nhà, bao gồm phòng ngủ của Elio (cậu ta tạm thời chuyển vào một phòng dự phòng nhỏ hơn mỗi khi điều này xảy ra). Oliver là người Mỹ và anh ta đang nghỉ mát ở Ý khoảng 6 tuần, vì vậy họ cho thuê phòng của Elio và anh ta chuyển vào phòng dự phòng trong thời gian này. Tuyệt vời. Vậy là, khá nhanh sau khi Oliver chuyển đến vào mùa hè, Elio bắt gặp anh ta mặc quần tắm. Này là bình thường, mùa hè mà, nóng bức, và Oliver đang ở tại một khu nghỉ dưỡng gần bãi biển. Anh ta có lý do khi mặc quần tắm trong thời gian này. Ngoại trừ Elio đưa mọi thứ lên một tầm cao mới, và sau khi nhìn thấy Oliver trong bộ quần tắm rất sexy này, cậu ta lẻn vào phòng của Oliver. Lý do của quyết định rất tuyệt vời này của cậu ta về cơ bản là, "Thực ra, đây vốn dĩ là phòng của tôi và anh ta chỉ mượn nó nên tôi được phép động vào hành lý của anh ta." Ời, đúng dữ rồi đó. 

(Chỉnh sửa để thêm: Khi đọc cuốn sách này lần đầu tiên, tôi ít nhất cũng nghĩ rằng tác giả, Andre Aciman, là một phần của cộng đồng LGBT+, nhưng... KHÔNG! Thằng cha này là một gã ĐÀN ÔNG THẲNG. VÃI.) Và cuốn sách thất vọng nhất trong năm thuộc về... 

Các bạn ơi, tôi ghét cuốn sách này. Cực kỳ ghét nó. Ghét nó cùng cực. Từ ngữ không thể diễn tả được tôi có bao nhiêu hối hận khi đọc cuốn sách này — có lẽ đó là một trong những cuốn sách tồi tệ nhất mà tôi đã từng đọc. Tôi thực sự không thể chịu đựng được. Có một số lý do khác nhau khiến tôi ghét cuốn sách này, tất cả sẽ được tôi thêm vào, nhưng có một lý do khiến tôi ghét nó hơn tất cả, và đó chính là: Elio.

Tôi, không, thể, chịu, đựng, nổi, cậu, ta. Đồ đần. Để công bằng, trước khi tôi tiếp tục, tôi là người không có hứng thú tình dục chút nào. Tôi không cảm thấy hấp dẫn tình dục, chưa bao giờ, và có lẽ sẽ không bao giờ. Tôi cũng cảm thấy ghê tởm với tình dục — Tuy nhiên, tôi không bài xích tình dục. 

Thông thường, tôi không quan tâm tới việc người khác làm gì trong đời sống tình dục của họ miễn là mọi thứ hợp pháp và có sự đồng ý từ hai phía, và miễn là không liên quan đến tôi. Nhưng đồ đần này thì là một tên QUỶ DỮ. Tôi hiểu. Cậu ấy 17 tuổi. Và hầu hết độ tuổi 17 là độ tuổi có cảm giác hấp dẫn tình dục, kiểu cả ngày, mỗi ngày luôn ấy. Họ có lẽ, như, tìm kiếm phim khiêu dâm và mấy thứ — trước khi có Po**nH*b, có Playboy. Không đồng cảm được, nhưng chịu đựng được. Nhưng điều đó không bao gồm những hành động mà thằng nhóc 17 tuổi này làm ra. (Đoạn này trở đi là spoil dữ lắm đó, muốn đọc thì đọc không muốn thì out). 

Tôi thích từng con chữ, từng lời văn của tác phẩm này. 

“Tôi nên học cách tránh xa anh ta, cắt đứt từng mối liên kết một, từng cái một, như các bác sĩ giải phẫu não khi họ tách một tế bào thần kinh khỏi tế bào thần kinh khác, một ước muốn bị nghĩ suy từ cái khác. Đừng đi ra sau vườn nữa, đừng ngó nghiêng nữa, đừng đi ra thị trấn vào ban đêm, từ từ cai nghiện. Một ngày, một tiếng, một phút, một giây, nhưng tôi biết là sẽ không đi đến đâu. 

Ở trên tàu, tôi kể cho anh ta nghe về lúc mà chúng tôi tưởng anh ta đã chết đuối, và cách tôi nằng nặc đòi ba mình tập hợp các ngư dân để đi tìm anh ta. Nếu tìm thấy anh ta, hãy thắp một ngọn lửa trên bờ biển của chúng tôi, trong khi tôi đi lấy con dao của Mafalda từ nhà bếp để xé tim anh ta ra thành nhiều mảnh. Bởi lẽ trái tim đó và áo sơ mi của anh ra là tất cả những gì tôi từng có để chứng minh cho cuộc đời của mình. Một trái tim và một chiếc áo. Trái tim của anh ta được bọc trong một chiếc áo ẩm ướt — giống như số cá của Anchise. 

Phần 4: Những điểm mù. Điều này khiến tôi nhớ đến Brokeback Mountain. Hai mươi năm trước chỉ như mới vừa hôm qua, và hôm qua chỉ là sáng sớm hôm nay, và buổi sáng dường như cách xa hàng nghìn năm ánh sáng.”

Kiểu ủa là sao? Cái quái gì thế này? Phần còn lại đâu? 

Năm sao vì nó đã làm tổn thương tôi rất nhiều. Tôi phải đã bắt đầu sử dụng những từ tục tĩu mà cậu lặp lại sau tôi, nhẹ nhàng lúc đầu, cho đến khi cậu ta nói, "Gọi em bằng tên anh và em sẽ gọi anh bằng tên của em,” điều mà tôi chưa bao giờ làm trong đời và điều mà, ngay sau khi tôi nói tên của mình như thể đó là tên của anh ấy, đưa tôi đến một thế giới mà tôi chưa bao giờ chia sẻ với bất kỳ ai trong cuộc đời trước đó, hay sau này. 

Thật lòng, tôi thậm chí không biết phải viết nhận xét cho cuốn sách này như thế nào, nhưng tôi sẽ cố gắng viết một cái gì đó ý nghĩa, tôi chỉ sẽ trích dẫn từ cuốn sách.

Cảnh báo: Bài nhận xét của tôi sẽ có rất rất nhiều trích dẫn! 

[Không có ai để nói chuyện. Tôi còn có thể nói với ai đây? Mafalda? Cô ấy sẽ rời khỏi nhà. Dì của tôi á? Bà ấy có lẽ sẽ nói cho mọi người biết. Marzia, Chiara, bạn bè của tôi? Họ sẽ bỏ rơi tôi ngay lập tức. Các em họ khi họ đến? Không bao giờ. Vậy thì nói với cha tôi, người có quan điểm thoáng nhất nhưng về vấn đề này? Còn ai khác nữa? Viết thư cho một trong những giáo viên của tôi? Hay đi gặp bác sĩ? Bác sĩ tâm lý? Nói với Oliver? Nói với Oliver. Không có ai khác để nói, Oliver, vì vậy tôi sợ rằng sẽ phải là anh... Ôi! Chúa ơi!]