Đọc là cả một sự kỳ diệu, đọc sách văn học thì càng rối rắm tợn. Khi đọc, mọi giác quan được tăng cường hết mức: mắt phải lướt những dòng chữ theo cùng tốc độ chữ tuột vào não, tai đạt tới cảnh giới thính giác tối thượng - là cố sao cho chẳng nghe gì cả, mũi không ngừng hít hà mùi của sách, da im thin thít chẳng chịu nhả giọt mồ hôi nào, còn lưỡi ấy à, lưỡi ấy à, để thấm nước..., để đánh ực từng tình tiết câu chuyện. Nhưng dường như vẫn chưa đủ, các nhà văn không ngừng thách thức trí tưởng tượng của tôi, lắm khi, họ còn nhẫn tâm lừa phỉnh nó, phải, lừa trí óc của tôi ấy. Thế nên tôi luôn phải vừa thả cho hồn tôi bay xa theo quyển sách, vừa phải giữ lý trí tỉnh táo để không bị cuốn đi quá xa. Tôi không thể chịu đựng lâu hơn nữa, tôi phải nói toẹt ra. Tôi bèn đọc ngược.

Italo Calvino, phải, đầu tiên là ông ấy đấy. Ông ấy dắt tôi đi vòng quanh qua những mê cung của trí tưởng tượng chỉ để đưa tôi về điểm khởi đầu. Từ người lữ khách đêm đông đến thành phố vô hình, từ nam tước trên cây đến tử tước chẻ đôi, tất cả làm nên vòng lặp gần như vô hạn mà tôi chẳng may vướng vào. Tôi thấy mình cứ như cái chong chóng, quay mãi quay hoài mà chẳng đi đến đâu cả. Thật là quá đáng. Thế nhưng nó lại kích thích tôi, vì cậu bé nào mà chẳng ham mê cung, và sẽ dấn bước vào nó, chắc chắn, điều đó lại càng quá đáng hơn nữa. Tôi quyết tâm đi ngược mê cung của Calvino, hòng phá huỷ nó. Chẳng dễ như tôi tưởng, chẳng có sợi chỉ của nàng công chúa, tôi càng không phải Theseus. Cố phá huỷ mê cung này chỉ tổ tạo ra mê cung khác. Thất bại nối tiếp thất bại. Đến khi gần như bỏ cuộc thì tôi cũng kịp nhận ra mình cũng tạo được mê cung, và tôi bất ngờ thấy mình đang từ trên cao nhìn xuống. Không gì Yomost hơn.

Như vậy, bằng việc cố chống lại ý chí của Italo Calvino, hay phổ quát hơn là những nhà văn, tôi đã xác lập được ý chí của riêng mình trong chính văn chương của họ. Tới lượt mình, luồng ý chí này lại giúp tôi không bị dắt mũi dễ dàng nữa, lại càng làm tôi kích thích hơn khi đọc văn của họ. 



Thành công bước đầu tiếp thêm tự tin cho tôi. Cùng với ý chí của riêng tôi, tôi ngao du khắp các câu chuyện rất thoải mái. Tôi tiếp nhận những suy nghĩ của các nhà văn dễ dàng hơn, và chọn lọc hơn. Sự đọc tự nhiên dễ dàng lạ, tôi cứ tưởng sắp hoà làm một đến nơi thì một sự cố phát sinh làm tôi giật thót. Chẳng là lúc Milan Kundera nói cuộc sống không ở đây thì Romain Gary lại bảo cuộc sống ở trước mặt. Đáng ngạc nhiên là tôi...đồng ý với cả hai. Một lần nữa là cuộc chiến giữa lòng tin phi lý trí và suy nghĩ logic.

Tại sao họ cứ phải phức tạp mọi chuyện lên như vậy?

Cuộc sống không thể chỉ là cuộc sống hay sao, ở đâu mà chẳng được?

Tôi đồ rằng "cuộc sống" chỉ là cái cớ để họ che dấu những thứ khó hiển lộ hơn, những phần khúc không nằm ở bề mặt đòi tôi phải cúi đầu xuống giếng của họ. Tôi không biết tôi sẽ bị đưa tới nơi nảo nơi nao, là Prague hay Paris hay bất kỳ nơi nào khác nữa. Rất nhanh chóng tôi được thấy quang cảnh "cuộc sống" của các nhà văn, thông qua các nhân vật của họ. Đó là văn chương của Kundera, của Gary, tuyệt không phải của tôi. Tôi không tin, các nhà văn luôn đáng ngờ với những tư tưởng không đáng tin của họ. Nhưng họ không ngần ngại phô ra cho tôi biết, thế là tôi lại trở nên tin tưởng họ, và tôi cố tìm ra điểm hoà hợp giữa "không ở đây" và "ở trước mặt". Có thể nào "đây" và "trước mặt" đối nghịch nhau và sẽ trở nên hợp lý, hay là chúng là một rồi hoặc Kundera hoặc Gary sẽ lầm. Chẳng sao cả, ai quan tâm chứ. Cuộc sống CỦA TÔI mới là quan trọng - đó là điểm mốt chốt của vấn đề. Nếu tôi không nhìn thấy được điểm chốt ấy thì sự đọc của tôi chẳng còn ý nghĩa gì sất. Tôi đi tới kết luận, các nhà văn thường nấp dưới ngôn từ mà điều khiển người đọc, và người đọc phải không ngừng chống lại, biến chuyện chúng ta đọc thành chuyện của chúng ta, ý nghĩa của việc đọc, hay của cuốn sách, sẽ xuất hiện.



Tôi chưa kịp ăn mừng mớ ý nghĩa vừa tìm ra thì một chuyện khủng khiếp khác ập tới, một cuốn sách tôi đọc phủ nhận sự đọc của tôi: Làm sao để nói về những cuốn sách chưa đọc, tâm điểm là Paul Valery. Sau khi làm tôi rối tinh rối mù với đủ thứ chuyện trên đời, nay nhà văn lại quay sang bảo tôi đừng đọc nữa. Ông ấy tuyên bố thẳng thừng: mỗi cuốn sách chỉ nên dùng 8 phút để đọc. Đọc tới đó tôi gấp ngay lại, vì đã quá 8 phút rồi!!! Paul Valery giúp tôi tiến xa trên hành trình đọc ngược: tôi đã đi từ tìm thấy ý nghĩa văn chương đến phản biện nó. Không chỉ dừng ở đồng ý hay không, giờ tôi ngược lại thuyết phục chính nhà văn, họ không những chẳng thể nghĩ hộ tôi được nữa, bây giờ tôi lại sắp...nghĩ hộ họ. Tại sao lại không nên đọc? Tôi thấy chẳng có lý do gì để không nên đọc. Việc đọc như tôi đã nói, giống một phòng gym cho tư duy, nơi mọi giác quan phát huy tột độ, tư duy ngừng tìm ra những điều mới (cái mới theo tôi rất tốt, dù không bằng cái cũ thì nó vẫn cho thấy kết quả của tìm tòi - còn hơn là chẳng làm gì), chính khi đó tôi mới đọc được những gì Paul Valery nói, không phải sao?



Trong rất nhiều thứ không biên giới: không gian, thời gian, tình hữu nghị, sự đồng cảm,...thì sự đọc ở trung tâm của tất cả, nó bao gồm mọi thứ và nằm trong mọi thứ. Ở sự đọc, mọi người được bình đẳng tuyệt đối trong bày tỏ quan điểm, như tôi đang làm đây. Nếu có gì đó giữ cho người vẫn là người ở tương lai rất xa thì đó là đọc: viễn cảnh trí thông minh nhân tạo không thể tái tạo cảm giác đọc được. Paul Valery đã không thuyết phục được tôi, còn bạn, tôi có thuyết phục được bạn không?

Phản biện vẫn chưa phải đoạn kết câu chuyện. Đối với tôi, ở cuối hành trình đọc ngược chính là quay về khởi nguyên của câu chữ: sự viết. Không thể chịu thua các nhà văn được, phải viết ra giống như họ. Tôi rất thích Tolstoy, nhưng với câu mở đầu của Anna Karenina, Tolstoy làm tôi không chịu được. 

Mọi gia đình hạnh phúc đều giống nhau, nhưng mỗi gia đình bất hạnh đều khổ sở theo cách riêng.



Ừ thì ông ấy nhấn mạnh nỗi bất hạnh, nhưng không thể nói hạnh phúc giống nhau được:

với kẻ xa quê, hạnh phúc là lần nữa đặt chân lên mảnh đất chôn nhau cắt rốn;

với cô bé bán diêm, hạnh phúc là tình cảm gia đình đêm Noel;

với bà lão nông dân đói khổ hơn ba tháng ăn bánh đúc, hạnh phúc đơn giản là một bữa no;

với riêng tôi, hanh phúc là mỗi ngày được cười tươi. Tôi viết ngay ra trên trang đầu quyển sách, không quên cười thật tươi. Lúc thẩn thơ lại giở đọc rồi lại cười. Tolstoy vĩ đại thật, nhưng hạnh phúc mới là điều quan trọng hơn.

Đọc ngược các nhà văn luôn thú vị, tôi cảm giác như du ký bằng trí tưởng tượng. Hành trình của tôi kết thúc bằng nụ cười, còn bạn thì sao, còn chần chừ gì nữa?


Tác giả: Tama

Nếu bạn yêu thích bài viết này, hãy ấn nút Like của bài viết trên website và chia sẻ đến cộng đồng nhé!

--------

Tham gia cuộc thi Đọc Ngược để rèn luyện khả năng phản biện và có cơ hội nhận giải thưởng tiền mặt cùng voucher mua sách hấp dẫn tại: https://goo.gl/NNcFHR

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị và các cuộc thi về sách tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn

Xem thêm

Italo Calvino đã mở đầu tác phẩm bằng một câu mang tính chế giễu: “Bạn sắp bắt đầu đọc cuốn tiểu thuyết mới ‘Nếu một đêm đông có người lữ khách’ của Italo Calvino.” Một lời mở đầu khá lạ thường được tiếp sau đó bằng một màn trình bày ấn tượng về những thể loại sách được Calvino phân loại dựa trên góc nhìn của độc giả. Bạn sẽ không khỏi bật cười trước những tên gọi hài hước về các dạng sách, như dạng Sách Bạn Không Cần Đọc, Sách Bạn Chưa Mở Ra Thì Cũng Đã Đọc Rồi Bởi Vì Chúng Thuộc Loại Sách Chưa Viết Ra Thì Người Ta Đã Đọc Rồi, Sách Bạn Cũng Có Ý Đọc Nhưng Có Những Sách Khác Bạn Phải Đọc Trước Đã, hoặc là dạng Sách Hiện Giờ Quá Đắt Nên Bạn Sẽ Chờ Đến Khi Nào Chúng Được Bán Hạ Giá, v.v.. Một đoạn mở đầu thú vị, và rồi bạn cũng tới được phần bạn mong muốn, cuốn tiểu thuyết “Nếu một đêm đông có người lữ khách” hiện ra ở chương tiếp. Khi đọc được một lúc, bạn đang băn khoăn chưa kịp hiểu chuyện gì sẽ xảy ra tiếp thì đùng một cái, thế giới của những con chữ lôi bạn đến một vùng không gian khác, cái không gian của chương đầu tiên mà bạn, một người đọc, là nhân vật chính. Tới đây, nhân vật chính, tức là người đọc, cũng tức là bạn, phải đi làm một chuyện rất đỗi thường tình là chạy ù ra nhà sách để mà đổi lại cuốn khác, rồi bạn nhận ra rằng cuốn “Nếu một đêm đông có người lữ khách” này bị nhầm lẫn với một cuốn khác, và bạn sau đó bị lôi vào một cuốn khác, cuốn “Ở ngoại vi thành Malbork”. Bằng lối dẫn chuyện tương tác, Italo Calvino đã lôi độc giả từ vùng không gian này sang vùng không gian khác, từ câu chuyện này sang câu chuyện nọ, từ “Nếu một đêm đông có người lữ khách” sang “Ở ngoại vi thành Malbork”, rồi đến “Cúi mình trên triền dốc”, v.v. làm bạn có phần hoang mang, tự hỏi rằng chuyện này bao giờ mới kết thúc, và cái cuốn Sách Bạn Cần Đọc Mà Nó Chả Bao Giờ Hiện Ra đến khi nào nó mới hiện ra. Đây là một tác phẩm của những sự khởi đầu, là một tập hợp bao gồm mười sự khởi đầu của mười cuốn tiểu thuyết khác nhau mà bạn không bao giờ biết được phần kết. Mười mảnh rời này được nối lại với nhau thông qua một câu chuyện mà trong đó bạn như là một người lữ khách đang làm cái công cuộc đi tìm một tác phẩm hoàn chỉnh, một văn bản thực thụ mà nó có vẻ như đang lẩn khuất đâu đó. Bằng phong cách hậu hiện đại, Italo Calvino đã phá vỡ mọi qui củ, mọi nét quen thuộc có được trong một cuốn tiểu thuyết truyền thống. Bên trong cuốn tiểu thuyết này lại xuất hiện những cuốn tiểu thuyết khác, rồi lần lượt mỗi cuốn tiểu thuyết xuất hiện bên trong đó lại bị ngắt quãng, việc ngắt quãng đó có chức năng như là một lối ẩn dụ mở rộng cho cái mỏng manh của sự bỏ lửng trong giao tiếp văn chương. “Nếu một đêm đông có người lữ khách” là một tác phẩm hư cấu, nhưng lại có lối hành văn như thể nó là tập hợp của những bài tiểu luận. Thông qua một câu chuyện hư cấu về những câu chuyện hư cấu khác, Italo Calvino còn lồng vào đó những đoạn triết lí thâm trầm về sự đọc, sự viết, về vai trò của độc giả, của tác giả, và của sách. Ở đây, cái lằn ranh phân chia giữa độc giả, tác giả, nhân vật gần như bị xoá bỏ, người đọc cũng chính là nhân vật chính, còn tác giả cũng chính là người đọc. Có thể nói tác phẩm “Nếu một đêm đông có người lữ khách” này của Italo Calvino là một ví dụ tiêu biểu cho ý niệm “tác phẩm mở” mà Umberto Eco đã nêu ra vào năm 1962 trong tác phẩm Opera aperta (Tác phẩm mở) của mình, rằng những thông điệp trong những tác phẩm hoàn toàn mập mờ và những người thưởng thức tác phẩm, tức những người đọc, phải tham gia một cách chủ động hơn vào quá trình diễn giải và sáng tạo.

Cuốn sách Nếu một đêm đông có một người lữ khách mở đầu bằng lời giới thiệu hết sức kì lạ, như cố gắng thu hút chúng ta đừng rời mắt khỏi trang sách mà hãy chìm đắm trong nó, như nỗ lực lôi cuốn chúng ta vào một trò chơi rượt bắt rối như tơ vò để rồi phút cuối cùng ta tìm được điều gì chứ? Hai nhân vật chính kết hôn với nhau, hai người đọc: “người đọc nam và người đọc nữ”. Một cái kết hết sức là “không ăn khớp” gì với cái đề tài mà cuốn sách Nếu một đêm đông có người lữ khách đã nói ngay ở trang bìa. Một cái kết “khó hiểu” trong tổng thể những câu chuyện không hề có cái kết. Thuật ngữ siêu tiểu thuyết hay siêu hư cấu là một loại tiểu thuyết về tiểu thuyết, hư cấu trong hư cấu. Đó là sự lồng ghép câu chuyện này trong những câu chuyện khác, mà ở đó tác giả thể hiện được sự sáng tạo tự do, vô điều kiện của bản thân. Tác phẩm siêu tiểu thuyết giống như một trò chơi tự sắp xếp cách chơi của nó. Sự liên kết giữa người đọc và tác giả được thể hiện như một sự mời gọi tham gia trò chơi. Cảm nhận của độc giả đôi khi sẽ bị nhầm lẫn vì những sự kiện có thực được kể bị nhiễu loạn, và hơn hết ranh giới để tìm ra đâu là sự thật đâu là hư cấu vô cùng mờ ảo. Cuốn sách Nếu một đêm đông có người lữ khách của nhà văn Italo Calvino mở đầu khá kỳ lạ. Bạn sắp bắt đầu đọc cuốn sách Nếu một đêm đông có người lữ khách của Italo Calvino. Hãy thư giãn và tập trung. Xua mọi ý nghĩa khác đi trong đầu của bạn . Hãy để thế giới quanh bạn nhòa đi. Tốt nhất là đóng cửa lại, ở phòng bên tivi bao giờ mà chẳng bật. Nói thẳng với những người khác, “Không, tôi không muốn xem tivi!” Cao giọng lên, không thì họ chẳng nghe thấy bạn đâu – “Tôi đang đọc sách! Tôi không muốn bị quấy rầy”. Italo Calvino không mô tả nhân vật của mình hoặc đặt họ trong không gian và thời gian phát triển của sự việc, ông phản ánh tâm lý của người đọc. Nhân vật chính của cuốn sách Nếu một đêm đông có người lữ khách được gọi là “người đọc”. Nhiệm vụ của anh ta là tiến hành cả một cuộc hành trình qua các vùng đất của sự đọc – một cuộc hành trình đầy khó khăn và liên tục bị gián đoạn. Không phải vì những yếu tố bên ngoài như ở phần đầu cuốn tiểu thuyết đã nêu như tiếng ồn của tivi nhà hàng xóm, mà là do những hoàn cảnh không thể nào lường trước được. Người đọc phải thực hiện việc đọc bằng cảm giác và kinh nghiệm đọc, để cảm nhận rõ ràng sau mỗi chương về những thử thách và khó khăn của họ , chúng ta lại có cơ hội để đọc cùng anh ta. Mỗi chương khác trong cuốn sách Nếu một đêm đông có người lữ khách là một mẫu sách khác nhau của người đọc. Cách “cư xử” đó của tác giả khiến cho mỗi người đọc chúng ta đều có cảm giác hỗn độn, rối loạn, và bị chìm trong những dang dở, đứt gãy. Không biết phải bắt đầu từ đâu và kết thúc như thế nào. Nhưng đó chính là cái cách đặc biệt mà thể loại siêu tiểu thuyết của chủ nghĩa hậu hiện đại đem lại. Và chính bản thân người đọc là chúng ta phải tự soi rọi sự thật bị ẩn đi đằng sau những hư cấu rối ren này. Đến cuối cùng của cuốn sách Nếu một đêm đông có một người lữ khách, Italo Calvino cho rằng đọc và viết là hai điều tốt nhất để lại cho con người. Ông đã gợi ý rằng những điều khiến chúng ta tồn tại chính là quá trình đọc và viết. Đó cũng là một quá trình tìm kiếm trong nghi ngờ dai dẳng không bao giờ kết thúc. Và để ta nhận ra rằng trong sự hỗn loạn và nhầm lẫn của cuốn sách, theo cách sáng tạo của tác giả, chúng ta vẫn có thể thấy một hình ảnh của cuộc sống con người thật sự . Bao gồm những cảm xúc vui, buồn, hy vọng, thất vọng… Tiểu thuyết của Italo Calvino như là trò chơi, nhưng lại chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc và mãnh liệt. Nó là một khởi đầu cho những bước tiến mới sau này của nghệ thuật tiểu thuyết.

Một cuộc dạo chơi, là những từ thể hiện chính xác nhất Nếu một đêm đông có người lữ khách (NMDDCNLK). Bằng thiên tài của mình, Italo Calvino viết nên một tiểu thuyết độc nhất vô nhị trong lịch sử văn học thế giới. Có thể tiếp cận ở những khía cạnh sau: Đầu tiên, không giống như thông thường, NMDDCNLK được viết ở ngôi thứ hai. Nếu ngôi thứ nhất cho phép ta thâm nhập sâu vào nội tâm nhân vật, còn ngôi thứ ba cung cấp cái nhìn khách quan toàn cảnh thì ngôi thứ hai hội tụ ưu điểm của cả hai - cách gọi độc giả là bạn làm cho người kể chuyện vừa ở trong vừa ở ngoài câu chuyện. Để duy trì sự lưng chừng đó không phải chuyện dễ dàng, điều này giải thích tính hiếm hoi của ngôi thứ hai. Và Italo Calvino đạt tới đỉnh cao của cách kể chuyện này, khi không những duy trì ngôi kể suốt bốn trăm trang sách, mà còn có thể thay đổi linh hoạt từ số ít sang số nhiều và ngược lại. Thứ đến, NMDDCNLK gồm hai tuyến kể chuyện song song. Tuyến đầu, chúng ta lần theo dấu vết của Người đọc và câu chuyện của anh ta. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu anh ta không phải là Người đọc. Vì là Người đọc, Calvino muốn tiến xa hơn, muốn đẩy chúng ta, những độc giả, những người đọc vào trong câu chuyện, để đồng nhất với Người đọc mà ông ấy tạo ra. Thật thú vị. Tuyến thứ hai của NMDDCNLK là những câu chuyện mà Người đọc sẽ đọc trong cuộc hành trình của anh ta. Những câu chuyện này, đến lượt nó lại phảng phất những hình ảnh của Người đọc. Như vậy, không dừng lại ở việc đồng nhất người đọc với Người đọc, Calvino còn muốn đồng nhất Người đọc với câu chuyện anh ta đọc. Thành thử, chúng ta lại gián tiếp bị đồng nhất thêm một lần nữa. Việc đồng nhất này nảy ra câu hỏi thú vị: phải chăng chính chúng ta cũng đang bị đọc? Nhiêu đó vẫn chưa hết. Trong trò chơi tiểu thuyết, ngoài sự đọc, tác giả muốn đào sâu thêm cả sự viết, thể hiện ở những gì mà Người đọc đọc. NMDDCNLK cuốn hút nhất ở sự tươi mới của nó. Italo Calvino giữ cuốn tiểu thuyết chùng chình ở đoạn mở đầu suốt từ đầu đến cuối. Dĩ nhiên chẳng có kết thúc và tất nhiên cứ đang hay lại đứt dây đàn và tuyệt nhiên là chẳng ai muốn điều đó đương nhiên trừ tác giả. Những câu chuyện cứ bắt đầu rồi kết thúc cứ như vòng lặp. Đã hết chưa? Vẫn còn. Dr Strange hay Itachi giỏi lắm cũng chỉ tạo được vô hạn tuần hoàn. Giống nhau chán ngắt thì ai mà muốn đọc. Thế rồi Calvino quyết định tô màu cho nó khác biệt. Kết quả những câu chuyện trong NMDDCNLK tuy lặp nhưng không lặp, tuy giống nhưng mang bản sắc riêng. Mà bản sắc thì ba chấm lắm.Túm lại, như đã nói, là một cuộc dạo chơi, của tác giả. Hãy đọc khi thật tỉnh táo.

Đây là một tác phẩm của những sự khởi đầu, là một tập hợp bao gồm mười sự khởi đầu của mười cuốn tiểu thuyết khác nhau mà bạn không bao giờ biết được phần kết… “Nếu một đêm đông có người lữ khách” là tác phẩm nổi tiếng của Italo Calvino đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt, dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng chuyển ngữ tác phẩm này từ bản tiếng Anh (của William Weaver), và là tác phẩm thứ ba của Italo Calvino có văn bản bằng tiếng Việt, sau hai cuốn “Palomar” và “Nam tước trên cây”. Italo Calvino đã mở đầu tác phẩm bằng một câu mang tính chế giễu: “Bạn sắp bắt đầu đọc cuốn tiểu thuyết mới ‘Nếu một đêm đông có người lữ khách’ của Italo Calvino.” Một lời mở đầu khá lạ thường được tiếp sau đó bằng một màn trình bày ấn tượng về những thể loại sách được Calvino phân loại dựa trên góc nhìn của độc giả. Bạn sẽ không khỏi bật cười trước những tên gọi hài hước về các dạng sách, như dạng Sách Bạn Không Cần Đọc, Sách Bạn Chưa Mở Ra Thì Cũng Đã Đọc Rồi Bởi Vì Chúng Thuộc Loại Sách Chưa Viết Ra Thì Người Ta Đã Đọc Rồi, Sách Bạn Cũng Có Ý Đọc Nhưng Có Những Sách Khác Bạn Phải Đọc Trước Đã, hoặc là dạng Sách Hiện Giờ Quá Đắt Nên Bạn Sẽ Chờ Đến Khi Nào Chúng Được Bán Hạ Giá, v.v.. Một đoạn mở đầu thú vị, và rồi bạn cũng tới được phần bạn mong muốn, cuốn tiểu thuyết “Nếu một đêm đông có người lữ khách” hiện ra ở chương tiếp. Khi đọc được một lúc, bạn đang băn khoăn chưa kịp hiểu chuyện gì sẽ xảy ra tiếp thì đùng một cái, thế giới của những con chữ lôi bạn đến một vùng không gian khác, cái không gian của chương đầu tiên mà bạn, một người đọc, là nhân vật chính. Tới đây, nhân vật chính, tức là người đọc, cũng tức là bạn, phải đi làm một chuyện rất đỗi thường tình là chạy ù ra nhà sách để mà đổi lại cuốn khác, rồi bạn nhận ra rằng cuốn “Nếu một đêm đông có người lữ khách” này bị nhầm lẫn với một cuốn khác, và bạn sau đó bị lôi vào một cuốn khác, cuốn “Ở ngoại vi thành Malbork”. Bằng lối dẫn chuyện tương tác, Italo Calvino đã lôi độc giả từ vùng không gian này sang vùng không gian khác, từ câu chuyện này sang câu chuyện nọ, từ “Nếu một đêm đông có người lữ khách” sang “Ở ngoại vi thành Malbork”, rồi đến “Cúi mình trên triền dốc”, v.v. làm bạn có phần hoang mang, tự hỏi rằng chuyện này bao giờ mới kết thúc, và cái cuốn Sách Bạn Cần Đọc Mà Nó Chả Bao Giờ Hiện Ra đến khi nào nó mới hiện ra. Đây là một tác phẩm của những sự khởi đầu, là một tập hợp bao gồm mười sự khởi đầu của mười cuốn tiểu thuyết khác nhau mà bạn không bao giờ biết được phần kết. Mười mảnh rời này được nối lại với nhau thông qua một câu chuyện mà trong đó bạn như là một người lữ khách đang làm cái công cuộc đi tìm một tác phẩm hoàn chỉnh, một văn bản thực thụ mà nó có vẻ như đang lẩn khuất đâu đó. Bằng phong cách hậu hiện đại, Italo Calvino đã phá vỡ mọi qui củ, mọi nét quen thuộc có được trong một cuốn tiểu thuyết truyền thống. Bên trong cuốn tiểu thuyết này lại xuất hiện những cuốn tiểu thuyết khác, rồi lần lượt mỗi cuốn tiểu thuyết xuất hiện bên trong đó lại bị ngắt quãng, việc ngắt quãng đó có chức năng như là một lối ẩn dụ mở rộng cho cái mỏng manh của sự bỏ lửng trong giao tiếp văn chương. “Nếu một đêm đông có người lữ khách” là một tác phẩm hư cấu, nhưng lại có lối hành văn như thể nó là tập hợp của những bài tiểu luận. Thông qua một câu chuyện hư cấu về những câu chuyện hư cấu khác, Italo Calvino còn lồng vào đó những đoạn triết lí thâm trầm về sự đọc, sự viết, về vai trò của độc giả, của tác giả, và của sách. Ở đây, cái lằn ranh phân chia giữa độc giả, tác giả, nhân vật gần như bị xoá bỏ, người đọc cũng chính là nhân vật chính, còn tác giả cũng chính là người đọc. Có thể nói tác phẩm “Nếu một đêm đông có người lữ khách” này của Italo Calvino là một ví dụ tiêu biểu cho ý niệm “tác phẩm mở” mà Umberto Eco đã nêu ra vào năm 1962 trong tác phẩm Opera aperta (Tác phẩm mở) của mình, rằng những thông điệp trong những tác phẩm hoàn toàn mập mờ và những người thưởng thức tác phẩm, tức những người đọc, phải tham gia một cách chủ động hơn vào quá trình diễn giải và sáng tạo.

Người đọc của Italo Calvino, anh là một Don Quixote phiên bản mọt sách phăm phăm nhảy vào cuộc đời với tất cả con tim trong sáng và nồng nhiệt. Sự vô ích không làm anh nhụt chí. Sự bế tắc không tài nào cản bước anh. Anh truy cầu một hiện thực vô nghĩa trong một đường dây ngụy thư và trong niềm hưng phấn của những cao trào bị bỏ ngỏ, anh quên mất rằng chúng vô nghĩa, hoặc anh đã lờ mờ nhận ra, nhưng ngay cả nhận thức ấy cũng chẳng mang ý nghĩa gì. “Cuốn tiểu thuyết em thích đọc nhất vào lúc này phải là cuốn tiểu thuyết mà động lực duy nhất là khát vọng kể chuyện, chất chồng chuyện này lên trên chuyện khác, không cố áp đặt lên ta một cách nhìn thế giới, mà chỉ để ta quan sát sự lớn dần của nó, như một cái cây, một sự xoắn xuýt vào nhau như của cành và lá”, một nhân vật trong Nếu một đêm đông có người lữ khách nói. Thay vì nói về sự có nghĩa của tiểu thuyết, hãy nói về sự vô nghĩa của nó. Hãy nói về niềm đam mê biếng lười được vắt chân chìm vào một thế giới hão huyền một cách đầy nghiêm túc, nơi điều khiến ta bồn chồn và nóng lòng hơn cả là có gì trong trang tiếp theo sắp được lật giở sang. Khi đã đọc được đến khoảng 1/3 Nếu một đêm đông có người lữ khách, ta gần như đã hiểu luật chơi của nó, ta thôi bị bất ngờ như khi đọc những chương mở đầu, nhưng ta vẫn tiếp tục đọc, không phải vì tò mò trước chủ nghĩa hậu hiện đại, bởi ngay cả chủ nghĩa hậu hiện đại cũng đã nhàm chán rồi, thứ cuốn lấy ta là khát vọng kể chuyện lì lợm của Calvino. Nói cho cùng mỗi thời đại người ta đọc Kafka theo một cách khác nhau, nhưng người ta vẫn còn tiếp tục đọc Kafka chỉ bởi vẫn có gì đó thật dễ cảm thông khi đọc về một viên công chức bỗng một ngày biến thành con côn trùng khổng lồ. Và Người Đọc, cuộc phiêu lưu của anh có thể không có những tay gangster, không có ma cà rồng, không có những kẻ sát nhân, đến cả một ông anh họ tham lam cũng không có, không có một ai là kẻ phản diện, nhưng nó thật đẹp chính trong sự suôn sẻ ấy. Anh giống như kẻ quá rảnh rỗi tự bịa ra vấn đề để giải quyết và rốt cục cũng không giải quyết được gì, nhưng, dù ta có thể tưởng tượng ra Italo Calvino đang cười thầm những người đọc (trong đó có cả ông) khi viết những dòng đó, nhưng ta cũng có thể thấy trong mắt ông, những người đọc tuy nhàn tản, tuy bất an, nhưng vẫn thật dễ thương. Tất nhiên, bạn có thể hoài nghi việc, có nhất thiết phải viết ra hẳn một cuốn tiểu thuyết về việc đọc một hành trình mà đến kết cùng cũng không thức tỉnh được một chân lý nào hay nảy ra một cuộc chiến nào, vậy thì tôi đành xin khép lại bằng chính câu kết của Italo Calvino khi ông khép lại bài tiểu luận Tại sao ta đọc kinh điển của ông: “Và nếu ai đó phản đối rằng chẳng đáng để mà nói nhiều thế, thì tôi sẽ trích dẫn Cioran (người bây giờ chưa phải là kinh điển những sẽ trở thành kinh điển): Trong khi họ đang chuẩn bị thuốc độc thì Socrates học chơi một giai điệu trên cây sáo. “Việc biết một giai điệu trước khi chết thì có ích lợi gì cho ngài chứ”, họ hỏi”. Nhưng bài viết này cũng chỉ lại là một cái ngách be bé nữa trong tẩm cung đồ sộ bao quanh cái mà cuốn sách của Italo Calvino thực sự là. Một người đọc giống như một kẻ đào vàng bị lời nguyền vậy, vàng tìm được là của riêng anh, muốn hay không, anh cũng không thể trao nó vào tay ai đó khác, còn nếu ai đó khác cũng muốn tìm vàng, người đó sẽ phải khăn gói đi tìm vàng lấy.

Giả giả thật thật thật thật giả giả, mơ mơ hồ hồ vô hạn định. cái gì là giả mà cái gì là thật? suy cho cùng giả với thật là vì thứ thật tồn tại để mà những thứ khác còn giả. Thế nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu như thật không tồn tại? Hay nếu như thứ thật chỉ là một ý tưởng vô vật thể? Khoan, chẳng phải "thật" với "giả" vốn chỉ là ý tưởng mà ta gán cho sự vật sao? Thế thì... Trời ơi, lại lao vào cái vòng vô hạn định, cái mớ bòng bong không thấy lối ra kia rồi. Italo Calvino, ông bẫy tôi tài giỏi lắm. Được lắm, ông đùa cợt với những đề tài trừu tượng, những ngôn từ phức tạp mà thỉnh thoảng tôi cho rằng tiếng Việt hình như chưa đủ giàu và đẹp để tải được sức nặng của chúng. Đã thế cuốn sách tung ra một loạt những vấn đề, những khái niệm về văn chương mà tôi - người đọc quá bối rối. chữ có giả được không? sách có giả được không? nhà văn có giả được không? sự đọc có giả được không? sự viết có giả được không? thậm chí đến tôi - người đọc là ai, có giống, có bị hòa tan vào với người đọc trong cuốn sách kia không, tôi cũng không rõ nổi nữa. Đó là một cách mà Italo Calvino chơi trò vờn chuột với tôi trong cuốn sách này. Sự tương tác giữa người đọc chúng ta và cuốn sách trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Hẳn bạn đã từng sống trong một cuốn sách nhiều lần, từng chìm đắm trong những thế giới khác nhau (với bản thân tôi đây là thế giới cổ tích và tưởng tượng là chính). Nhưng chưa bao giờ tôi lại đau đầu với một cuốn sách như thế này. Một cuốn sách mà lật đi lật lại, rồi tự thấy mình sao mà ngu si tới thế, không thể nắm bắt được tắt cả. THỉnh thoảng chộp được một cái ý nho nhỏ mơ hồ trong đống ngữ nghĩa bất tận thì mới mừng rỡ làm sao. Nhưng đọng lại là một sự bất lực vì tôi vẫn không hiểu hết. Bản thân tôi cũng tự hỏi mình lại những khái niệm, tự tra vấn về các vấn đề nghiêm túc mà một người đọc-để-giải-trí như tôi vốn chả mấy khi phiền lòng tới. Sự đọc là gì? bạn có gì từ nó? bạn chờ đợi gì ở nó? kết và mở, sách, ý tưởng. Tất cả thật là nhức đầu đối với một kẻ vốn chỉ đam mê sách thiếu nhi. Nhưng cuốn sách như một thử thách mà tôi không muốn dừng bước. Một lối viết khiến tôi quá yêu thích. Chắc chắn đọc một lần không thể hiểu. Phải đọc thêm nhiều nhiều lần nữa. Thật là đáng sợ. Sự viết có sức mạnh mới ghê gớm đáng gờm làm sao

Nếu như cuốn sách "Nếu một đêm đông có người lữ khách" là một loạt những khởi đầu nhưng lại không biết kết thúc ở đâu, ra sao, thậm chí... không rõ đã kết thúc chưa?!? Thì người đọc cũng không biết phải bắt đầu từ đâu để nhận xét về cuốn sách này, cuốn sách có cấu trúc kỳ dị nhất mà bản thân tôi đã từng đọc qua. Nếu bạn chưa biết khái niệm siêu hình (meta) trong văn chương là gì, cấu trúc hậu hiện đại là thế nào, chủ nghĩa phá bỏ cấu trúc (deconstruction), truyện lồng trong truyện, sách lồng trong sách, hoặc có nghe tới nhưng không biết chúng được ứng dụng như thế nào, định hình trong văn chương ra sao, thì cuốn sách này là ví dụ tiêu biểu cho những thứ kỳ dị khó diễn tả bằng lời đó. Dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng có lẽ cũng đã bỏ công rất nhiều để đạt được một bản dịch không quá khó hiểu nhưng vẫn hấp dẫn và mang màu sắc vừa kỳ bí vừa triết lý. Cuốn sách có rất nhiều điểm đặc sắc, ví dụ như một câu hoàn chỉnh sẽ hiện ra khi bạn biết cách ghép mười mảnh câu rời trong mười chương sách với nhau. Hoặc cả cuốn sách toàn bộ là những khởi đầu khiến người đọc nóng lòng muốn biết diễn biến, nhưng liệu có thể kiên nhẫn theo dõi đến cùng để thấy được kết cuộc, hoặc nói đúng hơn, liệu tác giả có cho bạn thấy? Hoặc là một cuộc truy tìm sách hiếm, một chuyện tình lãng mạn, một cuộc rượt đuổi, một câu hỏi không thể có lời đáp? Đây là một cuốn sách không thể bỏ qua nếu bạn đã đọc qua cuốn Palomar hay bộ "Tổ tiên của chúng ta", yêu những cuốn sách, ưa những thử thách, ưa những khởi đầu đầy phấn khích và thích thú những điều dị thường khó hiểu.

Đầu tiên, không giống như thông thường, NMDDCNLK được viết ở ngôi thứ hai. Nếu ngôi thứ nhất cho phép ta thâm nhập sâu vào nội tâm nhân vật, còn ngôi thứ ba cung cấp cái nhìn khách quan toàn cảnh thì ngôi thứ hai hội tụ ưu điểm của cả hai - cách gọi độc giả là bạn làm cho người kể chuyện vừa ở trong vừa ở ngoài câu chuyện. Để duy trì sự lưng chừng đó không phải chuyện dễ dàng, điều này giải thích tính hiếm hoi của ngôi thứ hai. Và Italo Calvino đạt tới đỉnh cao của cách kể chuyện này, khi không những duy trì ngôi kể suốt bốn trăm trang sách, mà còn có thể thay đổi linh hoạt từ số ít sang số nhiều và ngược lại. Thứ đến, NMDDCNLK gồm hai tuyến kể chuyện song song. Tuyến đầu, chúng ta lần theo dấu vết của Người đọc và câu chuyện của anh ta. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu anh ta không phải là Người đọc. Vì là Người đọc, Calvino muốn tiến xa hơn, muốn đẩy chúng ta, những độc giả, những người đọc vào trong câu chuyện, để đồng nhất với Người đọc mà ông ấy tạo ra. Thật thú vị. Tuyến thứ hai của NMDDCNLK là những câu chuyện mà Người đọc sẽ đọc trong cuộc hành trình của anh ta. Những câu chuyện này, đến lượt nó lại phảng phất những hình ảnh của Người đọc. Như vậy, không dừng lại ở việc đồng nhất người đọc với Người đọc, Calvino còn muốn đồng nhất Người đọc với câu chuyện anh ta đọc. Thành thử, chúng ta lại gián tiếp bị đồng nhất thêm một lần nữa. Việc đồng nhất này nảy ra câu hỏi thú vị: phải chăng chính chúng ta cũng đang bị đọc? Nhiêu đó vẫn chưa hết. Trong trò chơi tiểu thuyết, ngoài sự đọc, tác giả muốn đào sâu thêm cả sự viết, thể hiện ở những gì mà Người đọc đọc. NMDDCNLK cuốn hút nhất ở sự tươi mới của nó. Italo Calvino giữ cuốn tiểu thuyết chùng chình ở đoạn mở đầu suốt từ đầu đến cuối. Dĩ nhiên chẳng có kết thúc và tất nhiên cứ đang hay lại đứt dây đàn và tuyệt nhiên là chẳng ai muốn điều đó đương nhiên trừ tác giả. Những câu chuyện cứ bắt đầu rồi kết thúc cứ như vòng lặp. Đã hết chưa? Vẫn còn. Dr Strange hay Itachi giỏi lắm cũng chỉ tạo được vô hạn tuần hoàn. Giống nhau chán ngắt thì ai mà muốn đọc. Thế rồi Calvino quyết định tô màu cho nó khác biệt. Kết quả những câu chuyện trong NMDDCNLK tuy lặp nhưng không lặp, tuy giống nhưng mang bản sắc riêng. Mà bản sắc thì ba chấm lắm.Túm lại, như đã nói, là một cuộc dạo chơi, của tác giả. Hãy đọc khi thật tỉnh táo.

Italo Calvino là nhà văn hậu hiện đại người Ý. Ông sinh ra tại Cuba trong một gia đình có nền tảng giáo dục tốt khi bố mẹ ông là nhà thực vật học có tiếng còn anh của ông là một nhà địa chất học nổi tiếng. Ông chuyển tới Ý khi còn trẻ và ông bị thu hút bởi nền văn học Pháp. Trước khi sáng tác, ông có thời gian là dịch thuật ngoài ra ông còn là một nhà phê bình văn học có tiếng với hàng trăm đầu sách đồ sộ. "Nếu một đêm đông có người lữ khách" của nhà văn có một câu cách mở đầu khá thú vị "Bạn sắp bắt đầu đọc cuốn tiểu thuyết mới Nếu một đêm đông có người lữ khách của Italo Calvino. Hãy thư giãn. Tập trung. Xua mọi ý nghĩa khác đi. Hãy để thế giới quanh bạn nhòa đi. Tốt nhất là đóng cửa lại, ở phòng bên tivi bao giờ mà chẳng bật. Nói thẳng với những người Khác "Không, tôi không muốn xem tivi!" Cao giọng lên, không thì họ chả nghe thấy bạn đâu - "Tôi đang đọc sách! Tôi không muốn bị quấy rầy"...". "Nếu một đêm đông có người lữ khách" là một cuốn "siêu tiểu thuyết", thuật ngữ này chỉ những cuốn sách tiểu thuyết trong tiểu thuyết, hư cấu trong hư cấu, tại đó tác giả sẽ thể hiện sự tự do trong ngôn ngữ và sự sáng tạo của bản thân. Nhân vật chính của cuốn sách được ẩn danh và gọi là "người đọc". Tác phẩm là tập hợp của 10 sự khởi đầu của 10 cuốn tiểu thuyết khác nhau mà không bao giờ kể cho bạn nghe về cái kết. Bạn được ví như người lữ khách đi qua từng câu chuyện và nhiệm vụ chính là đi tìm tác phẩm đích thực, một cuộc hành trình đầy khó khăn. Cuốn sách như một trò chơi vậy, ty nhiên trò chơi không phải là cuộc hành trình từ thấp đến cao hay từ bắt đầu tới kết thúc. Nó là một cuộc hành tranh "ma trận" có nghĩa bạn đi từ trang 32 sang trang 33 nhưng thực chất bạn quay lại trang 17 và nhận ra tất cả là sai lầm. Hành trình đi tìm bản ngã không phải là hành trình đi lên, nó là hành trình đi đi lặp lại những sai lầm để chúng ta nhận ra mình là ai và bản ngã của ta là gì. Tuy mang tính khác triết lí nhưng "Nếu một đêm có người khách lữ hành" vẫn đáng để số đông chúng ta thưởng thức, một tác phẩm mới lạ và thú vị này.