1. Vài nét về tác giả Helena Mniszek:
Helena Mniszek (1878 - 1843) sinh trưởng trong dòng họ quý tộc Mniszek-Tchorznicka lâu đời tại Volhynia, Ba Lan. Tuy chỉ được giáo dục tại nhà, Helena từ khi còn nhỏ đã tỏ ra là một thiên tài về ngôn ngữ và văn học - bà thành thạo bốn thứ tiếng, đã đi chu du nhiều nơi và viết nên những tác phẩm kinh điển. Ngoài sáng tác, bà đã thành lập nhiều trường nữ sinh và các câu lạc bộ kịch cho trẻ em ở nông thôn. Helena có hai đời chồng - người thứ nhất là ông Władysław Chyżyński, người thứ 2 là ông Adolf Radomyski. Bà đã sống ở Kuchary (quê của ông Radomyski) trong suốt 29 năm, cho đến khi phát xít Đức buộc cả gia đình bà phải rời khỏi nơi này vào năm 1939. Bà dành những năm tháng cuối đời ở Sabine, tiếp tục sáng tác văn học và tham gia hoạt động xã hội. Các tác phẩm của bà được độc giả đánh giá cao - nhất là các độc giả nữ. Helena Mniszek xuất bản khoảng 22 tác phẩm, nhưng Con hủi mới là tác phẩm khẳng định tên tuổi của bà trên văn đàn Ba Lan nói riêng và thế giới nói chung. Chưa kể, vào năm 1951, do luật kiểm duyệt tại Ba Lan, nhiều tác phẩm của Helena đã bị thiêu hủy. Điều này đã hạn chế hiểu biết của độc giả thế giới với những tác phẩm của bà. Tôi mong rằng một ngày nào đó, cuốn Con hủi sẽ không còn là cuốn sách duy nhất của Helena Mniszek được xuất bản tại Việt Nam.
2. Cặp đôi “oan gia ngõ hẹp”!
“Ghét của nào trời trao của ấy” - đây hẳn là tình huống quen thuộc với nhiều cuốn tiểu thuyết lãng mạn: nam chính và nữ chính thường xuyên đối đầu nhau! Và Con hủi cũng không nằm ngoài motip này.
Cuốn tiểu thuyết mở đầu với cảnh nàng Stefcia Rudecka - nữ gia sư trẻ đầy nhiệt huyết của gia đình bá tước Elzonowska - đang đi dạo trong khu rừng gần trang viên và suy nghĩ về những biến động nàng đã trải qua. Nàng nghĩ về cuộc sống bình yên bên bố mẹ và các em, về mối tình đầu thất bại với Edmund Proninski, về cô bé học trò Lucia mộng mơ hay cười, những người ân cần ở trang viên,... Và đặc biệt, nàng không thể gạt Đại Công tử vừa ngạo mạn vừa ác ý ra khỏi tâm trí mình! Waldemar Michorowski không từ một cơ hội nào châm chọc nàng mỗi khi đến thăm cô ruột và em họ - phu nhân Idalia và tiểu thư Lucia. Stefcia đã cố trốn tránh khi nhìn thấy Đại công tử đang cưỡi ngựa tản bộ trong rừng, nhưng nàng đã vô tình đụng phải cành cây và bị phát hiện. Waldemar bèn cất tiếng bông đùa, châm ngòi cơn giận của Stefcia:
“Chào cô ! Cô làm gì ở đây sớm thế? Cô tìm đâu được nhiều hoa vậy ? Giữa những hàng cây rừng nom cô cứ như một tiên nữ ấy thôi !
“Cũng vì thế mà tôi gặp phải ma sói” - thiếu nữ đáp lại không suy nghĩ, vẻ bực mình.
Công tử nhướn mày, mỉm cười châm chọc đáp lại: “Chính thế, tôi muốn được làm một con ma sói ở bên nàng tiên nữ là cô.”
Và rồi khi tới bữa trưa với nhà Elzonowska, Đại công tử vẫn không quên thói châm biếm của mình:
“Trừ khi cô Stefcia muốn cháu ở lại làm bạn đánh tennis thì không kể. Nếu thế, hôm nay cháu sẽ tạm quên trang Guenbôvitre và…”
“Waldy, xin anh đừng đùa nữa!” - Cụ Maciej ngắt lời, vẻ không hài lòng.
“Cháu đâu có đùa ! Tiểu thư Stefcia có thể khiến cháu ở lại đây. Nào, xin được nghe... lời phán xét của cô!” - Và anh cúi đầu mắt táo tợn ngó Stefcia chăm chăm.
“Xin được nghe lời phán xét” - Anh nhắc lại.
Máu phản kháng trong người Stefcia như sôi hết cả lên. Cô muốn ném ngay chiếc khăn ăn hoặc chiếc đĩa này vào mặt nhà quý tộc kia biết bao ! Cô ngước đôi mắt đầy giận dữ lên nhìn anh ta, đáp: “Tôi đã thưa với ông, tôi không hay chơi tennis và một lần nữa, tôi xin nhắc lại.”
“Ôi! Vậy tôi sẽ làm được thầy của cô. Xin cam đoan kết quả sẽ cực kỳ tốt đẹp. “Cảm ơn ân huệ của ông!” - Cô giận dữ thốt ra.
Nhưng Waldemar vẫn nói tiếp: “Chuỗi cườm thật hợp với khuôn mặt cô biết chừng nào! Nom chúng mới ngon lành sao, cứ như những trái anh đào chín mọng ấy. Giá như làm con chim sẻ, tôi sẽ rỉa từng trái một, không để cô xua đuổi đâu. Còn bây giờ thì đành chịu nuốt nước bọt thèm thôi.”
Stefcia tái mặt, cắn chặt môi, và sau khi ném cho Waldemar một ánh mắt lạnh lẽo giá băng, cô cúi mặt xuống.
Theo như lời kể của bé Lucia, gia sư trước của bé - cô Klara - cũng đã hứng chịu không biết bao lời mỉa mai quá quắt của Waldemar. Đó là ấn tượng xấu khó phai mờ về Đại công tử trong mắt Stefcia. Lúc đầu, nàng - cũng như những người thuộc tầng lớp trung lưu - đều e ngại thói kiêu kỳ của giới quý tộc thượng lưu. Và khi nghe những câu đùa ác ý của Waldemar, nàng cảm thấy lòng tự trọng của bản thân bị tổn thương sâu sắc. Nàng cho rằng Waldemar chỉ là một tay đại quý tộc ngạo mạn và khinh người, một kẻ chỉ biết dùng tiền bạc và địa vị để phô trương, một gã chẳng bao giờ ở bên cạnh một người phụ nữ quá lâu. Nói cách khác, nàng không thể chịu đựng nổi Đại công tử Michorowski.
Waldemar lúc đầu cũng không coi trọng nàng. Có vẻ chàng chỉ coi nàng là một người phụ nữ tầm thường như bao người phụ nữ chàng đã gặp - những kẻ sẵn sàng quỳ xuống tôn thờ chàng vì địa vị và tài sản chàng đang nắm giữ. Chàng còn cảm thấy ý thích của nàng phù phiếm và khác người:
“Một ả mơ mộng… muốn làm điệu bộ công chúa! Chờ đấy! Ta sẽ hạ vương miện của ngươi xuống cho coi!”
Nhưng Stefcia thì khác. Nàng dường như không bị thu hút bởi vẻ ngoài hào hoa hay tài ăn nói khéo léo của chàng - thậm chí có vẻ nàng rất căm ghét những điểm đó. Điều đó khiến Waldemar khó chịu, bởi chàng đã quen được mọi người săn đón từ khi mới sinh ra rồi. Với vẻ ngoài, tài năng, học thức, gia thế và tài sản của mình, Waldemar là chàng rể được các gia đình quý tộc săn đón nhiều nhất. Nhưng sự thờ ơ và tức giận của Stefcia khiến Waldemar thấy tò mò, thích thú. Thuần phục được người con gái này không khác nào trải qua một thử thách cực kì cam go vậy.
“Một cô gái cực kỳ đây! Nóng nảy quá chừng!...”
Càng về những chương sau, những cuộc tranh luận của hai người càng trở nên sắc sảo và uyên bác hơn - giống như những đối thủ đang cạnh tranh công bằng, chứ không phải là hai kẻ thù đang đối địch nhau. Qua những cuộc tranh luận này, họ bộc lộ trí tuệ và tư tưởng của mình với đối phương. Đồng thời, họ cũng trở nên hiểu và tôn trọng nhau hơn. Dưới đây là đoạn hội thoại của hai người về ứng xử giữa phái nam và phái nữ:
“Không, thưa tiểu thư. Tôi chỉ nói nguyên tắc của tôi trong việc này thôi. Tôi có thể đến với một người đàn bà ở thang phẩm hạnh cao nhất, đưa tay cho người đó mà dắt đến những bước tiếp theo, nhưng bao giờ tôi cũng phải nhìn ngang thẳng vào mắt người ấy hoặc hơi nhìn từ trên xuống, chứ không bao giờ chịu ngước mắt lên, không bao giờ chịu quỳ gối cả. Cuộc đời chưa dạy tôi làm như thế. Tiểu thư có muốn ý trung nhân của mình tiến thẳng tới mục đích với ngọn roi của Nitsơ, hay muốn anh ta quỳ gối và ngước mắt lên cầu xin ân huệ của tiểu thư?”
“Tôi muốn cách đầu tiên hơn, nhưng với điều kiện người đó không dùng sức như dùng rìu, người đó phải đối xử với tôi như một người ngang hàng với mình. Lòng tự trọng của tôi đòi hỏi một ánh mắt nhìn thẳng, chứ không nhìn xuống.”
“Tiểu thư nói điều đó thực táo gan!” - đại công tử thốt lên, hàng lông mày nhíu lại giãn.
“Táo gan?… Theo nghĩa nào vậy?”
“Tiểu thư còn quá ít kinh nghiệm sống để cả quyết khẳng định điều ấy.”
“Tuy thế tôi vẫn vững tin rằng cuộc đời không làm thay đổi khẳng định của tôi.”
“Ấy, xin tiểu thư chớ vội cam đoan!”
“Ông cho là tôi thuộc loại đạo đức không cao ư?”
Waldemar hơi bực: “Tôi không nghĩ thế, nhưng tôi không hiểu liệu đạo đức ấy có đứng vững được trên cái chân đế mà lòng tự tôn của tiểu thư đã dựng nên chăng.”
“Điều gì có thể khiến nó chao đảo?” - Nàng hỏi táo tợn.
“Chàng nhìn xoáy vào mắt nàng giây lâu rồi dằn giọng: “Nhiệt huyết, tính nhạy cảm, tuổi thanh xuân của tiểu thư cộng với một sức mạnh hùng hậu nào đó của người đàn ông. Đó là những con át chủ bài không những chỉ đủ sức làm chao đảo mà thậm chí còn lật nhào tiểu thư khỏi chân đế, một khi chúng át được cái điều mà tiểu thư coi là quyết định.”
Stefcia nhìn thấy trong đôi đồng tử của người đang nói một sức mạnh dã man và một sự táo tợn, chàng đã áp đảo được nàng. Nàng khỏa những ngón tay xuống nước, nghịch ngợm vung cho bắn tung những giọt nước li ti lên, rồi thong thả nói như tự nhủ với chính mình: “Quá nhiều lòng tin vào sức mạnh đàn ông, mà lại quá ít niềm tin vào sức mạnh của chúng tôi.”
“Đó chẳng qua là kinh nghiệm mách bảo mà thôi, kinh nghiệm cho thấy rằng một bộ giáp phục dù vững chắc nhất cũng không thể đứng vững được trước một người khao khát chiến đấu và biết cách tìm được ở ngay cả bộ giáp phục kín vững nhất cái gót chân của Achilles.”
3. Chống lại những kẻ phá rối:
Trong số những kẻ phá rối trong câu chuyện, tôi xin mạn phép được loại Edmund Proninski ra khỏi danh sách, bởi hai lý do. Thứ nhất, hắn chỉ nhắm vào Stefcia chứ không phải Waldemar. Thứ hai, hắn quá tầm thường và yếu kém để trở thành đối thủ của Đại công tử. Nói cách khắc, những “kẻ phá rối” mà tôi muốn nói tới ở đây là những người nghi ngờ về tình cảm của hai nhân vật chính, những người trong giới quý tộc trâm anh thế phiệt.
Stefcia và Waldemar đều là những người có học thức và lịch thiệp trong ứng xử - khi đi cùng nhau, họ tạo ra một bầu không khí hòa hợp với người và cảnh vật xung quanh. Tuy nhiên giữa hai người vẫn có một điểm khác biệt quá lớn: xuất thân của họ. Waldemar sinh trưởng trong dòng họ quý tộc lâu đời và danh giá nhất Ba Lan - dòng họ Michorowski. Vì lẽ đó, chàng đã được hưởng quá nhiều đặc quyền liên quan đến tước vị và tài sản thừa kế từ khi sinh ra. Chưa kể, mọi gia đình danh gia vọng tộc đều khao khát con gái họ có cơ hội được nâng khăn sửa túi cho chàng.
Là một chủ nhân, một đại quý tộc, một triệu phú năng động, nhiệt thành, chân thực, chàng đã nghiêm chỉnh gánh vác trách nhiệm xã hội của mình. Cụ Maciej, một người hay trò chuyện, đã kể cho Stefcia nghe là cụ không ngờ Waldemar có thể thay đổi nhanh như thế. Trước kia, chàng sống khác hẳn. Sau khi tốt nghiệp đại học ở Borne và trường nông nghiệp Halle, chàng lao vào cơn xoáy lốc của đời, như điên cuồng. Chàng ở lỳ ở nước ngoài, chu du hết nơi này đến nơi khác, chàng thăm thú cả châu Âu. Chàng đã thăm cả Angeri và Ai Cập. Chàng đã từng đi săn thú ở Ấn Độ và trên những thảo nguyên Mỹ châu, đã từng leo lên những ngọn núi cao vút và chỉ còn mơ đến các bờ biển fio khúc khuỷu của Na Uy. Chàng đã đến thăm các bệnh viện, đã từng thảo luận với các nhà khoa học, đã thích thú ghé vào những phòng thí nghiệm hoá học lớn nhất, đã từng thực hành ở các trạm đài khí tượng, các nhà máy lớn thu hút chàng, chàng cũng đã từng lần mò đến các ngóc ngách của những xưởng đóng tàu ở New York, thâm nhập đời sống công nhân. Những mối quan hệ của chàng và tài sản nhiều triệu bạc đã mở rộng trước mắt chàng tất thảy các cơ quan nhà nước. [...] Chàng vung phí bạc triệu, chàng gây biết bao cuộc ẩu đả và những chuyện bê bối lớn nhỏ, phần lớn là vì tình ái, chàng là đứa con yêu của những hội vui tao nhã nhất. Chàng quen thuộc với chốn cung đình ở Vienne, chàng rất nổi danh trong giới quý tộc Hungary mà thông qua cụ bà của mình chàng có quan hệ họ hàng với vài ba gia đình có thế lực nhất. Chàng hao tiền vì phụ nữ, thậm chí chàng cũng có đánh bạc chút ít, nhưng không ham hố. Chàng đã từng mấy lần quyết đấu sống chết, kết thúc thắng lợi, nhờ lòng dũng cảm và việc thường xuyên luyện tập đấu gươm và bắn súng. Có lần tại câu lạc bộ Jockey thành Viên, chàng đã gây sự với một trong các đại quận công xứ đó vì đã dám gọi Ba Lan là đất nước của những cái đầu cạo nhẵn và những cái lưỡi lắm lời. Chuyện lan đến triều đình và vị đại quận công kia phải cắn răng chịu nhún xin lỗi vị đại quý tộc Ba Lan.
Còn Stefcia thì khác với chàng. Nàng sinh trưởng trong một gia đình điền chủ giàu có và lương thiện. Nàng còn được hưởng một chế độ giáo dục tốt và học rất giỏi (nhờ được học bổng ở Warsaw mà nàng mới gặp Edmund). Những tưởng một cô gái vừa gia giáo vừa tao nhã như nàng sẽ có lợi thế trong hôn nhân - nhưng không. Cha mẹ Stefcia chỉ đủ khả năng để lại cho nàng một số tiền nhỏ làm hồi môn - số tiền mà Edmund Pronniski đã hếch mũi khinh bỉ. Hắn đã mỉa mai về Stefcia với ông quản gia nhà Elzonowska:
"Stefcia khá thơm ngon, tôi không phản đối, bây giờ tuy có hơi phai màu chút đỉnh, nhưng đó quả là một cô ả hấp dẫn! Nhưng được cái gì nào? Cô ả chỉ vọc vạch mỗi hai chục thiên. Thứ đó mà dành cho tôi ư? Lạy Chúa lòng lành! Chỉ đủ vỏn vẹn cho tôi tiêu hai chuyến đi nước ngoài!"
Không những có bất lợi về của cải, Stefcia còn không có chỗ đứng trong giới quý tộc. Nàng vốn không muốn tham gia các buổi tiệc của giới thượng lưu, song vẫn phải đi vì gia đình nhà chủ thuyết phục - nhất là bé Lucia. Ở những buổi tiệc hào nhoáng, nàng thấy không thoải mái khi những cặp mắt soi mói và những lời đàm tiếu vô duyên đang đánh giá mối quan hệ của nàng và Đại công tử. Chỉ vì Đại công tử và các thanh niên quý tộc từ nam chí nữ đều bị nàng thu hút - chưa kể có người còn bị nàng lấn át về học thức và kĩ năng - các gia đình quý tộc cho rằng nàng là một mối đe dọa tới con cháu của họ. Bá tước Barski (bố của Melania Barska, một tiểu thư đang theo đuổi Đại công tử) thậm chí còn tuyên bố trước mặt Waldemar rằng nàng là một “con hủi” - một kẻ không được chào đón và bị cô lập! Tất nhiên trong số những lời bàn tán mọi người dành cho nàng cũng không thiếu những lời tán dương:
Còn các cô gái và chàng trai nhìn Stefcia thì thầm đủ điều nhận xét. Cánh đàn ông ngắm nghía vẻ đẹp của nàng, ai cũng phải thầm thừa nhận nàng quả là xinh đẹp, trang nhã và rất cao sang. Các cô gái bắt đầu thầm thì bình phẩm nàng. Một chàng trai khẽ thốt ra: "Một thiếu nữ tuyệt vời!" Và hình dung từ ấy được cánh đàn ông tán thưởng. Họ biết Stefcia là con gái của một công dân giàu có bên vương quốc. Chính chàng Vilus Seliga người trong dịp nghỉ hè lang thang khắp vùng đã giải thích cho họ. Qua những lời chàng sinh viên họ đoán được là chàng đã phải lòng cô tiểu thư Rudeska, vì thế họ càng tò mò háo hức theo dõi nàng. Ngay trước khi bắt đầu hành lễ, trước phòng áo chợt nhộn nhạo, rồi Waldemar bước vào.
[...] Sau điệu Kotilion, trong phòng khách nhỏ, cả bá tước Barski lẫn bá tước phu nhân Ćwilecka đều đến gặp bà, cả hai đều cáu kỉnh công kích bà. Bá tước nói: “Nam tước phu nhân đã vi phạm nguyên tắc của giới quý tộc khi đưa cái cô Rudecka ấy vào đây. Thật là quá đáng ! Ça ressemble en peu mal (Tiếng Pháp: Không còn ra thể thống gì nữa).”
Những lời ấy khiến phu nhân Idalia bị xúc phạm. Bà không muốn người ta chỉ trích. Bà đứng nhìn xuống bá tước, đáp chỏng lỏn: “Tôi không thấy gì quá đáng cả, bởi trong phòng nhảy còn nhiều cô còn thấp kém hơn Rudecka. Còn cô ấy, tuy chỉ là dame de compagnie (bạn chơi) của con gái tôi thôi, nhưng cũng có quyền được ưu đãi chứ.”
Bá tước Barski cao ngạo ngẩng cao đầu: “Vâng! Về phía nam tước phu nhân và tiểu thư thì tôi không phản đối. Nhưng ở đây chung quanh cô Rudecka tôi thấy có cả một sự ngưỡng mộ của giới thanh niên chúng ta. Điều đó quả là quá đáng.”
“Đó là do sắc đẹp và thành công riêng của cô ấy!" - Phu nhân Idalia cắt lời.”
“Idalia!” - Phu nhân Ćwilecka lên tiếng - “Đừng có mà che chở cho con bé ấy! Ngài bá tước nói đúng lắm: Con bé ấy làm lu mờ hết các tiểu thư của chúng ta. Chị thật là thiếu cân nhắc khi đưa nó đến dự vũ hội.”
Phu nhân Idalia nổi cáu: “Nhưng tôi đâu thể để cô ấy lại khách sạn? Các vị có những điều trách móc thật lạ lùng!”
“Nói chung chị đã thiếu thận trọng khi nhận con bé về Xuôđkôvxe,” - bá tước phu nhân cũng cáu kỉnh thốt lên: “Cái nơi mà đại công tử thường xuyên lui tới thì lại đón một con bé đẹp như thế về!”
Bá tước Barski lo ngại, đưa mắt trách móc nhìn bá tước phu nhân: “Permettez contesse (Tiếng Pháp: Xin phép bá tước phu nhân)! Tôi xin được bảo vệ cho đại công tử. Cô gái này không thể có ảnh hưởng lớn đến mức ta phải lo cho đại công tử. Cô ta không thể làm mờ được những ngôi sao của chúng ta, nhưng lại làm nảy sinh những mối lo ngại, làm băng hoại đạo đức thanh niên giời ta. Song, đối với cô ta đại công tử cũng có thể có những ham muốn này khác mà ta cũng dễ dàng bỏ qua: cô ta đẹp, đúng thế, đúng thế, nhưng ... ngay cả những vai hầu phòng lắm sự trong hài kịch chẳng đẹp lắm sao? Phu nhân hiểu ý tôi chứ ?”
Đôi môi bự mỡ của bá tước phu nhân nhoẻn một nụ cười khoái trí với người vừa nói, bà nháy mắt với vẻ mặt hài hước.
Đột nhiên bá tước phu nhân Wizembergova, từ nãy vẫn đứng ở cửa không ai để ý, bước ra giữa phòng, lên tiếng: ”Nhưng bọn gái hầu không được ai trao con gái cho dạy dỗ, không ai đưa chúng vào chỗ bạn bè, không ai chìa tay bắt tay chúng! Sự so sánh của bá tước ít nhất cũng không hợp chút nào. Tiểu thư Rudecka c’est une fille jeune, belle et très bien élevée (Là một thiếu nữ trẻ, đẹp và có giáo dục) quả thực cô ấy đã át hẳn các cô gái của chúng ta bởi vẻ đẹp, sự duyên dáng, trí thông minh, đã cuốn hút đám thanh niên và ngay chính đại công tử nữa! Chính điều đó khiến các vị không vừa ý. Có thể ca thán về cô ấy nếu các vị bực mình, có điều xin đừng có hạ nhục người ta, nhất là trước mặt có ái nữ đang được người ta dạy dỗ.”
Bá tước phu nhân khoan thai quay lưng và đường hoàng bước ra khỏi phòng khách nhỏ, kéo theo sau dải lụa xanh biếc uốn lượn, sột soạt.
Bị tấn công bất ngờ, bá tước cáu kỉnh nhấm nhấm ria mép, rồi khi thấy phu nhân Idalia cũng bỏ đi, ông ta rít lên qua hàm răng nghiến chặt: “Đồ điên!”
Bá tước phu nhân Ćwilecka nhún vai: “Họ điên vì cái con bé Rudecka đấy mà!”
Cả hai trở lại phòng khiêu vũ.
May mắn thay trong mọi cuộc trò chuyện, Đại công tử và tiểu thư Rita - một người bạn của chàng - luôn đứng ra để che chở Stefcia khỏi mọi lời giễu cợt. Họ cũng chính là những người khơi gợi khiếu hài hước của nàng. Stefcia dần trở thành tâm điểm của mọi cuộc vui trong giới thanh niên quý tộc với những câu chuyện dí dỏm. Waldemar cũng đáp lại những câu chuyện của nàng bằng những những lời bông đùa thú vị - như ngầm cho mọi người thấy nàng luôn có được sự ủng hộ từ phía chàng.
Tiểu thư Rita dễ dàng kéo nàng vào cuộc trò chuyện với mọi người, vì Stefcia không phải là người kém vui nhộn. Nom bề ngoài nàng có vẻ khiêm nhường nhất nhưng lại rất xinh đẹp, trong bộ váy áo bằng vải mỏng màu xám nhạt viền dải tím than. Mặt nàng ửng đỏ, đôi mắt vui vẻ long lanh sau hàng mi dài cong vút, môi hồng thắm nở. Tiểu thư Rita thích thú ngắm nàng, những người khác nhìn nàng ít nhiều dửng dưng. Trestka tò mò ngắm Stefcia như thể muốn tìm ra nhược điểm của nàng. Bá tước nghiên cứu kỹ từng đường nét, ánh mắt, cách nói năng, kiểu chải tóc và thầm thừa nhận trong bụng là nàng nhìn hoàn toàn có thể chấp nhận được: "Pas mal, pas mal (Không xoàng, không tệ lắm)” bá tước thì thầm tự nhủ, coi đó đã là một lời khen ngợi rất cao.
[...] Những câu chuyện lại tiếp nối ở phòng khách, điểm xuyết những dịp cười vui vẻ. Rồi tiếp đó hội thanh niên bắt đầu trổ tài. Tiểu thư Rita và Waldemar đầu trò, họ kể chuyện vui, bày đủ trò tếu, khiến cử tọa cười lăn lóc. Trestka cứ bám theo cạnh tiểu thư Rita khiến cô thấy bực. Ngược lại, Waldemar rất mực vui nhộn, chàng trêu Stefcia, nói với nàng những lời tử tế, để rồi sau đó lại đấu khẩu với nhau. Nhưng hễ có ai bước lại gần là Waldemar lại đổi giọng và chuyển hướng câu chuyện một cách khéo léo, khiến Stefcia không thể nhịn cười, nàng thấy thú vị nhưng cũng đầy hàm ơn cách xử sự của chàng.
4. Đóa hồng tình yêu khoe sắc tỏa hương:
Sau khi nghe về chuyện tình đầy bi kịch của ông nội Maciej và bà ngoại quá cố của nàng, Stefcia đã tìm mọi cách để không phải ở cạnh Waldemar quá lâu. Ông của Waldemar và bà của Stefcia sẽ phải chia tay nhau và hứng chịu những lời lẽ cay nghiệt của người đời - đến mức trong nội bộ hai gia đình ai cũng tỏ ra phẫn nộ khi nhắc lại chuyện xưa của hai cụ. Nàng chạy trốn chàng, hòa vào nhóm các bà các cô, lúc nào cũng đi cạnh Lucia hoặc Rita. Stefcia sợ rằng nàng sẽ phải lòng Waldemar và chuốc lấy bi kịch như ông của chàng và bà của nàng. Thế nhưng, nàng vẫn không thể cầm được nước mắt khi nghĩ đến chàng. Từ bao giờ, Waldemar đã trở thành một hình ảnh không bao giờ phai nhạt trong tâm trí nàng. Nàng hay nói muốn Waldemar đến thường xuyên vì cụ Maciej nhớ cháu, trong khi trên thực tế nàng mới là người nhớ nhung chàng nhiều nhất! Nàng đợi chàng ở mọi nơi trong trang viên Xuôđkôvxe - lúc thì trầm ngâm bên cửa sổ, khi thì mộng mơ trong khu vườn vắng:
Đôi mắt nàng lóng lánh một ý nghĩ nhớ nhung, nàng gửi ý nghĩ ấy lên đường tới chốn xa xăm kia… Nơi ấy, nơi mà cả tâm linh nàng dường như cũng đang chực bay đến với một sức mạnh không sao kìm giữ. Nàng chờ đợi một điều gì ngập tràn sung sướng mà tinh tế đến độ chỉ mơ hồ cảm thấy, niềm trông đợi ấy cũng phập phồng như khi người ta chờ đợi một tai họa vậy. Vào giây phút này thị giác và thính giác tập trung lại, căng lên đến kỳ khiến người ta mệt mỏi. Nàng không thể rời mắt để khỏi bỏ lỡ một giây ngắn ngủi, nàng không muốn cử động để khỏi gây một tiếng động huyễn âm. Cả thân thể nàng như biến thành pho tượng mà bên dưới ai đó có thể đặt tên: “Liệu có đến chăng” – Hạnh phúc hay nỗi tuyệt vọng.
Stefcia đã biến thành pho tượng chờ đợi như thế. Nàng dán mắt ngóng ra đường, không dám cử động. Nàng nín thở lắng nghe từng tiếng động dù khẽ nhất. Nàng đứng nơi đây bởi linh cảm rằng chàng sắp về, và nàng cứ đứng mãi kiên tâm chờ đợi. Không ai nói với nàng, không ai đón đợi chàng, nhưng nàng biết rằng chàng đã có mặt ở Guenbôvitre… Một giọng nói nào đó thì thầm cùng nàng: “Hôm nay chàng sẽ tới đây!”
Waldemar thì không biết tự bao giờ đã nghĩ về Stefcia như một lẽ thường tình, một thói quen. Nếu đã đọc qua cuốn sách, hẳn độc giả sẽ không thấy ngạc nhiên và nhớ ngay đến những dòng độc thoại nội tâm của Waldemar về nàng Stefcia, cũng như mối quan hệ của hai người. Mỗi ý nghĩ của chàng về nàng đều thiết tha, cồn cào - như thể họ đã xa nhau cả trăm năm… Mỗi khi Stefcia bị những ông bà quý tộc mỉa mai, chàng luôn có cách khiến cho họ hối hận và đau xót với những lời lẽ không thể nào chua chát hơn. Biết Stefcia cố không quá thân thiết với mình, chàng cũng không trách móc hay thúc ép nàng. Chàng giữ khoảng cách để thể hiện sự tôn trọng đối với nàng, nhưng không có phút nào chàng thôi trăn trở về người dấu yêu:
Cô ấy đã đập tan đi những quan niệm sai lầm của chàng về phụ nữ bằng sức mạnh của sự tương phản. Chàng biết rõ tình cảm của nàng dành cho mình và hiểu được rằng cô gái ấy là tín điều của đời chàng. Sự khác biệt về đẳng cấp không làm chàng lo lắng, chàng chỉ băn khoăn trước câu hỏi: liệu cái cương vị mới - cái địa vị đưa nàng lên cao đến thế - có phải sẽ quá nặng với đôi vai của Stefcia? Nhưng chàng không hề nghi ngại. Sự thông minh của nàng cho phép chàng tin rằng nàng sẽ đáp ứng được mọi đòi hỏi, mọi bổn phận và mọi nghi thức của cái đẳng cấp mà nàng sẽ đặt chân vào. Chàng cảm thấy hơi tò mò, không hiểu cô gái sẽ đón nhận lời tỏ tình của mình ra sao.
Sau đám tang của bà ngoại, Stefcia đã quyết định sẽ chia tay gia đình Elzonowska để tránh mọi mối quan hệ với Waldemar. Nàng không hề muốn chia tay trang viên này, nhất là không muốn phải xa bé Lucia và cụ Maciej… Nhưng nàng tin nếu nàng ở lại, nàng sẽ rất đau khổ vì tình yêu giữa Waldemar và nàng là bất khả thi. Ấy nhưng có vẻ nàng đã quên Waldemar không dễ dàng bỏ cuộc đến vậy. Khi nàng vừa ra sân ga, Waldemar đã đến tận nơi để tìm nàng! Chàng đã thổ lộ với nàng bằng tình cảm chân thành của mình, đồng thời đảm bảo với nàng về một đám cưới cả hai đều mong đợi! Stefcia quá xúc động đến độ cứ ngỡ nàng đang chìm trong giấc mơ:
Stefcia cố gỡ khỏi vòng tay chàng: “Em là vợ anh? Có thể như thế được chăng? Em không thể tin là niềm hạnh phúc quá đỗi lớn lao ấy!”
Waldemar ôm lấy nàng, nở một nụ cười rực rỡ: “Và rồi em sẽ thấy, em duy nhất của anh! Anh sẽ gạt phăng tất cả những gì cản đường chúng mình, anh sẽ đạp đổ hết thảy mọi chướng ngại, anh nhất định phải có em!”
Và trước khi nàng lên xe lửa, chàng đã không quên dặn dò một người bạn thân của mình - bà điền chủ vùng Obrony - rằng chàng gửi gắm vị hôn thê của mình cho bà chăm sóc. Khỏi phải nói, phu nhân cực kì xúc động và phấn khích! Và khi người xếp ga chào chàng, chàng cũng không quên giới thiệu rằng tiểu thư Stefcia Rudecka đã chính thức đính hôn với chàng! Dĩ nhiên, người xếp ga cảm thấy sửng sốt và bối rối hơn là phấn khích trước tin mới này.
Cái tin Đại công tử Michorowski đính hôn với một cô gái có địa vị thấp hơn thật không khác gì một quả bom quẳng vào giữa phòng họp giới quý tộc! Bà ngoại của chàng, phu nhân Podhorecka, là người phản đối kịch liệt nhất. Bà nêu dẫn chứng từ cuộc hôn nhân của bố mẹ và ông bà nội chàng: cả cô dâu lẫn chú rể đều phải đến từ dòng dõi trâm anh lâu đời, gia huy chín gậy (tước vị bá tước ở Ba Lan). Dù chàng rất kính trọng bà, điều bà nói ra khiến Waldemar bực mình, bởi đó là những lý lẽ quá đỗi sáo rỗng và cũ kỹ - chúng không thể ràng buộc chàng đến với tình yêu của mình. Chàng cho rằng chàng đã đủ chín chắn để có thể định đoạt cuộc đời mình, rằng không điều gì có thể cản đường chàng.
“Xin lỗi! Cháu là người trưởng thành, gia đình không có quyền cấm cháu. Đẳng cấp ư? Cháu cười vào mũi! Truyền thống không khiến cháu xúc động nữa rồi, còn bà ư? Bà sẽ không cản trở cháu. Bà đủ thông minh để không làm thế.”
Chàng còn phản bác lại rằng chỉ vì những cuộc hôn nhân sắp đặt như thế, cả cha mẹ lẫn bà nội chàng đều từ giã cõi đời trong đau khổ. Mặc cho bà ngoại chàng khăng khăng đề cao những cuộc hôn nhân môn đăng hộ đối, chàng vẫn cương quyết bảo vệ chính kiến của mình. Chàng đã thấy rằng tất cả bọn họ đều mang bóng hình của người khác trong tim vào ngày hôn lễ:
“Cha mẹ anh thương yêu nhau, nhưng có quan niệm không thật giống nhau chính điều đó đã chia rẽ họ.
“Bao giờ cũng có một chữ “nhưng” nào đó chặn đường. Vả lại, như cháu được biết, khi đi lấy chồng, mẹ cháu mang hình ảnh của một người khác trong tim.”
“Ôi! Đó chỉ là chuyện trẻ con!”
”Chuyện trẻ con? Nói thế quá dễ! Nhưng cái chuyện trẻ con ấy lại hết sức cản trở người ta, mẹ cháu lẫn ông Machay còn biết bao bằng chứng đấy. Thời trai trẻ của ông, chính một chuyện trẻ con như thế đã đầu độc toàn bộ đoạn đời về sau.”
Khi có những người dọa sẽ tước quyền thừa kế, chàng cười nhạo họ và thách thức rằng liệu họ có thể tìm được người thay thế hay không. Waldemar nói rõ rằng chàng không phải một thanh niên non nớt như ông nội mình xưa kia, mà là một người đàn ông trưởng thành và có quyền lực vững vàng trong giới đại quý tộc. Nói cách khác, kẻ nào dám động đến vị thế của chàng đều sẽ bị trừng trị thích đáng. Và những kẻ nào dám khích bác vợ của Đại công tử thậm chí sẽ còn nhận hình phạt thảm khốc hơn nhiều.
“Các vị đem chuyện vợ chồng không môn đăng hộ đối ra nạt tôi, bây giờ các vị lại dọa tước quyền thừa kế. Đến lượt mình, tôi xin hỏi: các vị có quyền gì làm điều đó? Hẵng bỏ qua chuyện môn đăng hộ đối, đó là chuyện vớ vẩn không cần phải nhắc tới, ta hãy nói về việc tước quyền thừa kế. Kẻ nào có thể làm nổi việc đó?... Chỉ có mỗi một câu trả lời mà thôi: không ai cả! Tôi không còn ở cái tuổi mười tám, mà đã ba mươi hai, tôi đã thoát khỏi mọi sự bảo trợ và sẽ không để cho ai có toàn quyền điều khiển mình. Chính tôi là người tự điều khiển hành động của mình với lòng tự tôn, và tôi cảm thấy hoàn toàn đủ sức, trong những vấn đề như hôn nhân và hạnh phúc của bản thân tôi không cần lời khuyên của bất kỳ ai. Tôi biết tôi khao khát điều gì. Không thể tước quyền thừa kế của tôi, bởi lẽ tôi là người cuối cùng của dòng họ Michorowski, thuộc nhánh Guenbôvitre. Vả chăng, nếu nhánh này có nhiều người chăng nữa, hoặc nếu các vị muốn đưa những người khác thuộc dòng họ Michorowski ra làm đại công tử thì cũng chẳng được kia mà, bởi một lẽ giản đơn là tôi không chấp nhận, và vì tôi hoàn toàn đủ tuổi thành niên, nên luật pháp sẽ bảo vệ tôi. Mọi người đều hẳn biết rõ điều đó, không cần phải nêu cụ thể điều luật làm gì, và tôi ngạc nhiên khi nghe công tước dám quả quyết đến thế trong việc đưa khả năng tước quyền thừa kế của tôi. Cứ như chuyện dọa tước đồ chơi của một đứa trẻ vậy. May mà tôi không phải là thằng nhát, tôi hiểu rõ quyền của bản thân và không cho phép ai tước đoạt những quyền ấy, tôi cũng không tự nguyện từ bỏ tước hiệu đại công tử, cương vị và chức vị của mình, dẫu là để tỏ lòng ngưỡng mộ người phụ nữ yêu dấu này.”
Cuối cùng, Waldemar đã có được lời chúc phúc của bà ngoại chàng. Phu nhân Podhorecka đã nhìn thấu tình yêu mà hai người dành cho nhau. Cụ Maciej đã chấp nhận từ lâu, bởi cụ hiểu Stefcia là người không thể thay thế với cháu nội mình. Phu nhân không muốn mất đi người cháu mà bà hết mực yêu thương. Và bà đã làm một việc không tưởng: tác thành cho Waldemar và Stefcia.
“Ta thấy thích... cô Stefcia của con đấy, Waldy ạ…” - Bà mỉm cười thốt lên.
Chàng siết chặt hai bàn tay cụ già, cúi đầu, với một cơn lốc hạnh phúc quay cuồng trong mắt: “Stefcia của cháu!... Của cháu!...”
Cầu Chúa ban phước lành cho hai con, -công tước phu nhân trang trọng thốt lên, đặt hai tay lên đầu đứa cháu.
Waldemar hiểu rất rõ những lời ấy đáng giá thế nào đối với phu nhân. Đôi môi nóng hổi của chàng áp vào tay bà: “Cảm ơn bà, bà thân yêu của cháu! Hạnh phúc của chúng cháu sẽ là phần thưởng dành cho bà.” - Chàng xúc động nói.
Phu nhân hôn đầu chàng mấy lần, lệ trào ra từ đôi mắt bà: “Xin Chúa hãy cho con được hạnh phúc, xin Chúa lòng lành! Bà không muốn kém cỏi hơn ông Maciej, bà sợ là con bỏ qua không thèm đếm xỉa gì đến bà... Bà ghen với tình cảm của con... nên... hãy để cho chúng được thực hiện!”
“Bà sẽ có tình yêu của cháu và Stefcia của cháu. Chính bà sẽ thương yêu nàng cho mà xem." - Cả hai đều nhìn lên giá cầu kinh, nơi bức ảnh của Stefcia chợt tràn đầy cảm hứng, dường như linh hồn cô gái tới đậu lên bức hình khiến nó sống động hẳn lên.
5. Lễ cưới trở thành lễ tang!?
Lễ cưới của Waldemar và Stefcia - dù chưa được cử hành - đã nhanh chóng trở thành sự kiện được quan tâm nhất trong giới quý tộc. Đám cưới được bạn bè và gia đình chúc phúc và ra sức chuẩn bị chu toàn. Vui nhất phải kể đến những người đã ủng hộ đôi trẻ đến cùng: gia đình Rudecka, cụ Maciej, bé Lucia, tiểu thư Rita và công tước phu nhân Franchiskova. Nhưng cũng có những người không vừa lòng với hôn sự này - thù hằn nhất phải nói đến những cô gái đã từng theo đuổi hoặc hẹn hò với Waldemar. Họ căm ghét Stefcia bởi nàng đang đứng ở vị trí đáng ra họ sẽ giành được. Nhưng trong số những kẻ đố kỵ, cũng có người khâm phục phẩm giá và hiểu biết của Stefcia.
Cụ Maciej mừng thật lòng, Lucia - đã quen được với ý nghĩ Stefcia sẽ là đại công nương mong muốn điều đó càng đến sớm càng hay. Riêng phu nhân Idalia là u buồn, bị chạm nọc, rất có thể bà thấy hiển hiện trước mặt khuôn mặt bi thảm vì giận dữ và xúc phạm của bá tước tiểu thư Melania. Mà cũng có thể ánh hào quang và địa vị tương lai của Stefcia khiến lòng tự ái của bà bị tổn thương. Nhưng bà vẫn chúc Waldemar hạnh phúc, tuy hơi mỉa mai, bởi còn phải lưu ý tới cha.
Ngày cưới đến gần, quà cáp là thứ không thể thiếu. Ngoài quà từ Waldemar và hai bên gia đình, Stefcia còn nhận được nhiều món quà và thư từ chúc tụng từ người trong giới thượng lưu - những người nhân dịp vui đang muốn tạo quan hệ với Đại công tử. Khi đọc một trong số những bức thư, nàng đã nhận đọc được những điều mà không ai ngờ tới: những lá thư nặc danh sặc mùi thù địch. Trong những lá thư ấy, có một từ ngữ liên tục được lặp lại: “con hủi”. Những lá thư ấy chế nhạo xuất thân của Stefcia, cho rằng nàng đến với Đại công tử là vì lợi ích và mỉa mai rằng nàng có thể cưới được Đại công tử, nhưng sẽ chẳng ai muốn tôn nàng làm Đại công nương. Nàng sẽ mãi chỉ là một “con hủi” - một kẻ bị căm ghét và xa lánh. Những lời lẽ cay nghiệt này khiến Stefcia đau đớn và tủi thân. Nàng khó khăn lắm mới được gia đình chàng chấp thuận và đã mong mỏi lễ cưới từ rất lâu. Waldemar là người đầu tiên phát hiện ra nguyên nhân cho căn bệnh của nàng. Khi ngồi đọc những lá thư, chàng cực kỳ giận dữ:
Waldemar đang ngồi trong phòng làm việc của ông Rudecski nghiên cứu những giấy tờ tìm thấy. Chàng tìm được những bức thư của chính mình đựng trong phong bì, xếp cẩn thận, và mấy bức thư của Stefcia viết gửi chàng. Đoán rằng những tờ giấy nhàu nát có thể là thư nặc danh, Waldemar bắt đầu đọc chúng. Mặt chàng nhăn lại kinh khủng bởi cơn giận, nỗi đau, và niềm oán trách. Nét chữ của các bức thư ấy chàng không hề quen, hẳn là đã được cố ý viết cho khác đi – tuy vậy, qua văn phong của chúng chàng cũng đoán được rằng tác giả của các bức thư ấy là bá tước phu nhân Chvileska và cha con nhà Barski. Một bức thư nặc danh rất cay độc và thô tục, chàng nhận ra chắc chắn qua nét chữ chưa hoàn toàn thay đổi: đó chính là thư của Melania.
Ngay sau khi đọc xong lá thư mới nhất - có vẻ là từ Melania Barska, nàng đã ngất và mê sảng trong phòng nhiều ngày. Gia đình nàng và các bác sĩ thì rất căng thẳng, còn Waldemar phải nén cơn giận để túc trực bên nàng. Chàng biết đây là lúc nàng cần chàng nhất.
Ở điền trang Rutraievô những giờ phút nối nhau trôi đi trong sự căng thẳng kinh khủng nhất. Bệnh tình của Stefcia ngày mỗi lúc một nặng thêm, chỉ thỉnh thoảng nàng mới tỉnh lại vài phút ngắn ngủi. Ông bà Rudecki đều mất bình tĩnh, chỉ mỗi mình đại công tử là nguồn sức lực không cạn, chàng như nhân đôi nhân ba mình lên. Chàng không rời Stefcia, đích thân chàng bế nàng lên, khi người ta thay ga trải giường cho nàng, tự tay chàng thay những lượt đá chườm trán. Sự ân cần âu yếm của chàng khiến các bác sĩ phải kinh ngạc. Chàng không ngủ, không ăn, mắt chàng cháy bỏng một sức mạnh có thể đè bẹp tất cả, một sức mạnh có thể nghiền nát tất cả.
“Ta phải cứu nàng bằng được! Nhất định! Nhất định phải cứu sống bằng được!” – Chàng bướng bỉnh lặp đi lặp lại.
Vị giáo sư tóc bạc phơ quen biết chàng từ lâu chỉ còn biết lắc đầu ngạc nhiên, ông không thể hình dung ở chàng những tình cảm mạnh mẽ nhường ấy.
Thế rồi, giờ phút mọi người không thể né tránh đã đến… Vào một buổi buổi sáng mùa hè ngập tràn ánh nắng và thanh âm của thiên nhiên, một linh hồn nữa đã gia nhập với những thiên thần của Chúa… Một linh hồn trong sáng, thánh thiện và tràn ngập hy vọng của hạnh phúc lứa đôi… Đó là linh hồn của nàng Stefcia Rudecka. Cái giây phút nàng vừa rời khỏi thế gian, gia đình và bạn bè của nàng đã khóc lên những tiếng khóc ai oán - trừ chàng Waldemar, hôn phu của nàng.
Một nửa linh hồn chàng đã chết rồi. Và suýt chút nữa, chàng quý tộc trẻ cũng đã tự sát nếu không có ông nội và Rita ngăn cản. Họ nói chàng phải sống - sống vì gia đình thân thương của chàng, vì những người bạn chàng trân quý, và sống vì người mà chàng muốn dành cả cuộc đời bên cạnh. Nhưng theo tôi, Waldemar cần phải tiếp tục hành trình của mình bởi chàng là người giữ những hồi ức chân thực nhất về tình yêu của chàng và Stefcia. Quả thực là như vậy, bởi chàng đã đặt chân dung của Stefcia trong hành lang của lâu đài - nơi những tổ tiên xa xưa của chàng đang cư ngụ. Nàng chưa trở thành vợ chàng, nhưng đã được chàng coi như nữ chủ nhân sánh bước bên mình. Nàng là người con gái duy nhất chiếm được trái tim của Waldemar, là một người không ai có thể thay thế trên thế gian này.
Waldemar nặng nề ngồi xuống tràng kỷ. Ánh mắt buồn bã vô biên của chàng dán chặt vào hình ảnh màu hồng thắm của Stefcia, tách rời từng chi tiết từng đường nét của nàng. Rồi chàng nhìn xuống bàn tay mình: trên những ngón tay chàng, long lanh nằm cạnh nhau hai chiếc nhẫn hứa hôn - chiếc nhẫn có viên ngọc Urian của Stefcia và chiếc nhẫn mang viên kim cương lớn của dòng họ Michorowski.
Lâu đài chìm trong sự tĩnh mịch câm lặng, bi thương, dường như niềm hạnh phúc cuối cùng đã chết.
6. Lời kết:
Review chi tiết bởi: Thanh An Nguyễn - Bookademy
Hình ảnh: Nguyễn Ngân
______________
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy
Bạn đam mê viết lách, yêu thích đọc sách và muốn lan tỏa văn hóa đọc tới cộng đồng của YBOX.VN? Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv
(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
Trong “Con hủi”, Helena Mniszek không ngại khắc họa hiện thực khắc nghiệt của cuộc sống. Cuốn tiểu thuyết không kết thúc bằng một cái kết cổ tích mà bằng một cái kết thấm thía và đáng suy ngẫm. Cái chết của nhân vật chính vào ngày được cho là ngày cưới của cô như một lời cảnh tỉnh, nhắc nhở người đọc về sự mong manh của cuộc sống và sự khó lường của số phận.
“Lâu đài chìm trong sự tĩnh mịch, yên tĩnh, bi thương, chứa đựng như niềm hạnh phúc cuối cùng đã chết.”
Cái kết này tuy đau lòng nhưng lại tạo thêm chiều sâu và tính hiện thực cho câu chuyện. Nó như một lời nhắc nhở rằng không phải tất cả các câu chuyện đều có kết thúc có hậu và cuộc sống thường chứa đầy những khúc mắc bất ngờ.