Những cuốn tiểu thuyết kinh điển về tình yêu trên thế giới không chỉ mang lại cho ta những xúc cảm thật đặc biệt mà còn để lại nhiều bài học giá trị về cuộc sống và những giá trị nhân văn trường tồn với thời gian. Dưới đây là 4 cuốn tiểu thuyết về tình yêu kinh điển nhất mọi thời đại. Chắc hản khi gấp lại những trang cuối cùng, bạn sẽ hiểu tại sao những cuốn tiểu thuyết này lại có sức sông mạnh mẽ như vậy.

  1. Cuốn theo chiều gió (Gone with the wind )

    Cuốn theo chiều gió (Nguyên văn: Gone with the wind), xuất bản lần đầu năm 1936, là một cuốn tiểu thuyết tình cảm của Margaret Mitchell, người đã dành giải Pulitzer với tác phẩm này năm 1937.

    Gone with the Wind  kể câu chuyện về cuộc đời chìm nổi của Scarlett O’Hara , một phụ nữ quý tộc miền Nam vật lộn tìm cách sống sót qua cơn bão táp của cuộc nội chiến và thời kỳ tái thiết. Scarlett đem lòng yêu Ashley, một quý tộc kỳ lạ nhiều lý tưởng, nhưng chàng lại lấy cô em họ Melanie hiền dịu làm vợ. Scarlett không bỏ cuộc, vẫn tìm mọi cách để theo đuổi Ashley nhưng dần dần nàng vướng vào mối tình định mệnh với Rhett Butler, một tay chơi bất cần nhưng chân thành.

    Tác giả Margaret Mitchell đã khắc họa người phụ nữ trong chiến tranh, có những người tuân theo chuẩn mực xã hội để rồi vô thức cuốn theo chiều gió, có người thì đấu tranh, nghịch phong di hành (ngược gió mà đi). Dù biến cố quốc gia có ra sao, họ vẫn đấu tranh…

    Có rất nhiều tác phẩm văn học, mà khi gấp sách lại, đọc giả chỉ biết rằng tác phẩm ấy hay. Cái hay theo cảm xúc nhưng khó có thể lý giải bằng ngôn từ. Cuốn Theo Chiều Gió của tác giả Margaret Mitchell, với mình là như thế.

  1. Đồi gió hú

    Đây là tác phẩm duy nhất trong cuộc đời của Emily Brontë, và cũng được bình chọn là tác phẩm xuất sắc nhất của chị em nhà Brontë. Tác phẩm xuất bản lần đầu tiên vào năm 1847 và được tái bản lần thứ hai sau khi Emily qua đời.

    Câu chuyện của Đồi gió hú là tình yêu ngang trái, đầy bi thương, đau khổ và hận thù giữa Catherine - một cô gái với bản tính hoang dại, nổi loạn – và Heathcliff – chàng trai tính cách cương nghị, yêu sâu nhưng hận cũng nhiều. Mọi sự bắt đầu khi Heathcliff được gia đình Catherine nhận nuôi. Hai người đều có tình cảm với nhau nhưng cuối cùng, Catherine chọn kết hôn cùng Edgar vì cho rằng nếu cưới Heathcliff, địa vị của cô sẽ bị hạ thấp. Cô càng không ngờ rằng, quyết định của mình sẽ gây đau khổ cho rất nhiều người về sau, bởi sự trả thù ngoan độc của Heathcliff. Và họ chỉ được trở về với người mình yêu khi nằm dưới nấm mồ mà thôi.

    Từng câu, từng chữ của Đồi gió hú khiến người đọc không thể dứt ra được. Thứ tình yêu mà mỗi nhân vật mang trong mình, đầy đau khổ và chịu đựng khiến người ngoài khó mà hiểu được, càng khó cưỡng lại sự hấp dẫn do nó mang lại. Có lẽ, tận cùng của yêu thương mới mang lại đớn đau cho chủ nhân của nó đến thế. Đủ điên rồ, đủ quằn quại và khiến người ta thổn thức nên chuyện tình trong Đồi gió húđược bình chọn là một trong những chuyện tình đẹp nhất mọi thời đại. Và chỉ riêng cái tên Emily Brontë cũng đủ làm nên sự lôi cuốn, trường tồn cho chính tác phẩm của bà.

  1. Tiếng chim hót trong bụi mận gai:

    Dù “sinh sau đẻ muộn” nhưng ngay khi xuất hiện vào năm 1977, Tiếng chim hót trong bụi mận gai ngay lập tức thu hút sự chú ý của cộng đồng yêu sách và thậm chí còn được so sánh với tác phẩm Cuốn theo chiều gió của Margaret Mitchell. Dù viết văn không phải nghề nghiệp chính nhưng tâm huyết của Colleen McCulough dành cho cuốn sách không hề nhỏ: 4 năm thai nghén và 10 tháng viết liên tục. Và khi xuất hiện, cuốn sách thực sự khiến người đọc phải say đắm.

   Cái hay của truyện không chỉ ở bối cảnh cuộc sống hằng ngày được miêu tả tỉ mỉ, mà còn là mâu thuẫn, xung đột trong vấn đề giai cấp – xã hội và tâm lý – đạo đức. Nổi bật là tình yêu “trái lẽ thường” của cô gái Meggie và vị cha xứ đáng kính Ralph. Tình yêu, như một món quà nhưng cũng là sự trừng phạt và đòi hỏi người hưởng phải trả một cái giá vô cùng đắt. Meggie và cha xứ Ralph đã mất cả cuộc đời để trả giá cho tình yêu của mình, thứ tình yêu cũng khiến người khác ngưỡng mộ và thương xót.

   Tiếng chim hót trong bụi mận gai được chuyển thể thành phim truyền hình vào năm 1983 và đoạt được 3 giải Grammy. Đến nay, thứ tinh thần trong cuốn sách vẫn được nhiều độc giả trên thế giới yêu thích và bình chọn là một trong những cuốn sách lãng mạn nên đọc một lần trong đời.

  1. Jane eyre

    Một tác phẩm đình đám và kinh điển của văn học Anh được viết bởi chị của Emily Brontë là Charlotte Brontë. Nếu như bạn đã ngán những cuốn tiểu thuyết với kết thúc mở, hay một chuyện tình đau khổ thì Jane Eyre sẽ mang bạn đến một thế giới khác. Bằng tài năng bậc thầy, cách xây dựng nhân vật và cốt truyện điêu luyện, khéo léo mà Charlotte Brontë đã thổi hôn vào từng câu chữ, khiến chúng trở nên sống động và vượt qua mọi giới hạn thời gian, ở vào kệ sách của những tác phẩm kinh điển hay nhất.

   Jane Eyre là tên một cô bé tỉnh lẻ, mồ côi và bị đối xử tàn nhẫn ngay từ tấm bé bởi chính những người thân còn lại trong gia đình. 10 tuổi, cô bị đẩy vào trại trẻ mồ côi và sống cuộc đời còn khắc khổ hơn ngàn lần. Nhưng những đau khổ đó không làm mài mòn đi khát vọng sống và vươn lên của cô gái trẻ. Lần đầu tiên được yêu thương bởi vị chủ nhân của lâu đài Thornfield nhưng tình yêu đó lại vấp phải rào cản không vượt qua được. Jane ra đi và vẫn kiên cường sống, cố chấp thay đổi số phận của mình. Đến khi có được mọi thứ mong muốn, cô vẫn khước từ lời cầu hôn của một người mà quay trở về chốn cũ, tìm lại tình yêu đích thực cùng năm tháng đã đánh mất của mình, dù người đàn ông đó bây giờ đã trở nên tàn phế đi chăng nữa.

   Câu chuyện cảm động về nghị lực và sự can đảm của một cô gái trẻ, là hình ảnh đẹp đẽ và cao quý của một tình yêu bất chấp thời gian, bất chấp thử thách. Sức sống của Jane Eyre cũng làm nên sức sống của chính tác phẩm, được yêu thích mãi theo thời gian.

   “Yêu là không bao giờ nói lời hối tiếc” (Trích Love Story). Có những thứu trong cuộc đời này, mãi mãi chúng ta không bao giờ dập tắt được. Đó là niềm tin, là hi vọng, là sức sống, là ngọn lửa của tình yêu. Trải qua bao thế hệ nhà văn, nhà thơ; bao giai đoạn của nền văn chương nhân loại, thì chủ đề về tình yêu mãi mãi là nguồn cảm hứng bất tận cho những con người cầm bút. Tình yêu ấy đi vào văn chương, đi vào các tác phẩm và trở nên bất hủ bởi giá trị nhân văn, nét đẹp trường tồn mà nó chứa đựng.

 

Tổng hợp bởi Lan Hương - Bookademy 

------

Trở thành CTV viết reviews sách để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị cùng Bookademy, gửi CV (tiếng Anh hoặc Việt) về: [email protected] 

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về các cuốn sách hay tại link:https://www.facebook.com/bookademy.vn

 

Xem thêm

Đây quả là tác phẩm kinh điển của thời đại. Phim Gone With The Wind được dựng rất hay, rất thành công, nhưng đọc sách bạn mới có thể cảm nhận cuốn tiểu thuyết còn hay hơn thế nữa. Scarlett và Rhett, hai con người mạnh mẽ, kiên cường, thức thời và táo bạo, hai người đi ngược lại xã hội lúc bấy giờ nhưng có lẽ lại là hình tượng cho chúng ta noi theo ngày nay. Dọc theo cuốn tiểu thuyết, bao gian truân, thử thách nàng Scarlett bao lần ngã rồi lại đứng lên, cô tiểu thư đỏng đảnh dần hóa người phụ nữ phi thường. Và bên cạnh nàng luôn có Rhett, người đàn ông thông minh, tài giỏi, tính cách khác người nhưng yêu thương mãnh liệt. Suốt cuộc nội chiến đến sau này hai người bên nhau, ấy vậy mà Scarlett nhận ra tình yêu ấy quá muộn màng để lại cho chúng ta cái kết đầy tiếc nuối... Cuốn tiểu thuyết xuất sắc làm tôi phải ngấu nghiến đọc từng trang, từng chữ. Có quá nhiều thứ tuyệt vời mà nó mang lại. Không chỉ là những tình tiết gay cấn, nghẹt thở. Mà còn là những câu chuyện về lịch sử, con người, về cách mà thế giới vận động mà tôi thấy nó vẫn có giá trị đến tận ngày hôm nay. Hãy đọc ngay, bạn sẽ thấy nó xứng đáng.

Tiểu thuyết Tiếng Chim Hót Trong Bụi Mận Gai (Tái Bản) xuất bản vào mùa xuân 1977 cùng một lúc ở New York, San Francisco, London, Sydney - Ít lâu sau đã được dịch ra bảy thứ tiếng, được bạn đọc nhiệt liệt hoan nghênh và giới phê bình đánh giá cao. Suốt mấy năm là tác phẩm ăn khách nhất ở phương Tây. Đây là tác phẩm đặc sắc, có giá trị trong văn học thế giới hiện đại. Colleen McCulough không phải là nhà văn chuyên nghiệp, trước đó hầu như không ai biết tiếng. Khi tiểu thuyết Tiếng chim hót trong bụi mận gai đem lại vinh dự cho tác giả thì McCulough vẫn chỉ là một nhân viên y tế bình thường. Bà sinh ở Úc, bang New South Wales, trong gia đình công nhân xây dựng xuất thân từ Ireland. Thời thanh xuân McCulough ở Sydney, đã từng học trường của nhà thờ công giáo, từ bé – bà mơ ước trở thành bác sĩ, nhưng không có điều kiện để qua đại học y. Bà đã thử làm một số nghề- làm báo, công tác thư viện, dạy học rồi trở lại nghề y, qua lớp đào tạo chuyên môn về sinh lý học thần kinh. Sau đó, bà đã làm việc bà đã làm việc tại các bệnh viện ở Sydney, London, Birmingham, rồi sang Mỹ, làm việc tại một trường y thuộc trường đại học Yale. Năm 1974 bà viết cuốn tiểu thuyết đầu tiên, không có tiếng vang gì. Tiếng chim hót trong bụi mận gai được thai nghén trong ngót bốn năm, rồi đầu mùa hè 1975, bà bắt tay vào viết liền một mạch trong mười tháng. Suốt thời gian ấy, bà vẫn bận túi bụi công việc ở bệnh viện, chỉ viết tác phẩm vào ban đêm và ngày chủ nhật. Tác phẩm này có thể gọi là “Xaga về gia đình Cleary”. Xaga là hình thức văn xuôi cổ có tính anh hùng ca, kể chuyện một cách điềm đạm về những con người hùng dũng. Cuốn tiểu thuyết này viết về lịch sử nửa thế kỷ của ba thế hệ một gia đình lao động - gia đình Cleary. Loại tiểu thuyết lịch sử gia đình từ trước đã có những thành công như thiên sử thi vè dòng họ Foocxaitơ của Gônxuocthy, “Gia đình Tibô” của Rôgiê Mactanh duy Gar. “Gia đình Artamônôp” của M. Gorki. Đặc điểm chung của các tác phẩm đó là số phận gia đình tiêu biểu cho số phận của giaia cấp tư sản, các thế hệ sau đoạn tuyệt với truyền thống của gia đình. So sánh với những tác phẩm kể trên thì tác phẩm của McCulough có sự khác biệt, có cái độc đáo riêng của nó. Trước hết, đây là lịch sử của một gia đình lao động. Sự phát triển, tính kế thừa và đổi mới của ba thế hệ gia đình này là hình mẫu thu nhỏ của lịch sử dân tộc. Các thế hệ sau kế thừa những nét tốt đẹp nhất của gia đình - tính cần cù, tự chủ, tính kiên cường đón nhận những đòn ác liệt của số phận, lòng tự hào gia đình, song đồng thời có những đổi khác nhịp bước với thời đại. Nếu Fiona gan góc chịu đựng mọi tai họa nhưng cam chịu số phận thì con gái bà là Meggie đã tìm cách cướp lấy hạnh phúc của mình từ tay Chúa trời, và Jaxtina, con gái của Meggie là một cô gái hiện đại, có những chuẩn mực đạo đức hoàn toàn khác. Cuốn tiểu thuyết xây dựng như truyện sử biên gia đình, tác giả tập trung vào những xung đột tâm lý - đạo đức nhiều hơn là những vấn đề giai cấp - xã hội. Các nhân vật tuy vẫn chịu ảnh hưởng của hoàn cảnh, nhưng chủ yếu là ứng xử theo tính cách riêng của mình nhiều hơn. Trong số nhiều nhân vật, nổi bật hơn cả là ba nhân vật - Fiona, Meggie - con gái bà và cha đạo Ralph de Bricassart. Meggie có thể coi là nhân vật trung tâm của tác phẩm. Trong tiểu thuyết có nhiều tuyến tình tiết, nhiều môtíp, đề tài, song tất cả đều phục vụ câu chuyện chính: mối tình lớn lao trong sáng của Meggie và cha de Bricassart. Trong tác phẩm quy mô lớn này, những xung đột tâm lý - tinh thần của nhân vật quyện chặt với sự miêu tả tỉ mỉ toàn cảnh lịch sử, địa lý, thiên nhiên. Thiên nhiên bao la, dữ dội nhưng có cái đẹp hoang sơ riêng của nó như hiện ra trước mắt bạn đọc. Giá trị nhận thức của tác phẩm do đó càng thêm đầy đủ. Mối quan hệ giữa thiên nhiên và con người ở đây mang tính chất chung sống hài hòa, thiên nhiên chưa bị uy hiếp đến nguy cơ hủy diệt. Tính hiện thực và lãng mạn trong tác phẩm này hòa lẫn vào nhau tới mức nhuần nhị. Sự miêu tả tỉ mỉ bằng hình thức của bản thân đời sống, cả từ cách ăn mặc, lời ăn tiếng nói của nhân vật, cho đến cách xén lông cừu, nếp sống hàng ngày..., lối kể chuyện thong thả theo trình tự thời gian khiến cho tác phẩm gần với loại tiểu thuyết hiện thực thế kỷ 19. Nhưng những tính cách phi thường rực rỡ biểu hiện trong những biến cố đột ngột, đầy hấp dẫn tạo nên màu sắc lãng mạn rất rõ nét. Môt tác phẩm văn học Mỹ thời nay xa lạ với những cảnh hung bạo, với “sex”, với “phản nhân vật” đưa bạn đọc trở về với những vấn đề “nhà” (theo nghĩa quê hương), “cội nguồn”, “cha và con” mà lại được ham chuộng như thế ở phương Tây thì đó chứng tỏ những vấn đề muôn thuở của nhân loại bao giờ cũng làm rung động lòng người ở bất cứ nơi nào trên hành tinh chúng ta.

Đọc Jane Eyre, điều khiến mình khâm phục nhất là ở giá trị nhân văn của cuốn sách này. Jane Eyre là hình ảnh một người phụ nữ có tinh thần tự lập và ý thức phản kháng sâu sắc, cô hiểu rõ con người mình, biết được đâu là điều mình muốn và đâu là con đường phù hợp với mình. Dù ngoại hình không phải là lợi thế nhưng Jane đã chinh phục người khác bằng vẻ đẹp tâm hồn. Không quá khi người ta nói Charlotte Bronte là một trong những nữ sĩ tài năng và nổi tiếng nhất Anh quốc. Cách đây gần hai trăm năm, khi người phụ nữ vẫn còn bị xem nhẹ cả về hình ảnh lẫn vai trò thì Charlotte đã có dòng tư tưởng vượt thời đại, bà đã viết nên một thiên tiểu thuyết về phụ nữ với tinh thần nữ quyền đạt đến đỉnh cao. Cái vai trò của người phụ nữ khi ấy bị xem nhẹ đến mức khi xuất bản Jane Eyre, Charlotte đã phải che đậy thân phận đàn bà của mình bằng cách dùng bút danh đàn ông. Thế nhưng đọc Jane Eyre, mình có thể cảm nhận được ý chí và mong ước lớn lao của Charlotte, qua nhân vật Jane, bà muốn vùng vẫy, muốn thoát ra khỏi những điều an toàn để dấn thân và chiến đấu, để thử thách giới hạn của chính mình, khác xa tầm nhìn và lí tưởng sống hạn hẹp của những cô gái cùng tuổi và cùng thời bà. Charlotte cũng cho người đọc thấy bài học về nhân quả, nếu khi sống thay vì yêu thương mà lại coi khinh và cay nghiệt người khác thì chắc chắn sẽ chịu day dứt cho đến chết. Dù là một cuốn sách dày nhưng đọc Jane Eyre mình không hề thấy nản, Charlotte Bronte có lối viết rất thu hút, càng đọc về sau lại càng thấy hay. Một điểm trừ duy nhất với mình là những phần viết về tôn giáo, về theo đạo, mình cảm thấy hơi lan man lê thê dài dòng khiến mình không hiểu lắm, dù mình rất thông cảm vì lý do ảnh hưởng thời đại. Thực ra ban đầu mình phân vân cuốn Jane Eyre ấn bản Nhã Nam, nhưng mình muốn thử khác đi một chút nên đã chọn bản của @huyhoang_bookstore , dù vẫn còn vài lỗi đánh máy nhưng dịch rất ổn, bìa xinh, nói chung là mình rất ưng các bạn ạ, nên thử nên thử nha. Cảm ơn các bạn đã đọc & have a safe holiday nha!!

Có lẽ sẽ không sai chút nào khi xếp Đồi gió hú vào hàng ngũ những danh tác kinh điển nổi bật nhất trong nền văn học thế giới. Bởi xuyên suốt câu chuyện, là những ám ảnh, những điên rồ, những cuồng loạn của các nhân vật bị cuốn vào vòng xoáy dữ dội của yêu và hận. Yêu rồi hận, hận rồi yêu, tất cả cứ thế mà đan xen, mà bủa vây, để rồi giam hãm tất cả những số phận ấy trong một khung cảnh hoang vu điêu tàn. Catherine và Heathcliff - hai con người chủ đạo gây nên tấn bi kịch đầy chua xót sau này, đã yêu nhau với một tình yêu dữ dội nhất, mãnh liệt nhất, song cũng ích kỷ bậc nhất. Heathcliff vốn là một đứa trẻ mồ côi được cha Catherine nhận về nuôi từ sau chuyến đi xa. Họ đã lớn lên bên nhau, cùng chơi với nhau, cùng sẻ chia với nhau biết bao vui buồn. Từ nhỏ đến lớn, sự gắn bó của họ ngày càng trở nên ám ảnh, đến mức có thể gọi cả hai người họ tuy hai mà như một. Thế nhưng, gia đình, địa vị xã hội, và cả số phận rắp tâm chống lại họ, bản tính dữ dội và ghen tuông tột độ cũng huỷ diệt họ, vậy nên toàn bộ thời gian hai con người yêu nhau đó đã sống trong thù hận và tuyệt vọng. Đây quả thực là một cuốn tiểu thuyết đầy rẫy những ám ảnh, xen lẫn với những thương cảm cho tất cả.

Heathcliff trở về ba năm sau kể từ ngày cưới của Catherine với những âm mưu phá hủy cuộc đời của những người đã đối xử tệ bạc với mình. Anh trở nên độc ác, lý trí chỉ còn chỗ cho lòng thù hận và trong đầu luôn suy nghĩ đến phương án trả thù, mặc cho sự trả thù đó có làm ảnh hưởng tới những người không liên quan đi chăng nữa. Thế nhưng câu chuyện này không đơn thuần viết về sự trả thù của Heathcliff, mà song song đó còn là câu chuyện tình yêu oan trái giữa anh và Catherine. Anh muốn hãm hại cuộc đời cô nhưng anh vẫn yêu cô điên cuồng, yêu đến mức dù căm ghét cô vì đã bỏ rơi mình đến đâu đi nữa, vẫn không tài nào rời xa cô được. Yêu đến mức muốn trả thù Edgar – chồng cô, nhưng lại sợ cô đau đớn. Yêu đến mức đào mộ Catherine lên để được gần cô hơn, đến mức van xin hồn ma Catherine hãy đến mà ám mình đến suốt đời. “Catherine Earnshaw, cầu sao em không yên nghỉ được chừng nào tôi còn sống! Em nói tôi đã giết em – vậy thì hãy ám tôi đi! Những người bị giết thường ám kẻ giết mình, tôi tin thế. Tôi biết là xưa nay ma vẫn lang thang trên cõi trần. Hãy luôn ở bên tôi – dưới bất kỳ hình thức nào – hãy làm tôi phát điên! Có điều là đừng bỏ mặc tôi trong cái vực thẳm này, nơi tôi không thể tìm ra em! Ôi, lạy Chúa! Nói sao nên lời! Tôi không thể sống thiếu cuộc đời của tôi! Tôi không thể sống thiếu hồn của tôi”. Anh đã bỏ đi, đã thay đổi, đã học hỏi rất nhiều từ cuộc đời để có thể quay lại đã thù những người đã cướp cô khỏi anh. Thế nhưng bi kịch thay, dù anh có làm thế nào đi nữa, cô cũng đã vĩnh viễn không còn trên cuộc đời này. Khi biết rằng cô đã mất, anh đã không hề khóc, anh chỉ gào rú, đày đọa bản thân và trở nên vô thức như một con thú hoang…. nỗi đau khi ấy thật không thể gọi thành tên. “Đồi gió hú” thực sự là một bức tranh tình yêu rất đẹp và cũng rất ám ảnh. Ám ảnh bởi tính cách nhân vật, bởi dòng chảy câu chuyện, bởi những đau đớn mà con người ta phải trải qua trong cuộc đời. Để rồi ta nhận ra phải dũng cảm thừa nhận và lựa chọn người ta yêu, để nếu không đến cuối cùng, khi người đó không còn ở bên nữa thì mọi sự hận thù cũng là vô nghĩa. Cảm nhận truyện đồi gió hú Đọc Đồi gió hú trong một buổi chiều Sài Gòn mưa tầm tã, dù tâm hồn bạn sẽ cảm thấy cô đơn và hoang vắng như thiên nhiên vùng Yorkshine, như những buổi trưa hai đứa trẻ chạy nhảy ngoài đồng, những câu nói của các nhân vật sẽ là một nỗi ám ảnh. Nhưng sau cùng, dù đi đâu, về đâu, dù đã mang bao đau khổ và dằn vặt, bạn biết rằng tình yêu sẽ thắp lửa để bạn luôn đi đúng đường.

Con người chúng ta được sinh ra không phải để cô đơn. Chính vì thế trong suốt hàng ngàn năm tiến hóa con người dần gắn chặt với nhau, hình thành mối quan hệ cộng đồng, từ những mối quan hệ cộng đồng sản sinh ra nhiều loại tình cảm khác nhau, nhưng chắc có lẽ không thứ tình cảm nào khiến con người say mê và cuồng dại như tình yêu. Nếu như tình yêu của Romeo and Juliet trong tác phẩm cùng tên của đại văn hào người Anh William Shakespeare mang đậm sự lãng mạn và nồng cháy khiến chúng ta đam mê với những hình ảnh và ngôn từ tuyệt đẹp xen lẫn sự nuối tiếc cái kết chưa có hậu về mối tình của cả hai con người ấy. Thì Đồi Gió Hú – cuốn tiểu thuyết duy nhất của nữ nhà văn người Anh Emily Bronte, miêu tả tình yêu dưới góc nhìn của sự chân thật, trần trụi, hận thù và đầy ám ảnh. Tác phẩm tạo ra một cảm nhận về thứ tình yêu rất riêng, rất khác biệt. Đó là tình yêu vượt qua những giá trị chuẩn mực về ý niệm đạo đức, bỏ qua những lề thói định kiến, vươn tới đỉnh cao trong văn học và cũng như chạm tới những chiều sâu tăm tối của lòng người. Chính điều đó đã giúp tác phẩm trở thành một trong những tiểu thuyết vĩ đại nhất, bi thương nhất mà con người từng viết về sự đam mê tình yêu bùng cháy. Nữ nhà văn người Anh Emily Bronte (1818 –1848). Emily Bronte lấy bút danh là Ellis Bell (bút danh nam giới) vì xã hội bấy giờ còn định kiến với những tác phẩm do phụ nữ sáng tác. Bà là người con thứ tư trong gia đình gồm sáu người con. Khi bà lên ba tuổi mẹ của bà qua đời vì căn bệnh ung thư. Sau đó vài năm hai người chị cả của bà cũng chết vì bệnh lao.Chính trong những hoàn cảnh khó khăn đó năng khiếu văn học của mấy chị em nhà bà nảy nở một cách lạ thường. Và cũng từ môi trường sống đã tạo cho nữ văn sĩ Emily Bronte bản tính trầm lắng, lối sống khép kín. Bà không thích ai can thiệp vào đời tư, chỉ muốn ẩn mình trong thế giới riêng, đam mê riêng của mình. Giống như các chị em của mình, sức khỏe của Emily suy yếu rõ rệt do thời tiết khắc nghiệt lúc ở nhà và ở trường. Chỉ một năm sau ngày tác phẩm “Đồi gió hú” được công bố, Emily Bronte bị nhiễm lạnh trong lễ tang chôn cất em trai. Bà kiên quyết không dùng thuốc điều trị và qua đời ngày 19/12/1948 vì bệnh lao. Bà được an táng tại nhà thờ St. Michael bên cạnh những người thân trong gia đình. Có nhiều thông tin cho rằng Emily Bronte đang sáng tác cuốn tiểu thuyết thứ hai nhưng bản thảo bị chị gái bà là Charlotte hủy sau cái chết của bà. Đồi gió hú là cuốn sách duy nhất của Emily Bronte đã tới tay công chúng với nhiều lời bình trái ngược vào năm 1847, một năm trước khi nữ tác giả qua đời ở tuổi ba mươi. Lấy bối cảnh là đồng quê Yorkshire hoang vu trống trải, những quả đồi của nước Anh cô quạnh, Đồi gió hú phơi mình dưới những cơn gió bão thổi hun hút qua những cánh đồng hoang dã miền Yorkshire. Tiểu thuyết là một câu chuyện kinh điển về sự ngang trái trong tình yêu và vòng xoáy hận thù. Từ thiên nhiên với cảnh vật đơn sơ, dữ dội và khắc nghiệt đã ươm mầm và chớm nở cho tình yêu giữa Catherine và Heathcliff. Tình yêu là nguồn cơn của mọi bĩ cực Ai đó đã từng nói: “ Tình yêu chính là cỗ máy hao tốn nhiều thời gian của nhân loại”. Lịch sử của sự tiến hóa con người đã nhiều lần chứng minh được rằng “ chúng ta bị chi phối nhiều hơn bởi cảm xúc của con tim hơn là bởi những lý trí lạnh lùng”. Và tình yêu trong cuốn tiểu thuyết “ Đồi gió hú” của Emily Bronte cũng là một tình yêu nguyên bản như vậy nhưng là ở một phiên bản trần trụi hơn, dữ dội hơn, ám ảnh và cũng đầy sự bi kịch của chính nó – tình yêu giữa hai con người Heathcliff và Catherine. Chính tình yêu là nguồn cơn của mọi bi kịch mà các nhân vật trong tiểu thuyết phải gánh chịu. Tình yêu là động cơ chính làm “ quay” bánh xe của mọi toan tính, hận thù , sự dằn xé nội tâm dữ dội và khao khát trả thù. Sự khác biệt giữa 1 tác phẩm kinh điển và 1 tác phẩm mang tính giải trí khác nhau ở chỗ một khi đã đọc, bạn chỉ muốn đọc tiếp, để rồi sau khi kết thúc dư âm của truyện vẫn còn lẩn quẩn đâu đó trong đầu bạn. ” Đồi gió hú” là 1 tác phẩm kinh điển như vậy. Một chuyện tình được gói gọn trong cánh đồng hoang thuộc vùng miền Bắc nước Anh nhưng không kém phần dữ dội. Tuy rằng truyện quá u ám vì chỉ xoay quanh chuyện trả thù của 2 gia đình, nhưng khi thấu hiểu tận tường về tình yêu độc giả sẽ lại thích cái u ám này đến kì lạ. Heathcliff và Catherine là 1 cặp trời sinh, tình yêu họ dành cho nhau quá mãnh liệt và có chút gì đó hoang dã. Tuy nhiên, Catherine sau này lại lựa chọn Edgar làm chồng, một sự lựa chọn đầy lí trí, vì đó là người yêu cô thật sự và cho cô những thứ cô cần, 1 nửa tâm hồn còn lại của cô lại dành riêng cho Heathcliff, chính điều này đã dẫn đến tấn bi kịch không chỉ cho cả 3 người mà còn cho cả con cháu họ sau này. Tình yêu của Heathcliff và Catherine đáng lẽ ra phải trở nên hoàn hảo giá như cả hai chịu thấu hiểu cho nhau và chịu hy sinh cho nhau. Nhưng nếu như vậy “ Đồi gió hú” cũng chỉ là một tiểu thuyết viết về tình yêu bình thường chứ không thể nào vươn lên để trở thành một tuyệt tác văn học được. Sẽ chẳng có “giá như” nào cả khi ngoài kia thiên nhiên chẳng trọn vẹn, khi chẳng có tình yêu nào mãi mãi là màu hồng, vì chúng ta đâu ai hoàn hảo. Và tình yêu trọn vẹn đầy ấp sự hoàn hảo thì đâu còn gì là tình yêu. Một cuốn sách kinh điển về tình yêu, hận thù và hơn cả đó là sự đau đớn, bi kịch của lứa đôi. Một kết thúc có hậu nhưng vẫn luôn ám ảnh trong lòng người đọc một cách dai dẳn. Trong từng trang sách người đọc có thể nhận thấy sự bức bách ngột ngạt trong từng con chữ giữa đồng quê Yorkshire hoang vu trống trải, những nhân vật càng trở nên đáng thương hơn bao giờ hết. “Đồi gió hú” luôn là một câu chuyện hay và ấn tượng về tình yêu. Đồi gió hú- Quyển tiểu thuyết dẫn độc giả đến ngàn điều mới và nhiều cung bậc cảm xúc đa dạng. Vì tình yêu, người ta sẵn sàng hi sinh, sẵn sàng chạy theo những ý nghĩ cuồng si của sự đam mê rồi gieo vào lòng sự hận thù dai dẳng. Lòng hận thù cho ta được gì đây? Hay có chăng là những thứ cảm xúc huyễn hoặc, mơ hồ rồi lại chìm đắm vào thế giới cô độc và bế tắc. Hãy đọc, cảm nhận và trôi theo dòng chảy cuồn cuộn và vô tận của thời gian.

Chiến tranh luôn đem lại đau thương và mất mát nhưng có lẽ cũng chính hoàn cảnh éo lé đấy lại làm bật lên vẻ đẹp kiên cường mãnh liệt của con người. Những nhân vật trong trong “Cuốn theo chiều gió” của nữ văn hào Margaret Mitchell chủ đạo là hình ảnh sống động nhất về sự nỗ lực để vượt lên số phận trong thời chinh chiến. Ngoài ra, tác phẩm lãng mạn kinh điển này còn lột tả rõ những ham thích trần tục nhất thời và nét đẹp bền vững hiện hữu vô hình trong cuộc sống này. Cuốn sách chứa đựng nhiều bài học đắt giá, nhiều triết lý sâu sắc, mang đến cho bạn đọc những cái nhìn mới về cuộc đời. Thế nên, chẳng ngạc nhiên gì khi “Cuốn theo chiều gió” luôn nằm trong Top những tác phẩm văn học xuất sắc nhất mọi thời đại. Tóm tắt nội dung Tác phẩm kể về cuộc đời trôi nổi, gập ghềnh của không đủ nữ xinh đẹp Scarlett O’hara. Vốn tưởng cô là một tiểu thư đài các, kiêu sa như bao nữ chính văn học khác, nhưng Margaret Mitchell đã cực kì tài tình khi tạo ra nhân vật Scarlett cực kì đời, cực kì con người. Cô nóng tính, nổi loạn, cô bực mình khi phải chữa trị cho những binh lính bị thương, ghi hận khi chứng kiến lễ cưới của người yêu mình,… Scarlett sở hữu toàn bộ những thói quen, bản tính của một chúng ta đời thường nhất. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu Scarlett sống tại thời hiện đại của con người, tuy nhiên tác giả lại đặt cô vào nhầm thời đại binh đao khói lửa. Tưởng chừng cái thời chiến đấy sẽ nhấn chìm Scarlett xuống vực sâu nhưng không, nó như một chất xúc tác kích thích làm bật lên những cá tính mãnh liệt, quật cường của một cô gái phải chịu cảnh nhà tan cửa nát. Vào những năm mà nội chiến liên miên, bom rơi súng bắn, động lực sống của con người bùng lên như một ngọn đuốc cháy sáng rực rỡ. Và Scarlett cũng như không, cô không chỉ muốn sống mà còn phải sống thật sung túc, hạnh phúc nhất. Rhett Butler – Con người thành công của trò chơi số phận Rhett biết bản thân mong muốn gì và cần làm gì. Một người đàn ông tai tiếng, bị người đời nhận xét không ra gì, Rhett không xem trọng cái mọi người nghĩ về mình. Rhett sống đúng với bản thân mình mong muốn, sống đường hoàng và tất nhiên sẽ chẳng cần biết toàn bộ mọi người có chấp nhận cách sống đấy không. Rhett đủ thông minh để toàn bộ mọi người cần đến mình, cho dù trong lòng họ luôn ghét anh. Đối với Rhett điều đó không đáng bận tâm, điều anh bận tâm là những gì mọi người không ngờ tới. Bài toán thời cuộc Rhett sắc sảo nhìn rõ và kiếm được bộn tiền nhờ lợi dụng sự lũng loạn. Toàn bộ mọi người đang khốn đốn thì anh đứng trên tất cả. Thông minh, thành đạt và tưởng chừng hời hợt với tình cảm lại là kẻ chân thành nhất. Vì sự thông minh lõi đời của mình, anh nhận ra con người thật của Scarlett và đem lòng yêu nàng say đắm. Hai kẻ giống nhau sẽ vô cùng rõ ràng nhau, đặc biệt là Rhett với Scarlett. Phần kết thú vị Không giống với những câu chuyện tình truyền thống thường có phần kết rõ ràng viên mãn làm hài lòng bạn đọc, ở đây nhà văn Margaret đã xây dựng phần kết mở để người đọc tự do liên tưởng theo suy xét chủ quan. Tuy nhiên đây lại là phần kết được nhận xét rất cao vì tính logic, thích hợp với thông tin cốt truyện, kết hợp với đó là thông điệp đầy tin tưởng lạc quan vào cuộc sống. Câu chuyện kết thúc dường như để mở ra một sự bắt đầu, khi Scarlett đứng trước thềm Tara với quyết tâm đầy ăm ắp. Cuối cùng cô đã tìm ra ánh sáng cho cuộc đời mình, và ai trong chúng ta cũng tin rằng, với tính cách mạnh mẽ và quyết liệt, rồi Scarlett sẽ chạy thật nhanh đi tìm Rhett và đáp lại tình cảm của anh bằng thứ tình yêu chín chắn của một người phái đẹp trưởng thành. “Sau tất cả, ngày mai là một ngày mới” “Sau tất cả, ngày mai là một ngày mới” là câu nói kinh điển của Scarlett mỗi khi gặp khó khăn. Đây cũng là câu nói cuối cùng khép lại cuốn sách với hình ảnh một nàng Scarlett đầy cương nghị đứng trước bậc thềm Tara đầy nắng. Nàng nhìn thấy tương lai bài bản hơn, có lẽ những phù phiếm trước kia đã tan thành bọt biển trong lòng nàng. Với tinh thần mạnh mẽ, cứng cỏi của mình nàng sẽ tìm được bến đỗ hạnh phúc. Tình yêu của hai con người vẫn còn đấy, nó có sức mạnh vượt qua mọi khúc mắc, ngăn trở. Cảm ơn bạn đã xem qua bài viết về review sách cuốn theo chiều gió ở trên đây, hy vọng qua những nội dung mình chia sẻ sẽ giúp bạn tìm đọc cuốn sách này nhé.

Trong nền văn học của thế giới có vô vàn những cuốn sách và tác phẩm kinh điển đã đi vào lòng của biết bao thế hệ bạn đọc, trong số đó chúng ta không thể không nhắc tới cuốn tiểu thuyết vô cùng nổi tiếng Cuốn theo chiều gió của nữ nhà văn người Mỹ Margaret Mitchell. Cuốn sách đã nhận được nhiều giải thưởng cao quý và đã được chuyển thể thành một bộ phim bất hủ đến tận bây giờ. Tác phẩm “Cuốn theo chiều gió” được tác giả Margaret Mitchell ra mắt lần đầu vào năm 1936, cuốn sách được lấy bối cảnh tại Georgia và Atlanta, khi đó đang trong giai đoạn bùng nổ của các cuộc nội chiến căng go giữa phía Bắc và miền Nam nước Mỹ và đang trong quá trình thiết lập lại tái cơ cấu đất nước. Nội dung cuốn tiểu thuyết nói về nữ nhân vật chính xinh đẹp có tên Scarlett O'Hara, cô được sinh ra và lớn lên trong một gia đình quyền lực và vô cùng giàu có, thế nhưng cô không hề tỏ vẻ ra mình là một cô nàng tiểu thư đài cát. Mà ngược lại, cô lại là một cô gái có tính cách mạnh mẽ và có phần hơi nổi loạn, cô cũng đã phải trải qua nhiều khó khăn, gian nan để có thể tiếp tục tồn tại và sống sót qua các cuộc nội chiến xảy ra ở vùng đất của mình. Tác giả đã thành công trong việc xây dựng nên một cô gái Scarlett đầy cá tính và gai góc, cô có một tính cách khác biệt hoàn toàn với những cô gái trong thời kỳ đó, tựa như một cây xương rồng không bao giờ chịu khuất phục và cuốn theo chiều gió trước số phận. Vượt qua mọi định kiến và rào cản của xã hội trong thời điểm đó, Scarlett vẫn sống đúng với con người thật của mình, không giả tạo và rất thẳng thắn trong mọi vấn đề, dù cho đôi khi có những hiểu lầm và sự ganh ghét đến với cô. Thế nhưng trong chuyện tình yêu của mình, cô lại gặp nhiều trắc trở và có cả sự hận thù bên trong. Có rất nhiều gã đàn ông trong vùng đã theo đuổi và say mê Scarlett, thế nhưng cô chỉ phải lòng với duy nhất một người đàn ông có tên Ashley. Tuy nhiên, dù cho cô đem lòng yêu thương hết lòng nhưng đáp lại Ashley lại quyết định đi kết hôn với một người con gái khác có tên là Melina. Chính điều này đã tác động và làm ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc đời Scarlett từ đó trở về sau, vì đem lòng thù hận và cơn tức giận của mình, cô đã buông xuôi đồng ý cưới một người đàn ông mà mình không có tình cảm để nhằm trả thù cho tình cảm của mình đối với Ashley. Kể từ đó trở đi, cô phải sống một cuộc sống mà cô buộc phải giả tạo, để che đi những tổn thương, nỗi niềm thầm kín bên trong tâm hồn của cô mà không được sống thật với con người của mình. Sau khi cuộc nội chiến kết thúc, cô đã quay trở lại vùng đất giàu có Tara của mình, nhưng bây giờ, nơi đây chỉ còn lại một đống hoang tàn đầy chết chóc còn sót lại sau chiến tranh. Giờ đây cô không còn là một cô tiểu thư đài cát như ngày nào nữa, buộc lòng cô phải mạnh mẽ và đối diện với những khó khăn của thực tại, và hơn hết, điều cô cần ngay lúc này là sự sẻ chia, sự giúp đỡ. Lúc này, cô liền chọn cách đi vào những mối quan hệ, cặp kè với rất nhiều người đàn ông để thỏa mãn nhu cầu tình cảm của mình, cũng như có thể tìm được sự giúp đỡ, cứu lấy hoàn cảnh khó khăn cho gia đình mình và những người dân trong vùng Tara của mình. Trong các mối quan hệ với rất nhiều người đàn ông đó, Scarlett đã biết đến Rhett Butler, đây cùng là người đàn ông đã và đang rất say mê cô nàng. Trong khi Rhett Butler hết lòng đem tình cảm chân thành của mình dành cho cô, thì chính cô lại phớt lờ, chối bỏ tình yêu đó. Có lẽ trong trái tim của cô vẫn còn vết thương khó xóa nhòa về cuộc tình tay ba với Ashley và Melanie khi xưa, chính mối tình tan vỡ này đã khiến cho Scarlett trở thành một cô nàng nổi loạn, muốn làm quen với thật nhiều đàn ông để đổi lấy những mưu cầu vụ lợi của cá nhân. Chỉ đến khi Rhett chấp nhận từ bỏ cô do đã hết sự kiên nhẫn và chờ đợi tình cảm chân thành từ phía Scarlett, thì đến lúc cuối cùng này, cô mới nhận ra tình yêu thật lòng của mình dành cho anh, nhưng rất tiếc là đã quá muộn màng rồi. Dù cho Rhett Butler luôn yêu thương, quan tâm và che chở cô thật lòng từ tận trái tim của anh, nhưng có lẽ, trong tâm trí của Scarlett, hình bóng của Ashley vẫn còn quá lớn, cộng với tính cách đầy nổi loạn và đầy lòng kiêu hãnh của cô, đã khiến cho Rhett Butler quyết định dừng lại cuộc tình này, dù cho anh vẫn cảm thấy vô cùng tiếc nuối. Sau này, khi đã nhận ra tình cảm đích thực của mình, cô luôn mang trong mình nỗi ân hận này đến mãi về sau. Đến khi Melanie đột ngột qua đời, cô lại thêm hối hận hơn nữa vì đến giờ này cô mới muộn màng nhận ra, hóa ra suốt bao lâu nay, tình cảm cô dành cho Ashley không phải là tình yêu, mà chỉ là một kiểu tình cảm mơ hồ, ảo tưởng từ phía cô mà thôi. Ở phần kết của cuốn sách Cuốn theo chiều gió, là hình ảnh Scarlett đứng trước vùng đất Tara đầy nắng, như là một cái kết mở để thấy rằng, cuộc sống vẫn đang còn rộng mở đối với cô. Trải qua biết bao nhiêu thăng trầm của cuộc sống, đến giờ phút này, cô mới nhận ra người yêu thương cô thật lòng chỉ có Rhett Butler, dù có hơi muộn màng như cô vẫn sẽ tiếp tục mạnh mẽ vẫn Không giống với những câu chuyện tình truyền thống thường có phần kết rõ ràng viên mãn để đi tới một cuộc sống tương sáng hơn. Với nội dung lôi cuốn và thu hút, cuốn sách Cuốn theo chiều gió của nữ nhà văn Margaret Mitchell đã đem đến cho chúng ta hình ảnh của một cô nàng Scarlett xinh đẹp đầy mạnh mẽ và bản lĩnh trong cuộc sống và trong tình yêu. Giúp cho người đọc có thêm động lực và nguồn cổ vũ sức mạnh để dễ dàng vượt qua mọi khó khăn, trắc trở để có được một hạnh phúc đúng nghĩa.

“Cuốn theo chiều gió” là bộ tiểu thuyết hấp dẫn đến nỗi đã đọc rồi thì khó lòng mà dứt ra được. Dồi dào bút lực, Magaret Mitchell đã đem người đọc đến với những thăng trầm, biến đổi của miền Nam nước Mỹ vào thế kỷ 19 bằng sức hút của những con chữ. Tác phẩm thật sự xuất sắc trong nghệ thuật tự sự dù là kể về giai đoạn trước, trong nội chiến hay giai đoạn tái thiết. Bên cạnh đó, tác phẩm lãng mạn kinh điển này còn lột tả rõ những ham muốn trần tục nhất thời và nét đẹp bền vững tồn tại vô hình trong cuộc sống này. Cuốn sách chứa đựng nhiều bài học đắt giá, nhiều triết lý sâu sắc, mang đến cho độc giả những cái nhìn mới về cuộc đời. Thế nên, chẳng ngạc nhiên gì khi “Cuốn theo chiều gió” luôn nằm trong Top những tác phẩm văn học xuất sắc nhất mọi thời đại. Tác phẩm kể về cuộc đời trôi nổi, gập ghềnh của thiếu nữ xinh đẹp Scarlett O’hara. Vốn tưởng cô là một tiểu thư đài các, kiêu sa như bao nữ chính văn học khác, nhưng Margaret Mitchell đã rất tài tình khi xây dựng nhân vật Scarlett rất đời, rất con người. Cô nóng tính, nổi loạn, cô bực mình khi phải chữa trị cho những binh lính bị thương, ghi hận khi chứng kiến lễ cưới của người yêu mình,… Scarlett sở hữu tất cả những thói quen, bản tính của một con người đời thường nhất. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu Scarlett sống tại thời hiện đại của chúng ta, nhưng tác giả lại đặt cô vào nhầm thời đại binh đao khói lửa. Tưởng chừng cái thời chiến đó sẽ nhấn chìm Scarlett xuống vực sâu nhưng không, nó như một chất xúc tác thúc đẩy làm bật lên những cá tính mạnh mẽ, quật cường của một cô gái phải chịu cảnh nhà tan cửa nát. Vào những năm mà nội chiến liên miên, bom rơi súng bắn, động lực sống của con người bùng lên như một ngọn đuốc cháy sáng rực rỡ. Và Scarlett cũng vậy, cô không những muốn sống mà còn phải sống thật sung túc, hạnh phúc nhất. Hình ảnh cô ngồi sụp xuống khóc nức nở ngay trang trại trống vắng của nhà mình đã ám ảnh không biết bao nhiêu độc giả. Cô thề, cô phải sống, và không bao giờ để gia đình mình chịu cảnh đói hèn. Sau nhiều biến cố như thế, cô tiểu thư tính tình xấu xa ấy đã trưởng thành trở nên gai góc và độc lập hơn bao giờ hết. Vừa trưởng thành, Scarlett tỏ vẻ kiêu kỳ tiến sâu vào xã hội thượng lưu, mê hoặc những cánh mày râu bằng vẻ đẹp quyến rũ và những điệu nhảy của mình. Cô làm mọi cách để cứu lấy cuộc sống của mình dù cho có dẫm đạp lên người khác mà tồn tại. Những người phụ nữ trước mặt thì tỏ vẻ khinh thường cô, nhưng thực tế trong lòng lại mong muốn được như cô. Đàn ông sau lưng buông lời miệt thị vẻ ngạo mạn của cô, nhưng trước mặt lại hết sức lấy lòng muốn có được cô. Bạn thấy đấy, xã hội thật thật giả giả như thế, Scarlett hiền lành thì để cho ai xem, chờ đợi vị cứu tinh nào tới cứu gia đình của cô ư? Không, Scarlett mặc kệ tất cả, đạp đổ mọi định kiến, giáo điều hay luật lệ, cô sống bất chấp người đời bàn tán, cô chỉ nghĩ cho bản thân mình và lo cho gia đình ấm no. Cô không chối bỏ bản thân, cô dũng cảm nhìn nhận tất cả những điểm xấu xa của mình.. Đây có lẽ là điếm sáng nhất của nhân vật này khi biết dũng cảm và chấp nhận sự thật dù nó tồi tệ đến nhường nào. Như một bông hoa hồng đen, Scarlett gai góc mà nổi loạn. Cô dành hết lòng yêu thương đối với Ashley trong những tháng ngày tuổi trẻ. Cô yêu anh điên cuồng, đến nỗi tự vẽ ra một bức tranh hoàn hảo về Ashley. Yêu say đắm cho đến khi Ashley cưới Melanie, cô vẫn yêu anh đến sinh hận với người đã thương cô không toan tính. Có lẽ trong bức tranh điêu tàn của “Cuốn theo chiều gió” hình ảnh Melanie hiện lên như một vì sao sáng nhất trời đêm. Cô cao quý, nhân hậu, cô bao dung với tất cả mọi người. Dù biết cuộc sống đầy rẫy đớn đau nhưng cô vẫn luôn nhìn cuộc sống với ánh mắt tích cực nhất, luôn tìm kiếm hy vọng trong vô vàn tuyệt vọng. Mặc cho Scarlett căm hận cô nhưng Melanie vẫn yêu thương, che chở vô điều kiện cho Scarlett. Thế nhưng, những người tốt đẹp như cô lại lựa chọn rời khỏi trần đời quá sớm. Chắc hẳn tác giả và người đọc đều nghĩ rằng Melanie không hối hận khi lựa chọn như vậy bởi tâm hồn cô vẫn thuần khiết, thiện lương. Nhưng chắc Melanie đã không biết rằng, cái chết của cô đã có tác động đến nhường nào. Nó thức tỉnh tình yêu mù quáng bao năm của Scarlett với Ashley. À thì ra Scarlett không yêu Ashley như cô nghĩ, có chăng là lý trí của cô yêu anh, và tâm hồn cô ngộ nhận điều đó. Có nghiệt ngã hay không khi khoảnh khắc Scarlett có lý do để thôi hận Melanie thì Melanie đã lìa xa trần thế. Ôi cuộc đời này bao giờ mới hết trêu ngươi những số phận nghiệt ngã như vậy! Luôn yêu thương và chở che Scarlett mặc cho cả thế giới đều quay lưng với cô là anh chàng quyền uy Rhett. Tương tự như Scarlett, Rhett cũng không có những phẩm chất mà một nhân vật chính nên có trong các tác phẩm văn học. Anh không lịch thiệp cũng chẳng tốt đẹp nếu không muốn nói là đê tiện và bỉ ổi. Nhưng anh nghiêm trang và quyền lực, anh cứ giàu có trong khi cả thành phố khốn đốn trong chiến tranh. Thế nhưng Rhett cũng rất tử tế, anh tử tế theo cách của riêng mình. Bỏ đi vẻ ngoài độc mồm độc miệng là trái tim ấm nóng sâu bên trong Rhett. Anh yêu Scarlett say đắm mặc cho cô vẫn còn vấn vương Ashley, mặc cho cô cưới từ đời chồng này đến đời chồng khác, anh vẫn yêu cô. Nhưng tình yêu vĩ đại đến đâu rồi cũng có lúc mệt mỏi mà lụi tàn. Khoảnh khắc nhìn đứa con chết lịm đi, anh vẫn không chịu nổi mà từ bỏ tất cả. Lại một lần nữa chúng ta chứng kiến một sự nghiệt ngã của sợi dây số phận khi chính thời điểm mà Rhett bỏ đi thì Scarlett lại nhận ra tình cảm của mình đối với anh. Một kết thúc mở cho chuyện tình của Rhett và Scarlett, không ai biết anh có quay trở về hay cô có đi tìm kiếm anh hay không. Lúc này đây, tác giả tạo không gian cho mỗi độc giả sẽ tự có câu trả lời riêng. Tình yêu có nồng thắm đến đâu cũng không thắng nổi số phận, cũng không qua khỏi những cá tính cố chấp. Cả Rhett và Scarlett đều kiêu ngạo và xem trọng cái lòng tự tôn chết tiệt. Chính vì quá giống nhau đến thế nên khoảnh khắc cuối ấy Scarlett đã không nói ra lòng mình mà Rhett cũng không cho phép bản thân si mê bất chấp nữa rồi. Đôi lần tự hỏi, tại sao mọi thứ lại luôn đến quá muộn với Scarlett? Kể cả tình yêu của Rhett, sự nhận thức về Melanie, tình yêu mù quáng với Ashley, tại sao Scarlett luôn nhận ra quá chậm trễ? Nhưng dù sao đi nữa, với Scarlett “Sau tất cả, ngày mai lại là một ngày mới”. Đây là câu nói được xem như kim chỉ nam thôi thúc động lực sống trong tất cả mỗi chúng ta để hướng đến một ngày mai tươi sáng hơn. Chúng ta thường sống vội vã để bắt kịp cái nhịp sống hối hả theo từng ngày. Mải mê rượt đuổi theo những đam mê phù phiếm để rồi bỏ quên những giá trị chân thật mà giản dị bên cạnh mình. Có thể là những niềm vui bị vùi lấp, những nỗi buồn còn sót lại và cả những người thương yêu ta nhất. Như Scarlett bỏ lỡ Rhett, chưa kịp tận hưởng lòng thương yêu của Melanie, phí hoài những năm tháng cố chấp với Ashley,…có vẻ cô chưa bao giờ thật sự sống trọn vẹn cho từng khoảnh khắc mà chỉ mải chạy theo danh vọng giàu sang. Nhưng dù sao đi nữa thì hình ảnh Scarlett kiên cường, gai góc mà kiêu ngạo đã gây ấn tượng mạnh với rất nhiều độc giả nữ. Muốn được mạnh mẽ như cô, bảo vệ những thứ trân quý bên cạnh mình, nhưng cũng không muốn vô tâm như cô, bỏ qua tình yêu vĩ đại của đời mình. “Cuốn theo chiều gió” dù đã kết thúc nhưng dư âm của nó vẫn cứ văng vẳng bên trong mỗi độc giả. Trên hết là vẻ đẹp kiên cường, nghị lực của con người khi luôn cố gắng vượt lên trên nghịch cảnh của số phận. Dù qua bao nhiêu năm đi nữa thì “Cuốn theo chiều gió” vẫn sống mãi với thời gian bằng cả những giá trị chân, thiện, mỹ hết sức trọn vẹn.

Giống như chú chim chỉ hót một lần trong đời, Tiếng Chim Hót Trong Bụi Mận Gai kể về câu chuyện tình yêu đẹp đẽ nhưng cũng lắm bi thương của người phụ nữ dám đấu tranh để bảo vệ tình yêu của chính mình. Cuốn tiểu thuyết Tiếng Chim Hót Trong Bụi Mận Gai ra mắt cách đây đã hơn 40 năm nhưng tác phẩm vẫn được rất nhiều khán giả hiện đại say mê bởi những giá trị nhân văn sâu sắc mà cuốn cách mang lại. Cũng bởi vậy, Tiếng Chim Hót Trong Bụi Mận Gai từng được đánh giá là cuốn tiểu thuyết sánh ngang với tác phẩm kinh điển Cuốn Theo Chiều Gió thời bấy giờ. Tiếng Chim Hót Trong Bụi Mận Gai là cuốn tiểu thuyết đầu tay của nữ y tá Colleen McCullough. Khởi đầu câu chuyện là hình ảnh một chú chim hót hay nhất thế gian và chỉ hót một lần trong đời. Tác phẩm xoay quanh cuộc sống của gia đình Cleary mà trung tâm của nó là câu chuyện tình yêu giữa Meggie Cleary và cha đạo Ralph de Bricassart - Một tình yêu trong sáng và táo bạo, vừa đau đớn lại ngọt ngào. Trót yêu một người không cùng giai cấp đã là đau khổ nhưng trót yêu một người từng thề sẽ không bao giờ kết hôn lại càng đau khổ hơn. Để quên đi mối tình, Meggie đã phải kết hôn với một công nhân trong trang trại, thậm chí ngay cả khi cả 2 có với nhau một đứa con gái nhưng những gì cô cảm nhận được đó không phải là tình yêu. Gạt bỏ cuộc hôn nhân tẻ nhạt, Meggie trở về Drogheda và đấu tranh cho một tình yêu mà lẽ ra nàng đáng có. Dù không thắng được định mệnh nhưng những gì Meggie đã làm khiến người đọc cảm thấy khâm phục. Một người phụ nữ dám yêu dám hận, dám đấu tranh cho tình yêu của mình. Và đâu đó hình ảnh của một nàng Meggie vẫn thấp thoáng ở ngay ngoài kia. Đó là chí do tại sao nhân vật này lại dễ dàng chiếm được tình cảm của độc giả nữ đến như vậy. Colleen McCullough đã vô cùng xuất sắc trong việc khắc họa ba nhân vật đại diện cho ba thế hệ khác nhau. Cách nữ nhà văn xây dựng tâm lý nhân vật không hề khoa trương mà ngược lại rất gần gũi với độc giả. Xuyên suốt tác phẩm, độc giả có thể tìm thấy chính bản thân mình trong đó. Cách những nhân vật ứng xử với hạnh phúc, với những biến cố trong cuộc đời, với nghị lực phi thường làm cho ta bỗng dưng thấy có một sự đồng cảm sâu sắc. Những diễn biến xung quanh như cách con người ứng xử với thiên nhiên và xã hội được xây dựng một cách phù hợp. Thông qua các tình huống sinh hoạt hằng ngày của gia đình Cleary, độc giả cảm nhận được sự khắc nghiệt của khí hậu của nước Úc với những năm hạn hán kéo dài và những cơn mưa không bao giờ dứt. Bên cạnh đó, tác giả cũng khai thác được một góc nhìn thực tế về chiến tranh. Ban đầu, thanh niên trai tráng trong làng ai cũng háo hức được ra trận, cho đến khi trở về, hậu quả mà chiến tranh gây ra đã ám ảnh họ suốt cả một đời. “Khi chiến tranh mới bắt đầu, có người nào chiêm bao thấy được những mất mát sẽ lâu dài và nặng nề đến thế không?”. Tiếng Chim Hót Trong Bụi Mận Gai đưa người đọc đi từ cảm xúc này đến cảm xúc khác. Tuy bối cảnh được diễn ra chủ yếu tại vùng Drogheda khắc nghiệt nhưng câu chuyện trở nên hấp dẫn hơn nhờ những xung đột nội tâm của nhân vật. Khép lại những trang sách, người đọc vẫn không thể nào quên được nàng Meggie trong bộ váy màu hồng tro cùng mối tình say đắm không dứt với cha Ralph. Phải chăng những thứ không có được mới là thứ đẹp đẽ nhất? Tác phẩm Tiếng Chim Hót Trong Bụi Mận Gai đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và được chuyển thể thành thành series phim truyền hình vào những năm 80 của thế kỷ XX. Bộ phim gồm 6 tập và đã đoạt 3 giải Emmy tại thời điểm phim vừa mới được công chiếu.