“451 độ F – nhiệt độ mà sách giấy bắt lửa và bốc cháy.”
Đó là câu tagline giải thích cho tiêu đề của cuốn tiểu thuyết 451 độ F. Xuất bản năm 1953, tác phẩm để đời của nhà văn Ray Bradbury được coi là một trong những tác phẩm có trọng lượng lớn nhất đối với nền văn hóa Mỹ và mang tính thời sự cao. Cuốn tiểu thuyết nhận được giải thưởng của Viện Hàn lâm Văn học Mỹ (1954) và được dịch ra hơn 33 thứ tiếng trên khắp thế giới.
Trong 451 Độ F, Ray Bradbury
xây dựng nên một thế giới dystopia trong đó truyền hình thống trị và văn chương
đang đứng bên bờ tuyệt chủng, cuộc sống chuyển động ngày càng nhanh và con người
thích những phương tiện giải trí “nhanh”, “tiện” – TV, truyền thông đại chúng.
Các nhà xuất bản rút gọn những cuốn sách càng ngày càng ngắn để phù hợp với khả
năng tập trung ngắn hạn của người đọc, và rồi cấm hoàn toàn các loại sách. Một
thế giới mà con người bị lệ thuộc hoàn toàn vào công nghệ, thỏa mãn bản thân bới
những chương trình giải trí liên miên và đối mặt với những cảm xúc tiêu cực bằng
việc cố tình lờ chúng đi. Rồi dần dần, họ không còn khả năng tự suy nghĩ nữa mà
để truyền thông thâu tóm hoàn toàn. Họ trốn tránh kiến thức và sự thật vì nó
khiến họ phải suy nghĩ, khiến họ thấy không dễ chịu, muốn thay đổi thực tế và
chính phủ đánh đồng điều đó với việc người dân trở nên “khó kiểm soát”. Chẳng
phải dễ dàng hơn sao, khi dân chúng không phản đối những bất công trong cuộc sống,
đơn giản vì họ không biết về sự tồn tại của những đau thương, sai trái, bất
công ấy? Sách mang lại cho chúng ta cảm xúc, mang lại cho chúng ta sự thật, nên
chúng phải bị tiêu diệt. Và trong thế giới ấy, con người nhắm mắt làm ngơ và sống
trong một cuộc sống an nhàn vô âu vô lo giả tạo.
Phần
Một: Bếp lửa và Rồng lửa
Guy Montag là một anh
lính hỏa – chỉ khác với những người lính hỏa chúng ta biết ở điểm anh không dập
tắt những đám cháy, mà là người tạo ra chúng. Ở một thế giới mà sách được coi
là thứ cấm kị và đọc sách là vi phạm pháp luật, những người lính hỏa như Montag
ngày đêm hoàn thành nhiệm vụ là đốt cháy những cuốn sách để giữ cho xã hội được
“trong sạch”, và chưa một lần anh tự vấn bản thân về công việc của mình. Cho đến
một ngày, cuộc gặp gỡ tình cờ với cô gái 17 tuổi hàng xóm Clarisse McClellan với
những ý tưởng tự do kì lạ và tâm hồn phóng khoáng khiến thế giới quan và ý niệm
về hạnh phúc của Montag trở nên lung lạc.
“Anh
có hạnh phúc không?” cô hỏi.
“Tôi
có sao cơ?” Anh kêu lên. Hạnh phúc ư? Thật hết sức vớ vẩn. Nhưng anh ngưng cười.
[...]
Anh không hạnh phúc. Anh không hạnh phúc. Anh thốt lên những lời đó với chính
mình. Anh đeo cái hạnh phúc của mình như đeo cái mặt nạ.”
Clarisse giới thiệu anh
tới một thế giới đã mất, một thế giới khi mà mọi người không sợ hãi và đọc sách
để hiểu về thế giới, nơi con người không lạc mất chính mình trong hàng giờ những
trò tiêu khiển vô nghĩa trên tivi. Một thế giới tốt đẹp hơn cuộc sống tẻ nhạt
vô nghĩa của Montag, nơi vợ anh không còn quan tâm gì hơn là những màn hình lớn
đem lại sự giải trí 24/7. Nhưng Clarisse đã biến mất trước khi anh được biết
thêm về thế giới ấy.
Khi một bà lão tự thiêu
mình cùng với những quyển sách, kết quả một nhiệm vụ của Montag, anh run rẩy về
nhà với một cuốn sách anh đã cướp một cách vô thức từ nhà người phụ nữ xấu số
đó. Anh không biết vì sao mình đã lấy quyển sách đó ngoại trừ một nỗi ám ảnh rằng
hẳn chúng là thứ gì đó có sức mạnh hơn cả mạng sống.
Bradbury sử dụng kết hợp hình ảnh bếp lửa và rồng lửa làm tiêu đề của phần đầu tiên của 451 độ F. Lò sưởi, hoặc lò sưởi, là một biểu tượng truyền thống của ngôi nhà, của gia đình; còn rồng lửa là một trong những biểu tượng chính thức của những người lính hỏa trong câu chuyện, và được tin từ xa xưa rằng nó sống trong lửa và không bị ảnh hưởng bởi ngọn lửa. Cả hai biểu tượng này đều liên quan đến lửa, hình ảnh chi phối của cuộc đời Montag cho đến trước khi câu chuyện bắt đầu. Xuyên suốt chương đầu, ngọn lửa xuất hiện như là biểu tượng cho sự phá hủy. Ngọn lửa mà Montag đã sử dụng như là công cụ cho công việc của anh, ngọn lửa cũng đang phá hủy cuộc sống trước giờ anh chưa bao giờ mảy may nghi ngờ.
Chúng
ta không cần phải được để yên. Đôi khi chúng ta cũng cần phải bận tâm đến một
thứ gì đó. Đã bao lâu rồi em không thực sự bận tâm? Về một chuyện quan trọng, về
một cái gì đó thật?
Khi Montag không quay lại làm việc, đội trưởng Beatty đến nhà anh và giải thích rằng người lính hỏa nào cũng sẽ trải qua một giai đoạn tự hỏi mục đích sống của mình và của việc đốt cháy những cuốn sách. Beatty không ngần ngại mà đánh đồng những cung bậc cảm xúc mãnh liệt mà sách mang lại, trong đó có nỗi buồn, là một sự tà ác. Xã hội bấy giờ chỉ còn tôn thờ chủ nghĩa khoái lạc, mọi câu từ có thể khiến ai đó cảm thấy xúc phạm, đau buồn ngay lập tức bị tẩy chay, bị chỉ trích. Rốt cuộc, sách bị thay thế bởi những hình thức giải trí phù phiếm và khiến người ta cảm thấy “bình đẳng” và “vui vẻ”.
Con
người không được sinh ra bình đẳng, nhưng tất cả được làm cho bình đẳng. Mọi
người đều là bản sao của người khác, thế là tất cả đều vui vẻ. [...]
Đám
da màu không thích “Cậu bé da đen Sambo”? Đốt nó đi. Dân da trắng không thoải
mái khi đọc “Túp lều bác Tôm”? Đốt đi. Ai đó viết một cuốn sách về thuốc lá và
ung thư phổi? Dân hút thuốc đang khóc lóc? Đốt đi. Yên ổn, Montag ạ. [...] Đốt
tất, đốt hết. Lửa sáng và sạch. [...] Nếu không muốn một người cảm thấy bị xúc
phạm về mặt chính trị, đừng cho anh ta biết về hai mặt của một vấn đề để anh ta
phải bận trí suy nghĩ; hãy cho anh ta một mặt thôi. Hay tốt hơn thì chẳng mặt
nào hết. Nếu chính phủ không làm việc hiệu quả, đầu tư quá tay, có những chính
sách điên khùng về thuế, thì thà cứ để như thế còn hơn để người ta bận tâm về
điều đó. Yên ổn, Montag ạ.
Khi Beatty nói với
Montag phải mất hai mươi bốn giờ để thiêu hủy những cuốn sách của anh nếu không
sẽ bị bắt, Montag nhớ tới vị giáo sư tiếng Anh Faber anh đã gặp để tìm lời giải
đáp cho những khúc mắc của bản thân.
Phần
Hai: Sàng và Cát
Tiêu đề của phần thứ
hai của Fahrenheit 451, "Sàng và Cát," được lấy từ ký ức thời thơ ấu
của Montag, khi anh cố gắng dùng cát lấp đầy một cái sàng trên bãi biển để kiếm
một đồng xu từ một người anh họ tinh quái và anh đã khóc khi nhận thấy nỗ lực của
mình chỉ là vô ích. Anh so sánh ký ức này với nỗ lực tuyệt vọng để đọc toàn bộ
Kinh Thánh càng nhanh càng tốt trong khi bỏ trốn bằng tàu điện ngầm với hy vọng
rằng, nếu anh đọc đủ nhanh, nó sẽ đọng lại phần nào trong trí nhớ của anh.
Montag tới thăm Faber,
người giải thích với anh ta giá trị của những cuốn sách và giúp anh hiểu được tầm
quan trọng của việc lưu giữ chúng.
Anh
có hiểu tại sao sách bị ghét và sợ hãi không? Bởi vì họ nói về những cái lỗ
chân lông trên khuôn mặt của cuộc sống. Những người muốn thoải mái chỉ muốn những
khuôn mặt cuộc sống tròn vành vạnh, trơn như sáp, không có lỗ chân lông, không
có lông, vô cảm.
Sách không phải là thứ anh cần. Chẳng có gì kỳ diệu trong trong đó hết. Điều kỳ diệu nằm ở những gì mà cuốn sách ấy nói về, cách nó khâu và ghép từng mảnh của vũ trụ lại với nhau thành một tấm vải duy nhất cho chúng ta.
Faber là người đã mang
đến cho Montag sự cách mạng về tư tưởng, và Montag đã giúp Faber có lại sự dũng
cảm để đứng dậy đấu tranh, để thay đổi xã hội. Ở cuối chương, Faber mô tả bản
thân mình như là nước, và Montag là lửa, và sự kết hợp giữa tư tưởng của ông và
hành động của Montag sẽ tạo ra rượu như cách chúa Giê-su đã tạo ra rượu từ nước.
Hình ảnh này tượng trưng cho sự thay đổi trong nhận thức của cả hai người sẽ giúp
thúc đẩy sự biến đổi của xã hội.
Phần
Ba: Cháy Sáng
Chương này của cuốn
sách tập trung vào sự đối đầu giữa Montag và đội trưởng Beatty, với Montag đại
diện cho số ít những người đã tỉnh ra khỏi sự u muội và nhìn thấy được sự suy
tàn của xã hội, còn Beatty, với một thái độ gần như cay độc, đại diện cho xã hội
ấy, dù trong tiềm thức họ cũng biết rằng nó không ổn, nhưng vẫn tiếp tục tự lừa
dối bản thân và từ chối không chấp nhận sự thật. Một lần nữa, lửa đóng vai trò
cho sự phá hủy, nhưng khi Montag cuối cùng sử dụng nó để đốt cháy chính ngôi
nhà của anh và dùng nó để chống trả lại và tìm đến tự do, lửa cuối cùng cũng
mang một ý nghĩa khác – nó mang lại sự giải phóng, sự tự do.
Montag bỏ trốn, tìm đến
nhóm học giả mà Faber đã nhắc đến, đứng đầu bởi Granger – những người sống
ngoài vòng xã hội, cố gắng lưu giữ giá trị của những cuốn sách, chờ một ngày xã
hội sẵn sàng đón nhận chúng trở lại. Cùng nhau họ chứng kiến thế giới mà Montag
từng biết lụi tàn, và sẵn sàng để hồi sinh. Granger so sánh nhân loại với một
con phượng hoàng bùng cháy lên và sau đó mọc lên từ đống tro tàn của nó nhiều lần.
Lợi thế của con người là khả năng nhận ra lỗi lầm, nhờ vậy cuối cùng chúng ta mới
học cách không phạm sai lầm đó nữa. Biểu tượng của sự tái sinh của phượng hoàng
không chỉ là sự tái sinh của xã hội mà còn cho sự phục sinh về tinh thần của
Montag.
Kết
Thế giới của 451 Độ F
mang nhiều đặc điểm giống xã hội hiện đại của chúng ta đến rùng mình, cho dù cuốn
tiểu thuyết dài chỉ hơn 200 trang này được xuất bản từ năm 1953. Không thể chối
cãi việc nền văn minh của chúng ta đang như một đoàn tàu đang lao với tốc độ cực
đại tới viễn cảnh mà Ray Bradbury đã tiên đoán sáu mươi năm trước – lệ thuộc
vào truyền thông và những trò giải trí nông cạn mà đánh mất đi những giá trị
lâu dài và trường tồn. Người ta hay có câu: “Ngu si hưởng thái bình”, ý muốn
nói rằng đôi khi biết nhiều quá không có lợi, và nhắm mắt làm ngơ cho ta sự yên
ổn. Thế nhưng Ray Bradbury đã chứng minh qua tác phẩm của ông rằng kiến thức
không bao giờ là đủ, và sự yên ổn chúng ta cảm nhận được chỉ là một cảm xúc
chúng ta đang tự huyễn hoặc mình thôi.
Tuy vẽ ra một viễn cảnh đen tối xuyên suốt mạch truyện, nhưng Ray Bradbury kết thúc 451 Độ F với hình ảnh con phượng hoàng hồi sinh từ đám cháy, mang lại một niềm hi vọng và niềm tin mãnh liệt vào phần tốt đẹp của con người. Ông miêu tả con người chỉ là đang lạc lối, và chỉ cần trái tim chúng ta để đúng chỗ, như Montag hay Clarisse, hay nhóm học giả ở cuối sách, thì chúng ta luôn có thể lái xã hội về con đường đúng đắn. Giống như ngọn lửa – biểu tượng xuyên suốt của cả câu chuyện – nó có thể phá hủy, nhưng nó cũng đem lại hơi ấm cho nhân loại, chỉ là cách chúng ta sử dụng nó. Vì vậy, khi công nghệ ngày càng phát triển, nó tạo cho chúng ta cơ hội xóa bỏ những khoảng cách giữa con người với con người. Và nhiệm vụ của chúng ta chính là sử dụng chúng với đúng mục đích ấy. Sau sáu mươi năm, cuốn tiểu thuyết nhỏ bé 451 Độ F của Ray Bradbury vẫn mang tính thời sự như khi nó vừa được xuất bản là vậy.
Tác giả: Nguyễn Phương
Linh – Bookademy
---------
Theo dõi fanpage của
Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link:
https://www.facebook.com/bookademy.vn
"451 độ F" là một trong những cuốn sách mà lẽ ra tôi phải đọc vào thời điểm hiện tại. Thỉnh thoảng, một sinh viên đến gặp tôi, ánh mắt phẫn nộ vì có người đốt sách và họ muốn nói về chuyện đó. "Tại sao lại có người làm một việc như vậy? Điều này là không thể! Tại sao một thế giới như vậy lại tồn tại?" Và run rẩy hơn nữa: “Liệu thế giới này có tồn tại được không?” Khi sự xấu hổ và nhục nhã tràn ngập trong tôi, tôi phải nói, "Ừm, thầy chưa đọc nó. Nhưng nó nằm trong danh sách cần đọc của thầy!" Họ trông có vẻ bối rối, như thể tôi đã làm họ thất vọng. Và có lẽ đúng là vậy. Trong một thế giới mà điểm đọc viết của học sinh đang ngày càng giảm, nơi mà một thiếu niên thích cầm một chiếc iPod hơn là một cuốn sách, và hầu hết học sinh chỉ đọc 2-3 cuốn sách một năm, việc một số người trong số họ vẫn đọc"451 độ F" và trở nên tức giận mang lại cho tôi hy vọng về tương lai.
Thật tiếc là cho đến tận bây giờ tôi vẫn chưa đọc tiểu thuyết của Bradbury. Đây là một cuốn sách kêu gọi những người đam mê sách. Nó nhắc nhở chúng ta rằng cuốn sách là một điều đơn giản và quý giá; là một sự tự do khi sở hữu chúng, có quyền riêng tư để đọc chúng và có quyền nghĩ về chúng. Đọc sách là một quyền tự do đơn giản mà rất nhiều người coi đó là điều hiển nhiên vì họ chỉ coi đó là hành động thể chất: ngồi trên ghế và lật trang giấy. Điều họ không nhận ra là, trong hành động đơn giản đó, toàn bộ con người đã được hình thành: niềm tin, ý kiến, suy nghĩ không ngừng được thử thách, đánh giá lại và định hình lại. Đọc là hành động liên tục đo lường thế giới và quyết định xem chúng ta có phải là mẫu người mà chúng ta muốn trở thành hay không. Việc đọc giúp chúng ta kiểm soát và nhắc nhở chúng ta rằng ngoài kia còn có những người khác có những hoàn cảnh rất khác nhau mà chúng ta nên cảm thông. Tóm lại, đọc chính là hành động duy trì tính nhân văn của chúng ta.