“Bản đồ mây”, “Đồng hồ xương” và những tác phẩm đồ sộ khác của David Mitchell không chỉ thỏa mãn trí tò mò mà cuốn độc giả vào cuộc du hành khám phá bản ngã loài người.

Là nhà văn duy nhất từng lọt vào danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2007, từng giành giải thưởng British Book Award và chung khảo giải thưởng Booker năm 2004, cùng vô số giải thường khác, David Mitchell là cây viết kiệt xuất đương đại Anh có những tác phẩm đồ sộ nhưng lại luôn hiện diện trong danh sách bán chạy nhất.

Văn chương của ông là một thế giới đa âm cũng những chuyện kể lôi cuốn xuyên nhiều thế kỷ và lục địa, nơi tác giả tiến hành quá trình phân tích bản chất nhân loại bằng một thứ văn chương đem lại khoái cảm đọc hiếm có.

Nhân loại? Hay người là chó sói với người

Tiểu thuyết của Mitchell, trước hết, là một tham vọng cực lớn, tỉnh táo và tàn nhẫn trong việc định dạng bản tính người. Đúng như một nhân vật của ông đã nói, thế giới con người là địa bàn của kẻ mạnh và nơi kẻ yếu dễ dàng trở thành là mồi ăn. Rất nhanh chóng, con người trở thành nạn nhân của lòng tham không kiểm soát của chính mình.

Khía cạnh nổi bật nhất trong Bản đồ mây chính là điều Mitchell tiên đoán, rằng với sự kết hợp của công nghệ, chúng ta tiến tới, với tốc độ chóng mặt không thể kìm hãm, sự suy tàn của giống người.

sach ban do may Một hành trình văn học tàn nhẫn và tỉnh táo của David Mitchell

Tác phẩm Bản đồ mây của David Mitchell đã được chuyển thể thành phim điện ảnh.

Chủ đề này, được ông triển khai, bằng cách xây dựng một mô típ tưởng chừng vô nghĩa, một vết bớt hình sao chổi ở các vị trí khác nhau trên cơ thể các nhân vật chính, và cho các nhân vật này tái sinh ở một loạt các kiếp, nhằm khẳng định một sự nhất quán về nhân loại.

Vượt lên khỏi sự riêng lẻ mà con người hiện đại ngày càng hướng tới, Mitchell lưu ý cho độc giả, như ông nhiều lần nói trong các bài phỏng vấn, rằng chúng ta gắn kết với nhau nhiều hơn mình tưởng, rằng cái ảo tưởng mỗi cá nhân là một hòn đảo riêng lẻ nhanh chóng bị tiêu tan và trên hết là sự liên hệ như các quần đảo với nhau.

Và từ đó, trong một loạt chuyện kể về những kẻ thủ ác trong các hình hài khác nhau tấn công và sát hại không ghê tay các cá nhân khác để thỏa mãn tham vọng, Bản đồ mây, như chính tác giả hé lộ, là một câu chuyện chân thực đến rợn ngợp về tính săn mồi, nơi cá nhân săn cá nhân, nơi tộc người săn tộc người, nơi nhà nước săn cá nhân trong nhà nước.

Đồng hồ xương, mặt khác, lại là cuốn tiểu thuyết hòa quyện giữa hiện thực và fantasy mà tác giả luôn biết cách điều tiết hai đối lực để khai thác chính cái nhị nguyên rất cơ bản của loài người: Thiện-Ác.

Về cơ bản, Đồng hồ xương là một cuộc giằng co qua nhiều thế kỷ, của hai thế lực, Ẩn Sỹ và Trắc thời Sỹ, của thế lực đen tối muốn cho cái đồng hồ xương của những bệnh tật chết chóc trong cơ thể con người dừng lại, với thế lực những người linh hồn có khả năng tái sinh vạn kiếp.

Mitchell ở tiểu thuyết này đi sâu khai thác sự đối lập giữa lòng tham và vị tha, giữa khả năng hoàn lương và việc bán linh hồn cho quỷ dữ. Ông tiếp tục đào sâu vào bản chất quan hệ người với người, và trả lời cho câu hỏi đã đề ra ở Bản đồ mây, liệu người là chó sói đối với người, hay vẫn còn tồn tại ở đâu đó, một chút đức tính hy sinh?

Những câu chuyện soi gương vào nhau

David Mitchell là nhà văn của một thể loại đặc biệt. Trong tổng số 7 tiểu thuyết đã xuất bản của ông, thì có đến 4 được viết theo dạng tập hợp truyện dài: Ghostwritten, number9dream, Bản đồ mây, Đồng hồ xương, (còn Slade House thì là tập hợp truyện ngắn).

Trong một cuộc phỏng vấn, khi được hỏi vì sao luôn chọn lối viết đó, Mitchell cho biết, khởi đầu giai đoạn tập viết nên ông chỉ viết được mỗi truyện dài như vậy. Nhưng phương pháp viết như vậy không chỉ ở giai đoạn non trẻ, mà chính là nơi Mitchell xây dựng phong cách riêng và rèn dũa để trở nên điêu luyện.

tac gia david mitchell Một hành trình văn học tàn nhẫn và tỉnh táo của David Mitchell


Tác giả David Mitchell và những tác phẩm nổi bật nhất của ông.

Điểm sáng lòa nhất ở Bản đồ mây là cấu trúc của truyện, như chính tác giả tâm sự, ông muốn viết một cuốn sách bao trùm tất thảy, một cuốn sách như những con búp bê Matryoshka của truyện lồng trong truyện lồng trong truyện.

Mitchell cho hay ông đã học tập Nếu một đêm đông có người lữ khách của Italo Calvino với kỹ thuật đứt đoạn dòng truyện kể, nhưng tiến xa hơn chủ nghĩa hậu hiện đại, khi ngắt chúng ngay ở cao trào, và cho chúng soi gương với nhau qua một phần ở chính giữa, để cho người đọc lại đọc theo cái trình tự được đảo ngược, biến tiểu thuyết thành một xê ri những chuyện kể nối tiếp nhau nhau, nơi khởi đầu lại chập làm một với kết thúc.

Vẫn lấy cấu trúc 6 truyện dài như Bản đồ mây, nhưng như chính lời tác giả rằng mỗi cuốn sách như một đứa con với cá tính riêng biệt, Đồng hồ xương lại kể 6 câu chuyện từ ngôi thứ nhất xưng tôi của các nhân vật khác nhau, dàn trải từ một đợt nóng mùa hè nước Anh năm 1984, đến thế giới tận thế ở Ireland năm 2043.

Thay vì đặt một chiếc gương soi như ở Bản đồ mây, tiểu thuyết này dùng một nhân vật làm sợi chỉ đỏ xuyên suốt là Holly Sykes.

sach dong ho xuong 678x1024 Một hành trình văn học tàn nhẫn và tỉnh táo của David Mitchell

Đồng hồ xương mới được xuất bản tại Việt Nam.

Các tiểu thuyết của David Mitchell, như ông mong muốn, thuộc về một thứ gọi là siêu sách, một vũ trụ bao trùm tất cả nơi các cuốn sách cùng nhau cư ngụ.

Nó như Trung Địa của J.R.R Tolkien, ở đó các chủ đề được lặp lại, ở đó các nhân vật của tiểu thuyết này lại xuất hiện trong tiểu thuyết kia. Hugo Lamb của Đồng hồ xương đã từng xuất hiện trong Làng thiên nga đen, Ed Brubeck làm việc cho tạp chí Spyglass nơi Luisa Rey của Bản đồ mây từng làm phóng viên, còn Crispin Hershey nhà văn thì chính là tác giả của The Voorman Problem từ tiểu thuyết number9dream .

Khi hài hước nhẹ nhàng, khi đen tối tận thế

Khi bàn về nghệ thuật tiểu thuyết, David Mitchell cho rằng trong một câu chuyện có năm thành tố chủ chốt, đó là: ý tưởng, cốt truyện, nhân vật, cấu trúc, và phong cách. Và chính bằng kỹ xảo của người tung hứng khéo léo, Mitchell nhào trộn, gia giảm, biến hóa các yếu tố này để tạo thành một kính vạn hoa của những phong cách khác nhau.

Trí tưởng tượng phong phú, kết hợp với khả năng bắt chước và sáng tạo lại các thể loại văn chương, đi cùng với một bộ sưu tập các nhân vật đa dạng, và những lớp lang: Mitchell đưa người đọc qua những chuyến du hành về phong cách.

Quẳng độc giả vào những bất ngờ khôn tả, không hề rào đón, David Mitchell lẳng lặng giăng ra một mê cung những zic zắc giao nhau ở những điểm nút bất ngờ nhất.

Bản đồ mây, đó là một sự nhảy cóc chuyển đổi linh hoạt từ hình thức tới nội dung: khi du ký thời kỳ Victoria, khi tiểu thuyết viết dưới hình thức thư từ, khi tiểu thuyết trinh thám giật gân, khi lại là tiểu thuyết hài, khi thì khoa học viễn tưởng phản địa đàng, khi thì lại tiểu thuyết tận thế.

Còn ở Đồng hồ xương, chính cách tưởng tượng các nhân vật đang viết một bức thư cho chính mình, bằng chính cái giọng chỉ của riêng từng người, tác giả đã viết được những câu chuyện bằng đủ các loại giọng điệu biến hóa khôn lường đến vậy, nhưng tất cả lại gói gọn trong một cuộc phiêu lưu đầy yếu tố kỳ ảo.

Đó là nhật ký tâm tình của một Holly 15 tuổi bỏ nhà theo trai rồi dấn thân vào phiêu lưu vô định; đó là tự thuật của Hugo Lamb, sinh viên đại học Cambridge, chuyên lừa đảo với ăn chơi trác táng; đó là chuyện đời của một nhà văn nổi loạn của văn đoàn Anh quốc Crispin Hershey; và đó là văn học fantasy của thế giới tương lai vào năm 2025; hay đó là thế giới tận diệt khi cạn kiệt mọi tài nguyên.

sach ban do may 1 Một hành trình văn học tàn nhẫn và tỉnh táo của David Mitchell

Hình ảnh trong phim Bản đồ mây.

Văn bản của Mitchell chuyển đổi từ thể loại này sang thể loại kia, lấy hàng loạt bối cảnh từ Âu sang Á, và đi cùng chúng là sự thay đổi sắc tộc cũng như nghề nghiệp, cá tính, gia đình. Ở bất cứ thể loại nào, độc giả cũng bắt gặp một sự nhuần nhuyễn tuyệt đối: khi hài hước nhẹ nhàng, khi nhanh gọn hình sự, khi đen tối tận thế. Tất cả được gói ghém bằng kế hoạch dàn dựng, và triển khai vô cùng tinh xảo.

Không thể ngừng lật trang

David Mitchell là một trong những nhà văn đương đại sở hữu khả năng kể chuyện bậc thầy, đem lại khoái cảm đọc thuần túy. Các câu chuyện mà ông kể, trước khi hướng đến bài học nào đó, tồn tại như chuyện kể đơn thuần hớp hồn độc giả. Hơn cả thế, nhà văn còn tạo ra những liên văn bản quấn quýt khi chúng liên tục gợi nhắc đến nhau và gợi nhắc đến những văn bản bên ngoài tiểu thuyết và tạo kích thích liên tưởng ở người đọc.

Chẳng hạn như, ở Bản đồ mây như nhiều nhà phê bình đã chỉ ra, phần của Adam Ewing gợi tới Súng, Vi trùng và Thép của Jared Diamond, hay Sự khổ nạn của Cavendish với bà y tá như bước ra từ Bay trên tổ chim cúc cu hay nhà báo điều tra Luisa Rey thì là lấy cảm hứng phim truyền hình điều tra hình sự của Mỹ những năm 1970.

Còn ở Đồng hồ xương thì phần về nhà văn Crispin Hershey như là bức tranh sống động dựa trên nguyên mẫu là văn hào Martin Amis, và tạo nên trải nghiệm đọc thú vị khi độc giả tiếp xúc với Tiền, tác phẩm nổi tiếng nhất của Amis.

Nhưng chính ở khả năng biến hóa như tắc kè hoa này, Mitchell cũng ít nhiều bộc lộ điểm yếu: không phải phần nào ông kể cũng đều tay và xuất sắc như nhau. Chẳng hạn ở Đồng hồ xương phần kể về cựu nhà báo chiến trường Iraq Ed Brubeck, cho dù đã cố lồng ghép những trải nghiệm chiến tranh tàn bạo và sự kiện đứa con gái bị mất tích, vẫn hơi nhạt nhẽo. Hoặc ở Bản đồ mây, phần truyện trinh thám của Luisa Rey non tay hẳn so với các phần khác, bởi đầy các lỗ hổng trong xây dựng vụ án.

Tuy vậy, xuyên suốt tiểu thuyết của David Mitchell là một đặc trưng quan trọng: mặc cho những trang viết ken dày chữ, chúng vẫn khiến độc giả liên tục lật trang. Trong quá trình sáng tác, nhà văn Mitchell lúc nào cũng tuân thủ một nguyên tắc: phải trả lời bằng được câu hỏi, tại sao độc giả lại muốn đọc sách của ông.

Để đáp trả lại khoảng thời gian mà độc giả đã đầu tư vào tác phẩm của mình, Mitchell quyết tâm đem lại cho mỗi người một trải nghiệm đọc đặc biệt, khi được quay trở về nơi bắt đầu của chuyện kể: được nghe một và nhiều hơn một, câu chuyện hấp dẫn.

Nguồn: vnwriter.net


-------------------------------------------------------------------------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: https://www.facebook.com/bookademy.vn

Tham gia cộng đồng Bookademy để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị, đăng ký CTV tại link: https://goo.gl/forms/7pGl3eYeudJ3jXIE3


Xem thêm

“Bản đồ mây”, của David Mitchell, nhà văn duy nhất từng lọt vào danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2007, cuốn tiểu thuyết giành giải thường British Book Award cùng vô số giải thường khác, từng chạy đua giành giải thưởng Booker 2004, là một cuốn sách “điên” như lời của chính tác giả, một thiên tiểu thuyết đa âm gồm sáu truyện kể lôi cuốn trải dài qua xuyên nhiều thế kỷ và lục địa, nơi nghệ thuật kể chuyện bậc thầy được bộc lộ và nơi người đọc hưởng thụ một khoái cảm đọc hiếm có văn bản nào có thể mang lại. . Không một lời báo trước, không dàn cảnh không đon đả mời chào, David Mitchell lẳng lặng giăng ra một mê cung những câu chuyện zic zắc giao nhau ở những điểm nút bất ngờ nhất và đều bị bỏ dở ở cao trào. Mở đầu cuốn tiểu thuyết của các tiểu thuyết này là câu chuyện diễn ra ở thế kỷ 19 ở Thái Bình Dương nơi luật sư Adam Ewing ở đảo Chatham gặp gỡ Autua một thổ dân nô lệ người Moriori, để rồi lên thuyền cùng bác sĩ Goose và giúp Autua trở thành thủy thủ trên tàu. Bỏ lại cái bối cảnh rất có hơi hướm Đông Phương hóa ấy, câu chuyện tiếp theo của thế kỷ 20 lại xảy ra ở Zedelghem nước Bỉ, nơi anh chàng Robert Frobisher, bị gia đình từ bỏ, nợ nần chồng chất, yêu cả phụ nữ lẫn đàn ông, tìm đến nhà soạn nhạc vĩ đại Vyvyan Ayrs bị bệnh giang mai để giúp ông sáng tác nhạc trở lại và đồng thời cũng khơi thông dòng lạch sự nghiệp của chính mình. Như chớp giật, người đọc lại chuyển sang câu chuyện thứ ba vào năm 1975 lấy Luisa Rey làm tâm điểm, ở một thành phố hư cấu Buenas Yerbas, thuộc bang California, nơi cô nhà báo được tiến sĩ Rufus Sixsmith giao cho bản tài liệu mật công bố về những sai phạm trong dự án xây dựng nhà máy hạt nhân của tập đoàn Seaboard để rồi dừng đột ngột ở tình tiết Rey bị ám sát. Rất nhanh chóng, văn bản bẻ ngoặt sang hướng mới khi kể về những khổ nạn của Timothy Cavendish ở nước Anh thời hiện tại, một nhà xuất bản trốn chạy bọn đầu gấu để rồi bị ông anh trai lừa nhốt vào nhà dưỡng lão. Câu chuyện thứ năm diễn ra ở nước Triều Tiên tương lai với những người nhân bản và âm mưu của quân Giải phóng chống lại nhà nước tập đoàn toàn trị. Cuối cùng, câu chuyện thứ sáu qua lời kể của già Zachry xảy ra sau sự Sụp đổ của loài người cách thời hiện đại hai đến ba thế kỷ ở đảo Hawaii nơi người thiên cổ đã chết vì những tham vọng không kiểm soát của mình. . “Bản đồ mây” trước hết là một tham vọng cực lớn, tỉnh táo và tàn nhẫn trong việc định dạng bản tính người: bằng cách xây dựng một mô típ tưởng chừng vô nghĩa, một vết bớt hình sao chổi ở các vị trí khác nhau trên cơ thể các nhân vật chính, David Mitchell cho các nhân vật này tái sinh ở một loạt các kiếp, nhằm khẳng định một sự nhất quán về nhân loại, đi cùng với sự liên kết không thời gian không gian hay sự kiện nào có thể chối bỏ được. Vượt lên khỏi sự riêng lẻ mà con người hiện đại ngày càng hướng tới, Mitchell muốn lưu ý cho độc giả, rằng chúng ta gắn kết với nhau nhiều hơn chúng ta tưởng, rằng cái ảo tưởng mỗi cá nhân là một hòn đảo riêng lẻ nhanh chóng bị tiêu tan và rằng bật lên trên hết là hình ảnh các quần đảo liên hệ với nhau. Và từ đó, trong các câu chuyện về những kẻ thủ ác trong các hình hài khác nhau tấn công và sát hại không ghê tay các cá nhân khác để thỏa mãn các tham vọng của mình, “Bản đồ mây” là một câu chuyện chân thực đến rợn ngợp về tính săn mồi, nơi cá nhân săn cá nhân, nơi tộc người săn tộc người, nơi nhà nước săn cá nhân trong nhà nước. Đúng như một nhân vật của ông đã nói, thế giới con người là địa bàn của kẻ mạnh nơi kẻ yếu dễ dàng trở thành là mồi ăn. Để rồi rất nhanh chóng, con người trở thành miếng ăn của những tham lam không kiểm soát của chính mình: với sự kết hợp của công nghệ, sự suy tàn của giống người là một điểm chúng ta tiến tới với tốc độ chóng mặt không thể kìm hãm. . Điểm sáng lòa nhất ở “Bản đồ mây” có lẽ là cấu trúc của truyện, như chính Mitchell tâm sự, ông muốn viết một cuốn sách bao trùm tất thảy, một cuốn sách như những con búp bê Matryoshka của truyện lồng trong truyện lồng trong truyện. Mitchell cho hay ông đã học tập “Nếu một đêm đông có người lữ khách” của Italo Calvino với kỹ thuật đứt đoạn dòng truyện kể, nhưng ông tiến sâu và xa hơn chủ nghĩa hậu hiện đại, khi ngắt 5 câu chuyện kia ở cao trào, để rồi cho người đọc thỏa mãn ở câu chuyện thứ 6, đóng vai trò như một tấm gương cho 5 câu chuyện kể trước soi vào. Và thế là, chúng soi gương. Và thế là, người đọc lại đọc chúng, theo cái trình tự được đảo ngược. Cấu trúc của “Bản đồ mây” khi rút gọn, thành một nhịp kể vô cùng thông minh và độc đáo, của những chuyện kể nối tiếp nhau nhau, 1-2-3-4-5-6-5-4-3-2-1, và khởi đầu lại chập làm một với kết thúc. . Sự độc đáo vô song không chỉ dừng lại ở đó. Tác giả, như một kiến trúc sư đại tài, sắp xếp, ở mỗi câu chuyện, những tình tiết báo trước: đó là nơi nhân vật chính của truyện hiện tại đọc, hoặc xem, hoặc nghe về truyện sau. Một sự xóa mờ ở đường biên, giữa truyện kể và chuyện thật, một cách tài tình hóa, biến tất cả các câu chuyện, thành văn bản. Ta không chỉ nghe chuyện thật như là nó vốn có, mà ta còn nghe và đọc và xem chuyện được kể từ chính nhân vật của câu chuyện trước. Thật và giả lẫn lộn, văn bản và đời thật hóa nhập nhằng. Độc giả sẽ được cho thấy, anh chàng nhạc sĩ Frobisher đọc về chuyến phiêu lưu của Adam Ewing, để rồi Luisa Rey đọc những lá thư Frobisher gửi cho Sixsmith, để rồi Cavendish đọc về hành trình khám phá sự thật của Rey, và Sonmi-451 xem phim về Cavendish, và cuối cùng là Zachry tôn thờ Sonmi và có trong tay orison của cô. Nếu chỉ dừng ở đây thì sự thiên tài của Mitchell đã không được bộc lộ: ở phấn tiếp theo, Sonmi-451 trước khi chết, lại muốn xem nốt bộ phim về Cavendish, Cavendish đọc nốt cuốn tiểu thuyết về Luisa Rey, Luisa Rey tới lượt mình nghe bản Lục tấu Vân đồ của Frobisher. . “Bản đồ mây” chính thế là một văn bản của những liên văn bản: của những ảnh hưởng và những liên kết, giữa chúng với nhau và giữa chúng với các văn bản khác như chính lời giải thích của Mitchell. Câu chuyện của Adam Ewing gợi tới “Súng, Vi trùng, và Thép” của Jared Diamond, hay Sự khổ nạn của Cavendish với bà y tá như bước ra từ “Bay trên tổ chim cúc cu” hay nhà báo điều tra Luisa Rey thì là lấy cảm hứng phim truyền hình điều tra hình sự của nhữn năm 1970 All the President’s Men. . “Bản đồ mây” đa dạng và biến hóa trong vô số giọng văn, khi hài hước nhẹ nhàng, khi nhanh gọn hình sự, khi đen tối tận thế. Mitchell thể hiện một sự nhảy cóc chuyển đổi linh hoạt từ hình thức tới nội dung: Văn bản của ông nhảy từ thể loại này sang thể loại kia, thế kỷ này sang thế kỷ kia, lục địa này sang lục địa kia, sắc tộc này sang sắc tộc kia, nghề nghiệp này sang nghề nghiệp kia, mà ở bất cứ thể loại cũng như lĩnh vực nào, độc giả cũng bắt gặp một sự nhuần nhuyễn tuyệt đối. Đó là du ký thời kỳ Victoria, đó là tiểu thuyết viết dưới hình thức thư từ, khi thì tiểu thuyết trinh thám giật gân, khi lại là tiểu thuyết hài hước, khi thì khoa học viễn tưởng phản địa đàng, khi thì lại thế giới của ngày tận thế. Tất cả được gói ghém bằng nghệ thuật kể chuyện hơn cả bậc thầy: với sự tính toán và kế hoạch dàn dựng vô cùng tinh xảo, “Bản đồ mây” quả thực là sản phẩm độc đáo của một trí thông minh và tài năng đáng kinh ngạc.

** spoiler alert ** Một thế giới quan kỳ lạ của những Vô Thời Khách và phần còn lại nhưng lại chứa đựng nhiều thông tin mà David Mitchell muốn truyền tải. Cuộc đời của Holly Sykes gắn chặt với cuộc chiến giữa Trắc Thời Phái và Hội Trắc sỹ. Những nhân vật phụ được hiện lên, tô vẽ để rồi nhạt dần theo năm tháng. Một Hugo Lamb - kẻ xấu, rất xấu được định sẵn để trở thành Trắc sỹ. Phải nói là tất cả những điều Hugo làm và nghĩ đều khiến mình phẫn nộ nhưng gã lại khiến mình giật mình nhận ra gã có một thứ rất giống mình "Cupid cho, Cupid sẽ lấy lại". Một Ed - vai phụ điển hình, ngay từ chương đầu mình để thấy được sợi dây tơ hồng vô hình giữa Ed và Holly. Ed yêu Holly nhẹ nhàng và thắm thiết. Nhưng Ed lại không thể đánh đổi lý tưởng của mình để ở mãi bên Holly. Một Crispin - tác giả bị bệnh ngôi sao, dù rất xấu tính nhưng lại phảng phất vẻ đẹp hiếm có của một tâm hồn đầy trắc ẩn. David Mitchell tạo nên một thế giới quan đậm chất kỳ bí, liêu trai pha lẫn văn hóa phương Tây và cả một chút âm sắc phương Đông. Dù rằng so với Vân Đồ thì Đồng hồ xương vẫn thiếu vắng một chút bất ngờ theo kiểu "the magic of reality" nhưng cuốn sách vẫn hấp dẫn và đậm chất điện ảnh. Hi vọng sẽ thấy một bom tấn chuyển thể từ cuốn sách này của David Mitchell.

Đáo để, kỳ lạ, đầy nghi ngoặc và…cực kỳ nhân văn, những giọt nước mắt đã chảy. . Lâu rồi tôi mới tìm thấy 1 quyển tiểu thuyết hay đến như vậy, là 1 fan của dòng fantasy nên nhà Trẻ giới thiệu Đồng hồ xương tôi đã không hề do dự mà mua ngay (trước cả Bản đồ mây dù cùng tác giả). Linh cảm đúng, sự chọn lựa đó hoàn toàn đúng đắn, oke, chính thức thành “tông đồ” phái David Mitchell. . Đồng hồ xương có 1 kết cấu lạ, lạ 1 cách đáo để. Ban đầu đọc tôi cứ tưởng mình…tâm thần, vì chẳng biết nhân vật chính là ai, cốt truyện chính là gì, chẳng lẽ nhà Trẻ gạt mình, fantasy nào đâu thấy. Ở mỗi chương là ngồn ngộn câu hỏi xuất hiện khiến tâm can cứ thắc mắc, và chính sự tò mò đến gai người ấy khiến cho ta quyết chiến đấu với…tác giả đến cùng. Đồng hồ xương có tất thảy 6 chương, ở mỗi chương là 1 ngôi sao, 6 ngôi sao tạo nên 1 thiên hà. Nó không phải 1 tiểu thuyết huyễn tưởng thông thường, main chính bá đạo, năng lực siêu nhiên ra tay giải cứu thế giới như chúa cứu thế. Mà vừa là cuộc chiến của những chiến binh bất tử với những kẻ thủ ác cũng trường sinh; vừa bàn đến sự phát triển của thế giới, sự tiến hóa của nhân loại và dự – kết, cái dự kết khiến tôi cứ đau đáu mãi về tương lai của Trái Đất. Trong dòng chảy bất tận của thời gian, cuộc chiến giữa Trắc Thời Phái và U Minh Phái tưởng chừng như mạch nước ngầm âm ỉ nhưng thực ra vừa độc lập, vừa liên quan đến sự tồn vong, thịnh suy của thời cuộc. Tôi thực sự nể phục David Mitchell, ông đã lồng ghép biết bao dữ kiện vào Đồng hồ xương, cho chúng đôi cánh, cho chúng tự do để chúng mang ý nghĩa đến độc giả tùy theo khả năng cảm thụ. Chi tiết giả tưởng hợp lô-gic, mạch lịch sử được sửa dụng rất điêu luyện, điển hình như chiến tranh ở Bagdad, ở Việt Nam, vô vàn, vô vàn chi tiết khác, như: chuyện thời thế, vị trí của bản thân trong xã hội, văn hóa, ngôn ngữ, phân biệt chủng tộc, quốc gia, tôn giáo. Trong hơn 600 trang sách, nếu tìm đến Đồng hồ xương, tôi chỉ xin bạn 1 điều thôi: hãy kiên nhẫn. . Với Đồng hồ xương, tôi đã khóc 2 lần, cũng có lẽ vì tôi nhạy cảm, nhưng thực sự tôi hiểu được nỗi đau ấy. Với Đồng hồ xương, tôi phải ghi chép lại những thuật ngữ, tên gọi, thắc mắc…trong quá trình đọc để có thể hệ thống lại cho dễ dàng. Nhân tiện, nếu lỡ 1 hôm đẹp trời, bạn bỗng nghe được tiếng nói của Người Trên Đài, thì ngay lập tức tìm gặp ngay 1 Trắc Sĩ, nếu không bạn sẽ bị Ẩn Sĩ rút mất linh hồn đấy nhé. Nhớ kĩ.

“Đồng hồ xương” của David Mitchell, cũng như “Bản đồ mây,” là những tham vọng văn chương lớn lao, được thực thi thành công, với thành quả là những cuốn tiểu thuyết đồ sộ với nghệ thuật kể chuyện đứng vào hàng ngũ của những đại sư phụ, những chưởng giáo sư môn. Cuốn tiểu thuyết là một và nhiều câu chuyện hòa quyện giữa hiện thực và fantasy mà tác giả luôn biết cách vừa điều tiết hai đối lực để rồi đẩy căng giới hạn khi cần thiết để bức phá và biến cuốn sách hóa sang một thể loại mới. Trên hết, “Đồng hồ xương” là một sản phẩm đơn thuần hướng tới việc đọc, của việc đắm mình vào câu chuyện được kể. . Vẫn lấy cấu trúc 6 novella-truyện dài như “Bản đồ mây”, và là một đặc điểm cố hữu trong các tiểu thuyết của Mitchell, nhhư chính lời tác giả rằng mỗi cuốn sách như một đứa con với cá tính riêng biệt, “Đồng hồ xương” kể 6 câu chuyện từ ngôi thứ nhất xưng “tối” của các nhân vật, tuổi tác, nơi ở, nghề nghiệp, đều khác nhau, dàn trải từ một đợt nóng mùa hè nước Anh năm 1984, đến thế giới tận thế ở Ireland năm 2043. Nhưng vì thay vì đặt một chiếc gương soi như ở “Bản đồ mây”, tiểu thuyết này dùng một nhân vật làm sợi chỉ đỏ xuyên suốt là Holly Sykes. . Và thế là các câu chuyện quấn-quít vào nhau: về một Holly 15 tuổi bỏ nhà theo trai rồi phiêu lưu các nơi để rồi tình cờ gặp một phụ nữ bí ẩn tên Esther Little và mơ hồ đồng ý cho bà mượn một nơi trú ẩn, để rồi tình cờ làm việc ở trang trại hái quả và rồi được tin em trai Jacko mất tích; về một Hugo Lamb sinh viên đại học Cambridge năm 1991 chuyên lừa đảo lại gặp Holly ở khu trượt tuyết để rồi được chiêu dụ vào một nhóm bí ẩn mà phó soái đã từng gặp anh ta lúc trước là Constantin; về một Ed Brubeck phóng viên chiến trường Iraq trở về Anh dự đám cưới em gái Holly và rồi con gái Aoife của họ mất tích và được tìm thấy một cách kỳ bí; về một nhà văn nổi loạn của văn đoạn Anh quốc Crispin Hershey năm 2015 phải đương đầu với sự nghiệp từng lẫy lừng nhưng đang dần thành sao xẹt và quan trọng hơn là với mối thâm thù với tay phê bình gia Richard Cheeseman và Crispin lại tình cờ gặp Holly trong các chuyến giới thiệu sách của mình, một Holly đại tác gia viết về những giọng nói cô được nghe lúc còn bé và người em trai mất tích; về bác sĩ Marinus vào năm 2025, người từng chữa trị cho Holly và giờ đây tập hợp lực lượng để tấn công vào tâm não của một nhóm đối lập: những kẻ duy trì thanh xuân vĩnh viễn bằng linh hồn của người khác, những Ẩn sỹ; và cuối cùng, cuốn tiểu thuyết lại kết ở Holly, giờ đây đã 74, trong một thế giới cạn kiệt mọi tài nguyên và nguồn wifi duy nhất lại do Tàu khựa cung cấp chập chờn lúc có lúc không (thật đầy tính tiên tri và éo le cho đồng bào Việt Nam nhé). . Độc giả khi cập bến được đến chương thứ 5, khi fantasy là nốt chủ đạo, đánh bật mọi câu chuyện có vẻ hiện thực trước đó, sẽ nhận ra, một chủ đề lớn hơn, được nhỏ giọt ẩn hé ở các chương chuẩn bị, để rồi bùng phát toàn lực vào chương này, rằng “Đồng hồ xương” là một là cuộc chiến đấu và giằng co nhiều thế kỷ, của hai thế lực, Ẩn Sỹ và Trắc thời Sỹ, của thế lực đen tối muốn cho cái đồng hồ xương của những bệnh tật chết choc mỗi con người mang trong cơ thể mình dừng lại, và dùng mọi phương tiện để thực hiện điều đó, với thế lực những người linh hồn có khả năng tái sinh vạn kiếp. . Các tiểu thuyết của David Mitchell, như ông mong muốn, thuộc về một thứ gọi là “uber-book”, một siêu sách, một vũ trụ bao trùm tất cả mà các cuốn sách cùng nhau cư ngụ, như Trung Địa của J.R.R Tolkien, ở đó các chủ đề được lặp lại, ở đó các nhân vật của tiểu thuyết này lại xuất hiện trong tiểu thuyết kia. Hugo Lamb đã từng xuất hiện trong “Làng thiên nga đen”, Ed Brubeck làm việc cho tạp chí Spyglass nơi Luisa Rey của “Bản đồ mây” từng làm phóng viên, còn Crispin Hershey nhà văn thì chính là tác giả của “The Voorman Problem” từ tiểu thuyết “number9dream”. . Với tiểu thuyết có 5 yếu tố chủ chốt: cốt truyện, nhân vật, ý tưởng, cấu trúc, và phong cách, Mitchell, với trí tưởng tượng phong phú, khả năng sáng tạo từ mới, với các nhân vật đa dạng có những câu chuyện đặc biệt, kết hợp với cấu trúc thông minh bọc trong một thứ văn chương nhuần nhuyễn, nhịp truyện nhanh gọn, trên cả hóm hỉnh và duyên dáng, tạo ra được, thêm một lần nữa, một tiểu thuyết vô cùng độc đáo. Chính cách tưởng tượng các nhân vật đang viết một bức thư cho chính mình, bằng chính cái giọng chỉ của riêng từng người, tác giả đã viết được những câu chuyện bằng đủ các loại giọng điệu biến hóa khôn lường đến vậy trong “Đồng hồ xương,” và dịch giả Như Mai đã chuyển dịch một cách lóng lánh sang bản dịch tiếng Việt. . Trong bài điểm sách trên tờ The New Yorker, nhà phê bình nổi danh Michael Wood đã phê phán Mitchell, rằng ông có nhiều chuyện để kể nhưng có gì để nói? Rằng tiểu thuyết của Mitchell không đi vào cái gọi là điều tra một cách nghiêm túc sâu sắc trạng huống con người, như lời của Ford Madox Ford. Wood có lẽ đã rơi vào một cơn hẹp hòi không tưởng của phê bình gia, mà quên rằng cả một vùng văn chương rộng lớn mỗi người đều có quyền chọn cho mình một lĩnh vực mà họ muốn: thích thì nói chuyện thiện ác, thích thì nói chuyện số phận con người, thích thì chiến tranh và thân phận, thích thì sự phát triển của công nghệ, thích thì sự biến đổi khí hậu và sự suy tàn của con người. Vấn đề luôn là người ta thích nói chuyện gì và người ta nói như thế nào? Vấn đề sẽ không phải là tại sao anh không nói chuyện mà tôi nghĩ là quan trọng. . Tiểu thuyết của Mitchell, có lẽ, hướng tới một đặc trưng: một khoái cảm đọc câu chuyện thuần túy, mà việc rút ra bài học cuối cùng, có hay không có, không phải là vấn đề. Câu chuyện đơn thuần sống và đứng trên chân của chính nó. Cái hay của “Đồng hồ xương” là nó có thể kể nhiều chuyện khác nhau, dùng một nhân vật xuyên suốt, nó như một hình tròn có các mũi tên chĩa ra và Mitchell đã rất khéo léo phát triển toàn diện các mũi tên ấy lẫn vẽ cái hình tròn ấy. . Dĩ nhiên không phải toàn bộ 6 novella của ông đều xuất sắc như nhau, phần kể của anh nhà báo Iraq nhạt nhẽo một cách đều đều, cho dù câu chuyện con gái bị lạc và chuyện chiến tranh tàn bạo có lồng vào nhau thì vẫn là yếu hẳn hơn so với các phần. Cái kết về nước Ireland và con thuyền đến đón đứa cháu ngoại từ Iceland thì như viết vội qua một đêm khi tác giả không biết gì để cho vào nữa. Nhưng phần viết về Hugo Lamb và cuộc chiến giữa văn học và phê bình văn chương của nhà văn Hersey là những điểm mạnh khó chối cãi. . Ở phần về chàng trai trẻ từng học Cambridge ấy, độc giả nhìn thấy một khía cạnh khác ở Mitchell, một tác giả có biệt tài viết về tình yêu, những rượt đuổi, những thăng hoa, những đứt gãy, dẫu có hơi hướm sến, vẫn đầy khả năng gây rung cảm. Cái mối tình đứt đoạn đột ngột bị coi như tình một đêm của Hugo Lamb và Holly Sykes ấy, gợi nhớ rất nhiều đến “Núi thần” của Thomas Mann, ở cái vùng núi tuyết ấy, ở cái tuổi trẻ đầy phiêu lưu ấy, ở cái trạng thái say đắm mê mệt khi bị tình yêu đốn khụy chỉ giơ tay xin hàng mà chuồi theo cảm xúc, cuối cùng lại có thể có một cái kết day dứt, khi mấy chục năm sau gặp lại, sở khanh lưu manh lừa tình lừa tiền lừa bạn lừa bè lừa người già lừa trẻ nhỏ, một phản diện đích thực, lại có thể băn khoăn suốt ngần ấy thời gian, dẫu có trẻ mãi không già, dẫu có quyền lực vô song, rằng cái đêm hôm ấy, khi cả hai còn rất trẻ, liệu cô ấy có yêu chàng hay không? Một câu hỏi vô cùng đơn giản mà làm nhói buốt cả lòng độc giả (cụ tỉ là tôi). . Mitchell luôn giữ một câu hỏi tối thượng trong đầu, rằng tại sao độc lại muốn đọc một cuốn sách của ông, và luôn tìm cách trả lời cho câu hỏi ấy. Thời gian là vàng bạc xa xỉ. Độc giả dành cho ông chục tiếng trong đời họ, và ông muốn trả lại cho họ một thứ gì đó. Và đó chính là một trải nghiệm thú vị. Của việc đọc. Còn đòi hỏi gì hơn, ở văn chương, hỡi các phê bình gia?

Bản đồ mây thành công ngay từ ý tưởng. Sáu câu chuyện, được kể bởi sáu nhân vật, lồng ghép trong sáu thời điểm khác nhau của lịch sử loài người là một cấu trúc quá đỗi tham vọng và cũng quá đỗi thông minh để vừa đảm bảo nhận được những lời ngợi ca từ giới phê bình vừa chắc chắn khiến cho số đông độc giả trên toàn thế giới yêu thích. Tất nhiên, không phải ai nắm trong tay ý tưởng ấy cũng có thể thành công được như David Mitchell, đặc biệt là không phải ai cũng sở hữu khả năng bắt chước và sáng tạo ngôn ngữ thiên bẩm của chú, nhưng cái tính chất “crowd-pleasing” của Bản đồ mây khiến truyện bớt đẳng cấp đi một tẹo. Đường như tác giả chỉ đang cố gắng viết nên một tác phẩm thành công dễ dàng trong hiện tại, chứ không có sức sống lâu bền tới tương lai. Thế nên, trong tổng số sáu câu chuyện nhỏ, những truyện mang tầm vóc lớn lao (1, 3, 5, 6) lại là những truyện cố đấm ăn xôi nhồi nhét thông điệp cũ kỹ, do đó vô hồn, vô cảm – và ngược lại, những truyện nhỏ, kể về một quãng đời của những người rất bình thường (2 và 4) lại sâu sắc và trữ tình đến lạ. Mình thích phiên bản phim mà chị em nhà Wachowski thực hiện hơn cũng là vì điều này – ngôn ngữ điện ảnh của họ trung hòa cái cảm giác gượng ép trong văn phong và cách dựng truyện của David (cho dù phim thì lại crowd-pleasing ở những điểm khác). Nhưng nói chung thì ý nghĩa mỗi truyện cũng đã được truyền tải tương đối trọn vẹn, và khi gộp sáu truyện trong một tổng thể thỉ ý nghĩa của nó đã vượt xa hơn rất nhiều so với khi đọc từng truyện riêng lẻ. Với mình thì Bản đồ mây như vậy đã hay vượt xa mong đợi rồi, mình cũng không phủ nhận sự dày công xây dựng thế giới và nhân vật của tác giả, nhưng giá như David Mitchell không cố gắng làm vừa lòng quá nhiều người thì truyện sẽ còn xuất sắc hơn nữa.

Nếu đại dương được tạo thành từ vô số giọt nước thì nhân loại được cấu thành từ muôn vàn số phận lẻ loi. Sự hóa khí của mỗi giọt nước để kết tinh thành những đám mây cũng giống như tiến trình văn minh của loài người chạm tay tới những giấc mơ. . Lịch sử nhân loại là lịch sử của những giấc mơ tan vỡ để quay lại điểm xuất phát ban đầu, trong vòng tròn của thăng trầm luẩn quẩn. . GIEO VÀ GẶT . Với ý tưởng ấy, David Mitchell đã dệt tấm bản đồ xuyên thời gian, xuyên lục địa bằng sáu câu chuyện khác nhau kéo dài hơn 5 thế kỷ tại 3 lục địa, bắt đầu từ Nam Thái Bình Dương thế kỷ XIX cho tới thời hậu tận thế ở Hawaii. Sáu câu chuyện, kết dính bằng một sợi dây mỏng manh gần như không thấy rõ, được sinh ra từ những va chạm tình cờ của các nhân vật đang lạc trong mê cung – cuộc đời của chính họ. Cuốn sách dựa theo kết cấu của bản nhạc mà Frobisher, nhân vật trong câu chuyện thứ hai viết nên: bản Lục tấu Vân Đồ soạn cho sáu loại nhạc cụ biểu diễn một cách chồng lấn: piano, clarinet, allo, sáo, kèn oboe và violin. Sáu thang âm, màu sắc riêng tương ứng với sáu cuộc đời ở các thời đại và địa điểm khác nhau. . Đầu tiên là dòng tự sự theo kiểu nhật ký của Adam Lewing viết trên con tàu giữa Thái Bình Dương, rồi những bức thư tay của anh chàng nhạc sĩ phóng đãng Frobisher từ châu Âu gửi cho người tình Sixsmith ở Mỹ. Câu chuyện thứ ba theo lối trần thuật thông thường về Lusia Rey, cô phóng viên mang sứ mệnh kiểu “Erin Brockovich” một mình chống lại cả tập đoàn năng lượng hạt nhân. Phần thứ tư quay về kiểu tự sự với câu chuyện của Timothy Cavendish, ông chủ nhà xuất bản nợ nần bị tống vào trại dưỡng lão. Đột ngột, câu chuyện thứ năm dịch chuyển mạnh về phía châu Á, như một dự cảm về sự trỗi dậy của châu lục này ở thì tương lai, một cô gái được tạo ra từ sinh sản vô tính, Sonmi 451 có cuộc nổi loạn giữa xã hội mang dáng dấp dystopia. Câu chuyện cuối cùng, rơi vào thời hậu tận thế, khi nhân loại đã cáo chung. Zachry, anh chàng của bộ tộc bán khai đã có cuộc gặp gỡ với người phụ nữ thuộc nhóm những người văn minh còn sống sót trên đường đi tìm kiếm nguyên nhân của “sự sụp đổ”. . Mỗi câu chuyện đều bỏ dở để chuyển sang câu chuyện khác cho đến chuyện cuối cùng được kể trọn vẹn rồi bắt đầu đi ngược lại các câu chuyện trước, để những con người xa lạ “đọc” được nhau. Đó là cách David Mitchell nối sáu câu chuyện thành vòng tròn. Đó chính là nguồn cảm hứng người đời trước truyền lại cho đời sau, dù giấc mơ đời họ có dở dang hay đến đích thì tinh thần họ để lại là vĩnh cửu. . Trong sự đan cài tưởng chừng rối rắm, Mitchell vẫn là tay lái vững vàng, lường trước mọi khả năng cũng như định vị được vai trò của các nhân vật. Tất cả những hình ảnh ông xây dựng đều mang hàm ý cao, từ cái bớt hình ngôi sao chổi trên cơ thể các nhân vật ẩn ý về sự đầu thai cho đến hành động mang tính nhân quả đời trước gieo. Bối cảnh xã hội của câu chuyện sau luôn được xây dựng dựa trên tiềm năng sẵn có của câu chuyện trước. Mỗi nhân vật xuất hiện, từ chính đến phụ, không phải để trang điểm cho bối cảnh. Họ ở đó như một mắt xích mà thiếu họ, mọi thứ sẽ khác đi, sẽ dẫn đến một kết cục rất khác. Họ, chỉ nhỏ bé như những giọt nước trong đại dương, nhưng đại dương cần những giọt nước. . HÀNH ĐỘNG VÀ KẾT QUẢ . Bản đồ mây đặt ra vô số câu hỏi về giá trị sống, về trách nhiệm của mỗi người trong chuỗi tiến hóa nhân loại, về tính thiện và ác, sự phân biệt chủng tộc, ngưỡng tâm linh của người phương Đông, khát vọng về sự khải huyền, về sức mạnh và sự hủy diệt của nền văn minh, về cái giá phải trả khi con người hiến mình cho khoa học. Để có thể gói tất cả những tư tưởng trên vào trong một cuốn sách, Mitchell sử dụng rất nhiều kỹ thuật lồng ghép, ẩn dụ. Từ việc chọn kể sáu câu chuyện như con số tương ứng với sáu cõi luân hồi, cho đến tạo kết cấu dựa trên bản lục tấu Vân đồ với sáu loại nhạc cụ. Âm nhạc không được tả kỹ nhưng người đọc có thể nhận ra âm hưởng lẫn tiết tấu của nó phía sau những câu chuyện tương ứng. . David Mitchell muốn “nhái” kiểu mẫu tự sự của các nhà tiểu thuyết lớn trước đây như Daniel Defoe, Herman Melville, Christopher Isherwood, Aldous Huxley, H.G. Wells, Thornton Wilder, Jorge Luis Borges, Italo Calvino… Người đọc như một kẻ leo núi dùng những cái móc để lên cao dần dần. Mỗi khi dùng móc lên một tầng cao là một lần hồi hộp, nín thở. Tác giả biết cách đẩy câu chuyện, kích thích tối đa sự tò mò của người đọc, nhưng cũng biết để dòng tự sự của mỗi nhân vật lững thững trôi theo thời gian. Trong sự đảo điên của các “cuộc chiến” – nơi sinh mệnh không còn nắm trong tay, mỗi nhân vật đều chọn những phút được ngồi và suy ngẫm về cuộc đời và lựa chọn hành động, với đầy đủ ý thức rằng: mọi hành động đều tạo ra kết quả. . Chính vì đạt được giá trị về giải trí lẫn trí tuệ, Bản đồ mây đã lọt vào shorlist của giải Man Booker năm 2004, đồng thời được Tom Tykwer, Lana Wachowski, Lilly Wachowski chuyển thể thành phim vào năm 2012, quy tụ dàn diễn viên đa quốc tịch, từ Halle Berry, Tom Hanks, Hugh Grant cho tới Jim Sturgess, Châu Tấn, Bae Doo-na…. Lợi thế của phim chính là âm nhạc, thứ mà ở sách độc giả phải cố gắng rất nhiều mới nhận ra nhịp điệu của mỗi câu chuyện và cảnh quay đẹp nao lòng. Với kinh phí 102 triệu USD, Bản đồ mây là phim độc lập được đầu tư kinh phí lớn nhất từ trước đến nay. Và cần khẳng định rằng nó hoàn toàn xứng đáng được như thế. . Về tác giả David Mitchell, anh Là một trong những tiểu thuyết gia người Anh được yêu thích nhất hiện nay, với nghệ thuật kể chuyện lôi cuốn, khả năng khắc họa tài tình tính cách nhân vật. Cuốn tiểu thuyết đầu tay Ghostwritten được xuất bản năm 1999, ngay lập tức David Mitchell được xem như tiểu thuyết gia triển vọng và được trao giải Betty Trask. Hai tác phẩm tiếp theo number9dream và Cloud Atlas đều được vào shortlist của giải Man Booker. Cuốn sách có tên Black Swan Green cũng được TIME bình chọn là một trong 10 cuốn sách hay nhất năm 2006. . Mitchell đồng thời là một trong những nhà văn có tác phẩm được dịch ra tiếng nước ngoài nhiều nhất. Tại Việt Nam, ngoài Bản đồ mây còn có hai cuốn khác đã được dịch là The Bone Clocks (Đồng hồ xương) và Black Swan Green (Làng thiên nga đen).

Nếu đại dương được tạo thành từ vô số giọt nước thì nhân loại được cấu thành từ muôn vàn số phận lẻ loi. Sự hóa khí của mỗi giọt nước để kết tinh thành những đám mây cũng giống như tiến trình văn minh của loài người để chạm tay tới những giấc mơ. Nhưng cũng như mây rồi sẽ ngưng tụ lại và rơi xuống nước, nhân loại sẽ có ngày đi đến sự vô minh rồi tự hủy, một quá trình tất yếu của phát triển đến đỉnh điểm. Lịch sử nhân loại là lịch sử của những giấc mơ tan vỡ để quay lại điểm xuất phát ban đầu, trong vòng tròn của thăng trầm luẩn quẩn. . Với ý tưởng ấy, David Mitchell đã dệt một tấm bản đồ xuyên thời gian, xuyên lục địa với sáu câu chuyện khác nhau kết dính bằng một sợi dây mỏng manh tới gần như không thấy rõ, được sinh ra từ những va chạm tình cờ của các nhân vật đang lạc trong mê cung – cuộc đời của chính họ. Dựa theo kết cấu của một bản nhạc mà nhân vật Frobisher trong câu chuyện thứ hai viết nên: bản Lục tấu Vân Đồ soạn cho sáu loại nhạc cụ khác nhau biểu diễn một cách chồng lấn: piano, clarinet, allo, sáo, kèn oboe và violin, với sáu thang âm, màu sắc riêng tương ứng với sáu cuộc đời ở các thời đại và địa điểm khác nhau. Mỗi câu chuyện đều bỏ dở để chuyển sang câu chuyện khác cho đến chuyện cuối cùng được kể trọn vẹn rồi bắt đầu đi ngược lại các câu chuyện trước. Đó là cách thức mà David Mitchell đã nối sáu câu chuyện không những thành chuỗi mà là thành vòng tròn như ông muốn. . Bằng sáu giọng kể khác nhau, đầu tiên là dòng tự sự viết theo kiểu nhật ký của Adam Lewing viết trên con tàu giữa Thái Bình Dương, rồi những bức thư tay của anh chàng nhạc sĩ phóng đãng Frobisher từ châu Âu gửi cho người tình Sixsmith của mình ở Mỹ. Câu chuyện thứ ba viết theo lối trần thuật thông thường bằng câu chuyện của Lusia Rey, một cô phóng viên mang sứ mệnh kiểu “Erin Brockovich” một mình chống lại cả tập đoàn năng lượng hạt nhân. Nhưng đến phần thứ tư lại quay về kiểu tự sự với câu chuyện của Timothy Cavendish, một ông chủ nhà xuất bản nợ nầng bị tống vào trại dưỡng lão. Đột ngột, câu chuyện thứ năm dịch chuyển mạnh về phía châu Á, như một dự cảm về sự trỗi dậy của châu lục này vào thời tương lai, ở đó một cô gái được tạo ra bởi sinh sản vô tính, Sonmi 451 có một cuộc nổi loạn giữa xã hội mang dáng dấp dystopia. Và, câu chuyện cuối cùng, rơi vào thời hậu tận thế, khi nhân loại đã cáo chung và Zachry, một anh chàng của bộ tộc bán khai đã có cuộc gặp gỡ với một người phụ nữ thuộc nhóm những người văn minh còn sống sót trên đường đi tìm kiếm nguyên nhân của sự Sụp đổ. . Cách kết nối sáu câu chuyện này của David Mitchell là gì? Đó là, bằng cách nào đó, những con người xa lạ này “đọc” được nhau. Frobisher tìm được cuốn nhật ký của Adam Ewing, Lusia gặp Sixsmith và có được những bức thư của Frobisher và nghe bản Lục tấu Vân Đồ của anh. Timothy Cavendish có được bản thảo viết về Lusia do cậu nhóc hàng xóm của cô viết. Sonmi 451 đã xem bộ phim về cuộc đời của Timothy Cavendish. Và cuối cùng, bộ tộc của Zachry thờ một vị thần là Sonmi. Đó là những nguồn cảm hứng mà mặc dù không hề nhắc đến, nhưng ta có thể nhận ra cách mà những người đời trước truyền lại cho đời sau, dù giấc mơ đời họ có đạt được hay dở dang, đã đến đích hay là nửa đường đứt gánh, thì cái tinh thần mà họ để lại, dường như là vĩnh cửu. Trong sự rối rắm của sáu câu chuyện đan cài này, David Mitchell vẫn là một tay lái vững vàng bình tĩnh, người kể chuyện đã lường trước hết mọi khả năng cũng như đã định vị được vai trò của các nhân vật. Tất cả những hình ảnh ông xây dựng đều mang tính hàm ý cao, từ cái bớt hình ngôi sao chổi trên mình các nhân vật mang ẩn ý về sự đầu thai cho đến những hành động mang tính nhân quả mà đời trước gieo đời sau gặt lấy. Bối cảnh xã hội của câu chuyện sau luôn được xây dựng dựa trên những tiềm năng sẵn có của câu chuyện trước, và ta có thể thấy rằng mọi nhân vật xuất hiện trong câu chuyện, từ chính đến phụ, hoàn toàn không phải để trang điểm cho bối cảnh. Họ ở đó như một mắc xích mà thiếu họ, mọi thứ sẽ khác đi, sẽ dẫn đến một kết cục rất khác. Họ, chỉ nhỏ bé như những giọt nước trong đại dương, nhưng đại dương cần những giọt nước. Và lịch sử, cần họ. . Rõ ràng đây là một cuốn sách đầy tham vọng. Với hơn 600 trang, nó đặt ra vô số câu hỏi về các giá trị sống, về trách nhiệm của mỗi người trong chuỗi tiến hóa nhân loại, về tính thiện và ác, về sức mạnh và sự hủy diệt của nền văn minh, về cái giá phải trả khi con người hiến mình cho khoa học. Để có thể gói tất cả những tư tưởng trên vào trong một cuốn sách, David Mitchell đã sử dụng rất nhiều kỹ thuật lồng ghép, ẩn dụ. Từ việc chọn kể sáu câu chuyện như con số tương ứng với sáu cõi luân hồi, cho đến sử dụng kết cấu cuốn sách dựa trên bản lục tấu Vân đồ với sáu loại nhạc cụ. Âm nhạc không được tả kỹ nhưng người đọc có thể nhận ra âm hưởng lẫn tiết tấu của nó chìm dưới những câu chuyện tương ứng. Ông ấy biết cách đẩy câu chuyện lên đến cao trào để kích thích tối đa sự tò mò của người đọc, nhưng cũng biết để dòng tự sự của mỗi nhân vật đi lững thững theo thời gian. Trong sự đảo điên của các cuộc chiến, nơi sinh mệnh không còn nắm trong tay, mỗi nhân vật đều chọn cho mình những phút được ngồi và suy ngẫm về cuộc đời và lựa chọn cho mình hành động, với đầy đủ ý thức được rằng: mọi hành động đều tạo ra kết quả. . Chính vì đạt được cả hai giá trị về cả giải trí lẫn trí tuệ, cuốn sách này đã lọt vào shorlist của giải Man Booker năm 2004 , đồng thời được lựa chọn để chuyển thể thành phim. Khi chuyển thể, bộ phim không thể đem được tất cả những chi tiết đắt giá mà David Mitchell đưa vào, nhưng nó vẫn giữ được tinh thần của cuốn sách, sự kết nối của các tuyến nhân vật. Lợi thế của phim chính là âm nhạc, thứ mà ở sách bạn phải cố gắng rất nhiều mới nhận ra nhịp điệu của mỗi câu chuyện, thì phim đã tận dụng được. Nhạc phim có thể gọi là tuyệt tác và các cảnh quay đẹp tới nao lòng. Đây là bộ phim độc lập được đầu tư kinh phí lớn nhất từ trước đến nay. Bởi vì nó xứng đáng được như thế. . David Mitchell là một trong những tiểu thuyết gia người Anh được yêu thích nhất hiện nay, với khả năng khắc họa tài tình tính cách nhân vật. Ông là một trong những nhà văn có tác phẩm được dịch ra tiếng nước ngoài nhiều nhất. Cuốn tiểu thuyết đầu tay của ông, “Ghostwritten” được xuất bản năm 1999, ngay lập tức David Mitchell được xem như là một tiểu thuyết gia đầy triển vọng và được trao giải thưởng Betty Trask Award. Hai tác phẩm tiếp theo là “number9dream” và “Cloud Atlas” đều được vào shortlist của giải Man Booker. Cuốn sách có tên “Black Swan Green” của ông cũng được tạp chí TIME bình chọn là một trong mười cuốn sách hay nhất năm.