Nhìn vào cuốn sách mà một người đọc có thể giúp chúng ta biết thêm nhiều điều về tính cách người đó.  Hãy cùng khám phá xem những người nổi tiếng: các diễn viên, ca sĩ, tác giả, chính trị gia… thích đọc gì. Từ sách kinh doanh, tiểu thuyết kinh điển, hiện đại đến truyện thiếu nhi, có thể bạn sẽ tìm được cuốn sách tiếp theo cho danh sách đọc của mình hoặc đơn giản là nhận ra rằng “Hóa ra thần tượng của mình cũng đọc những quyển sách giống mình đấy.”

1. Anna Kendrick

Chắc hẳn là bạn vẫn còn nhớ cô nàng diễn viên kiêm ca sĩ người Mĩ Anna Kendrick trong loạt phim Pitch Perfect (Sự nổi loạn hoàn hảo), đặc biệt là với màn thể hiện cup song When I’m gone.  Vừa có khả năng diễn xuất, lại sở hữu một giọng hát hay, Anna Kendrick xuất hiện trong nhiều bộ phim nhạc kịch và phim hài tình cảm. Cô cũng là một người thích đọc và đặc biệt thích những cuốn kinh điển về chiến tranh.  Ba cuốn sách yêu thích nhất của cô có thể kể đến là All quiet on the Western front  (Phía Tây không có gì lạ) của Erich Maria Remarque, Slaughterhouse – Five (Lò sát sinh số 5) của Kurt Vonnegut và The things they carried (Những thứ họ mang) của Tim O’Brien.  Bên cạnh đó, vào năm 2016, Anna đã cho ra mắt cuốn tự truyện  của mình mang tên Scrappy little nobody (tạm dịch Người nhỏ bé vô danh).



2. Emma Watson

Từ những vai diễn trên màn ảnh của Emma, hẳn là bạn cũng đoán được rằng cô ấy là người thích đọc. Khán giả đã biết tới Emma từ khi còn nhỏ với hình ảnh Hermione Granger trong serie phim Harry Potter, một cô bé tóc xù thường ôm theo những quyển sách. Gần đây hơn, Emma lại xuất hiện trong Beauty and the Beast với vai Belle, nàng công chúa Disney duy nhất vui sướng vì được tặng một cái thư viện. Trong thực tế, Emma là một người ủng hộ nữ quyền và đọc rất nhiều về chủ đề này (bạn có thể xem danh sách đọc của cô trên Goodreads) nhưng cô vẫn dành tình cảm cho cuốn sách thời thơ ấu Le Petit Prince (Hoàng tử bé) của Antoine de Saint-Exupery. Khi nói về cuốn sách này, Emma bày tỏ: “Tôi thích những cuốn sách không chỉ đáng yêu mà còn có kỉ niệm trong chúng. Giống như khi bật một bài hát vậy, cầm lại một cuốn sách với nhiều kỉ niệm có thể đưa bạn đến một không gian hoặc thời gian khác.”



3. Daniel Radcliffe

Bạn diễn của Emma Watson trong serie phim Harry Potter, Daniel Radcliffe cũng là một người thích đọc. Sau 10 năm gắn bó với hình ảnh Harry Potter, Daniel đã tự làm mới mình với một bộ râu, nhiều vai diễn với các thể loại khác nhau và tham gia vào cương vị nhà sản xuất. Cuốn sách yêu thích của Daniel có thể kể đến cuốn kinh điển của Ernest Hemingway The old man and the sea (Ông già và biển cả). Daniel chia sẻ: “Đó là cuốn sách yêu thích nhất mọi thời đại của tôi – nhưng tất cả những người tôi giới thiệu nó cho đều thấy nó tràng giang đại hải.” Một cuốn sách yêu thích khác của Daniel là The master and margarita (Nghệ nhân và margarita) của Mikhail Bulgakov. Anh nói về cuốn sách này: “Nó là sự bùng nổ tuyệt vời nhất của trí tưởng tượng, sự điên rồ, châm biếm, hài hước và tình cảm.”



4. Sarah Jessica Parker

Nổi tiếng với nhân vật Carrie Bradshaw trong serie phim truyền hình Sex and the city một thời, Sarah Jessica Parker cũng là một người rất thích đọc. Cô còn muốn lan truyền tình yêu sách của mình đến với mọi người. Sarah là một người ủng hộ thư viện, cô là thành viên danh dự của Book Club Central (Câu lạc bộ sách trung tâm). Sarah nói về niềm đam mê của mình: “Từ khi còn nhỏ, sách đã là bạn đồng hành thường nhật của tôi còn thư viện đia phương là nơi tôi có thể tìm thấy những người bạn mới trên mỗi kệ sách.” Cuốn sách yêu thích của cô là The goldfinch (Con sẻ vàng) của Donna Tart. Sarah nói về cuốn sách: “Bắt đầu từ đâu nhỉ? Đơn giản là tôi ghen tị không thể tả được với những độc giả mới cầm kiệt tác này lên lần đầu. Và một khi họ đã làm vậy, họ sẽ còn nhớ mãi về tính cách của Theo Decker và hành trình không tưởng của anh ấy.”


 5.  Hillary Clinton

Chính trị gia nổi bật của nước Mĩ, Hillary Clinton được biết đến với thế giới đầu tiên trong cương vị  Đệ nhất phu nhân của Bill Clinton, sau đó bà tiếp tục tham gia chính trường Mĩ với vai trò thượng nghị sĩ, ngoại trưởng Hoa Kì và ứng cử viên của Đảng Dân chủ trong cuộc tranh cử Tổng thống năm 2016. Độc giả cũng biết đến bà với nhiều cuốn tự truyện, đặc biệt nổi tiếng ở Việt Nam là cuốn Living history (Hồi kí Hillary Clinton). Nói về việc đọc của mình, bà Clinton chia sẻ: “Cuốn The Brother Karamazov (Anh em nhà Karamazov) đã để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi từ khi tôi đọc nó khi còn trẻ, tôi dự định sẽ đọc lại nó mùa hè này để xem bây giờ tôi nghĩ thế nào về nó. Tác giả truyện ngắn yêu thích của tôi là Alice Munro, đặc biệt là tuyển tập Carried away (tạm dịch Cuốn theo) và Runaway (Trốn chạy). Đó là một sự lựa chọn dễ dàng cho tôi so với những nhà thơ mà tôi đã từng thích. Có thể kể đến trong danh sách đó là E.E. Cummings, T.S Eliot, Seamus Heaney, Pablo Neruda, Mary Oliver và W.B Yeats.”


6.  Jennifer Lawrence

Nữ diễn viên người Mĩ Jennifer Lawrence là một gương mặt quen thuộc với khán giả yêu điện ảnh. Vai diễn gây tiếng vai đầu tiên của cô là Mystique – cô gái đôt biến da xanh trong serie phim X-men (Dị nhân). Sau đó, cô càng nổi tiếng hơn khi tham gia serie The hunger game (Đấu trường sinh tử) trong vai chính Katniss Everdeen. Cô đã  thắng một giải Oscar cho nữ diễn viên chính xuất sắc nhất với vai nữ chính trong  Silver Linings Playbook (Tình yêu tìm lại). Tác giả yêu thích của cô là J.D Salinger. Cô nói: “Tôi rất bị cuốn hút bới cách nhìn xã hội của Salinger thời đó và cách châm biếm của ông ấy. Tôi đọc Catcher in the rye (Bắt trẻ đồng xanh) đầu tiên, sau đó là Raise high the roof beam (tạm dịch Nâng cao xà nhà) và Carpenters and Seymour (tạm dịch Carpenters và Seymour). Tôi không nghĩ trong văn học Mĩ từng có gì giống với những nhân vật này.”

 

7. George R.R Martin

George R.R Martin là tác giả của bộ tiểu thuyết Game of thrones (Trò chơi vương quyền) đã được chuyển thể thành serie phim truyền hình cùng tên nổi tiếng. Như người ta vẫn thường nói, bước đầu tiên để trở thành một nhà văn giỏi là bạn phải đọc thật nhiều tác phẩm của các đàn anh. Có lẽ con đường của George R.R Martin cũng như vậy. Cuốn sách yêu thích của ông là bộ tiểu thuyết Lord of the rings (Chúa tể của những chiếc nhẫn) của J.R.R Tolkien. Ông nói về bộ sách này: “Một trong những nhân vật yêu thích của tôi – và tôi yêu  Lord of the rings, đừng nghĩ rằng tôi đang hạ thấp Tolkien, vì đây là bộ sách yêu thích nhất mọi thời đại của tôi – những nhân vật yêu thích của tôi trong Lord of the rings là Boromir, vì ông ta là nhân vật u ám nhất,và ông ta là nhân vật duy nhất thực sự vật lộn với chiếc nhẫn và cuối cùng phải đầu hàng trước nó, những sau đó lại chết rất anh dũng. Bạn thấy đấy, trong ông ta có cả thiện và ác.”



8.  Kit Harington

Lại một thành viên khác của Game of thrones, khán giả của serie phim này chắn chắn sẽ không thể quên chàng chiến binh trở về từ cõi chết Jon Snow. Ngoài vai diễn nổi bật này, Kit Harington còn xuất hiện trong một số phim hành động lịch sử khác, và cả một bộ phim điệp viên nữa. Theo chia sẻ của anh trong một phỏng vấn, cuốn sách yêu thích của anh là 1984 của George Orwell. Cuốn tiểu thuyết phản địa đàng gần 70 tuổi này gần đây đang được đọc phổ biến hơn vì thế giới mà Orwell miêu tả càng ngày càng có phần giống với thực tế.



9.  Anne Hathaway

Anne Hathaway trở nên nổi tiếng sau khi đóng vai chính trong loạt phim The princess diaries (Nhật kí công chúa) của Disney. Sau đó, cô tham gia nhiều bộ phim thành công khác như Brokeback Mountain (Núi Brokeback), The devil wears Prada (Ác quỷ dùng hàng hiệu),… Năm 2012, khán giả còn được biết đến khả năng ca hát của cô khi cô tham gia bộ phim nhạc kịch Les miserable (Những người khốn khổ), vai diễn trong phim này đã đem lại cho cô giải Oscars cho nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất. Anne Hathaway vẫn giữ một tình yêu cho cuốn tiểu thuyết thiếu nhi trong trẻo The secret garden (Khu vườn bí mật) của Frances Hodgson Burnett. Cô nói về cuốn sách này: “Tôi rất muốn được làm Mary Lennox. Tôi vẫn đặc biệt thích các khu vườn và tôi thường vào xem tôi có tìm thấy cánh cửa bị khóa nào trong đó không.”



10.  Keira Knightley

Nữ diễn viên người Anh Keira Knightley là một gương mặt quen thuộc của dòng phim lịch sử, xuất hiện trong những bộ phim như Atonement (Chuộc tội), Anna Karenina, The duchess (Nữ bá tước), The imitation game (Người giải mã)… Ngoài ra, các khán giả hâm mộ serie Pirates of the Caribbean (Cướp biển vùng Caribbean) cũng sẽ nhận ra cô trong hình ảnh nàng Elizabeth Swann. Với những vai diễn như vậy, không ngạc nhiên khi biết rằng cô thích những cuốn sách kinh điển. Tác giả yêu thích của Keira Knightley là Somerset Maugham, cô đã đọc hết các tác phẩm của ông. Ngoài ra, Keira cũng rất thích Pride and Prejudice (Kiêu hãnh và định kiến) của Jane Austen. Cô chia sẻ: “Tôi đọc cuốn này rất nhiều. Tôi đã rất thích nó từ khi 7 tuổi. Tôi có tất cả băng ghi âm sách của Austen. Tôi rất mê bản phim của BBC khi tôi khoảng 10 hay 11 tuổi. Tôi đọc nó vào năm 14 tuổi và lại cực kì thích.” Thật thú vị, vào năm 2005, Keira Knightley đã tham gia vào phiên bản phim mới của Pride and Prejudice với vai Elizabeth Bennet.



11. Gwyneth Paltrow

Gần đây nhất, Gwyneth Paltrow xuất hiện trước khán giả trong loạt phim Iron man (Người sắt) và Avengers (Biệt đội báo thù) của Marvel với vai Pepper Potts – bạn gái của Tony Stark.  Bên cạnh vai trò diễn viên, Gwyneth Paltrow còn là tác giả của nhiều cuốn sách nấu ăn. Ngoài nấu ăn, cô còn thích đọc sách, cuốn sách yêu thích của cô là The golden notebook (Cuốn sổ vàng) của Doris Lessing.  Cô nói về cuốn sách này: “Cuốn tiểu thuyết tuyệt vời đã thay đổi cuộc đời tôi và nhiều cô gái khác hồi thập niên 60. Tôi có bản bìa mềm tôi đọc hồi đó, và nó đã bị quăn mép, rất nhiều đoạn mang tính giác ngộ được gạch chân để tôi có thể tìm lại dễ dàng. Bây giờ còn ai đọc The golden notebook nữa không nhỉ? Tôi không biết, nhưng hồi đó, ngay trước khi bắt đầu giai đoạn hai của chiến dịch phụ nữ, tôi đã sững sờ vì nhân vật chính của Lessing, Anna, và cuộc đấu tranh của cô để trở thành một người phụ nữ tự do. Công việc, tình bạn, tình yêu, tình dục, chính trị, phân tích tâm lí, viết lách…tất cả những gì tôi quan tâm đều là chủ đề của Lessing, và tôi có thể nhớ rất nhiều lần tôi đặt quyển sách xuống, choáng váng vì sự thông minh và sâu sắc của nó.



12.  Lana Del Rey

Lana Del Rey là nữ ca sĩ kiêm nhạc sĩ người Mĩ, nổi tiếng với những  ca khúc mang phong cách dream pop và alternative rock. Các sáng tác của cô thường có ca từ mang chất liệu điện ảnh, phảng phất cả sự hòa nhoáng, nỗi buồn và bi kịch. Cô cũng tham gia sản xuất nhạc phim, với ca khúc được đề cử giải Grammy Young and beautiful trong phim The Great Gatsby. Cô cũng từng được đề cử giải Grammy cho album giọng pop xuất sắc nhất. Cuốn sách cô yêu thích là Think and grow rich (Nghĩ giàu, làm giàu) của Napoleon Hill. Cô cho rằng đó là một cuốn sách hữu ích và cô nghe bản sách nói của nó.



Trên đây là những chia sẻ của 12 người nổi tiếng về cuốn sách yêu thích của họ. Hy vọng rằng bạn có thể tìm được cuốn sách tiếp theo để đọc trong danh sách này, hoặc bạn sẽ muốn đọc lại một cuốn sách cũ với cái nhìn mới mẻ.

Tổng hợp: ranker.com    stylist.co.uk     gq-magazine.co.uk

Người dịch: Hân Bùi - Bookademy

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về Bookademy. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Dịch giả: Hân Bùi – Bookademy”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, ví dụ: “Theo Bookademy” hoặc khác đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

--------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link:  https://www.facebook.com/bookademy.vn/

Tham gia Bookademy Team để có cơ hội đọc và nhận những cuốn sách thú vị, đăng ký CTV tại link: https://goo.gl/forms/7pGl3eYeudJ3jXIE3

 

 

Xem thêm

Đọc cuốn này xong mới nhận ra đó giờ mình chỉ nhìn nhận chiến tranh dưới góc độ của người Việt, với tâm lí của phe bị xâm lược, ức hiếp. Mình chưa bao giờ thắc mắc: “Vậy còn phe địch (cụ thể ở đây là lính Mỹ) đã trải qua những gì và họ cảm thấy như thế nào. Nội dung sách bao gồm những mẩu chuyện nhỏ có liên kết về đời sống lính Mỹ trong cuộc chiến tranh với Việt Nam. Ngoại trừ phần đầu đọc khá là rối não với mấy thuật ngữ bom mìn, truyện rất hấp dẫn, lôi cuốn, mình đọc liền tù tì 3 tiếng không hề ngán luôn. Mỗi nhân vật đều có cá tính, có số phận, có những nỗi đau đớn dằn vặt riêng. Mạch truyện vừa phải, không quá nhanh cũng không quá rề rà. Đọc nhiều đoạn kiểu cảm thấy không thể tin được là trong chiến tranh có những chuyện như vậy xảy ra ( ví dụ như truyện về cánh đồng cứt). Ngoài ra cũng có một vài truyện kể về suy nghĩ, sự giằng xé của tác giả trước và sau quá trình tham gia cuộc chiến. Đây có thể nói là cuốn sách đầu tiền mình đọc về chủ đề chiến tranh và mình đã bị ấn tượng với cách viết sống động, giàu hình ảnh, cốt truyện sinh động và súc tích. Tác giả đã làm rất tốt trong việc dẫn dắt người đọc trở về quá khứ, nơi có những câu chuyện không tưởng, những cái chết bi thương và sự đấu tranh vô nghĩa mà những người lính bị buộc phải làm. Thông qua đó, người đọc sẽ có một cái nhìn sâu và rộng hơn về tính chất của cuộc chiến tranh cũng như những con người đã chôn vùi tuổi xuân của mình ở đó.

Lò sát sinh số 5 được viết dựa trên những trải nghiệm của chính bản thân tác giả khi tham gia thế chiến thứ 2, đã mang lại danh tiếng cho Kurt Vonnegut, đưa ông lên thành một trong những nhà văn có sức ảnh hưởng nhất thế giới trong thế kỷ 20. Trong sự nghiệp sáng tác kéo dài suốt 50 năm của mình, ngoài Lò sát sinh số 5, Kurt Vonnegut đã xuất bản 14 tiểu thuyết, 3 tập truyện ngắn, 5 vở kịch và 5 tác phẩm phi hư cấu. Với Lò sát sinh số 5, Kurt Vonnegut đưa người đọc lần theo cuộc đời của Billy Pilgrim – một lính Mỹ đi qua thế chiến thứ 2 rồi trở thành một bác sĩ đo thị lực trong thời bình. Những mảnh ghép cuộc đời của Billy dần dần hé lộ qua những cuộc du hành xuyên thời gian, dường như đột ngột xảy đến với anh một cách đầy ngẫu nhiên, tạo thành bức tranh thân phận con người trong một cuộc chiến tranh lố bịch và điên rồ với những chấn thương chỉ có thể được nói đến bằng giọng điệu báng bổ và cười cợt. Pha trộn giữa tự thuật và hư cấu, giữa phản chiến và khoa học viễn tưởng, giữa cảm giác hư vô và buồn cười nôn ruột, Lò sát sinh số 5 – tác phẩm được xem là lớn nhất của Kurt Vonnegut – là biên bản độc nhất vô nhị về Thế chiến thứ 2, nơi con người bị sự vô nghĩa nghiền nát. Xuất bản năm 1969, cuốn sách phản chiến đầy sức mạnh này đã sớm trở thành sách gối đầu giường của những người Mỹ phản đối chiến tranh Việt Nam lúc bấy giờ. Các chi tiết trong Lò sát sinh số 5 đến từ chính trải nghiệm của Vonnegut trong thế chiến thứ 2. Sau chiến tranh, với nỗ lực thấu hiểu hành vi con người, Vonnegut đã nghiên cứu một mảng lạ trong nhân chủng học: tạo hình câu chuyện. Để làm điều đó, ông phác thảo số phận nhân vật chính xuyên suốt toàn bộ câu chuyện. Những đường phác thảo kỳ lạ hé mở những điểm tương đồng trong cổ tích và thần thoại phổ biến trong nhiều nền văn hóa. Vonnegut cho rằng những đường cong phác thảo đó phản ánh chân thật nhất cuộc sống, “nơi ta là kẻ ngốc đối mặt với hàng loạt sự kiện ngẫu nhiên, không tài nào đoán nổi những tác động lâu dài của chúng”. Ông nhận thấy đường nét đẹp, gãy gọn trong nhiều câu chuyện mâu thuẫn với thực tế, và quyết định thử nghiệm may rủi bất định trong chính các tác phẩm của mình. Bên cạnh việc bỏ qua vận số rõ ràng, Vonnegut cũng bỏ qua trình tự thời gian. Thay vì viết theo mạch thời gian từ đầu đến cuối, trong tác phẩm của ông, “mọi khoảnh khắc từ quá khứ, hiện tại, đến tương lai luôn cùng tồn tại”.

Qua ngòi bút bậc thầy, "Con sẻ vàng" trở thành một sử thi hiện đại đầy ám ảnh trong bối cảnh nước Mỹ của hiện tại, một vở kịch sắc sảo, đầy sức lôi cuốn. Câu chuyện mở màn với một cậu bé. Theo Decker, công dân mười ba tuổi thành phố NY, sống sót một cách kỳ tài qua một tai nạn đã cướp đi mạng sống của mẹ em. Bị cha đẻ khước từ, Theo dung thân cùng với gia đình cậu bạn nhà giàu. Lạ lẫm với mái ấm mới trên Đại lộ Park, muộn phiền khi không cùng tiếng nói với đám bạn bè cùng trường, và nhất là đau khổ nhất, day dứt nhất với niềm thương nhớ mẹ không nguôi, cậu bé bám dính lấy một thứ, nó nhắc nhớ về mẹ: bức họa có sức lôi cuốn kỳ bí, để dần dà kéo Theo rơi vào thế giới nghệ thuật tội ác từ lúc nào. Trong quãng đời trưởng thành, Theo ra vào thế giới phòng khách của nhà giàu và mê cung bụi bặm của một cửa hàng đồ cổ là nơi anh làm việc. Anh đơn côi trong thế giới riêng, anh yêu một người, và là trung tâm của một cái vòng xoáy ngày càng thít lại, ngày càng hiểm nguy hơn bao giờ hết. "Con sẻ vàng" là cuốn tiểu thuyết với lối kể chuyện đầy sinh lực, gây sửng sốt. Những nhân vật sống động gây ấn tượng mạnh, giọng văn mê hoặc, xen với những khúc chờ nín thở, lại có khi trùng xuống với cái bình thản triết gia với những bí ẩn sâu lắng nhất của tình yêu, con người, nghệ thuật. Một tác phẩm đẹp, khiến bạn thức đọc thâu đêm, khiến bạn muốn giới thiệu với cả lũ bạn mình, một câu chuyện nệ cổ về những mất mát, ảm ánh, những âm mưu tàn nhẫn của số phận.

“Hoàng tử bé” cũng là một câu chuyện chiến tranh theo đúng nghĩa đen, mọi thứ trong quá trình cuốn sách được viết ra không chỉ liên quan tới sự bắt đầu của cuộc chiến tranh mà còn là “sự thất bại kì lạ” của nước Pháp cùng với những trải nghiệm dưới thời chính phủ Vichy khi bị chiếm đóng. Giữa tất cả những tác phẩm văn học Pháp trong hơn một thế kỉ qua, “Hoàng tử bé” của Antoine de Saint-Exupery chắc hẳn là tác phẩm được yêu thích nhất. Điều này thật kì lạ, bởi vì ý nghĩa của cuốn sách – bao gồm mục đích, ý định và bài học của nó - thực sự vẫn còn rất khó để hiểu hết mặc dù đã hơn 75 năm kể từ khi cuốn sách lần đầu tiên được ra mắt. Thực sự thì khi nhìn lại những bình luận đầu tiên về cuốn sách, thật ngạc nhiên khi biết rằng nó đã không nhận được sự chào đón nồng nhiệt như là một cậu chuyện ngụ ngôn tuyệt vời, mà thay vào đó, nó khiến độc giả bối rối và khó hiểu. Trong số những nhà phê bình thời đó, chỉ có P.L. Traver - với sự cân xứng đã khiến cả những người vô thần phải rùng mình, người đã viết nên một câu chuyện thần thoại tuyệt vời cho nước anh trong bộ truyện Mary Poppins của bà - là người đã thực sự nắm bắt được các chiều cạnh, tầm quan trọng của “Hoàng tử bé”. Qua thời gian, sự tán thành của độc giả đã thay đổi kết luận trước đó, tất nhiên, một tác phẩm kinh điển thì vẫn cứ là kinh điển. Nhưng nó đã thay đổi kết luận mà không thay đổi quan điểm. Năm nay là năm đánh dấu sự nở rộ khi nó nhận được sự chú ý lớn, bao gồm buổi triển lãm đầy đủ những bức hoạ gốc của Saint-Exupery ở Thư Viện và Bảo Tàng Morgan, đặt tại New York. Nhưng chúng ta vẫn không tới đi được sâu hơn nữa trong quá trình thâm nhập vào bí ẩn chính: "Hoàng Tử Bé nói về điều gì?". Ai cũng biết cốt truyện của “Hoàng Tử Bé”: một phi công rơi xuống một sa mạc, dối diện với khả năng sống sót rất thấp, gặp gỡ một người trẻ kì lạ, không phải một người đàn ông trưởng thành cũng không phải một cậu bé. Chuyện dần dần được hé lộ, chàng trai trẻ tuổi đến từ một hành tinh xa xôi, nơi cậu sống một mình cùng với một bông hồng. Bông hồng đã khiến cậu buồn khổ đến nỗi cậu đã đi theo một đàn chim đến những hành tinh khác. Cậu đã được hướng dẫn bởi một con cáo khôn ngoan và cẩn trọng, bởi thiên thần độc ác của sự chết chóc - con rắn. Phải mất nhiều năm, và nhiều lần đọc, để độc giả bắt đầu hiểu được rằng quyển sách này là một câu chuyện chiến tranh. Không phải là truyện ngụ ngôn chiến tranh mà đúng hơn là một câu chuyện đạo đức, trong đó các cảm xúc trung tâm của sự mâu thuẫn – sự cô lập, nỗi sợ hãi và sự không chắc chắn - được làm dịu đi chỉ bởi những lời nói thân thương và cả tình yêu. Nhưng “Hoàng tử bé” cũng là một câu chuyện chiến tranh theo đúng nghĩa đen, mọi thứ trong quá trình cuốn sách được viết ra không chỉ liên quan tới sự bắt đầu của cuộc chiến tranh mà còn là “sự thất bại kì lạ” của nước Pháp cùng với những trải nghiệm dưới thời chính phủ Vichy khi bị chiếm đóng. Nỗi xấu hổ và khó hiểu của Saint-Exupery về sự thất bại đó đã khiến ông sáng tác nên một câu chuyện cổ tích với những ý niệm trừu tượng trong tương quan đối lập với những tình yêu cụ thể. Trong đó, ông đã hát lên trong những âm điệu vô thức về sự mất mát của chiến tranh cùng với các nhà văn vĩ đại khác, từ J. D. Salinger – tác giả của cuốn truyện vĩ đại hậu chiến tranh, ‘Gửi Esme – cùng tình yêu và sự nghèo khó” cho chúng ta thấy rằng sự sụp đổ đạo đức chỉ có thể được cứu chữa bằng lời nói của một đứa trẻ sáng suốt – tới người đồng nghiệp của ông, Albert Camus, người cũng từ cuộc chiến tranh mà nhận ra sự cần thiết của việc tham gia vào cuộc chiến không hồi kết “giữa niềm hạnh phúc của mỗi con người và bệnh tật của sự vô nghĩa”, có nghĩa là việc tách cảm xúc thực ra khỏi cuộc sống thường nhật. Giờ đây chúng ta đã biết chi tiết hoàn cảnh sáng tác của “Hoàng tử bé” nhờ vào cuốn tiểu sử mang tên “Saint-Exupery” của Stacy Schiff. Trốn khỏi Châu Âu để đến một nơi tha hương không mấy vui vẻ và chỉ sử dụng một thứ tiếng ở Bắc Mỹ, tham gia vào cuộc chiến xung đột nội bộ tuy nhỏ nhưng rất dữ dội với các nhóm người tha hương và chống đối khác (ông đánh giá sai về DeGaulle, người mà ông tưởng rằng đã đưa chính người dân nước Pháp chống lại người Pháp thay vì chống lại người Đức), Saint-Exupery đã viết nên câu chuyện cổ tích đậm chất Pháp ở Manhattan và Long Island. Bối cảnh sa mạc của cuốn truyện được lấy từ trải nghiệm của người phi công Saint-Exupery vào năm 1935 khi bị lạc gần một tuần ở vùng sa mạc Ả rập, cùng với những kí ức về sự cô đơn, ảo giác, cái chết cận kề (và một vẻ đẹp được giấu kín) ở sa mạc được hé lộ trong những trang sách. Câu chuyện tình yêu trọng tâm của Hoàng Tử và Bông Hồng bắt nguồn từ chính câu chuyện tình yêu đầy giông bão của ông và vợ, bà Consuelo, người sở hữu những đặc điểm của Bông Hồng được thể hiện trong truyện như những cơn ho, sự đành hanh, độc đoán và cả những lần hưng phấn bất chợt của cô nàng. (Schiff nói rằng, khi ông bị mất tích ở sa mạc vào năm 35, vợ ông đã công khai than khóc về sự mất mát của ông ở “hành tinh” của riêng bà, chiếc bàn ở quán Brasserie Lipp). Sa mạc và bông hồng - cuộc đời ông khi làm một người phi công dũng cảm và khi làm một người tình kì lạ - là nguồn cảm hứng của ông. Nhưng giữa hai trải nghiệm này, găm vào giữa chúng, chia cách chúng, là một đường biên, đó chính là cuộc chiến tranh. Ở nơi sâu thẳm nhất trong tâm thức, ông cảm thấy sự mất mát của nước Pháp không chỉ là sự mất mát trong chiến sự mà là sự mất mát trong “ý nghĩa”. Sa mạc của sự thất bại kì lạ còn khó hiểu hơn cả sa mạc Libya, chẳng còn gì có thể hiểu được cả. Trận chiến của Saint-Ex là danh dự: ông đã bay cùng với đội máy trinh sát GR II/33 của không lực Pháp (Armee de l’Air). Và, sau thất bại cay đắng, ông trốn chạy khỏi Châu Âu giống như rất nhiều những người Pháp yêu nước khác, qua Bồ Đào Nha và dừng chân tại New York vào ngày cuối cùng của năm 1940. Nhưng, như bất kì ai đã từng sống trong thời kì ấy đều biết, điều khiến sự mất mát đó trở nên vô cùng đau thương là không chỉ quân đội mà toàn bộ nền tảng của nền văn minh Pháp đã sụp đổ với tốc độ chóng mặt, dưới sự giám sát của những vị thần. Trong công cuộc tìm kiếm nguyên nhân của sự sụp đổ đó, những bộ óc thành thật đáng kính trọng nhất – trong số đó có Marc Bloch và Camus – cho rằng lồi lầm thực sự nằm ở thói quen về sự trừu tượng của người Pháp. Truyền thống của nước Pháp đã và đang tiếp tục vận động, việc đặt những câu hỏi thực tế về những ví dụ cụ thể vào thế giới tương ứng trên những trang giấy mà ở đó những câu hỏi lý thuyết - các mô hình - là những điều được quan tâm nhất, lại làm những người thiết kế ra nó thất vọng. Một cách để đáp lại thảm hoạ chắc chắn là tìm ra một vài hệ thống trừu tượng mới, của những phạm trù quan trọng để thay thế những gì đã mất. Nhưng một cách đáp trả nhân văn hơn là tham gia vào một cuộc chiến không hồi kết chống lại những thứ trừu tượng tách chúng ta khỏi cuộc sống như nó vốn có. Không ai chỉ ra điều này đúng hơn Bloch: Nhiệm vụ đầu tiên trong công việc của tôi (một nhà sử học, nhưng rộng hơn là người theo chủ nghĩa nhân văn) bao gồm việc tránh sử dụng những thuật ngữ nghe có vẻ to tát. Những người dạy lịch sử nên tiếp tục quan tâm đến việc tìm kiễn những giá trị thực đằng sau những điều trừu tượng và trống rỗng. Nói cách khác, họ nên dồn sự tập trung vào con người hơn là những công cụ. Đây dường như là một bài học đạo đức kì lạ được rút ra từ một trải nghiệm về thứ gì đó kinh khủng như chiến tranh. Nhưng nó không chỉ đơn thuần là về tri thức, không phải là sự hiển linh của một kẻ nghiệp dư chưa từng tác chiến. Xét về cấp độ chiến thuật, quân sự đơn thuần, sự thôi thúc để sử dụng những thứ trừu tượng đồng nghĩa với sự thôi thúc để tôn sùng những cách giải quyết cứng nhắc và hệ thống, thay vì trở nên linh động và tháo vát. Tuyến phòng thủ Maginot là một ý niệm trừu tượng đã thay thế chiến lược linh hoạt và những cảm tính thông thường. (Điều này gợi nhớ lại một bình luận của Picasso dành cho Matisse, khi người hoạ sĩ Pháp này đang lâm vào rắc rối năm 1940 và đã hỏi ông rằng: “Nhưng còn các tướng lĩnh của chúng ta, họ đang làm gì vậy?”: “Các tướng lĩnh của chúng ta ư? Họ là những bậc thầy trong Trường đại học Mỹ Thuật!” Picasso đáp lại, với thông điệp rằng loại người bị điều khiển bởi những công thức được học vẹt, sự thiếu vắng khả năng quan sát và chủ nghĩa ám ảnh về truyền thống như là những nghệ sĩ hàn lâm. Từ một trải nghiệm vô nhân đạo và quá sức - một trải nghiệm đã biến cả nhân loại với một lịch sử và định mệnh vô cùng phức tạp thành một thuật toán rồi sau đó thành một nạn nhân – Saint Exupery muốn giải cứu con người chứ không phải những số liệu thống kê. Những số liệu thống kê có thể là bất cứ người nào trên hành tinh bị ám ảnh với việc tôn sùng “đếm”, đếm những vì sao nếu đó là một nhà du hành vũ trụ hay là lợi nhuận nếu đó là một doanh nhân. Cách để thưởng thức “Hoàng tử bé” đầy đủ nhất chính là coi nó như là một câu chuyện ngụ ngôn được mở rộng về thể loại và sự ngu ngốc của trừu tượng - cùng với đó là sức mạnh đặc biệt và sự chua chát đến từ việc Saint-Exupery kịch tích hoá sự đấu tranh chống lại sự trừu tượng không như là một vật thể triết học mà như là một câu chuyện về sự sống - cái chết. Cuốn truyện di chuyển từ thiên thạch đến sa mạc, từ cổ tích và hài kịch đến bi kịch kì bí để khẳng định một điều luôn tái diễn: Bạn không thể yêu hoa hồng nói chung, bạn chỉ có thể yêu một bông hồng mà thôi. Cũng giống như cuộc hành trình của Saint-Exupery, cuộc hành trình của hoàng tử chính là cuộc hành trình tha hương, tránh xa trải nghiệm chung về sự gợi tình của một bông hoa đặc biệt. Hoàng Tử học được rằng để có trách nhiệm với bông hồng của chàng thì chàng phải coi nó như chính bản thân nó, kể cả sự yếu đuối và tình tính kiêu căng– phải, tất cả những sự tầm thường đó! – mà không bớt đi sự yêu thương chỉ vì nó quá yếu đuối. Sự hoan hỉ ngoan cố của trải nghiệm cụ thể có thể tìm thấy ở một thứ vừa đặc trưng lại vừa kì quái như hình ảnh mở đầu về một con trăn Nam Mỹ nuốt chửng một con voi, điều mà, theo như người dẫn truyện thì người lớn chỉ có thể thấy nó như một vật thể chung (Đây là điểm chung của Saint-Exupery và những người theo trường phái siêu thực ngưỡng mộ ông. Những bức vẽ của Rene Magritte và sự ám ảnh chung về những chiếc mũ của tầng lớp trung lưu, gợi ra rằng mỗi lần bạn nhìn thấy một chiếc mũ derby của giới trung lưu, rất có thể trong đó có một con trăn Nam Mỹ. Ảnh chụp X-quang của mọi chiếc mũ đều lộ ra một con trăn trên mọi cái đầu đội chiếc mũ đó. Đây có thể là cách ngôn của mọi buổi triễn lãm trường phái siêu thực.) Những con người mà Hoàng Tử gặp trong cuộc hành trình đến Trái Đất đều là những người, theo như Bloch, thì chỉ còn là những công cụ. Người doanh nhân, nhà thiên văn học, và thậm chí người thắp đèn đáng thương, đều trở thành những nghề nghiệp của họ và trở nên mù loà trước những vì sao. Và một lần nữa, chỉ ở “Hoàng tử bé”, những dịch chuyển thiết yếu mà chúng ta tìm thấy ở Camus, được diễn tả lại dưới dạng một truyện ngụ ngôn thay vì một cuốn tiểu thuyết thực tế. Thế giới mưu toan làm chúng ta trở nên mù loà trước những sự vận hành của nó; và nhiệm vụ thực sự của chúng ta chính là nhìn thấy thế giới lại một lần nữa.

Với mỗi lứa tuổi độc giả, Hoàng tử bé mang đến cho họ những bài học khác nhau chỉ với cùng câu chuyện kể. Vậy, Hoàng tử bé đã dạy ta những điều gì? Hoàng tử bé là quyển sách văn học Pháp được yêu thích nhất thế kỷ XX. Quyển sách được dịch sang hơn 250 ngôn ngữ và tiếng địa phương, Hoàng Tử nằm trong top những cuốn sách được dịch nhiều nhất thế giới. Tác phẩm của Antoine de Saint-Exupery kể về sự cô đơn, tình bạn, tình yêu và nỗi mất mát mà không theo bất kỳ mô típ truyện thiếu nhi nào. Và với mỗi lứa tuổi đọc giả, Hoàng tử bé mang đến cho họ những bài học khác nhau chỉ với cùng câu chuyện kể. Vậy, Hoàng tử bé đã dạy ta những điều gì, hay nói nhẹ nhàng hơn, có bao nhiêu thông điệp sống được gửi gấm trong cuốn sách tưởng như chỉ dành cho thiếu nhi này? 1. Một khi đã sẵn sàng, hãy mạnh dạn khám phá thế giới. 2. Phương châm của tôi rất đơn giản: bạn có thể vượt qua tất cả cám dỗ chỉ với một trái tim ngay thẳng. 3. Cứ thẳng tiến về phía trước đi, mọi người không thể đi quá xa đâu, và bạn sẽ luôn đuổi kịp họ. 4. Nếu bạn đã dành trọn thời gian để chăm sóc một đoá hồng, thì đoá hồng đó sẽ trở nên vô cùng quan trọng với bạn. 5. Người lớn rất thích những con số. Khi bạn bảo họ rằng bạn vừa làm quen một người bạn mới, họ chẳng hề hỏi rằng giọng nói người bạn ấy ra sao, hay người bạn đó thích chơi cái gì? Thay vì thế, họ chỉ quan tấm đến việc người bạn đó bao nhiêu tuổi và bố cậu ta kiếm được bao nhiêu tiền. Họ nghĩ là với những con số ấy họ sẽ biết rõ về người bạn mới này. 6. Người lớn họ chẳng bao giờ tự hiểu, vô hình trung điều này khiến bọn trẻ cảm thấy mệt mỏi vì phải luôn giải thích mọi thứ cho họ nghe. 7. Tôi phải chấp nhận được những chú sâu bướm thì mới có thể làm quen với các chú bướm. 8. Bạn biết đấy, khi một ai đó cảm thấy buồn, họ có thể buồn tới độ cảm thấy yêu luôn ánh tà dương. 9. Mỗi người đàn ông đều có một ngôi sao cho riêng mình, và chẳng có ai giống ai cả, 10. “Điều gì làm nên vẻ đẹp của sa mạc?” Hoàng tử bé hỏi, “có phải là vì nó ẩn chứa những cái giếng?” 11. Có thể bạn sẽ thoải mái khi để công việc chưa làm xong sang ngày mai, nhưng với các cây bao báp, sẽ là một thảm hoạ nếu nó cũng làm thế. 12. Hạnh phúc không tồn tại nhan nhản xung quanh bạn đâu. Để tìm thấy nó bạn phải mở thật to mắt ra tìm kiếm. 13. Chẳng có ai là hài lòng với vị trí họ đang đứng cả. 14. Đánh giá một người khác lúc nào cũng dễ dàng hơn đánh giá bản thân. Thế nhưng nếu bạn có thể đánh giá bản thân mình, bạn hẳn là một người khôn ngoan. 15. Nếu một ai đó yêu một đoá hoa mọc lẫn giữa hàng triệu và hàng triệu vì sao, thì chỉ cần ngước nhìn các vì sao cũng đủ để làm người ấy thấy hạnh phúc. 16. Quên một người bạn là điều đáng buồn nhất. Vì chẳng phải ai cũng từng có một người bạn. 17. Một mục tiêu mà không có kế hoạch thì chỉ là một ước mơ viển vông mà thôi. 18. Mọi con đường đều dẫn về tổ ấm của một người đàn ông. 19. Cố gắng dí dỏm ít nhiều có thể dẫn đến sự dối trá. 20. Ngôn từ là nguồn gốc của mọi sự hiểu nhầm. 21. Một trong những điều khiến bạn bị kìm hãm là bạn không dám khóc mỗi khi cảm thấy không an toàn. 22. Bạn xinh đẹp nhưng bạn lại rỗng tuếch. Chẳng ai muốn chết vì bạn. 23. Người ta chỉ hiểu được những gì họ đã chinh phục. 24. Tôi chỉ đánh giá cô ấy qua những gì cô ấy đã làm, chứ không phải những gì cô ấy đã nói. 25. Loài người tự đặt mình lên những chuyến tàu tốc hành, nhưng họ không hề hay biết họ đang tìm kiếm điều gì. Họ vội vã, phấn khích và quay mòng mòng trong những mớ bòng bong. Đây chẳng phải là điều tệ hại, nhưng họ cứ như thể những người mù. Một ai đó phải nhìn mọi thứ bằng trái tim chứ? 26. Bạn sẽ trở nên có trách nhiệm, mãi mãi, với những gì bạn đã chinh phục.

“Người ta chỉ hiểu được những vật người ta đã thuần dưỡng.” “Người ta chỉ nhìn thấy rõ thật rõ ràng bằng trái tim. Cái cốt yêu thì con mắt không nhìn thấy.” Tôi không phải nhà phê bình văn học, bởi vậy tôi chỉ có thể chia sẻ được những cảm nhận trực quan nhất, những thông điệp rõ ràng nhất, và những nội dung giáo dục cụ thể nhất mà Hoàng Tử Bé (HTB) mang lại cho tôi. Trong hành trình phiêu lưu từ tinh cầu của mình đến trái đất của HTB, tôi thích nhất là cuộc gặp gỡ giữa cậu và bạn Cáo, bởi tính giáo dục và nội dung nuôi dưỡng tâm hồn sâu sắc cho các bạn nhỏ cũng như cho những người lớn chúng ta. Đầu tiên là bài học về sự đúng giờ. Nói đúng hơn là giá trị của việc đúng giờ mang lại. Bạn Cáo đã không ngần ngại mà chia sẻ thẳng thắn về việc “Sẽ thấy hạnh phúc từ 3 giờ, nếu 4 giờ cậu đến. Thời gian càng trôi đi, tớ càng cảm thấy hạnh phúc”. Đó là một loại cảm xúc tích cực mà nếu đúng giờ, bạn sẽ mang lại niềm vui sướng ấy cho cả hai. Hay “nếu như những anh chàng thợ săn khiêu vũ suốt cả tuần thì Cáo sẽ chẳng được nghỉ ngơi ngày nào cả”. Đó chẳng phải vì sự không đúng giờ, thiếu nề nếp của ai đó mà làm ảnh hưởng rất lớn tới người khác hay sao? Đối với tôi, những đứa trẻ chỉ cần hiểu như vậy là đủ. Rồi khi lớn lên, chúng sẽ tự khắc mở rộng được và nhận thức được những hậu quả tai hại từ việc không đúng giờ. Thứ 2 là bài học về sự “thuần dưỡng”. Đúng như ngôn từ mà Cáo nói, người ta chỉ hiểu được những vật người ta đã thuần dưỡng. Thứ mà chúng ta hay gọi là “tìm hiểu” hoặc là “chinh phục”. Ở xã hội hiện tại, hay quá khứ, và tôi tin rằng cả tương lai cũng vậy; Chúng ta thường lầm tưởng rằng mình đã hiểu rất rõ về con cái, về chồng/vợ của chúng ta, nhưng tại sao ta vẫn thường hay than vãn về những đứa trẻ không biết vâng lời? Ta vẫn thường hay thất vọng kể lể về chồng/vợ của mình sau những tháng ngày căng thẳng chịu đựng hoặc những trận cãi vã đầy nước mắt? Có lẽ chính bởi sự tìm hiểu chưa đủ của ta, chính bởi ta chưa thực sự chinh phục, ta chưa thuần dưỡng được đối phương đó thôi. Vậy kết lại, là do cái sự lầm tưởng quá lớn của ta mà ra. Thứ 3, bài học nhân văn phải kể đến đó là sự khác biệt không đến từ vẻ bề ngoài. Cáo đã khiến cho HTB nhận ra tầm quan trọng của đóa hoa hồng trên tinh cầu mà mình bỏ lại, nhận ra sự khác biệt của đóa hoa trước hàng ngàn vạn đóa hoa giống hệt nhau khác. Đó là giá trị, là công sức, là sự vun vén, là cảm xúc mà 2 người dành cho nhau, cũng như là cảm xúc giữa con người với con người. Cũng từ đó mà giáo dục các bạn nhỏ, các bạn trẻ biết trân trọng giá trị cảm xúc và ý nghĩa cốt lõi chứ không phải là vẻ ngoài cao sang hay thấp hèn, không phải từ hình dáng đại trà hay độc bản mà ta có quyền phán xét bất kỳ thứ gì ở trên đời. Và cuối cùng, cuộc gặp gỡ giữa Cáo và Hoàng Tử Bé đã kết thúc bằng một loạt hành động lặp lại lời Cáo nói của Hoàng Tử Bé, như để ghi nhớ mãi đã cho ta thấy được, mỗi người bạn là một người thầy! Đúng vậy. Tình bạn quan trọng biết bao. Một người bạn tốt không tiếc thời giờ, không tiếc kiên nhẫn để giúp ta những lúc túng quẫn, bí bách nhìn nhận rõ được rốt cuộc thứ gì là quan trọng. Vậy đấy. Cáo đã giúp cho HTB sau khi có được những cuộc phiêu lưu cần thiết cũng đã quyết định trở về hành tinh B612 của cậu – nơi mà có bông hồng cậu từng cho là “phức tạp”, từng “bực bội” và “mất niềm tin”, cậu trở về bằng cách mượn nọc độc của rắn…. Đó là về cuộc gặp gỡ với anh bạn Cáo. Chỉ nhiêu đây thôi cũng đã làm tôi cảm thấy cuốn sách này thực sự đáng đọc rồi. Tất nhiên, để các bạn có thể hiểu một cách khái quát hơn về bối cảnh của cuốn sách thì tôi xin được nói thêm về cảm nhận của tôi – dựa trên một số tư liệu mang yếu tố lịch sử của cuốn sách. Bởi tôi không hiểu về lịch sử của nước Pháp nên xin nhấn mạnh rằng “cảm nhận của tôi dựa trên tư liệu mang yếu tố lịch sử của cuốn sách” nhé. Họ nói rằng cuốn sách “như tiếng chuông cảnh tỉnh về hiểm họa lớn lao của hành tinh trước sự điên rồ của những kẻ cuống tín, sự tôn thờ vật chất và khinh bỏ giá trị con người cũng như sự vô lý của xã hội tự xem là duy lý” đúng như lời giới thiệu của người dịch. Thì điều đó đúng và rõ ràng với 6 nhận vật tại 6 tiểu tinh cầu mà HTB đã đi qua. 6 nhân vật – hiện thân của các tầng lớp trong bộ máy mục rữa, thối nát, hành động máy móc và thiếu thực tế của xã hội Pháp thời bấy giờ, khi mà “vua” chẳng rõ mình trị vì điều gì, không có lập trường và chính kiến, không quyết liệt; Nhà địa lý chẳng biết sự hiện diện của sông núi đại dương; Khi mà con người chỉ ưa sự nịnh bợ, vẻ hào nhoáng sáo rỗng và phi lý; Khi người ta hành động mâu thuẫn chính với lý trí và không còn ý thức cầu thị, cứ lấn sâu vào con đường chết dù đã trông thấy tỏ tường; Rồi những sự bận rộn mù quáng, không kế hoạch, không mục tiêu… và vì nó mà con người quên đi mọi thứ của chính mình… Để hiểu rõ hơn, các bạn hãy tự đọc và cảm nhận thêm về cuốn sách nhé, còn rất nhiều ý nghĩa hay ho đáng để chúng ta cùng khám phá và chia sẻ. Bài review có vẻ hơi dài quá rồi! Chúc các bạn có một trải nghiệm thú vị với Hoàng Tử Bé!

“Bạn có thích trẻ con không?” – Nếu cách đây nhiều năm, tôi dám cá câu trả lời của hơn 90% người được hỏi sẽ nói: “Có! Trẻ con dễ thương lắm, đáng yêu lại thơm tho nữa”. Nhưng ở hiện tại, dường như con số trên đã thay đổi. Nhiều người sẽ suy nghĩ rất lâu để có một câu trả lời khá nước đôi rằng: “Tôi thật sự không biết nữa. Tôi không nghĩ mình có thể chịu đựng được đám trẻ con”. Hoặc thẳng thừng: “Không, tôi thà sống cô đơn cả đời còn hơn bị vây quanh bởi một đứa trẻ”. Nhưng chính chúng ta cũng từng là những đứa trẻ con, vậy tại sao chúng ta lại ghét chính mình trước kia nhỉ? Vì trẻ con nghịch ngợm chăng, vì chúng luôn làm đủ trò khiến ta cảm thấy phiền phức hay sao, hay vì chúng luôn đặt ra hàng tá câu hỏi bắt ta phải trả lời bằng được mới thôi? Mỗi người sẽ tìm ra những lí do khác nhau để thanh minh cho suy nghĩ của mình! Trong con mắt của phần lớn người lớn, trẻ con là như vậy! Nhưng đã bao giờ bạn tự hỏi nếu vậy thì trẻ con nghĩ gì về người lớn chưa, với những đứa trẻ, chúng ta là người như thế nào nhỉ? Những khúc mắc ấy sẽ được lí giải phần nào qua cuốn sách Hoàng tử bé của Antoine de Saint Exupéry, tác phẩm viết cho trẻ con và cho cả những ai đã từng là trẻ con! Nhà văn Antoine de Saint Exupéry sinh năm 1900 tại Lyon, Pháp. Chiến tranh thế giới thứ nhất, ông theo mẹ sang Thuỵ Sĩ. Năm 1917, ông trở về Pháp, học trung học tại Paris, sau đó ông vào trường Mĩ thuật. Trong chiến tranh thế giới thứ hai, ông tham gia không quân. Năm 1944, máy bay của ông mất tích trên bầu trời Địa Trung Hải. Do mất tích khi mới 44 tuổi và cũng dành rất nhiều thời gian để thực hiện các chuyến bay, số lượng tác phẩm của Saint Exupéry để lại không nhiều, nhưng hầu hết đó là những tác phẩm đặc sắc. Người đọc có lẽ biết đến ông nhiều nhất với tác phẩm Hoàng tử bé – một câu chuyện ngắn nhưng để lại cho chúng ta bao dư âm sâu sắc. “Hoàng tử bé” ngắn mà mãnh liệt… biểu hiện nỗi đau của nhà văn và tư tưởng triết học của ông về ý nghĩa của sự có mặt ở trên đời, nỗi khát khao không thể nào vơi được về lòng nhân ái, về sự cảm thông giữa con người.” Dịch giả Nguyễn Thành Long Hoàng tử bé là một cuốn sách kì lạ được viết bởi một tác giả kì lạ. Saint Exupéry đâu phải là một nhà văn thường, mà là một nhà văn phi công! Ông sáng tác Hoàng tử bé trong thời kì lưu vong khi nước Pháp bị chiếm đóng, ông không được bay theo đúng nghĩa. Nỗi đau ấy đã được thể hiện thoáng qua lời đề tặng của cuốn sách: “Gửi Léon Werth khi ông ấy còn là một cậu bé”. Tại ngôi nhà The Bevin House ở Long Island, New York, ông đã ngày đêm viết và minh họa cho cuốn truyện, với sự giúp đỡ của bánh kẹp và trứng trộn, gin và tonic, Coca Cola và thuốc lá. Ngôi nhà rộng lớn ấy cũng là nơi ông dễ dàng di chuyển để đuổi theo ánh sáng cuối ngày. Chính cái nhìn trầm tư mặc tưởng của ông trước những cảnh hoàng hôn ở nơi đây, đã trở thành phần không thể thiếu của Hoàng tử bé, với buổi chiều 44 lần ngắm mặt trời lặn trứ danh của cậu hoàng tử. Cuộc hành trình khám phá chính mình bắt đầu… Hoàng tử bé sống trên tiểu tinh cầu B612. Ở đó có ba ngọn núi lửa (hai ngọn đang hoạt động còn ngọn kia đã tắt) và một bông hoa hồng. Cậu chăm sóc cho tiểu hành tinh của mình hằng ngày, nhổ hết các cây bao báp định bám rễ, mọc lên tại đây. Những cái rễ đó sẽ xói đục hành tinh và làm cho thế giới cậu đang sống bị xé rách ra. Hoàng tử bé đem lòng yêu một đóa hồng ở quê nhà. Nàng tự nhận nàng là độc nhất trong giống loài mình. Bông hoa kiêu kì ấy không sợ hổ nhưng lại sợ gió, cô yêu cầu hoàng tử cho cô một chiếc lồng kính chắn gió! Nhưng chính sự kiêu ngạo ấy của cô làm chàng hoàng tử phát bực, chàng quyết định rời hành tinh của mình bỏ lại đóa hoa kia để thực hiện một chuyến đi. Nhưng trước khi đi, cậu vẫn dọn dẹp hành tinh của mình thật ngăn nắp. Em vẫn nạo vét cả ba quả núi lửa để nó không gây nên động đất, bứt những búp măng vừa nhú trên cây bao báp, tưới hoa lần cuối và sắp sửa cất kĩ nó vào lồng kính thì đóa hoa bật khóc, cậu hoàng tử lòng man mác buồn nhưng dù vậy cậu vẫn chưa thể nào hiểu được tấm lòng bông hoa… Mỗi hành tinh - một cách nhìn nhận về thế giới người lớn. Hoàng tử bé đã rời hành tinh của mình và tới phần còn lại của vũ trụ xem như thế nào và cậu đến một vài tiểu tinh cầu khác (có số từ 325 đến 330), mỗi tinh cầu này có một người lớn sống ở đó và theo cách hiểu của cậu thì họ toàn là những người kỳ quặc: Ở thiên thạch thứ nhất là một ông vua trị vì hành tinh mà chẳng có lấy một thần dân. Ông vui mừng khi cậu hoàng tử đến thăm. Ông phong cho cậu làm thượng thư bộ thư pháp, ông cho cậu xử án chú chuột – sinh vật duy nhất có trên hành tinh của ông. Ông thực lòng chẳng muốn cậu rời đi. Nhưng trước sự kiên quyết của cậu, ông chẳng thể làm gì khác, ông để cậu làm sứ giả và cho phép cậu đến nơi cậu muốn đến. Vị vua ấy tượng trưng cho những nguyên tắc, luật lệ mà người lớn vẫn luôn tự áp đặt riêng cho mình cũng như với người khác. Thiên thạch thứ hai là một kẻ khoác lác. Hắn coi cậu là một người hâm mộ mình đến thăm. Gã khoác lác là người muốn được người khác ngưỡng mộ mình, nhưng lại sống cô đơn trên hành tinh của chính ông ta. Gã chẳng nghe thấy gì ngoài những câu ca ngợi. Cậu hoàng tử cũng nhận ra rằng, với gã kia, khâm phục ai đó nghĩa là thừa nhận người đó đẹp nhất, ăn mặc sang nhất và giàu có nhất trên hành tinh. Thiên thạch thứ ba là một gã nát rượu, hắn uống rượu suốt ngày để quên nỗi xấu hổ của mình về việc uống nhiều rượu. Người lớn không bao giờ thừa nhận cái sai của mình mà chỉ muốn nhấn chìm nó thôi. Nhà doanh nghiệp là người suốt ngày bận rộn với việc đếm các ngôi sao mà ông ta cho rằng là của mình. Ông bận đến nỗi chẳng có thì giờ để châm lại điếu thuốc đã tắt ngấm từ lâu.Ông cho rằng đếm được bao nhiêu ngôi sao thì có chừng ấy, nó giúp ông giàu có và có thể mua thêm các ngôi sao khác nữa. Những ngôi sao ấy là của ông vì ông nghĩ đến nó trước nhất. Nhà tư sản cho rằng khi tìm thấy bất cứ thứ gì không phải là của ai thì nó là của ông. Hoàng tử bé nghĩ về bông hoa hôm nào cậu cũng tưới, ba quả núi lửa mà tuần nào cậu cũng nạo vét để giúp ích cho các quả núi lửa và bông hoa, nên cậu có chúng. Còn nhà doanh nghiệp không giúp ích gì cho các ngôi sao thì có nghĩa là ông ta không thể sở hữu những ngôi sao đó. Người thắp đèn là người sống trong một tiểu tinh cầu cứ 1 phút quay một vòng. Xưa kia ông ta có nhiệm vụ sáng tắt đèn và tối thì thắp. Hành tinh quay càng ngày càng nhanh hơn và đến lúc này, ông ta không còn lấy một giây để nghỉ ngơi. Mỗi phút phải thắp đèn và phải tắt đèn một lần. Hoàng tử bé cảm thấy thông cảm cho người thắp đèn vì ông là người lớn duy nhất trong số những người cậu gặp đã quan tâm cho một cái gì khác chứ không phải là bản thân ông ta. Nhà địa lý là người đã dùng toàn bộ thời gian của mình để vẽ bản đồ, nhưng chẳng bao giờ rời khỏi cái bàn của mình để đi thám hiểm (thậm chí chỉ trên hành tinh của mình). Ông ta lý luận rằng nhà địa lý không thể đi lung tung mà phải ở nhà để tiếp các nhà thám hiểm, phỏng vấn họ, và ông ta ghi chép lại những hồi ức của họ. Nếu hồi ức đó đáng chú ý thì nhà địa lý sẽ cho điều tra về tư cách của nhà thám hiểm ấy. Khi tư cách được chứng minh là tốt thì phát hiện của anh ta lại cần phải được điều tra. Nhà địa lý không tin bất cứ thứ gì ông ta không được nhìn thấy tận mắt, dù vậy, ông ta vẫn không chịu rời khỏi cái bàn của mình. Nhà địa lý yêu cầu hoàng tử bé mô tả về tiểu tinh cầu của cậu để ông ghi chép lại. Hoàng tử bé nhắc đến những ngọn núi lửa và bông hoa hồng. "Chúng tôi không ghi nhận hoa hồng", nhà địa lý nói, "vì chúng chỉ là thứ phù du". Hoàng tử bé bị sốc và nhận ra rằng một ngày nào đó bông hoa hồng yêu quý của cậu sẽ không tồn tại nữa. Nhà địa lý sau đó đã khuyên cậu đến thăm trái đất. Trái đất – hành tinh của những điều kì diệu. Trên trái đất, hoàng tử bé nhìn thấy một khu vườn có rất nhiều hoa hồng và cậu cảm thấy rất đau khổ. Đóa hoa hồng của cậu đã kể rằng nàng là duy nhất trong giống nòi của nàng khắp trong vũ trụ, thế mà ở đây, chỉ trong một khu vườn thôi đã có đến năm nghìn đóa giống như nhau. Em thấy buồn vì tài sản của em quá ít, vì lời nói của bông hoa mà em đã dành biết bao công sức để quan tâm, chăm sóc mỗi ngày. Lúc ấy, một con cáo xuất hiện, em dần làm quen với chú cáo ấy. Con cáo giúp cậu hoàng tử dần hiểu ra rằng, quen nghĩa là tạo nên những tình cảm ràng buộc, và chính bông hoa hồng của cậu đã làm cậu quen. Cáo khuyên cậu trở về xem bọn hoa hồng kia rồi cậu sẽ rõ bông hoa của cậu là duy nhất trên đời. Với người khác nó có thể chỉ là tầm thường, nhưng với cậu, nó lại là duy nhất. Hoa hồng kia cũng như chú cáo làm cho cậu quen và cũng chính bởi vậy mà nó là duy nhất, duy nhất bởi chính thời gian và tình cảm mà chàng dành cho bông hồng đã khiến đóa hồng trở nên quan trọng đến thế. Tất cả những câu chuyện của Hoàng tử bé đầu được thuật lại qua trí nhớ của người phi công có chiếc máy bay bị hỏng giữa chừng, phải cố gắng sống sót và sửa chữa để trở về năm ấy, hay cũng chính là hiện thân của Saint-Ex. Hoàng tử bé gặp người lái máy bay và đề nghị anh ta vẽ một con cừu. Vì từ trước tới nay, anh chỉ biết vẽ con voi nằm trong bụng con trăn bổ ngang mà thôi, anh chưa từng vẽ bất cứ một con vật nào khác. Không biết vẽ con cừu như thế nào, anh ta đã vẽ theo những gì anh biết. Anh đã cố gắng vẽ một vài bức tranh khác nhưng hoàng tử bé đều không vừa lòng. Cuối cùng, anh ta vẽ một cái thùng duy nhất, và giải thích rằng, có con cừu ở trong đó. Hoàng tử bé lúc này, nhìn thấy hình con cừu trong chiếc hộp rõ ràng như nhìn thấy hình con voi trong bụng con trăn trên bức tranh tác giả từng vẽ khi còn nhỏ, đã chấp nhận bức tranh này. Thời gian ở cạnh hoàng tử bé đã giúp người phi công nhận ra nhiều điều. Ông biết được rằng có một chàng hoàng tử sống ở một tinh cầu có ngọn núi lửa, một bông hoa hồng và những cây bao báp, rằng có một cậu bé yêu bông hoa của mình đến thế nào, và còn có cả một cậu bé sâu sắc và thấu hiểu lẽ đời đến thế! Sau một thời gian ở trái đất và chạy trốn tình cảm với hoa hồng mà không thể, hoàng tử bé nhờ một con rắn vàng chàng gặp trong sa mạc dùng nọc độc của nó đưa chàng về với tiểu tinh cầu với bông hoa hồng mà chàng yêu thương. Hoàng tử bé – bài học về việc biết thuần hóa những gì chúng ta yêu và sẵn sàng được thuần hóa bởi những gì ta yêu. Chuyến đi của cậu hoàng tử bắt đầu từ sự không hài lòng với thái độ của bông hoa hồng. Chuyến đi ấy giúp cả Hoàng tử bé và bông hồng đều trở nên mạnh mẽ và sáng suốt hơn. Đến Trái Đất, lần đầu tiên nghe thấy tiếng vọng, Hoàng tử bé nhận xét rằng nơi đây thật nhạt nhẽo, thật khác với ngày cậu còn ở cùng một bông hoa luôn cất tiếng trước. Cậu dần nhận ra những điều quý giá mà cậu trước đây đã bỏ lỡ. Cậu bắt đầu biết nghĩ về sự hi sinh của người khác, biết thương một cô nàng không sợ hổ, nhưng sợ gió lùa, một bông hoa chỉ có bốn cái gai để chống chọi với cuộc đời dữ dội, nhưng lại là bông hoa can đảm và đẹp nhất trong tất cả những loài hoa cậu gặp. Bông hồng, vốn là hiện thân của sự đỏng đảnh, kiêu kỳ, cũng lớn lên từ mối quan hệ đổ vỡ này. Nàng không cần lồng kính nữa, cũng chẳng ho sặc sụa để bắt hoàng tử phải quan tâm tới mình, nàng chấp nhận sự ra đi của cậu bằng vẻ bình tĩnh dịu dàng, không hề trách móc. Bằng sự kiêu hãnh, và hơn hết, nàng yêu cậu, nên nàng không muốn người mình yêu thấy nàng rơi nước mắt. Chính bông hoa cũng dạy chúng ta cách vượt qua sự sợ hãi, tổn thương và khó khăn, bởi: “Em muốn biết bươm bướm là thế nào, em phải chịu đựng vài ba con sâu". Càng yêu thương, tận tình chăm sóc cho hoa bao nhiêu thì cậu càng đau khổ và cảm thấy bị lừa dối bấy nhiêu khi phát hiện ra ở trên trái đất có cả nghìn bông hoa như thế. Thế nhưng, sau cuộc trò chuyện với chú cáo có bộ lông đỏ rực, loài vật của sự im lặng, một sự im lặng không rõ là tinh ranh hay thông thái, cậu hiểu ra rằng đóa hồng của cậu là duy nhất. Sự duy nhất của đóa hồng ấy là bởi nàng là bông hoa cậu yêu. Mỗi người đều có một bông hoa của riêng mình, một ngôi sao cho riêng mình, và chẳng có ai giống ai. Người cậu yêu là độc nhất, bởi cậu yêu người ấy, vậy thôi! Người ấy quan trọng, vì người ấy là tình yêu của cậu. Giống như cuộc chiến giữa cừu và hoa, là chuyện phù phiếm với viên phi công, nhưng là điều tối quan trọng với Hoàng tử bé; giống như mọi sự trên thế gian, kể cả tính mạng của cậu (khi cậu mượn nọc độc của rắn để mong trút lại thân xác nặng nề mà trở về với bông hoa)… Tất cả, tất cả đều không quan trọng bằng sự tồn tại của một đóa hồng. Chú cáo đã gửi đến Hoàng tử bé bí quyết của chính mình: “Người ta chỉ nhìn thấy thật rõ ràng bằng trái tim mình. Cái chủ yếu thì mắt chẳng thể thấy”. Nhiều khi những quyết định mang tính trực giác, bản năng đem tới kết quả tốt hơn sự phân tích bằng lí tính. Cái “nhiều khi” ấy đúng trong tình yêu. Trực giác tồn tại để giúp con người cân bằng các quyết định. “Khi một người yêu một đóa hoa, hoa ấy chỉ có một đóa thôi, trong hàng triệu hàng triệu ngôi sao, chừng ấy đủ làm cho anh sung sướng khi nhìn những ngôi sao”. “Chính là cái thời gian cậu đã tiêu phí vì bông hồng của cậu, cái thời gian ấy nó làm cho bông hồng đó trở nên quan trọng đến như thế”. Nếu không phải ngày ngày cậu tưới hoa, chiều chiều úp lồng kính chắn gió, cặm cụi bắt từng con sâu, kiên nhẫn ngồi nghe than thở, tán hươu tán vượn, và đôi khi cả im lặng nữa, bởi vì nàng là đóa hồng của cậu, thì có lẽ bông hồng ở tiểu tinh cầu B612 sẽ chẳng khác gì những đóa hoa trống rỗng trong vườn hồng nơi Trái Đất. Hoàng tử bé đã dành thời gian cho hoa, hoa cũng dành thời gian cho cậu vì thế mà cả cậu và hoa trở thành những phần quan trọng không thể thiếu của nhau. Cậu nhận ra thế nào là “thuần hoá” qua lời định nghĩa vô cùng thấm thía của cáo: “thuần hóa” là tạo nên những mối liên hệ để hai người cần đến nhau. Người ta chỉ hiểu những gì người ta đã thuần hóa, và việc thuần hóa, giống như Hoàng tử bé đã thuần hóa Cáo, là việc phải dành nhiều thời gian và công sức, làm hàng ngày, kiên nhẫn và dịu dàng, từng chút một. Lời kết. Tôi đã từng nghĩ làm người lớn thì phải làm điều gì to tát lắm, nào là phải trở thành ông này, bà nọ, nào là phải đi xe sang, ở nhà xịn. Nhưng, trưởng thành chỉ đơn giản là biết thấu hiểu cho mọi người, cho từng khoảnh khắc, từng tình huống, biết trân trọng, tôn trọng trách nhiệm của người khác cũng như của bản thân trong công việc, trong các mối quan hệ xã hội, và trong quá trình làm người. Có lẽ, khi chúng ta chợt nhận ra mình đã già dặn đi một tí, thận trọng hơn một tí, nhận trách nhiệm nhiều hơn một tí đó là khi ta cũng nhận ra mình không còn nhỏ nữa. Song, chính trong mỗi người lớn vẫn còn đó hình hài của một đứa trẻ. Điều này nghe có vẻ rất đơn giản vì cha mẹ nào cũng từng là trẻ con. Nhưng điều quan trọng là khi trở thành người lớn, người ta dễ quên mình từng là những đứa trẻ! “Vì mỗi người lớn đã từng là trẻ con”, cùng đón đọc Hoàng tử bé của Saint Exupéry để tìm lại chính mình và đón nhận mọi vẻ đẹp của cuộc sống luôn ẩn giấu xung quanh!

“Hoàng tử bé” – tựa gốc “Le Petit Prince” – là một truyện ngắn của viên phi công có biệt danh thân mật trong phi hành đoàn là “thiếu tá Saint-Ex”, cuốn sách ra mắt năm 1943, từ đó làm say mê hàng triệu độc giả trên toàn thế giới. Tại ngôi nhà The Bevin House ở Long Island, New York, Saint-Ex đã ngày đêm viết và vẽ minh họa cho “Hoàng tử bé”, với sự trợ giúp của bánh kẹp trứng trộn, gin, tonic, coca cola và thuốc lá. Cho đến nay, tác phẩm đã được dịch sang 257 ngôn ngữ (theo Le Parisien) và đã bán được hơn 200 triệu bản, trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất mọi thời đại. Truyện còn được dùng như tài liệu học ngoại ngữ cho người mới bắt đầu. Chuyến du hành tha hương. Truyện kể về chàng phi công gặp nạn ở sa mạc Sahara vì động cơ máy bay bị hỏng, khi đối diện với khả năng sống sót rất thấp, anh gặp gỡ một người trẻ kì lạ với mái tóc vàng – không phải một người đàn ông trưởng thành cũng không phải một cậu bé. Chàng phi công gọi đó là hoàng tử bé. Chuyện dần dần được hé lộ, hoàng tử bé đến từ tiểu hành tinh B612 xa xôi, nơi có hai núi lửa đang hoạt động và một núi lửa đã tắt, ở đấy cậu sống một mình cùng với một bông hồng đỏm dáng. Bông hồng mà cậu nâng niu chăm sóc cũng là nguyên nhân khiến cậu buồn khổ đến nỗi phải trốn chạy theo chuyến di trú của một đàn chim trời. Cậu đi qua 6 tiểu hành tinh, và lần lượt gặp một ông vua không có thần dân, một ông hợm hĩnh thích được hoan hô, một ông nát rượu uống để quên đi nỗi xấu hổ vì uống, một ông nhà buôn mở tài khoản sở hữu các vì sao ở ngân hàng, một người thắp đèn rồi tắt đèn liên tục theo mệnh lệnh, một nhà địa lý không bao giờ bước chân ra ngoài để khám phá thế giới. Hành tinh thứ 7 là Trái Đất, cậu rơi xuống một sa mạc ở châu Phi và chạm mặt ngay thiên thần độc ác của sự chết chóc – một con rắn – giống loài này có thể đưa một kẻ trở về với đất, nơi hắn được lấy ra. Cậu băng qua sa mạc, gặp một bông hoa ba cánh, tầm thường và lãng nhách. Cậu trèo lên một ngọn núi cao, phát hiện ra hành tinh này đã khô khốc lại còn vừa nhọn hoắt vừa sỗ sàng. Cậu băng qua cát, đá và tuyết, thấy một vườn đầy hoa hồng – cậu chạnh lòng bởi đóa hồng trên hành tinh B612 đã nói với cậu nó là bông hoa duy nhất của loài – cậu nằm phục xuống cỏ và khóc. Chính lúc đó cậu gặp bạn cáo của mình với những bài học khôn ngoan và ý nghĩa. Tiếp theo sau người bẻ ghi đang phân chia hành khách và người lái buôn chuyên bán những viên thuốc làm dịu cơn khát, người cậu gặp cuối cùng là chàng phi công nọ. Chuyến du hành của hoàng tử bé được thuật lại bởi chàng phi công, đọng lại giọt nước mắt và cả những tiếng cười vui tươi của một trí tuệ hồn nhiên như nhất, trong lòng hàng triệu độc giả trên toàn thế giới. Một cuốn sách diệu kỳ. Trẻ em thích “Hoàng tử bé”, vì cuốn sách ngắn, câu chữ đơn giản, lại có nhiều hình vẽ minh họa đẹp mê tơi. Người lớn thích “Hoàng tử bé”, vì cuốn sách khiến họ nhận ra nhiều bài học vốn đơn giản nhưng hay bị lãng quên. Mà trong số “người lớn” ấy, lại có nhiều cách nghĩ khác nhau, bởi những góc nhìn khác nhau. Có người rút ra được bài học về nghệ thuật sống, có người ngẫm ra các triết lý kinh doanh, có người suy nghĩ về sự vô thường của vạn vật, lại có người lý giải về bản chất con người và những sự sa ngã trong tâm tính… Một ý kiến khác, “Hoàng tử bé” là chuyến du hành tha hương của cậu hoàng tử nhỏ, lại được viết trong thời gian tác giả sống lưu vong tại Bắc Mỹ, sau khi chính phủ Pháp đầu hàng Đức Quốc xã, đó là lý do tờ The New Yorker cho rằng “Hoàng tử bé” là một câu chuyện chiến tranh theo đúng nghĩa đen: “Mọi thứ trong quá trình cuốn sách được viết ra không chỉ liên quan tới sự bắt đầu của cuộc chiến tranh mà còn là “sự thất bại kỳ lạ” của nước Pháp cùng với những trải nghiệm dưới thời chính phủ Vichy khi bị chiếm đóng. Nỗi xấu hổ và khó hiểu của Saint-Exupery về sự thất bại đó đã khiến ông sáng tác nên một câu chuyện cổ tích với những ý niệm trừu tượng trong tương quan đối lập với những tình yêu cụ thể.” (Read Station dịch) Quả là một cuốn sách diệu kỳ, bởi nó mang đến những kết luận khác nhau cho từng đối tượng khác nhau dưới những góc nhìn khác nhau, mà các đối tượng đó lại trải dài ở mọi lứa tuổi, trong suốt gần một thế kỷ qua. Victor Hugo – đại văn hào Pháp đã từng nói:“Nếu một nhà văn chỉ viết cho thời đại của mình thì tôi sẽ phải bẻ bút và vứt nó đi.” – Với “Hoàng tử bé”, thiếu tá Saint-Ex đã thành công là một nhà văn viết cho mọi thời đại. Diệu kỳ là thế, nhưng tựu chung, vẫn sẽ có những bài học từ cuốn sách mà nhiều người đồng tình: Hãy nhìn lại thế giới bằng trái tim, hãy luôn luôn cố gắng trong mọi việc, hãy sống trách nhiệm với các mối quan hệ có trong cuộc đời, hãy tự trải nghiệm chứ đừng chờ được dạy. Thứ nhất, hãy nhìn lại thế giới bằng trái tim. Cáo lông đỏ tiết lộ với hoàng tử bé: “Bí mật của tớ đây. Rất chi là đơn giản: người ta chỉ nhìn rõ được bằng trái tim. Con mắt thường luôn mù lòa trước điều cốt tử.” Nhiều khi những quyết định mang tính trực giác và bản năng lại đem tới kết quả tốt hơn là sự phân tích bằng lý tính. Trực giác tồn tại để giúp con người cân bằng các quyết định, để kết nối bản năng và lý trí. Điều này thể hiện rõ ở sự khác nhau trong thế giới quan của trẻ em và người lớn. Trẻ em bởi chưa thu nạp nhiều kiến thức mang tính logic lý tính, nên trực giác và bản năng là cái cốt lõi để trẻ em cảm nhận thế giới xung quanh, khi đó trí tưởng tượng của chúng sẽ được thể hiện rõ rệt. Như mở đầu câu chuyện, chàng phi công kể về bức tranh năm 6 tuổi của chàng, đó là bức họa con trăn nuốt chửng con voi, nhưng chẳng người lớn nào nhận ra dụng ý của họa sĩ tí hon, mà họ khẳng định rằng đó là cái mũ. Thế là chàng phi công vẽ lại con voi rõ ràng chi tiết trong bụng con trăn, người lớn gọi đó là con trăn hở bụng. Người lớn sống với bộ óc đã tiếp thu quá nhiều kiến thức suốt quá trình trưởng thành, quyết định của họ đều trải qua cân đo đong đếm với nhiều con số, cái nhìn của họ đôi khi lý trí đến mức thực dụng. Điều đáng buồn là thế giới ngày càng quay cuồng thay đổi, người lớn chạy theo guồng quay này, nhiều lúc những quyết định mà họ tưởng là lý tính đã bị “công cụ hóa” bởi thế giới điên cuồng ngoài kia. Những người mà hoàng tử gặp trong cuộc hành trình đến Trái Đất đều là những con người sống như công cụ. Nào là doanh nhân, địa lý học, và thậm chí người thắp đèn đáng thương… Họ đều trở thành những nghề nghiệp của chính họ và không thấy được ánh sáng của những vì sao. Họ trở nên ưa áp đặt và thích phán xét người khác, hay khoác lác để được tán dương, rồi rầu rĩ mua say để quên đi thực tại, đôi khi theo đuổi những thứ không đâu vào đâu… Người lớn ảo tưởng với mỹ từ “trưởng thành” nên tự cho rằng mình biết rất nhiều, nhưng thực ra, họ-không-biết-rằng-họ-không-biết-cái-gì. Đó là lý do, trẻ con hiểu những điều giản đơn mà người lớn không hiểu. Thế giới mưu toan làm con người trở nên mù lòa trước những sự vận hành của nó. Con người, cần nhìn lại thế giới lại một lần nữa, cần đặt mình ở nhiều khía cạnh khác nhau khi đánh giá một vấn đề, và, cần dùng trái tim để cảm nhận. Thứ hai, hãy luôn luôn cố gắng trong mọi việc. Hoàng tử bé có nhắc đến sự sinh sôi nảy nở nhanh chóng của một loài cây mang tên bao báp. Nếu như lưu tâm quá muộn, cây bao báp sẽ bành trướng và đâm rễ cho thủng luôn cả hành tinh B612 của cậu. Bởi vậy, nề nếp hằng ngày của hoàng tử bé là sau khi vệ sinh buổi sáng cho mình xong, cậu sẽ làm vệ sinh kỹ lưỡng cho cả hành tinh nữa. Biến việc nhổ cây bao báp và nạo vét các núi lửa cả đang hoạt động và đã tắt, thành việc đương nhiên như việc vệ sinh cá nhân hằng ngày, hoàng tử bé dạy cho con người bài học về nỗ lực trong công việc, theo chân lý mà cậu thường nói: “Ai mà học được chữ ngờ!”. Cây bao báp giống như phép ẩn dụ về những thói hư hoặc khó khăn trong cuộc đời con người. Lúc mới đầu chúng cũng là cây non như cây hoa hồng thôi, nhưng nếu bỏ mặc để chúng lớn lên, chúng sẽ đâm thủng cả hành tinh. Nếu những thói hư tật xấu, những khó khăn chướng ngại trong cuộc sống hằng ngày, con người không phát hiện ra và xóa sổ chúng đi, chúng sẽ nhanh chóng bành trướng và gây nên thiệt hại khôn lường. Ai mà biết được chữ ngờ? Vậy nên, hãy luôn luôn cố gắng trong mọi việc, hãy biến những thói quen tốt và những việc cần làm giống như việc vệ sinh cá nhân hằng ngày vậy, thì con người sẽ dọn sạch cho tương lai đầy tươi sáng của mình. Thứ ba, hãy sống trách nhiệm với các mối quan hệ có trong cuộc đời. Cáo bảo: “Chính là cái thời gian cậu đã tiêu phí vì bông hồng của cậu, cái thời gian ấy nó làm cho bông hồng đó trở nên quan trọng đến như thế.” Hoàng tử bé đã mong ngóng biết bao khi bông hồng còn là nụ hoa, rồi ngày ngày cậu tưới nước, chiều chiều úp lồng kính chắn gió, cặm cụi bắt từng con sâu, kiên nhẫn ngồi nghe than thở, tán hươu tán vượn, đôi khi cả im lặng nữa…. Đóa hồng là duy nhất đối với cậu, nàng không hề giống những bông khác trong rừng hoa dưới Trái Đất. Nàng khác biệt, vì hoàng tử bé đã dành thời gian cho nàng, nàng cũng dành thời gian cho cậu, tình cảm đó là sự vun đắp, sự “thuần hóa” đến từ hai phía. Khái niệm “thuần hóa” mà Saint-Ex đã để bạn cáo định nghĩa, vô cùng đúng sáng. Thuần hóa tạo nên những mối liên hệ để hai đối tượng cần đến nhau, và có trách nhiệm với nhau. Người ta chỉ hiểu những gì người ta đã thuần hóa. Và việc thuần hóa, phải dành nhiều thời gian cùng công sức, làm hàng ngày, kiên nhẫn, dịu dàng, từng chút một. Trách nhiệm sinh ra bởi mối quan hệ của hai hoặc nhiều đối tượng, mối liên hệ ràng buộc đó sẽ khiến mỗi đối tượng thấu hiểu và nhận thức được vai trò của mình trong thế giới. Con người sinh ra đã có sẵn vài mối quan hệ trong đời, đó là mối quan hệ với người thân trong gia đình – với cha, với mẹ, với anh, chị, em, sau này có thêm vợ/chồng, con cái – những mối quan hệ đáng quý nhất, cần trân trọng cũng như cần có trách nhiệm nhất. Càng gia nhập xã hội, sẽ có nhiều mối quan hệ được kết nối thêm và mở rộng ra. Con người ngày nay chạy đua để có những mối quan hệ thuận lợi cho chuyện làm ăn, để rồi quên đi gia đình mới là điều quý giá nhất. Nhiều khi nhận ra thì đã muộn. Hãy sống trách nhiệm với các mối quan hệ có trong cuộc đời, đặc biệt là gia đình. Thứ tư, hãy tự trải nghiệm chứ đừng chờ được dạy. Nếu không có chuyến du hành, hoàng tử bé sẽ ở mãi trên tiểu hành tinh nhỏ bé của cậu, sẽ mệt mỏi bởi hoa hồng điệu đà mà chẳng hiểu lý do, sẽ chẳng có con cừu nào để diệt sạch lũ cây bao báp con, sẽ không biết những hành tinh khác như thế nào, sẽ không quen bạn cáo, sẽ không quen chàng phi công, sẽ không khóc bởi những phát hiện chạnh lòng, và sẽ không cười hồn nhiên như vì sao lấp lánh… Sẽ, không có gì cả. Đối với chàng phi công, cuộc gặp gỡ ngắn ngủi và nhiều tiếc nuối. Nhưng về sau, mỗi khi chàng ngắm bầu trời đêm, vì hoàng tử bé đang sống trên một trong các vì sao, và vì hoàng tử bé đang cười trên một trong các vì sao, vì vậy mà với chàng, cả một bầu trời sao đang cười. Chàng sẽ vui vì điều đó, chàng sẽ nhớ tới bạn của mình và mỉm cười. Đi và khám phá sẽ cho mỗi người trải nghiệm trong từng chuyến hành trình, không quan trọng là đích đến ra sao. Điều đáng giá hơn lý thuyết suông là những gì trải qua, những bài học và những suy ngẫm mà bản thân tự mình lĩnh hội được. Đôi nét về cuộc đời tác giả “Hoàng tử bé”. Tên đầy đủ là Antoine Marie Jean-Baptiste Roger de Saint-Exupéry, thường được biết tới với tên Antoine de Saint-Exupéry hay gọi tắt là Saint-Ex, không chỉ là nhà văn nổi tiếng, ông còn là một phi công giỏi người Pháp. Saint-Ex sinh ngày 29/6/1900, mất tích ngày 31/7/1944. Vụ mất tích trở thành một trong những bí ẩn lớn nhất của lịch sử văn chương và hàng không Pháp. Sau 63 năm, bí ẩn được giải mã. Theo kết quả điều tra cuối cùng được ghi lại trong cuốn “Saint-Exupéry, l’ultime secret” (Saint-Exupéry, bí mật cuối cùng) do Nhà xuất bản Rocher phát hành ngày 20/3/2008, máy bay của Saint-Exupéry bị bắn rơi bởi Horst Rippert – một phi công người Đức. Viên phi công già thú nhận: “Hồi nhỏ, khi còn đi học, tôi đọc rất nhiều và vô cùng ngưỡng mộ những cuốn sách của ông. Ông biết rõ làm thế nào để miêu tả bầu trời, suy nghĩ và những cảm nhận của người phi công. Tác phẩm của ông đã đưa nhiều người chúng tôi đến với nghề bay. Thế rồi người ta nói với tôi rằng, người tôi bắn chết chắc chắn là Saint-Exupéry. Thật là một tai họa. “Mình đã làm gì thế này?” – tôi tự hỏi mình như vậy.” “Nếu tôi biết đó là nhà văn, tôi sẽ không bao giờ nổ súng!”, Rippert nói thêm. Do mất tích khi mới 44 tuổi và cũng đã dành phần lớn thời gian cho các chuyến bay, gia tài văn chương của Saint-Ex không nhiều, nhưng đa phần đều đặc sắc. Tác phẩm của ông tập trung vào đề tài phi công hoặc lấy cảm hứng từ những chuyến bay của chính mình. Ngoài “Hoàng tử bé”, Saint-Ex cũng đã từng xuất bản nhiều cuốn sách viết về nghề phi công như: L’Aviateur (Người phi công), Vol de Nuit (Bay đêm), Pilote de Guerre (Phi công thời chiến)…

Cuốn tiểu thuyết đồ sộ này là hành trình nội tâm của Anna qua những mảnh vỡ của bản thân trong một thế giới cũng đang tan rã: Tình yêu, tự do, cái chết, tín điều, đặt giữa hỗn loạn các hệ tư tưởng, trong tiếng ầm ì của chiến tranh, mối đe dọa hủy diệt của bom H, quá trình phi thực dân hóa của nước Anh, sự hình thành của các quốc gia mới. Tôi rất tiếc khi phải nói điều này Phức tạp nhưng vẫn thanh tú đến kỳ lạ, tác phẩm dẫn người đọc theo bước Anna đến những trang cuối cùng, không phải tới một đáp án toàn năng cho toàn bộ các vấn đề của cá nhân và nhân loại, mà khả thi hơn thế, dễ chịu hơn thế, tới một chút khai sáng, cảm giác mới mẻ như vừa tái sinh, khi nhận ra những thất bại và thiếu sót trong quá khứ, cả hỗn loạn của hiện tại hay u ám của tương lai, vẻ đẹp và sự phù phiếm của chúng, tất cả đều đáng giá từng giây ta sống trên đời. Tôi rất tiếc khi phải nói điều này. Tôi không thích điều này! – Về nội dung: Cuốn sách này thường được liệt vào danh sách những cuốn sách khó đọc nhất trong số những tác phẩm kinh điển. Nhưng nhờ nó mà Doris Lessing đã vinh dự dành được giải Nobel văn học. Tác phẩm viết về các vấn đề liên quan đến người phụ nữ mà chủ yếu là nhân vật Anna Wulf, từ những cảm xúc, tính cách đơn giản nhất như hung hăng, thù địch, oán hận, sung sướng, thậm chí nữ tính,… cho đến những vấn đề lớn hơn ảnh hưởng đến cuộc sống và cuộc đời của những người phụ nữ như tự do, các thể chế chính trị, tình dục, tình yêu,.. Bên cạnh đó, cuốn tiểu thuyết này cũng bao hàm rất nhiều những chủ đề và tri thức của cuộc sống. Có thể nói, đây là một cuốn sách đồ sộ về mặt văn chương và đời sống. Rất khó đọc không chỉ về mặt nội dung mà còn về mặt nghệ thuật. Tóm lại, đây là cuốn sách không dành cho những người đọc dễ dãi. – Về hình thức: sách rất dày, đến hơn 650 trang. Bìa đẹp, gợi sự bí ẩn nhưng có hơi mâu thuẫn với nhan đề ( trong khi tác phẩm là cuốn sổ màu vàng nhưng bìa lại màu xanh). Tuy nhiên điều này không ảnh hưởng mảy may đến giá trị cuốn sách cả. Giấy đẹp, chữ rõ