Dù cuộc sống có bộn bề những khó khăn, mệt mỏi, ta vẫn biết có một nơi yêu thương để quay về. Nơi đó bình yên và cách xa những bon chen, bụi bặm. Nơi ấy có những người yêu thương ta vô điều kiện, cho đi mà chẳng cần nhận lại bao giờ. Đó chính là gia đình.


Phần 1: Lời yêu thương gửi gắm qua từng câu chữ

Gia đình - nơi nương náu bình yên nhất

Lần đầu tiên, sau ba năm đi học đại học xa nhà, tôi thật sự thấy canh rau đay rất ngon! 

Trước kia, tôi vẫn thường chê cái món ăn đạm bạc ấy. Tôi cằn nhằn với mẹ vì cứ phải ăn cái món ăn đó thường xuyên mỗi dịp hè đến. Tôi bị ốm hơn một tháng trời, ăn cái gì cũng không ngon miệng. Đi ăn cơm bụi, thịt cá đầy nhưng tôi nuốt không trôi, lần nào ăn cũng bỏ thừa. 

Lần này vừa về đến nhà, thấy nồi canh nóng hổi nghi ngút khói, bụng lại đang đói meo nên tôi múc luôn một bát húp sùm sụp. Kì lạ thay, chỉ là canh rau đay mà sao tôi thấy ngon đến thế. 

Vẫn là cái món canh rau ngày trước tôi thường chê bai đấy thôi. Thế mà lần này tôi lại uống ngon lành, hết bát này đến bát khác làm mẹ tôi mắng: “Cái con bé này. Sao lại đi húp canh như thế? Lửng dạ thì làm sao ăn cơm được nữa”. Tôi chỉ biết nhìn mẹ cười hì hì: “Tại canh ngon quá mẹ ạ”. 

Bố mẹ tôi ở nhà thường xuyên ăn cơm rau đạm bạc để dành tiền cho tôi ăn học ở thành phố đắt đỏ. Ở nhà có con cá to, con gà béo cũng để phần tôi về rồi mới mổ. Tôi nhớ có lần bố kéo lưới được con cá trắm to đến gần 6 kg, nhưng bố lại thả ra, đợi tôi về rồi bắt. Thế nhưng khi tôi về thì chẳng may con cá đã chết từ bao giờ, thế là bố mẹ cũng chẳng được ăn. 

Tôi xót xa lòng: “Ở Hà Nội con có thiếu cái gì đâu, thịt cá ngày nào con cũng ăn phát ngán, bố mẹ cứ phải để phần con làm gì”. Nhưng mẹ tôi bảo: “Hà Nội khác, nhà mình khác. Ở đó con đi ăn cơm bụi, thịt gà công nghiệp làm sao ngon bằng gà chạy bộ nhà mình”. 

Bố tôi tủm tỉm cười: “Thế gà nó không chạy bộ thì nó đi xe à?”. Thế là cả nhà được một trận cười. Những phút vui vẻ, ấm áp ấy, tôi không tìm thấy ở một nơi nào khác ngoài gia đình. Bố mẹ ở nhà rất lo lắng cho tôi, lần đầu tiên tôi xa nhà sống một mình, mẹ cứ lo tôi không biết cân đối thu chi, đến cuối tháng hết tiền mà bố mẹ không gửi kịp thì lại bị đói. 

Lần nào tôi về cũng xót con: “Chẳng biết nó ăn uống có đầy đủ không mà trông nó gầy thế”. Ngày xưa ở nhà, ốm đau có bố mẹ chăm sóc. Giờ đây đi học xa, vẫn có bạn bè bên cạnh nhưng mình vẫn phải tự lo nhiều hơn. Nhưng tôi tự chăm sóc mình cũng không tốt bằng mẹ chăm sóc cho tôi. Phải chăng khi ốm đau là lúc người ta cảm thấy yếu đuối nhất và nhớ nhà nhất. 

Không biết năm nay tôi gặp phải cái hạn gì mà ốm nhiều thế, lại còn ốm dai, ốm nặng. Không có người thân bên cạnh, tôi không khỏi tủi thân. 

Bố nhắn tin hỏi: “Con ốm đã khỏi chưa. Về nhà bố mổ lợn sạch cho mà ăn”. Tôi ngậm ngùi... Nhớ năm xưa, khi chia tay mối tình đầu, tôi âm thầm đau khổ. Khi đó, gia đình - phải chăng là nơi nương náu bình yên nhất cho những tâm hồn yếu đuối, cho những trái tim tan vỡ. 

Tôi nhận ra rằng chỉ có bố mẹ và anh chị em của mình mới luôn yêu thương mình một cách vô điều kiện. 

Những ngày ốm ở nhà, tôi được ăn cơm nhà mẹ nấu, được sống những ngày thanh thản bình yên. Tôi bị viêm họng cấp lâu ngày, uống bao nhiêu thuốc không khỏi. Về nhà ngày nào mẹ cũng lấy hoa đu đủ hấp với mật ong và quất non cho tôi ăn. 

Bài thuốc dân gian này vốn rất hiệu quả với tôi. Lọ mật ong tôi mua cho mẹ, lần này tôi lại dùng hết. Chỉ có mấy ngày về nhà mà cái cổ họng sưng vù của tôi đã đỡ hẳn nhờ bát mật ong hấp quất và hoa đu đủ của mẹ. Tôi bần thần nhớ đến đôi ba câu thơ của Nguyễn Duy: 

Nhìn về quê mẹ xa xăm 

Lòng ta... chỗ ướt mẹ nằm đêm mưa 

Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa 

Miệng nhai cơm búng, lưỡi lừa cá xương. 


--------------


Một lần nghe hát chầu văn với bà nội, bà bảo ngày xưa dân mình nghèo, nhà dột nát nên những đêm mưa có khi dột cả vào giường. Thương con nên mẹ nhường con nằm chỗ khô, còn mẹ nằm chỗ ướt. Đêm nằm ngủ con có đái dầm ra giường ướt chiếu thì chỗ ướt mẹ nằm, chỗ ráo cho con. Có miếng nào ngon mẹ để phần con hết, mẹ bảo “Mẹ không thích ăn”. Mẹ ôm hết sóng gió của đời, để dành cho con những gì bình yên nhất, hạnh phúc nhất. Bởi vì, đơn giản mẹ là mẹ, và mẹ luôn yêu con. 

Lời mẹ dạy tôi đơn giản lắm, bình dị lắm, nhưng những tầng ý nghĩa sâu xa thâm trầm trong đó, có khi đi hết cuộc đời, tôi cũng chưa hiểu thấu một cách trọn vẹn. Nhưng tôi biết rằng, mỗi bước chân tôi đi, tôi lại hiểu ra rất nhiều điều. Người ta nói, hiểu cuộc sống mới hiểu cha mẹ, cha mẹ luôn biết điều gì tốt nhất dành cho con và luôn bảo vệ con. 

Dù mẹ chẳng phải siêu nhân đâu, nhưng khi lâm vào cảnh khó khăn, khốn cùng hay nguy hiểm, có đứa con nào không gọi: “Mẹ ơi”. Vì mẹ là mẹ, và vì con mẹ sẵn sàng làm tất cả, thậm chí hi sinh cả bản thân mình. 

Tôi cảm thấy hạnh phúc khi được làm con của bố mẹ, được sống trong tình yêu thương vô bờ như vậy. Bố mẹ tôi rất thương tôi. Bố chưa bao giờ dùng đòn roi với tôi, bố bảo: “Sinh ra con gái thương lắm, vì con gái lớn lên phải đi lấy chồng, không được ở với bố mẹ nhiều. Mà mười hai bến nước, không biết bến nào trong...”. 

Còn mẹ tôi thì tâm sự với bác hàng xóm: “Ngày xưa mẹ mình đẻ mình ra, nhà nghèo lại đông con nên chẳng được quan tâm chu đáo. Không như mình bây giờ, phải lo cho chúng nó từng li từng tí, có khi đến lúc nó lấy chồng, có con rồi mình vẫn còn phải lo”. Bố mẹ tôi lúc nào cũng chỉ nghĩ cho con cái. Tôi tự hỏi có bao giờ bố mẹ nghĩ cho bản thân mình? 

Thương bố mẹ, tôi tự trách lòng. Tôi chưa làm được gì cho bố mẹ cả. Cuộc sống cuốn tôi đi, tôi không thường xuyên về thăm bố mẹ được, bố mẹ ở nhà chắc buồn và nhớ mong tôi nhiều lắm. Ngoài kia là gió bụi, là gai góc, là đau thương. Chỉ có gia đình là chốn nương náu bình yên nhất, là nơi mỗi chúng ta tìm về sau những bước chân mỏi mệt.


Nếu có kiếp sau con vẫn là con dâu của mẹ

Tôi và anh yêu nhau, bạn bè anh ai cũng phản đối và họ không hài lòng về tôi, tình yêu đầu của anh là một cô gái xinh đẹp, giỏi giang và giàu có, anh cũng thông minh, đẹp trai và tài giỏi, dường như họ sinh ra là để dành cho nhau, bạn bè anh ai cũng quý cô ấy và họ ủng hộ, tán thành tình yêu của hai người, chỉ có mẹ anh là phản đối, thế rồi anh với tình đầu của anh chia tay sau gần ba năm yêu nhau, mọi người không ai biết lí do là gì, bạn bè anh hết khuyên bảo lại mắng chửi anh ngu ngốc, chỉ có mẹ anh là mỉm cười đồng ý.

Rồi trong số bao cô gái xinh đẹp và thông minh yêu anh, ở bên anh, kể cả chủ động tán tỉnh anh, anh lại chọn tôi, một cô gái bình thường, không xinh đẹp, chẳng giỏi giang cũng không có gì là nổi bật, bạn bè anh phản đối và họ bảo anh muốn chơi bời thì chọn cô nào xinh đẹp mà cặp bồ cho xứng, sao phải chọn con nhỏ nhà quê khó ưa ấy, anh cười và bảo:

- Hết thời chơi bời, cặp bồ rồi nên bây giờ muốn lấy vợ là phải chọn người mình yêu thật sự.

- Mày bảo gì cơ, mày yêu con nhỏ ấy? - Một người bạn của anh tròn xoe mắt hỏi. 

- Ừ, yêu, yêu rất nhiều và rất thật lòng.

Rồi bạn bè anh bảo anh là khùng, chắc muốn tìm của lạ để chơi bời thôi, mẹ anh biết anh yêu tôi, bà bảo anh dẫn tôi về nhà chơi. Anh nói lại với tôi, tôi hơi lưỡng lự và có chút gì đó sợ, mặc cảm vì tôi sợ mẹ anh thất vọng về tôi rồi bà lại phản đối như với tình đầu của anh nhưng anh đã an ủi tôi: 

- Em đừng sợ, cứ thoải mái đi, trước sau gì em chẳng phải ra mắt mẹ.

Tôi gật đầu đồng ý, cuối tuần anh dẫn tôi về nhà anh chơi, tôi chọn cho mình một bộ váy chấm hoa giản dị và trang điểm nhẹ nhàng như ngày thường, tôi không muốn mình phải gượng ép trước mẹ anh, anh mỉm cười hài lòng nhìn tôi khiến tôi bớt run đi phần nào, tôi mua một bó hoa lan đến tặng mẹ anh vì anh có bảo tôi, mẹ anh rất thích hoa lan, loài hoa của núi rừng.

Gia đình anh là một gia đình gia giáo, mẹ anh là giáo viên dạy văn đã về hưu, bố anh là một bác sĩ, sau khi về hưu thì ông mở phòng khám riêng, anh còn có cô em gái đang học lớp 12.

Ấn tượng đầu tiên của tôi khi bước chân vào gia đình anh là một ngôi biệt thự khiêm tốn nằm khuất sau những hàng cây to lớn, mẹ anh ra mở cổng cho chúng tôi, bà chào tôi bằng một nụ cười hiền hậu và thân thiện, tôi phút đầu xóa đi nỗi run sợ và mặc cảm về mình. Hôm ấy, tôi đã cùng mẹ anh nấu cơm, tôi tự tay mình cắm những nhành hoa lan vào bình, mẹ anh mỉm cười hài lòng, bà nói chuyện với tôi rất thân mật và gần gũi, bố anh thì luôn miệng trêu “cưới nhanh đi cho mẹ có cháu nội bồng bế để đỡ buồn”. 

Đó là lần đầu tiên tôi về ra mắt gia đình anh, buổi đầu khá thuận lợi và vui vẻ, cho tới bây giờ thì tôi đã là con dâu của mẹ anh. Tôi không còn gọi bà là mẹ của anh nữa mà tôi gọi là mẹ của tôi. Những ngày đầu về làm dâu, mẹ luôn gần gũi và chia sẻ với tôi về mọi chuyện, quan tâm và giúp đỡ tôi để tôi xóa đi cái mặc cảm của mối quan hệ mẹ chồng- nàng dâu mà xã hội hay nhắc tới.

Tôi về làm dâu mẹ, mẹ coi tôi như con gái, thậm chí còn quý tôi hơn em gái của anh, nhiều lúc em gái anh phụng phịu nói đùa với mẹ: 

- Từ ngày mẹ có con dâu là bỏ mặc con gái, ghen tị với chị dâu quá! 

- Con gái là con người ta, con dâu chính thực mẹ cha hỏi về, mai kia cô đi lấy chồng, cô là con người ta rồi mẹ chồng cô cũng quý và thương cô thế, cô không phải chạnh tị.

Mẹ cười và nói với em mà tôi thấy lòng mình ngập tràn hạnh phúc, từ ngày đầu về ra mắt cho tới khi tôi đã chính thức là con dâu của mẹ, chưa bao giờ mẹ khắt khe hay tỏ thái độ khoảng cách với tôi để trị con dâu, dạy bảo con dâu từ đầu, kẻo nó lại trèo lên cổ mình như người đời vẫn nói.

Mẹ chồng tôi kể, ngày đầu mới về làm dâu nhà bà nội anh, mẹ cũng được bà nội anh thương yêu và dạy bảo nhẹ nhàng, quan tâm rất nhiều. Quê nội anh ở vùng trung du miền núi xa lắc xa lơ, mẹ lại là con gái gốc Hà Nội, về nhà nội anh mọi thứ đều lạ lẫm với mẹ nhưng bà nội anh đã xóa bỏ khoảng cách, mặc cảm và những lo lắng trong mẹ, chính vì thế mà mẹ sớm hòa nhập với cuộc sống mới ở nhà chồng. Mẹ biết ơn bà nội anh rất nhiều nên bây giờ mẹ không muốn con dâu mẹ bị ác cảm hay sợ hãi cảnh làm dâu ở nhà chồng.

Cảm giác làm dâu trong tôi đã hết. Tôi không còn sợ sệt, không còn lo lắng việc phải làm sao cho tròn trách nhiệm làm dâu vì tôi đã quá may mắn được mẹ chồng ưu ái, được yêu thương trong vòng tay của mẹ.

Tôi nhớ, ngày tôi mang thai đứa con đầu lòng, mẹ đã luôn ở bên, chăm sóc và lo lắng cho tôi, nhất là thời kì tôi thai nghén, người mệt mỏi và khó chịu, mẹ biết thế nên luôn giúp tôi làm mọi việc nhà để tôi có thời gian nghỉ ngơi, mẹ tìm những món anh bổ dưỡng và chống nghén để nấu cho tôi ăn, nhiều lúc tôi thấy nghĩ ngợi và ngại với mẹ nên cố gắng phụ giúp mẹ làm việc nhà, dường như mẹ hiểu ý nên mẹ lại bảo:

- Con cứ nghỉ ngơi đi, không phải lo gì đâu, mẹ không muốn con mang nặng tâm lí mẹ chồng nàng dâu, mẹ coi con như con gái của mẹ, mẹ làm cũng là làm cho con, cho cháu mình chứ có làm cho ai đâu mà sợ mệt, sợ thiệt. 

- Mẹ ơi…- Tôi xúc động nghẹn ngào chẳng nói thêm được gì. 

- Có ai đời con dâu đòi làm nũng mẹ chồng thế này không? - Mẹ cười trêu tôi khi thấy nước mắt tôi rơi vì xúc động, vì hạnh phúc.

Rồi tôi sinh con, anh phải đi công tác xa, thời gian ấy bố chồng tôi cũng bận nhiều việc ở phòng khám, em gái anh lại đi học cả ngày, thành ra nhà có mỗi 2 mẹ con và cu cậu mới sinh, mẹ đẻ tôi lại ở xa nên mẹ chỉ lên chăm tôi được tháng đầu rồi phải về ngay vì thời gian ấy quê tôi đang vào mùa vụ, mẹ chồng tôi hiểu ý nên nói:

- Bà không phải lo lắng gì đâu, mùa vụ ở quê cũng nhiều việc nên bà cứ để con bé tôi chăm cho, nó cũng là con tôi mà. 

- Vâng, thế nhờ bà chăm cháu giúp tôi - mẹ tôi cảm kích nói. 

Mẹ chăm tôi từ những ngày ở cữ cho tới khi con tôi cứng cáp lên nhiều, lắm lúc thương mẹ tôi lại bảo mẹ thuê người giúp việc về, mẹ gàn đi: 

- Con không phải lo đâu, mẹ còn khỏe, còn làm được, mẹ muốn tự tay mình chăm sóc cho con, cho cháu mình, con đừng bận tâm nhiều, mẹ nhàn rỗi, ngồi chơi không cũng chán lắm! 

Hết thời gian nghỉ đẻ, tôi lại lao vào công việc của mình, không có nhiều thời gian bên con, mẹ chồng tôi lại giúp tôi trông cháu, nhiều hôm đi làm về mệt mỏi, tôi lăn ra ngủ mà không biết gì, mẹ lại sang bế cháu về phòng mẹ và mẹ ru cháu ngủ vì mẹ sợ đêm con quấy tôi lại không ngủ được. 

Có lần tôi thấy chồng tôi hẹn gặp với tình đầu năm xưa của anh, tôi vật vã ghen tuông sống dở, chết dở, anh thanh minh hay nói gì tôi cũng không nghe, tôi làm ầm cả nhà lên rồi đòi đưa con về ngoại, mẹ không nói gì nhưng tôi thấy đôi mắt mẹ buồn và ngân ngấn nước, đợi cho tôi nguôi giận, mẹ gọi tôi vào phòng ân cần và nhẹ nhàng khuyên bảo tôi:

- Mẹ biết, lòng con đang rối bời, các con lại còn trẻ, chưa hiểu lắm đạo lí, mẹ không trách gì cả, mẹ coi con như con gái của mẹ, con có biết tại sao ngày ấy mẹ phản đối chồng con yêu cô gái kia nhưng lại đồng ý ưng thuận để con về làm dâu mẹ không? 

Tôi nhìn vào ánh mắt mẹ và thấy có lỗi, tôi không nói được gì, mẹ nói tiếp, giọng vẫn đều đều và nhẹ nhàng thế: 

- Mẹ không cần con dâu xinh đẹp hay giỏi giang, mẹ cần một cô con dâu biết vun vén cho gia đình và hiểu chuyện, ngày đầu gặp con mẹ đã thấy được điều đó. 

Tôi xấu hổ cúi mặt xuống sau câu nói của mẹ, cảm giác tội lỗi và ân hận xâm chiếm suy nghĩ của tôi, bây giờ thì tôi đã hiểu tại sao ngày ấy mẹ lại chọn tôi làm nàng dâu của mẹ, thế mà bây giờ tôi lại làm mẹ buồn lòng, tôi lí nhí nói:

- Con xin lỗi mẹ. 

- Hai vợ chồng có gì thì bảo ban nhau, đừng làm ầm lên kẻo hàng xóm chê cười - Mẹ nắm lấy bàn tay tôi nói. 

Tôi đi về phòng và thấy anh đang đứng bên cửa sổ, điếu thuốc đang cháy trên tay anh, lâu lắm rồi tôi mới thấy anh hút thuốc, tôi lại gần ôm anh từ phía sau: 

- Em xin lỗi, đừng giận em nhé! Anh xoay người lại ôm ghì lấy tôi, tôi bình yên và hạnh phúc trong vòng tay ấm áp của anh. 

Tôi đã làm dâu của mẹ gần năm năm nhưng chưa một lần hai mẹ con to tiếng, chưa bao giờ mẹ nói nặng tôi lời nào dù tôi biết có nhiều điều mẹ vẫn chưa thật sự hài lòng về tôi nhưng mẹ luôn vị tha và bao dung với tôi. Tôi hạnh phúc vì có mẹ chồng tuyệt vời và còn hạnh phúc hơn khi ai đó ngạc nhiên nói “Mẹ chồng - con dâu mà cứ như mẹ con gái với nhau ý”.


Phần 2: Nói với con bằng tình thương của gia đình

Viết cho những người con

Dành tặng cho những người con đang xa nhà.

Bạn có nhớ ai đó mỗi chiều tối vẫn ngóng trông, mong mỏi, nhìn về nơi xa xăm lo lắng cho bạn không? Bạn đừng có vì lý do bận quá mà không gọi điện hỏi thăm mẹ, trong khi bạn có thể dành hàng giờ cho những chuyện khác với ai đó khác. Chỉ cần mỗi ngày vào buổi tối hay cuối một tuần một lần bạn hãy gọi điện cho mẹ, câu chuyện nghe có vẻ nhàm chán nhưng đó là cách duy nhất để bạn thể hiện tình cảm với mẹ trong lúc xa nhà. Đừng để đến lúc muốn gọi điện cho mẹ cũng không còn cơ hội nữa.

Dành cho những người con ở cạnh mẹ.

Đừng vì sống cạnh bên mẹ mà ỷ lại vào mẹ. Mỗi buổi sáng thức dậy hãy gấp chăn màn lại, đừng để mẹ động tay vào những việc nhỏ nhặt ấy mà hãy dành thời gian để quan tâm giúp mẹ những việc nhà tưởng chừng đơn giản. Mẹ không thể chăm lo mãi cho bạn được, mẹ chỉ đi với bạn một đoạn đường của cuộc đời thôi, cuộc sống không vĩnh cửu. Đừng để đến lúc không còn mẹ nữa mới ngồi sụt sùi thương nhớ về những hình ảnh của mẹ. 

Dành cho những cậu ấm, cô chiêu.

Đừng có phụng phịu mỗi sáng thức dậy hay lúc đi học về, đòi hỏi mẹ thế nọ, thế kia. Đừng thấy mẹ lam lũ mà so sánh với người khác. Đừng cãi lời mẹ lúc mẹ khuyên răn. Cuối tuần thấy mẹ nấu ăn thì hãy vào giúp mẹ, đừng nói câu: “Mẹ không phải làm, nhà mình thuê người giúp việc để làm gì?”. Đơn giản là mẹ muốn dành những bữa ăn ấm cúng ấy cho gia đình.

Dành cho những nàng dâu.

Đừng vì chuyện mẹ chồng nàng dâu mà làm phật lòng mẹ. Đừng vì thấy chồng quan tâm mẹ nhiều mà cảm thấy mình lạc lõng bởi vì trong thế giới của con trai mẹ là số một vợ chỉ là số hai mà thôi. Hãy làm tốt nhiệm vụ của một nàng dâu thảo hiền, vì mẹ là người đã trao tặng người yêu thương nhất của đời mẹ cho bạn. Hãy tin rằng mẹ cũng yêu thương bạn vì mẹ cũng đã từng làm dâu như bạn đó thôi. 

Dành cho những chàng rể.

Đừng vì câu nói rể là khách mà tự ái đối xử với mẹ vợ như là một vị khách, bởi vì mẹ vợ hay mẹ đẻ cũng là bà của con mình. Bởi vì đó là người phụ nữ mà vợ bạn yêu thương nhất trước khi trao yêu thương cho bạn. Bởi vì mẹ rất tin tưởng ở bạn nên mẹ mới gửi gắm trao cả cuộc đời con gái cho bạn. 

Dành cho những ai không còn mẹ. 

Hãy nhớ đến ngày mẹ mất thì sắp mâm cơm cúng, thắp nén hương thơm để tưởng nhớ đến mẹ. Đừng để công việc cuốn đi mất những ký ức thân thương về mẹ, vì trên đời này không ai chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau nuôi ta khôn lớn mà không kêu than một lời. Bởi vì trên đời này chúng ta chỉ có một mẹ mà thôi.

Dành cho những ai đọc được bài viết này.

Không có điểm tựa nào vững chắc như bờ vai mẹ. 

Không có bàn tay nào dịu dàng như bàn tay mẹ. 

Không có lời ru ngọt ngào nào như lời ru của mẹ. 

Không có tình cảm nào có thể so sánh với tình mẹ, bởi vì tình yêu của mẹ dành cho ta không có sự tính toán thiệt hơn. 

Hãy biết trân trọng những điều đó!


Con gái à, để được yêu, chúng ta cần rất nhiều cố gắng

Con gái à! Con gái à chúng ta sẽ chỉ có một cuộc đời để sống. Một cuộc đời dài rộng 60 năm đã đến 2/3 thăng trầm bão táp. Con gái mẹ rồi sẽ hiểu chúng ta cần một căn nhà biết bao nhiêu, chúng ta cần một căn nhà để biết là khi ốm đau vẫn có người thuốc thang lo lắng, có một người dù mưa nắng vẫn đợi ở cửa nhà, một người sẵn sàng ôm lấy con nói là “tất cả rồi sẽ qua”. 

Con gái à, bố mẹ rồi sẽ già, con rồi sẽ lớn lên, những điều mẹ nói ở trên bằng tất cả những yêu thương suốt một đoạn đường dài mẹ đi cùng bố. Không thể o ép con gái mẹ hãy yêu một người đàn ông như bố, nhưng con hãy nhớ đó là sự lựa chọn của con mẹ không thể nào thay con sống được.

Con gái à, phụ nữ dù làm ra tiền ít hay nhiều cũng nên rời khỏi căn bếp của mình mà ra ngoài tìm việc. Đồng lương dù có ít nhưng đó là giá trị của bản thân, người đàn ông là chồng con sẽ không có lí do nào chỉ thẳng vào mặt con: “Tôi đang nuôi cô bằng chính tiền lương tôi vất vả kiếm được”. 

Con ra ngoài tìm việc không có nghĩa là để căn bếp nhà mình hẩm hiu. Con có thể tự bỏ tiền thuê một người giúp việc dọn dẹp cửa nhà, bữa cơm không cần phải hai bữa con phải nấu nhưng cuối tuần hãy khéo léo kéo chồng mình vào bếp cùng nhặt rau. Người ta sẽ chỉ thật sự yêu nhau nếu có thể cùng cảm thông và san sẻ, chuyện dù bé như quét nhà, nhưng lại là những phút giây bên nhau đáng quý. 

Con gái à, có một điều con nhất định không được quên, khi một người đàn ông yêu con họ sẽ gánh chín phần lo chỉ để cho con một phần vì sợ con nặng nhọc, nhưng khi con đã gật đầu khoác chiếc áo cô dâu về làm vợ mọi thứ sẽ hoán đổi rất nhanh. 

Anh ta sẽ chỉ lo một còn phần con sẽ chín phần từ bố mẹ chồng, tiền nong, cơm áo. Hạnh phúc, khổ đau không phải là một chiếc áo mà khi không thích con có thể cởi bỏ vứt ngay, nó là một hành trình dài mà phải kiên cường người ta mới đi cùng nhau được. 

Con gái à, đừng cảm thấy vui trước một người đàn ông mua cho con nhiều hoa, gửi tặng cho con nhiều món quà . Hãy từ chối anh ta và đề nghị thật rõ ràng con sẽ trả tiền phần ăn hôm nay nếu hôm trước anh ta đã mời con dùng bữa.

Con gái à, tình yêu của đàn ông cũng thiệt lạ, họ trước chúng ta cao lớn, vững chãi nhưng cũng sẽ có những ngày giống như một đứa trẻ mong được mẹ thứ tha, sẽ cũng cần bờ vai của phụ nữ chúng ta lắm chứ. Mẹ mong là trước sai lầm con đừng mang bát đũa ra xô xát, đừng đay nghiến chì chiết nhau, bởi sẽ chẳng có người đàn ông nào nhẫn tâm không thương yêu con gấp bội phần nếu một lần được con tha thứ. 

Con gái à, phụ nữ là để yêu, nhưng để được yêu chúng ta cần nhiều cố gắng. 

Còn điều này nữa, con gái của mẹ đừng lo lắng. Hãy cứ yêu như chính trái tim con đang đập, như nhịp thở của chính con. 

Nhưng con đừng quên, sẽ không có ai cho chúng ta dựa lên đôi chân của họ nếu như chúng ta không hiểu rằng không có đôi chân nào vững chắc hơn đôi chân mình tự đứng. 

Hãy độc lập và đừng lệ thuộc, con yêu ạ và nhớ là đừng vội buông tay. 

Có những thứ mãi không trở về khi con đã buông tay, cuộc đời này không có quá nhiều điều khiến bản thân hối hận nhưng biết đâu rằng sẽ rất đau.


Bố bảo con trai trước khi lấy vợ

Bố bảo lúc giận có thể cãi nhau nhưng đừng thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Cãi nhau không có nghĩa con dùng những lời lẽ xúc phạm dành cho người mà con sẽ đầu gối tay ấp cả cuộc đời. Cãi nhau có nghĩa là nói hết những gì trong lòng để hai vợ chồng con hiểu lẫn nhau, thông cảm cho nhau, xóa đi hết mỏi hiểu lầm. Bản thân con còn chẳng hiểu được con, thế nên đừng mong người khác phải hiểu con khi con cứ giữ trong lòng. 

Bố bảo cãi nhau với phụ nữ thì đừng có nói nhiều. Chỉ cần nói vừa đủ. Độ khuếch tán âm thanh của đàn ông chẳng bao giờ bằng phụ nữ. Một người vợ chân chính sẽ đủ tinh tế để biết khi nào cần nói, lúc nào nên im lặng - ngay cả trong khi nóng giận nhất. 

Bố bảo nhìn vào chiếc giường là biết cuộc sống vợ chồng có hạnh phúc hay không. Dù chuyện gì xảy ra đi chăng nữa, đừng mang chăn gối ra sofa ngủ, cũng đừng quay lưng vào người vợ của con, hãy ôm cô ấy vào bờ vai và khuôn ngực nóng hổi của con. Tất cả sẽ qua đi, chỉ tình yêu còn lại. 

Bố bảo dù ở ngoài xã hội, con có là xe ôm, hay ông lớn, ông bé, thì về nhà con vẫn là trụ cột của gia đình. Vợ con có thể là người phụ nữ rất đảm đang, cô ấy có thể đóng đinh, sửa ống nước hay tháo quạt trần, nhưng hãy làm việc đó - trừ khi con quá bận. Nó vừa thể hiện sự công bằng, vừa thể hiện sự chia sẻ vợ chồng. 

Bố bảo sau khi kết hôn sẽ hơn một lần con cảm thấy hối hận, thậm chí có mối quan hệ ngoài chồng ngoài vợ. Mỗi lần như vậy con hãy nhớ rằng: Người bồ hiện tại yêu con mười phần, người vợ hiện tại cũng đã từng yêu con mười phần, nhưng khi bước vào hôn nhân, vai trò của phụ nữ càng trở nên phức tạp hơn, ngoài tình yêu họ còn có cả trách nhiệm. 

Vì vậy khi đã kết hôn, người ta sẽ không thể yêu con mười phần được nữa. Họ phải dành một phần trong số đó để yêu bố mẹ chồng, rồi lại một phần để yêu bố mẹ họ, còn thêm một phần nữa cho con cái. Và như thế, mười phần tình yêu khi bước qua hôn nhân chỉ còn lại bảy phần. Bằng cách này hay cách khác, ba phần con mất đi từ người vợ sẽ được nhận lại gấp đôi từ gia đình và con cái của con. 

Và một lí do nữa, người bồ sẽ chỉ đem lại cho con hạnh phúc nhất thời, còn người vợ sẽ đem lại cho con hạnh phúc bền vững. Thật tuyệt vời phải không? 

Bố bảo thời kì mang thai là thời kì khó khăn nhất đối với người phụ nữ. Là bởi vì muốn có được thiên thần thì phải qua thời gian khổ cực. Chính vợ con là người đã gánh vác sự khổ cực đó để đem lại niềm vui cho cả nhà. Thế nên đừng thở dài khi thấy vợ con chẳng còn được vẻ đẹp thời thiếu nữ, hay cũng đừng tức giận khi con nằm cạnh vợ mà chẳng thể làm gì. Hãy cùng cô ấy cảm nhận niềm vui của những ông bố bà mẹ, chắc sẽ thú vị lắm. 

Bố bảo chuyện mẹ chồng nàng dâu là chuyện muôn thuở, giống như bệnh tiền mãn kinh vậy. Thế nên con hãy là sợi dây kết nối họ - hai người phụ nữ yêu con nhất trên đời. Đừng để mẹ cảm thấy bà đã mất con trai, và vợ con cảm thấy chồng mình là người nhu nhược. Như thế mới là đàn ông chân chính. 

Bố bảo rằng đừng tưởng người mẹ mới dạy dỗ được con. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, trong thời gian người mẹ mang thai thì người cha mới là người ảnh hưởng lớn nhất đến tình cảm và sự phát triển của trẻ. Con có thể không là người bố tuyệt vời nhất thế giới, nhưng hãy là người bố tuyệt vời nhất trong lòng những đứa con. 

Bố bảo "Phụ nữ là để yêu, không phải để hiểu". Nhưng nếu không hiểu, thì con chẳng thể yêu. Hãy hiểu họ bằng chính trái tim mộc mạc của con. 

Bố bảo "quá khứ là thứ đã qua, hiện tại mới là cuộc sống". Nếu quá khứ của vợ con có lỗi lầm, đừng chấp nhặt, cũng đừng đay nghiến, vì đồng ý lấy vợ, là con đã chấp nhận tất cả những gì thuộc về cô ấy. Hãy khoan dung và độ lượng. Dù không nói ra nhưng chắc chắn, cô ấy sẽ yêu con đến suốt cuộc đời - một tình yêu bao gồm cả sự biết ơn và tôn trọng. 

Và cuối cùng bố bảo, cuộc sống luôn thay đổi, hãy biết trân trọng từng ngày.


Phần 3: Cùng bên nhau đến hết cuộc đời

Khi chúng ta già đi, anh sẽ vẫn nắm tay em chứ?

Người ta yêu nhau, lấy nhau biết bao lời đường mật rồi khi là của nhau mộng đẹp vỡ tan, ốm đau tự chịu. Trưa nay cả hai vợ chồng cùng mệt, nằm thoi thóp chờ một cơn đau. Trong đôi mắt sâu thẳm của người ấy chứa một hồ nước thu man mác sầu. 

Nắng tháng 4 sắp về rồi. Chúng mình nắm tay nhau ngồi bên cửa sổ hóng chút gió cuối mùa. 

Không phải là chờ nắng nhạt, là mộng sắp tan mà là mong mỏi trăng đêm. 

Ánh trăng đêm heo hắt cô đơn mòn mỏi sẽ chiếu xuống đôi bàn tay đang nắm chặt. 

Phải rồi, hai con người cô đơn gặp nhau ở thế giới này rồi cùng bị chịu đơn độc với nhau, như thế, hai người sẽ chẳng đơn độc nữa. 

Người ta bảo hạnh phúc là gì nhỉ? 

Là hai người cùng nhìn về một hướng. 

Là khi chân của anh đau nhưng khi nghĩ đến cái đau của vợ anh lại quên mất nỗi đau của mình. 

Là mâm cơm dưa cà đạm bạc mỗi tối trở về vợ chồng cùng nhau nấu.

Là những cái nắm tay thật chặt cùng khăn giấy lau nước mắt. 

Có phải không anh? 

Những tháng ngày mệt mỏi rồi sẽ qua thôi. Anh nhỉ?

Khi tháng tư đem nắng dệt vàng ô cửa nhỏ 

Em lại là người vợ vụng về của anh

Bên nồi cơm đôi khi cháy xém 

Mỗi lần vào bếp lại “Á ui, ôi chao...” 

Anh lại là anh người đàn ông mẫu mực

Đôi mắt xanh tựa mặt hồ sâu thẳm

Tay ngại ngùng tìm kiếm một bàn tay 

Một sương hai nắng 

Sẽ qua bao mùa gió trở 

Điểm giọt bạc trên tóc anh xanh, 

Chúng mình sẽ già đi cùng nhau 

Trưởng thành như những người lớn bây giờ 

Chẳng còn đâu trái tim vụng dại 

Cũng chẳng còn cãi nhau như những đứa trẻ nữa 

Con cái chúng ta rồi cũng đi xa 

Như chúng ta bây giờ ở rất xa cha mẹ 

Nếu chúng ta già đi

Anh sẽ vẫn nắm tay em chứ? 

Để cùng ngắm bình minh, ngắm trăng về 

Bên ô cửa sổ dệt những áo nắng vàng

Mình nắm tay nhau cho đến lúc ngày tàn. 


... 


Có nhiều đêm mùa đông như thế khi mình tỉnh dậy lúc nửa đêm vì đói hoặc cần đi vệ sinh, thấy chồng cũng ngồi dậy theo. 

- Ơ, chồng dậy làm gì đấy? 

- Dậy bật điện cho vợ kẻo ngã. - Rồi vơ cái áo khoác to đùng đưa cho mình. - Mặc vào không lạnh. 

- Không cần dậy đâu vợ tự làm được. - Mình nói xong câu đó thì có người đã bật điện và khoác thêm áo cho mình rồi. 

Sau khi lấp đầy cái dạ dày khó tính kén ăn, mình leo lên phòng chuẩn bị tắt điện thì lại thấy chồng bật dậy lần nữa. 

- Chồng lại dậy làm gì thế? 

- Chuẩn bị chăn ấm cho vợ. - Rồi xích sang bên cạnh mở ra khoảng chăn cho mình chui vào chỗ chồng vừa nằm cho ấm. 

Trong phút chốc mình thấy nhỏ bé vô cùng. Còn thế giới to ấm áp bên cạnh đang đan chặt tay mình. Sưởi cho mình chút hơi ấm áp, yêu thương rồi đưa vào giấc ngủ một nụ hôn yên bình. 

Cứ thế đã qua mấy mùa đông. Với bàn tay ấm, nụ cười bao dung mà mình đã đi qua. Chẳng biết mãi mãi là gì, vĩnh cửu là gì. Chỉ biết rằng đôi bàn tay nhỏ này, đôi chân lạnh cóng này không thể tự làm ấm mỗi mùa đông đã luôn có người nắm chặt. 

Từ bé đến lớn mình luôn có cảm giác không an toàn. Vậy nên khi ngủ rất hay giật mình, có nhiều khi còn khóc cả trong mơ nữa. Nhưng người ấy đã đến vào một ngày se lạnh để rồi chở che mình trước bao sóng gió. 

Mình không phải người phụ nữ thùy mị, lại càng không đảm đang, chu đáo. Thế nhưng người ấy vẫn bao dung, đem đến bao yêu thương bình dị. Ngày trước mình cứ nghĩ có tiền mới hạnh phúc, rồi khi giàu rồi ai cũng hạnh phúc thôi. Nhưng kể từ khi có bàn tay ấy mình đã mãn nguyện rồi. 

Có rất nhiều người phụ nữ mong mỏi mồng 8/3 chỉ là vì ngày ấy chồng sẽ xắn áo vào bếp nấu một bữa cơm cháy đen đỏ, rồi nhìn chồng lấm tấm mồ hôi mà mãn nguyện. Nhưng mình cảm thấy thế là không công bằng. Đàn ông cũng phải thường xuyên vào bếp chứ không riêng gì tám tháng ba. Mà nếu nói thế thì ngày nào với mình cũng là ngày phụ nữ. 

Rồi có nhiều khi những món quà đắt tiền trở thành vô nghĩa khi ốm đau. 

Người ấy có thể chỉ tặng mình một cái cặp ghim 1000 đồng đêm Giao thừa cũng luôn có ý nghĩa như việc người ấy vì sợ mình lạnh mà tranh rửa bát, giặt đồ. 

Không biết tương lai sẽ đưa chúng ta đến đâu. Nhưng hiện tại và quá khứ yêu nhau nhiều khi cứ ngỡ như một giấc mơ đẹp đang kéo dài. 

Có thể chúng ta thuộc về nhau đã từ rất lâu. Có thể chúng ta đã nợ nhau quá nhiều để rồi bây giờ cùng xây những hạnh phúc nhỏ tặng lại cho nhau.


Hãy vịn vào nhau đi hết cuộc đời

Bà đưa từng muỗng cháo vào miệng ông, chăm chút và tỉ mỉ. Ông nằm viện cũng gần một tháng nay vì chứng bệnh u tuyến tiền liệt. Căn bệnh của người già. Các cháu khuyên bà ở nhà, nhưng bà không bằng lòng. 

Vì sao ư? Bà nói rằng hình hài gầy yếu đang nằm trên giường kia là người bạn đời, đã chia sẻ mọi buồn vui với bà trong mấy chục năm cuộc sống. 

Đôi tay ông khẳng khiu, đầy vết truyền nước biển đã lao động nặng nhọc để lo toan cho gia đình. Bà kể rằng thời trẻ mái tóc ông đẹp lắm! Mềm và sợi nhỏ, rất đen. Bà rất yêu bàn tay ông, những ngón tay đàn ông mà mềm mại. Gian lao cuộc đời lấy đi màu đen của tóc, bàn tay ông giờ chai sần, các đốt tay gồ ghề… 

Bà thì có mạnh khỏe gì cho cam. Bà mang chứng bệnh thần kinh tọa nhiều năm nay. Hễ trái gió, trở trời là hai chân đi lại khó khăn. Lúc ông chưa nằm viện thì ông lại cần mẫn chăm sóc cho Bà. Ông vẫn đi chợ chọn mua đồ ăn, về nấu những món bà thích. Vất vả trong bếp nhiều giờ liền, nhưng dọn lên cả hai ông bà đâu ăn được bao nhiêu. 

Căn nhà vắng vẻ! Con cháu ở riêng và ở xa, mỗi năm chỉ về thăm ông bà dịp Tết. Cũng có năm bận rộn, chúng cũng không về. Phương tiện thường sử dụng nhất là điện thoại. Mà ông bà cũng thông cảm, dù trong thâm tâm vẫn ao ước được nhìn thấy con, thấy cháu ngồi ăn bên cạnh mình. Ông bà vẫn thầm ao ước nghe thấy tiếng con mình trò chuyện trong nhà. Nó gợi lại trong ông bà thời hàn vi nuôi con. Rất vất vả nhưng hạnh phúc. Niềm hạnh phúc ẩn giấu trong tận trái tim, trong từng mạch máu khi thấy con từng bước trưởng thành. 

Bây giờ cao tuổi, ông bà quên nhiều thứ. Riêng một thứ ông bà không bao giờ quên! Đó là kỷ niệm của từng đứa con, đứa cháu thuở còn chung sống một mái nhà. Nếu có kể chuyện thì ông bà không quên chi tiết nào cả. Đó chính là tình thương, tình yêu của cha mẹ dành cho các con - những đứa con không bao giờ lớn dưới mắt ông bà. 

Hôm nay tốt trời. Ông muốn bà xin phép bác sĩ, đẩy xe lăn đưa ông ra ngoài cho thoải mái một chút. Ra đến công viên trước bệnh viện, ông muốn bà cho ông bước xuống xe để tự đi dạo cùng bà. Bà cười bảo: “Ông già yếu rồi mà còn định bày trò lãng mạn như thời trẻ mới yêu nhau hả?”. Ông trả lời: “Bây giờ tôi và bà hãy vịn vào nhau đi hết cuộc đời này nhé!”. Bà im lặng, hai dòng nước mắt tuôn trào…




Review chi tiết bởi: Ngô Yến - Bookademy


Hình ảnh: Ngô Yến


--------------------------------------------------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy


(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.




Xem thêm

Tết Nguyên đán đang cận kề cũng chính là dịp đặc biệt để ta có thể trở về sum họp bên gia đình yêu thương, bên bữa cơm tối quây quần bên nhau. Nhân dịp này BAIT muốn gửi đến bạn một cuốn sách “Gia đình là tuyệt vời nhất”, tuyển tập những câu chuyện hay và ý nghĩa nhất trong cuộc sống về tình cảm gia đình.

“Bố à, trái tim màu hồng thắm, những bông tuyết sáng bạc, quả cầu vàng rực, những bông hoa hồng đỏ, trắng, cam. Chúng bay lên cao, cao mãi, rồi rơi xuống như một dải ngân hà. Cuối cùng là những ngôi sao xanh chúng bay rộng khắp cả bầu trời. Ồ, hình như chúng trốn vào mây và không xuống nữa, bố ơi!”.

Cô con gái miêu tả vẻ đẹp của pháo hoa đêm giao thừa cho người bố già yếu đang nằm viện nghe. Từ nhỏ cô được nghe bố cô kể về pháo hoa rất nhiều lần, cô luôn khao khát được một lần ngắm nhìn sự rực rỡ của pháo hoa. Nhà cô ở tận tỉnh lẻ, rất xa so với thành phố, những năm tháng còn nghèo đói, chỉ có ở thành phố mới có pháo hoa để xem. Người bố vì muốn an ủi và thoả mãn ước mơ của con gái đã chèo lên ngọn sung ở bờ ao đêm 30 Tết, nói rằng đã nhìn thấy pháo hoa nơi thủ đô phồn vinh hoa lệ “Đẹp lắm con ơi! Trái tim màu hồng thắm, những bông tuyết sáng bạc, quả cầu vàng rực, những bông hoa hồng, đỏ, trắng, cam. Chúng bay lên, bay lên mãi, rồi rơi xuống như một dải ngân hà. Cuối cùng là những ngôi sao xanh chúng bay rộng khắp cả bầu trời. Ồ, hình như chúng trốn vào mây và không xuống nữa con à!”. Thật ra cả hai bố con đều không hề nhìn thấy pháo hoa, Hà Nội xa như thế, sao nhìn thấy được ánh sáng lộng lẫy nhưng nhanh lụi tàn của pháo hoa từ miền quê xa vắng. Từ cửa sổ của bệnh viện cũng không nhìn thấy được sự rực rỡ sắc màu của pháo hoa của đêm giao thừa. Dù là lời nói dối, nhưng đây là lời nói dối ngọt ngào, ấm áp, lời nói dối của sự yêu thương, và cũng là lời nói dối của sự hy sinh, bởi sau khi trèo lên ngọn sung tả pháo hoa cho cô con gái, người bố đã bị ngã xuống ao, kết quả sáng mùng 1 Tết người bố bị cảm lạnh. Sau này khi bố già yếu cô con gái tuy đã có gia đình riêng, nhưng xin phép chồng cho được vào chăm sóc cha đau yếu trong viện.

Trên đây là “Bí mật đêm giao thừa”, một trong những câu chuyện hay và cảm động nhất trong cuốn sách, đã cho chúng ta thấy được cái đẹp của tình cảm gia đình. 

"Gia đình là tuyệt vời nhất" là cuốn sách tập hợp 35 tác phẩm hay nhất được chọn ra từ hơn 300 tác phẩm tham gia cuộc thi “Viết về gia đình”.  Quyển sách mang những câu chuyện rất thật thà, quen thuộc, dung dị mà đong đầy cảm xúc. Xen lẫn vào đó là những cung bậc cảm xúc, nỗi niềm còn day dứt, đau đáu... những nỗi buồn, nỗi niềm được bày tỏ và được vỗ về, sẻ chia cùng mọi người cho ta thấy tình cảm và sự bình yên, tình thương yêu che chở của mái ấm gia đình hạnh phúc và cao quý biết bao.

Những câu chuyện không chỉ được viết bởi những tác giả nhiều kinh nghiệm mà còn những tác giả trẻ nên những chia sẻ về những người thân thuộc, những câu chuyện giản dị được tác giả kể lại một cách thiêng liêng với những ngôn từ gần gũi.

Cuốn sách này dành tặng tất cả những người muốn sống một cuộc đời hạnh phúc, đong đầy yêu thương. Chúng tôi đã rất hồi hộp chờ đợi cuốn sách ra đời. Và chúng tôi tin tưởng vào giá trị của cuốn sách. Hai chữ “Gia đình” thiêng liêng đến thế, đẹp đẽ đến thế, dung dị đến thế, đặc biệt sau khi đọc cuốn sách này chắc chắn bạn sẽ yêu thương, trân trọng mái ấm gia đình của mình hơn.

Cuốn sách được chọn lọc, tổng hợp từ 35 tác phẩm trong hơn 300 tác phẩm của các tác giả, do đó cuốn sách này cũng chính là tổng tập nhiều câu chuyện khác nhau về các gia đình khác nhau, do đó mang đến nhiều cảm xúc cho bạn đọc.

Câu nói hay dành tặng bạn

“Gia đình là tế bào của xã hội, gia đình tốt thì xã hội tốt. Nền tảng gia đình cũng là nền tảng xã hội. Có bao nhiêu hoàn cảnh là có bấy nhiêu vui buồn. Nhưng bất luận thế nào thì tình cảm gia đình vẫn là thiêng liêng và cao cả nhất.”

Tác giả:

Bản thảo tuyệt vời được chọn lọc, tổng hợp từ 35 tác phẩm của các tác giả xuất sắc nhất trong cuộc thi “Viết về gia đình” được tổ chức bởi Fanpage Quán Chiêu Văn nhân Ngày Gia Đình Việt Nam 28/6. Fanpage Quán Chiêu Văn là nơi dành cho những anh, chị, em yêu thích văn chương và yêu thích viết lách. Cùng gặp gỡ và giao lưu tương tác về văn chương. Từ những tác giả trẻ tuổi đến những tác giả đã có nhiều năm kinh nghiệm, những chia sẻ về gia đình của chính tác giả, về những người thân thuộc như: ông bà, bố mẹ, bác, chú, anh chị em... những câu chuyện dung dị, đời thường đều được các tác giả kể lại vừa thiêng liêng, vừa gần gũi. Vì thế, cuốn sách giống như một người bạn không thể thiếu trong mỗi gia đình.

Trong tâm hồn, tình cảm của mỗi con người chúng ta, gia đình luôn là điều thiêng liêng và cao cả nhất. Gia đình chính là nơi chúng ta cất tiếng khóc chào đời, là nơi nuôi dưỡng và yêu thương chúng ta vô điều kiện. Gia đình - đó là nơi chứng kiến những niềm vui, nỗi buồn, những bước thành công, những lần vấp ngã, những giọt nước mắt... Bởi thế, gia đình là nơi “bão dừng sau cánh cửa”.

Bất kể chúng ta còn ở tuổi ấu thơ hay khi đã về già, hoặc thậm chí khi chúng ta phạm phải những sai lầm thì gia đình vẫn luôn là nơi mở rộng cánh cửa đón chào chúng ta trở về. Bởi đôi khi hạnh phúc chỉ đơn giản là còn được về nhà.

Trong những thập kỷ gần đây, gia đình Việt Nam đã có nhiều chuyển biến, từ mô hình gia đình truyền thống sang gia đình hiện đại. Bên cạnh đó, những mối lo toan cơm áo gạo tiền đã vô hình khiến mối quan tâm của chúng ta dần xê dịch sang những vấn đề khác mà chúng ta cho là quan trọng hơn việc cần quan tâm những người thân trong gia đình. Trong guồng quay với những áp lực đè nặng đó, cuốn sách “Gia đình là tuyệt vời nhất” chính là một bức tranh cuộc sống an yên giúp chúng ta tự ngẫm lại và trân trọng hơn những người thân trong gia đình. Vì được tổng hợp từ các tác phẩm của các tác giả trên mọi miền tổ quốc nên cuốn sách chắc chắn sẽ mang nhiều cảm xúc khác nhau, có thể chúng ta sẽ tìm thấy sự đồng điệu hoặc nhìn thấy câu chuyện của chính mình ở nơi đó. Ngoài ra, khi đọc cuốn sách này chúng ta cũng sẽ được sống với những câu chuyện của tác giả.