Bạn giống tôi chứ nghiện cái cảm giác tim mình rung lên vì hạnh phúc?.Thật vậy, đây là một câu hỏi trong quyển sách Là Vì Con Tim Anh Rung Lên được chắp bút bởi tác giả trẻ Quang Đạt. Quyển sách là lời cảm ơn những tháng năm thanh xuân của chính tác giả, đồng thời là động lực hoàn thiện bản thân, theo đuổi ước mơ, đam mê của các bạn trẻ gen Z. 

Quang Đạt là ai?

Quang Đạt hay Nguyễn Quang Đạt, được biết đến khi trở thành Cơ Trưởng của hàng hàng không Jetstar Pacific, là cơ trưởng đẹp trai, trẻ tuổi nhất trong lịch sử Ngành hàng không dân dụng Việt Nam ở tuổi 23. Mặc dù công việc cơ trưởng của hãng hàng không có rất nhiều áp lực nhưng Quang Đạt vẫn luôn vui vẻ, hài hước, tích cực. Anh được biết đến rộng rãi trên mạng xã hội đốn tim phái nữ khuôn mặt điển trai, thân hình cực chuẩn cùng với nụ cười đốn tim phái nữ. 

 Là vì con tim anh rung lên là quyển sách đầu tay của anh, chàng trai sáng đi làm dậy sớm làm một công việc khô khan, đêm thao thức ngồi viết những điều dịu dàng. 

Những mùa hè của Quang Đạt

Khi nhắc tới mùa hè, chúng ta, ai cũng có những mùa trưa hè nóng bức oi ả, hay là những trưa hè cùng những bộ phim thú vị, những bản nhạc thân quen hay là những trưa hè cùng chiếc máy điều hoà làm mát cả căn phòng. Nhưng đối với Quang Đạt thì đây là những mùa hè lại là những câu chuyện đặc sắc, tràn đầy năng lượng, mang bao kỉ niệm cùng với một thời tuổi thơ đáng nhớ của anh, đồng thời là những hồi ức tốt đẹp nhất trong chính anh.

Những mùa hè của tôi là những tháng ngày trong nắng. Cái nắng tươi mới và dịu dàng như nụ cười của một cô gái trẻ. Tôi khi ấy chưa đầy mười tuổi: không khói bụi, không mồ hôi, không lo toan này nọ. Cứ hè đến, căn nhà bên hồ ở ngoại ô Hà Nội lại trở thành nơi tránh nóng của bốn anh chị em của chúng tôi. Căn nhà một tầng nhỏ nhắn chỉ cách hồ thả cá một hàng rào hoa tầm xuân thơm ngát. Vườn trước nhà được ông bà tôi mang về trồng đủ loại cây trái: vải, na, bưởi, mít không gì là không có. Nhưng sai quả nhất chính là cây nhãn trước cổng, cả năm tuy ít được chăm bón nhưng cứ tới tầm tháng Bảy vẫn trĩu quả như một sự tạ ơn. Với chất xúc tác là mùa hè, căn nhà nhỏ ngoại ô có bốn đứa bé cách đều nhau một tuổi đã trở thành thiên đường của biết bao hành trình đầy mạo hiểm. 

 Năm ấy, chiều chiều nếu như không bận bịu hái nhãn hoặc làm vườn thì chúng tôi thường rủ nhau đạp xe ra công trường khai thác cát quanh sông Hồng. Nơi ấy có những đụn cát khổng lồ, nằm nhấp nhô bên con sông cuộn đỏ mùa nước lên. Bốn đứa bọn tôi sẽ cùng nhau xây một lâu đại cát thật nguy nga với đủ hào nước và hố sâu. Rồi thì chia đội và thay phiên bảo vệ nó trước những thế lực xấu xa nhất của trí tưởng tượng. Chúng tôi làm cho mình những đường trượt dài từ các đụn cát cao gấp đôi gấp ba bất kỳ cầu trượt nào trong công viên. Mặc kệ cho áo quần mình lấm lem, chúng tôi thay nhau hổn hể leo lên rồi trượt xuống với nụ cười nở toét trên môi. Chỉ khi ánh hoàng hôn bắt đầu đổ vàng trên thành phố và những tòa nhà cao tầng mọc lên lô nhố như bên kia sông, chúng tôi mới lấm lét về nhà, lòng thầm lo lắng cái sự lem luốc này hẳn sẽ làm cho người lớn không hài lòng. 

 Những ngày nhiều năng lượng hơn chúng tôi sẽ dũng cảm lấy xe đạp đi một mạch qua cầu Long Biên sang thành phố. Với mấy đứa trẻ trên dưới 10 tuổi thì việc đạp xe cả chục cây số cũng hoành tráng như một cuộc leo núi dài ngày lên đỉnh Everest. Với lũ trẻ con thì cuộc hành trình vốn đã khá mạo hiểm này cần có một điểm đến nào đó không quá xa lạ mà thường là một nhà họ hàng nào đó. 

Một lý do khác nữa cho việc lựa chọn địa điểm là để khi tới nơi, những người họ hàng ở đó chắc chắn sẽ hoàn toàn choáng ngợp bởi “ thành tựu” của bốn đứa. Trước lúc lên đường đạp xe về, chúng tôi không quên xin một vài quà tặng bằng hiện vật: một chút trái cây, hai ba hộp bánh. Mục đích là để về “ hối lộ” với Bà Ngoại - người theo lý thuyết là sẽ ở nhà trông coi để đảm bảo lũ chúng tôi không làm điều gì ngu ngốc.

Mặc dù đã đi qua đây cả trăm lần nhưng khi đạp xe tới trước cánh cổng sắt có những cây leo dại chằng chịt, tôi bắt đầu chùn bước. Không chỉ bởi cái suy nghĩ có một thứ gì đó ma mị đang sống trong ngôi nhà này mà còn vì chúng tôi đang ngu ngốc đến mức độ quyết định tiếp cận nó. Căn nhà khi đứng gần trông còn ghê sợ hơn khi đi lướt qua, những cánh cửa sổ đóng chặt và mốc meo, những bức vẽ dị thường bao kín trên khắp các mảng tường đang trát dở. Nhìn kỹ có thể thấy những bậc cầu thang không có tay vịn dẫn lên phía trên tầng 2 tối tăm và u ám. Trong đầu tôi khi ấy dồn dập hiện lên những điều băn khoăn không mới. Đó có thể là gì: Ma quỷ? Một kẻ điên? Một tên nghiện hút? Nói thật là chưa cần tới những thứ ấy, chỉ đơn giản là các sinh vật” chết người “ như rắn rết hay chuột cống cũng đủ đã làm tôi sợ đến tè ra quần. Tất cả những thứ ấy đều đã được nghĩ tới từ trước, nhưng chỉ khi cách nỗi sợ hãi một vài bước chân, con tim những kẻ tưởng mình dũng cảm mới có cơ hội run rẩy. 

Sau này tôi nó thuộc sở hữu của gia đình bên cạnh. Ngày đó trong lúc đang xây dựng căn nhà trong mơ của mình, cuộc đại khủng hoảng châu Á năm 1997 làm công ty của ông chủ nhà phá sản. Vợ ông mang con bỏ đi vào Nam vì không chịu đựng nổi cú sốc khi cuộc sống bần hàn ập tới. Hà Nội những năm ấy vừa bước ra khỏi cái nghèo tăm tối của những năm 80 thì lại tiếp tục đối diện với con kiệt quệ mới. Không có tiền để sống trong đó, nên ông già ấy cứ tạm để hoang mọi thứ như vậy. Chẳng có ma quỷ hay kẻ điên nào sống ở đó, nhưng đôi khi cũng có một anh nghiện leo vào hút chích và ngủ qua đêm. Vì vậy ông chủ nhà luôn chú ý quan sát những kẻ vo ve quanh đây. Tôi đoán có lẽ chúng tôi không phải là những đứa nhóc đầu tiên quyết định thám hiểm căn nhà vỡ nợ của ông vào một buổi chiều tháng Sáu. 

Mùa hè năm ấy đã dạy chúng tôi hai bài học: Một là nỗi sợ bị cho ăn đòn vì đột nhập vào nhà người khác còn lớn hơn nỗi sợ ma quỷ. Bài học thứ hai khi lớn lên một chút ngồi nghĩ lại về buổi chiều ngày hôm đó, tôi mới thấm thía. Nếu hôm đấy đen đủi mà cả lũ bị tóm, cái đau đớn thể xác của lũ trẻ con bị ăn đòn mặc dù có thể khá ghê gớm nhưng sẽ qua đi trong một hai ngày. Nhưng những nỗi đau tinh thần theo hình thái của một căn nhà trong mơ bị bỏ hoang thì có khả năng sẽ ám ảnh cuộc đời con người ta mỗi ngày. Giống như một bóng ma. 

Cuộc đụng độ ngây thơ và non nớt kéo dài cả mùa hè ấy có lẽ là sự mở đầu cho những trận chiến ác liệt hơn nhiều sau này trong thế giới người lớn. Nơi mà khi lũ trẻ chúng tôi lớn lên sẽ đều phải tham gia để bênh vực và bảo vệ cho gia đình và những người mình yêu thương.Nhưng thú vui lớn nhất của mùa hè chính là những ngày dọn dẹp nhà cửa. Mẹ sẽ chỉ đạo chúng tôi kê hết bàn ghế lên cao, nối vòi nước vào nhà và xì nước ra để “ rửa nhà”. Có lần tôi thử đóng kín cửa, xả nước ra để biến phòng khách thành bể bơi. Giờ tôi thấy mình thật nực cười. Nhưng những ai chưa bao giờ lội nước trong phòng khách chắc chắn sẽ không biết nó lôi cuốn chúng tôi thế nào. Sau khi “rửa nhà” xong, Bà sẽ bày đồ chơi ra chơi với bọn tôi. Năm nào cũng vậy, Bà sẽ mua na về ăn rồi để hạt vào một hộp nhỏ để chơi ô ăn quan. Tôi là đứa bé nhất nên luôn tự cho phép mình cái đặc quyền là không- biết- cách- chơi. Và đến bây giờ, sau từng ấy năm, trong thế giới của trò ô ăn quan thì tôi vẫn không lớn thêm được tẹo nào.

Nhưng có phải vậy không hay chỉ la do sau mùa hè ấy, bốn đứa chúng tôi đã lớn nhanh hơn mình tưởng. Có lẽ vậy tôi thường tự nhủ thế chứ ít khi thừa nhận là chúng tôi quá lớn để tiếp tục những giấc mơ.

Sau tất cả, hồi ức là hồi ức nhưng sẽ không bao giờ thay thế được. Mọi chuyện vẫn tiếp tục, sẽ có những người theo đuổi những giấc mơ. 

Bốn đứa chúng tôi bây giờ, chị lớn nhất đã 30 tuổi và có hai bé gái xinh xắn, một đứa 6 tuổi, đứa còn lại 2 tuổi. Chị lớn thứ hai giờ đã lấy bằng Thạc sĩ rồi làm việc ở một ngân hàng ở Paris. Chị đã tính chuyện định cư luôn ở đây và đang chuẩn bị cùng chồng lấy quốc tịch Pháp. Tôi 27 tuổi, đã có căn nhà riêng và đang sống một mình ở Sài Gòn. Lần cuối cùng chúng tôi gặp nhau là vào tuần trước trong đám cưới của anh lớn còn lại - kẻ đã leo hàng rào sắt của căn nhà hoang năm ấy. Anh bây giờ sống ở cả Đức và Việt Nam, khá thành công với những ý tưởng Startup của mình.

Trong nỗ lực cuối cùng để lưu giữ di sản tuổi thơ, tôi đi xăm lên người mình một dấu tích nhỏ: 21o 02’15’’N, 105o 52’55’’E. Tôi không biết mình có phải một trường hợp đặc biệt hơn không, khi đã gần 30 tuổi vẫn thường hay ngồi lặng đi và nhớ về Hà Nội những năm một ngàn chín trăm năm ấy. Mỗi lần khi ngồi yên lặng đủ lâu, tôi sẽ như mua được một chiếc vé trở về tuổi thơ trên một chuyến tàu sống động đầy thân thương của hình ảnh và xúc cảm. Còn trong tôi vẹn nguyên cái cảm giác hồi hộp, mạo hiểm khi rúc qua những bụi cỏ dại trên đường mòn ra sân bay. Cả cái cảm giác tủi thân, giận dỗi khi tỉnh dậy cùng mấy anh em và không có mẹ vào một ngày hè năm lên tám. Rồi nỗi buồn lại xâm chiếm lòng tôi khi nhớ về một ngày mưa bão và lũ chúng tôi không được Bà cho phép đi bơi. Nhắm mắt lại tôi thấy đầu lưỡi có cái vị ngọt mát của cốc chè thạch đen, hay cũng có thể là một cốc nước dâu được mẹ ngâm từ hè năm trước …

Và thế là lúc cả thế giới đang ở giữa hai mùa: thu và xuân. Tôi thấy mình như vừa thức dậy vào một sáng mùa hè, dụi mắt một cách đầy ngái ngủ và nhìn ra ngoài vườn cây đầy nắng.

Như một buổi chiều Paris

Cứ theo đuổi ước mơ, chạy theo đam mê và nhiệt huyết tuổi trẻ với tất thảy mọi chuyện đến với chúng ta vì chúng ta còn trẻ, tuổi trẻ cho phép ta làm điều này. Sau tất cả, những ngày tháng tươi đẹp của tuổi trẻ nhiệt huyết, từ đó dần sang tuổi trưởng thành, chín chắn hơn.

Đứng trên cầu Alexandre-III nhìn ra tháp Eiffel trong một buổi chiều đẹp trời, em nói một câu chạm tới điều đã từng là nỗi thầm kín nhất trong tôi.

Còn tôi ở cái tuổi rất trẻ 25, em đang sợ mình sẽ già đi. Khoa học nói rằng khi 25 tuổi, cơ thể con người đạt đến đỉnh cao của sự hoàn thiện. Và sự hoàn thiện đôi khi là điều đáng sợ vô cùng. Cái bẫy của nó là từ ngay sau cái khoảnh khắc “hoàn thiện”, ta sẽ chính thức già đi. 

Năm 25 tuổi, những tế bào cơ bắp của ta đạt đến độ dẻo dai và khoẻ mạnh nhất trong cuộc đời. Em có thể làm việc và vui chơi ngày đêm mà ít khi nào cảm thấy mình mệt mỏi. Trong suốt những năm tháng tuổi trẻ tôi thấy mình như dõi theo hành trình của em đi tới mọi nơi. Mỗi khi có thời gian là em lại mệt mài lên kế hoạch cho mỗi chuyến đi. Mấy năm trước bàn chân con con và dáng hình nho nhỏ đã quyết leo bằng được lên đỉnh Fansipan cao vút trên cung đường khó nhất. Năm kia tôi thấy em đạp xe một mình chạy qua những đồng ruộng bậc thang nhuộm nắng vàng buổi bình minh ở Bali, trông em tựa như Julia Roberts trong một cảnh phim Eat Pray Love. Em mặc một chiếc Sarong thổ cẩm nhiều màu sắc, cài lên tóc một bông hoa đại trắng rồi tắm mình trong dòng nước thiêng lạnh buốt ở đền Tirta Empul. Khi ấy em đã cầu nguyện những điều gì vậy? Hay giống cái lần em kể chuyện mình ở Chiang Mai, ngồi lặng đi cả giờ đồng hồ ngắm những giọt mưa rơi trên những mái chùa vàng trên đỉnh núi. Em đã thanh thản đến độ chẳng mong ước điều gì cả ngoài cái giây phút được tận hưởng chính sự tồn tại của mình trong thế giới đầy ắp những điều thú vị này. 

Đúng là ta sẽ già đi. Khoa học nói rằng thể trạng của con người sau khi đạt đỉnh ở tuổi 25 sẽ có thể may mắn giữ được ở một mức gần như tối ưu trong 5 tới 10 năm sau đó. Nhưng rồi giống như cỗ máy bắt đầu tiến gần đến thời điểm hết khấu hao, cơ thể ta sẽ không còn đủ sức để làm việc và vui chơi ngày đêm không sợ mệt mỏi nữa. Những nhà khoa học nhẫn tâm cũng chứng minh bộ não của ta sẽ bắt đầu hành trình già đi còn sớm hơn một chút. Ngay trước những năm tháng tuổi 25, 100 cái tỷ tế bào nơron thần kinh mà ta may mắn được ông trời ban tặng từ lúc sinh ra sẽ bắt đầu mất đi. Cho tới khi ta 40 tuổi, cái quá trình lão hoá ấy sẽ chạm đến một mức thực sự đáng sợ. Khi ấy mỗi ngày có tới 10 ngàn tế bào thần kinh sẽ bỏ ta đi và không có lấy 1 tế bào nào được sản sinh thêm để thay thế. Cái sự lanh lợi láu lỉnh của em bây giờ, có lẽ nào sẽ tới một thời điểm phải từ từ biến mất?

Nhưng ngược lại, ngoài kia cũng sẽ có những người đã rất lớn tuổi, nhưng em vẫn còn cảm nhận được cái hào quang trẻ trung bao quanh họ. Em có biết vì sao không? Vì tuổi trẻ không phụ thuộc ở con số, mà nằm ở khoảng khắc. Cuộc sống này tốt đẹp hay khổ đau có chăng cũng phụ thuộc phần lớn vào cách ta chọn góc nhìn. Thời gian mặc dù tàn nhẫn khi làm cho cơ thể ta phần nào yếu đi, nhưng thời gian cũng lại là tài sản quý giá nhất bởi mỗi ngày bắt đầu, nó lại mang lại cho ta một cơ hội mới. Mỗi lần nghĩ mình sẽ tới già, tôi đều nhớ lại câu này:“ Bạn sẽ không bao giờ trẻ hơn bản thân mình ở ngay chính giây phút hiện tại”. Cho nên khái niệm tuổi trẻ là mông lung và tương đối vì nó hoàn toàn không được đếm đo bằng ngày tháng. 

Trời đang xanh ngắt không một cơn gợn mây còn nắng thì chiếu vắng những ngôi nhà và hàng cây xinh đẹp bên sông Seine. Nếu em thức dậy mỗi ngày, được sống với người em thương, làm những thứ mang lại cho em hạnh phúc, đi tới một vùng đất lạ mà mình luôn mơ đến, thỉnh thoảng thử cái việc điên rồ mà em chưa từng làm, thì chẳng phải mỗi khoảnh khắc của cuộc sống đều là tuổi trẻ hay sao?

 Như Em.

 Như một mặt trời.

 Như chính lúc này.

 Như một buổi chiều Paris.

Là vì con tim anh rung lên? 

“…Tôi tỉnh dậy vào lúc 10 giờ sáng, xung quanh không có ai cả. Trong căn phòng trang trí phỏng theo phong cách Moorish, những cánh cửa nhựa trắng được đóng kín từ tối hôm qua nhằm tránh những ánh mắt nhìn ngó của người đi đường giờ đang tạo nên một không gian tăm tối và bí bách…”

Tại sao em lại phải đi

Dù cuộc đời ra sao thì cũng nên tin vào những điều tốt đẹp.

Cứ tin đi đừng sợ. Đừng sợ…”

Bởi khi con người chúng ta biết mình đang khờ dại và đơn độc rồi vì thế mà cứ sống sợ hãi với cuộc đời thì chắc chắn chúng ta sẽ sớm chết đi mất. 

Nếu bạn hỏi tôi ngay lúc này hạnh phúc là gì thì tôi sẽ trả lời như vậy. Là lúc con tim mình rung lên. Bởi vì trong đầu ta mọi thứ vẫn nhún nhảy. Mặc dù bạn thừa biết trong một tương lai gần và thực tế, hai bạn sẽ không đi đến một cái kết trọn vẹn. Nhưng con tim bạn vẫn nhún nhảy chứ? Có! Bạn có được phép thích cô ấy không? Được! Mặc dù ngay trong lúc này cô ấy có lẽ là đang đi ăn tối với bạn trai. Còn bạn thì đang ngồi một mình đọc sách. 

Trong những năm tháng tuổi 20 của mình, con tim tôi rung lên một cách mù quáng bởi biết bao nhiêu con người. Mọi người thường nghĩ tôi là một kẻ lăng nhăng. Nhưng tôi thì chẳng biết làm gì với trái tim của một đứa như mình cả. Cái sự rung lên mù quáng và khờ dại đấy thực sự là đã đem lại cho tôi nhiều nỗi buồn hơn là sự thoả mãn. Dù là ở bất cứ nơi nào, nếu việc cảm nhận hạnh phúc là một điều sai thì tôi sẽ không biết mình sẽ sống vì điều gì nữa. 

Tôi nghĩ mọi người ngoài kia thường suy nghĩ quá nhiều về tình yêu. 

Họ đã đặt nhiều điều nặng nề lên một thứ đơn thuần là cảm xúc. Thứ nặng nề nhất, theo tôi, là hôn nhân. 

Tôi đã từng tin vào hôn nhân. Còn bây giờ thì tôi chỉ có một niềm tin và thứ đơn giản hơn mà tôi có thể cảm thấy được: Hạnh Phúc. Và dù bạn có cố đánh lừa bản thân và người khác như thế nào đi chăng nữa, một tờ giấy được đóng dấu bởi các anh công an phường sẽ không bao giờ đảm bảo cho bạn sẽ có hạnh phúc. Để Hạnh Phúc thì chỉ có một việc là phải làm thôi: Là cứ yêu đi đã. Mỗi khi nghĩ về tình yêu, tôi lại hay trộm nhớ những buổi chiều hoàng hôn ấy. Khi tôi lái máy bay trên Vịnh Đài Loan. 

Thế rồi tôi chỉ ngồi yên một chỗ, trong khoảng 15 phút, ngắm nhìn những thành phố đông đúc dưới cánh máy bay đang dần dần hiện lên tựa như những đốm sáng khổng lồ. 

Đã lâu lắm rồi tôi không nói chuyện cùng cô ấy.

Không biết cô có còn những thói quen ngày xưa?

Không biết cô có làm quen với nhiều người bạn mới?

Không biết buổi chiều của cô ây thế nào?

Tôi không biết câu trả lời. Chỉ thấy tim mình rung lên một cái. Thật là khẽ như thể chính nó cũng sợ tôi nhận ra.

Ít ra là buổi chiều nay không có bão giông, cô ấy chắc đang trên đường đi bộ từ cơ quan về nhà trong ánh nắng tím hồng của buổi hoàng   hôn tuyệt đẹp. Lúc ấy tôi không nghĩ về tình yêu, càng không nghĩ gì về thứ gọi là hôn nhân. Tôi chỉ biết trong lòng mình khi ấy nhen nhóm lên một niềm ấm áp thầm kín khi linh cảm được rằng: Ở đâu đó dưới kia có một người từng thương đang đi làm về. 

Và cô ấy vẫn đang sống ổn.

Và với con tim khờ dại của tôi, chỉ thế thôi đã thật ấm lòng. 

Hơn gì hết chúng ta luôn mong rằng tất cả mọi người, và cả đứa tội nghiệp là tác giả nữa, sẽ đều có thể tìm thấy một người mà bạn và họ cùng yêu đơn phương lẫn nhau. Càng lâu càng tốt.Nhưng nếu một ngày thức dậy, bạn nhận ra tình yêu của mình là tình cảm một chiều. Thì hãy làm cái việc mà chúng ta, các chàng trai luôn nghe theo con tim khờ dại của bản thân sẽ làm: Đứng dậy, pha cho mình một ly trà nóng. Rồi tự dặn bản thân là cuộc sống này có thể nào thì hãy cứ tin vào những điều tốt đẹp.


Và thậm chí, hãy cứ tiếp tục yêu đơn phương người ấy. Theo cách này hoặc cách khác. Nếu như bạn thực sự muốn.

Dù cho mọi người vẫn đổ lên công an phường để ký vào tấm giấy đảm bảo cho niềm hạnh phúc trọn đời ra sao. Hãy đừng nghĩ gì nữa.

Bởi tình yêu là khi con tim ra rung lên.

Những giấc mơ đi đâu ?

Gửi những giấc mơ của chúng ta, bản thân chúng ta luôn sẽ sống hạnh phúc nhất vào một khoảng thời gian nhất định, mỗi hồi ức tốt đẹp sẽ ngừng lại vào khoảng thời gian tuyệt đẹp này. Chính chúng ta đã và đang hoàn thiện bản thân nhiều hơn nhưng lại quên đi những hồi ức ngây thơ trong sáng nhất của tuổi học trò vô tư suy nghĩ, câu chuyện của Quang Đạt cũng là minh chứng cho điều này. 

Tặng Chu Văn An và những năm tháng ta đã mơ cùng nhau dưới tán xà cừ.

Trong giấc mơ của mình, tôi là cậu học trò 18 tuổi, đứng ôm các bạn giữa sân trường trong một buổi chiều mùa hạ, chia tay hẹn gặp lại,… Lần nào cũng vậy, thế mà lúc nào tỉnh dậy vẫn thấy ngực mình như quặn lại một nỗi buồn ta mới gặp ngày hôm qua. Đúng 10 năm trước, lũ chúng tôi mười mấy đứa thả những quả bóng bay nhiều màu lên trời. Người ta hay ẩn dụ những quả bóng bay như những ước mơ của lũ học sinh cuối cấp được bay lên thật cao, thật xa. Nhưng những quả bóng ngày ấy đã bay đến những nơi nào vậy? Những giấc mơ tuổi mười bảy giờ đã bay đi đâu?

Từ hồi bé tí, Chu Văn An đã chiếm lớn lấy trong tôi một tình yêu nho nhỏ, đặt của tôi là sẽ bắt đầu lại những năm tháng học trò đẹp nhất của mình ở một môi trường mới, mà sẽ không phải là một môi trường bình thường, mà phải là trường Chu. 

Học lớp Chuyên Toán nhưng trong kỳ thi hết cấp, điểm Toán của tôi lẹt đà lẹt đẹt. Văn chương lần đầu tiên giúp tôi chạm vào giấc mơ của mình. Cánh cổng trường Chu mở ra và tôi bước vào mảnh sân rộng rợp bóng xà cừ. Trong lan can ngập nắng các cô bạn xinh thật là xinh đang thử lên mình bộ đồng phục mới. Tôi đã hy vọng, nhưng có trong mơ tôi cũng không thể tưởng tượng được những năm tháng sau ấy lại có thể quan trọng với mình đến mức nào. Những năm sống dưới trường Chu tôi đã trở thành một con người khác hẳn. Tuổi dậy thì kết thúc tốt đẹp và cho ra một anh chàng cấp 3 cao to và đẹp mã. Tôi vẫn học hành không giỏi lắm nhưng hoạt động ngoại khoá và Đoàn đội làm tôi trở nên khá có tiếng. VÌ hoạt động Đoàn nên tôi thân thiết với một nhóm bạn -  mỗi đứa một lớp. 

Hôm nào đi học muộn, chúng tôi sẽ leo cửa sổ từ bãi rửa xe ô tô phía sau để vào Văn phòng Đoàn, lối đi thần thánh đã cứu rỗi những sáng dậy muộn. Tôi thường sẽ ký giấy triệu tập rồi sẽ cử một đứa đi giao đến từng lớp. Thế rồi mười mấy đứa hiên ngang rời khỏi lớp, cười khúc khích khi chạy xuôi theo những bậc cầu thang gỗ lim đi xuống căn phòng tổ ấm. 

Chu Văn An đẹp nhất là vào kỳ nghỉ hè. Vì khi đó, không một ai đến trường ngoài lũ chúng tôi. Cả lũ mười mấy đứa biển ngôi trường 100 năm tuổi rộng hai hecta này như một biệt phủ. Cả ngày chúng tôi chẳng làm việc gì cụ thể. Sáng ngồi bàn mấy kế hoạch hoạt động linh tinh, chán chán thì sẽ lôi đàn ra hát. Một tháng một lần sẽ mang chổi và khăn lau đến dọn dẹp. Trưa đạp xe ra quán phở cuốn ngay cạnh bờ Hồ Trúc Bạch, ngồi ăn lúc nhúc với nhau trong căn phòng nóng bức không có máy điều hoà.

Những buổi chiều hè nếu không phải đi học thêm ở lò Chùa Bộc thì tôi hay thơ thẩn đi bộ quanh trường. Xung quanh không có một ai, tôi thả mình đi vào sự tĩnh lặng và để những khoảnh khắc mùa hè tuổi 16 trôi đi như một giấc mơ yên ả. Tôi cảm giác như nghe được cả tiếng xì xào trò chuyện của hàng xà cừ, hay cả tiếng lao xao của những ký ức gửi gắm quanh nơi này. 

Có những ngày đầu hè, trời mưa gió giật liên hồi lên những khung cửa sổ cao hai mét. Tôi thường chẳng học hành gì, mắt nhìn ra hành lang tối tăm. Nghe tiếng gió rít lên từng hồi và mưa rơi ầm ầm trên những mái ngói đỏ của trường còn to hơn cả tiếng thầy hiệu trưởng quát. Rồi những ngày tháng cuối cùng của năm lớp 12, cứ mỗi lần trời mưa là cả bọn chúng tôi chỉ chăm chăm chờ đến lúc chuông hết tiết rồi cởi giày cởi tất, xắn gấu quần lên tới đầu gối rồi chạy thẳng ra ngoài sân trường để những hạt mưa nặng hạt tắm ướt đẫm áo quần. Chúng tôi duỗi thẳng tay chân và nằm cả ra sân trường. Cảm thấy những năm ấy chúng tôi chẳng ngại gì cả, bởi vì xung quanh thấy biết bao nhiêu là đồng bọn, đứa nào cũng bẩn thỉu nhưng đang cười rộng ngoác. Chúng tôi đã cùng nhau không ngại trốn học rồi nằm ngủ trong Văn phòng Đoàn. Vì những ngày mưa thường chỉ dành cho lũ khờ dại và điên rồ. Và cũng bởi vì tôi biết thừa là khi phải chia tay lũ đồng bọn này kiểu gì tôi cũng khóc. 

Hôm bế giảng trời đã nắng thật to. Nhưng cảm giác ký ức ngày ấy lúc nào cũng nhoè đi vì nước mắt. Hôm ấy đứng cạnh dãy hành lang đầy nắng, tôi đã ước giá như những năm giờ dừng lại. Hoặc một ngày nào đó tỉnh dậy, tôi sẽ lại thấy mình là cậu bé 15 tuổi đang bước qua cánh cổng ngoài kia vào mảnh sân rợp bóng xà cừ, nhìn những cô bạn xinh thật là xinh đang thứ bộ đồng phục mới. 

Sau ngày bế giảng, trong lúc tôi cặm cụi ôn luyện cho kỳ thi lớn, Bà ngoại cẩn thận giặt sạch mấy chiếc áo đồng phục. Chiếc nào chiếc nấy được là phẳng, trông sáng sủa đẹp hơn hẳn bình thường. Bà cho tất cả vào mấy lớp túi ni lông rồi bọc rất cẩn thận, nắn nót ghi ra ngoài mấy chữ rất to:“ KỶ NIỆM HỌC TRÒ CỦA ĐẠT”.

 Rằng bây giờ lũ chúng tôi không còn tắm mưa, cũng không còn nằm ngủ cạnh nhau giữa những trưa hè. Không đứa nào thực sự quá thành công. Cũng chẳng ai gọi là thất bại. Hoặc có thể tôi không biết hết về những khó khăn của chúng nó nên cũng quên luôn lời hứa đùm bọc nhau 10 năm trước.

Vì có biết bao nhiêu điều ta không thể nào nói nên lời với bất cứ kỳ ai, chỉ có làm một điều là trút hết ra lên những con chữ. 

Tôi hiểu điều ấy xảy ra với tất cả mọi người… Chúng ta đã mơ thật nhiều, phần lớn những giấc mơ đều đi lạc. 


Review chi tiết bởi: Tấn Tài - Bookademy

Hình ảnh bởi: Thanh Trúc

--------------------------------------------------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy 

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.



Xem thêm

Tôi thấy điều mà giới trẻ vướng nhiều là hình ảnh cô em gái. Sẽ là lời giải thích, là cái ôm sau lưng khi yêu, là cái im lặng đứng tim đau nhói như trò chơi phóng dao bịt mắt. Là vì sao bịt mắt, vì mọi điều họ yêu bị che đi đến mức họ phải hỏi lại tình yêu của mình. Là hình ảnh của nàng Lọ Lem, những hình ảnh yêu được miêu tả mộc đến mức tôi có thể nhớ lại cảm giác tôi trải qua. Và yêu nồng say như men rượu thế nào, như ánh mặt trời soi qua chiếc giường đã êm giấc ngủ ra sao thì cô Lọ Lem cũng đã say và phải hỏi lại tình yêu của nàng. Hỏi hình ảnh của những chàng trai lớn nhanh. Họ đến với tình yêu qua những nhịp rung của con tim, tôi phải nói nó cực kỳ nhanh. Như cái nắm tay của anh chàng với cô gái dưới cái gầm bàn. Là cuộc yêu, mà anh cho là quá dễ dãi để yêu. Là cái suy nghĩ hay bỏ mọi thứ để đến bên họ, rồi mình bắt đầu sự nghiệp lại cũng không sao. Là cái nắm tay trên bàn tiệc nhỏ ấm cúng  nhưng trái tim hai phía rung lên không cùng cường độ. Là khi bay qua một nơi nào đó, là nhìn xuống một thảm thực vật nhưng ta cho rằng bên dưới đấy, có người ta đã từng yêu đang bắt đầu ngày mới vui vẻ và hạnh phúc.

Tuổi thơ tôi là Sài Gòn, và tuổi thơ Đạt là Hà Nội, có cây cối, con đường, cây cầu, có những buổi đi bụi ngắn ngày mà chúng tôi coi đó như là một chuyến phiêu lưu như chàng Sinbad. Là những câu mắng yêu của bà, là những lúc sợ đòn roi, những pha phi xe đạp, leo tường như siêu nhân. Là những câu chuyện của những khoảng đời xung quanh, với góc nhìn trẻ con thì ấy là cái sợ, là cái tò mò. Nhưng đời ấy sẽ đi theo chúng tôi đến lớn, những khoảng ký ức ấy khi ngồi ngẫm lại chúng ta sẽ nghĩ nó với một cách già đời hơn như “ngôi nhà ma” mà anh lớn của tác giả đã trèo vô khám phá. Tuổi thơ của chúng tôi, giờ nhìn lại vỏn vẹn vài từ “con nhớ” “em nhớ” “anh chị có nhớ không” vì mọi thứ đã đẹp hơn khi thay thế bằng nhà cao tầng, đường nhựa. Nhưng tuổi thơ chúng tôi, là những ngóc ngách luôn đọng lại trong cái hiện đại xô bồ.


Tôi lại được đi tiếp với câu chuyện về gia đình. Về những thành viên với sự hy sinh, tôi phải dùng là hy sinh ngầm. Vì thật sự mọi điều khi được chôn giấu (ngầm trong sâu), khi nó đến lúc phải xuất hiện nó phun trào như những cơn núi lửa. Và tôi cảm ơn Đạt, cho bao người con thấy được giọt nước mắt thật sự của những người mạnh mẽ. Những người ta có thể xem họ là người lạnh lùng, khắc nghiệt; những con người mạnh mẽ không bao giờ gục ngã đó là ba mẹ, người đã có lúc rơi nước mắt mà không có bất kỳ điều gì, kể cả sắt thép cuộc đời họ xây nên cũng không thể ngăn lại. Đạt làm tôi nhớ, chuyện bà ngoại kể – bà kể tôi rằng bà đã từng lạnh lùng cứng rắn thế nào khi cằm đèn dầu đưa cậu tôi ra tàu vượt biên. Hay lúc ông ngoại tôi ngồi lặng khi mất người con trai học giỏi nhất nhà và nhất quận. Nước mắt ông bà tôi cũng đã rơi khi họ khuất trong bóng tối.

Cảm giác tò mò và hứng thú với việc trở lại đọc những trang sách sau chuỗi ngày dài bỏ sách, khi vừa nghe đến tựa sách “Là Vì Con Tim Anh Rung Lên” đã cảm thấy rất đồng điệu với bản thân nên tôi nhất quyết phải mua sách về đọc để cảm nhận một cách thoải mái và chân thật nhất về nội dung của sách. Khi chưa biết rõ nội dung một sách nào thì việc đầu tiên tôi luôn nghĩ là hi vọng các chương của sách sẽ đưa mình về được “một miền ký ức” nào đó của mình và quả thật chỉ từ chương đầu đã đưa tôi được trở về đúng với những tháng ngày tuổi thơ không lo âu chỉ ăn chơi bay nhảy. Những dòng cảm xúc chảy thật chân thật trong tôi và bất chợt những hình ảnh tôi tưởng tượng trong nội dung sách lại đồng điệu và giống với tuổi thơ của tôi đến lạ và rồi tôi đã bị cuốn theo dòng tản văn của tác giả đến tận chương cuối cùng. Mỗi chương tôi luôn được đi qua những trạng thái cảm xúc khác nhau, có bi thương của người mẹ dành cho đứa con xa xứ, có hạnh phúc của một chàng trai chở cô gái mắt xanh trên chiếc Vespa, có những tâm tư của những cô cậu học trò hoạt động Đoàn băng qua những con đường để đến canteen. Tất cả như hòa quyện lại thành một cảm xúc chung của tuổi trẻ - một tuổi trẻ tràn đầy nhựa sống và con tim vẫn sẽ rung lên bất cứ lúc nào. Cảm ơn những dòng tản văn của tác giả đã giúp tôi sống lại những cảm xúc chân thật nhất và sống lại những tháng ngày rực rỡ nhất của tuổi trẻ. “Là vì con tim tôi rung lên” đó là tất cả những gì đọng lại sau khi tôi cảm nhận về cuốn sách “Là Vi Con Tim Anh Rung Lên”. “Những gã đồng điệu bất chợt ngang qua nhau” đó là những gì tôi nghĩ đến quyển sách hay này.

Quyển sách “Là Vì Con Tim Anh Rung Lên” này về mặt hình thức thì khỏi phải bàn nữa vì bìa quá đẹp, biểu tượng cánh chim khiến mình rất ấn tượng, từng chương lại có hình vẽ minh họa rất màu sắc. Đây là một điểm cộng lớn cho quyển sách và là một trong những quyển sách mình thích ngay từ cái nhìn đầu tiên, nhìn bìa là muốn mua liền về đọc. Về nội dung tuy không phải truyện gay cấn, cốt truyện hấp dẫn nhưng đây là một cuốn sách tự sự khá hay, rất nhiều cảm xúc, nhiều câu chuyện nhỏ trong từng chương, mỗi chương mang lại một thông điệp khác nhau về cuộc sống, về tình yêu, về tuổi trẻ và những triết lý tình yêu của chính tác giả. Có những câu chuyện làm cho mình hoài niệm và thậm chí cảm động nhất là trong chương bốn “Được bớt cô đơn đi một chút”, mình thích chương này nhất. Hơn nữa, anh Đạt là một “tay ngang” không phải nhà văn mà viết cuốn sách đầu tay như vậy mình cho là khá tốt rồi. Mọi người nên mua “Là Vì Con Tim Anh Rung Lên” về đọc để tự mình trải nghiệm nha. Nếu có một điều nuối tiếc trong cuốn sách này thì đó là mình không có được chữ ký của anh Đạt trong quyển sách thôi.