Ikigai là gì? Liệu Ikigai có phải là lý do Okinawa có nhiều người sống lâu trăm tuổi hơn bất kỳ nơi nào khác? Bằng cách nào Ikigai thúc đẩy mọi người sống năng động cho tới tận cuối đời? Bí quyết để sống lâu và hạnh phúc là gì? Ikigai - Đi tìm lý do thức dậy mỗi sáng sẽ lý giải và hé lộ bí quyết của những người trăm tuổi tại Nhật Bản đồng thời cung cấp công cụ để bạn tìm ra Ikigai của chính mình.
Lời giới thiệu
Cuốn sách được viết bởi hai tác giả ở cách nhau rất xa về mặt địa lý. Héctor García sinh ra tại Tây Ban Nha ông đồng thời có thêm quốc tịch Nhật Bản - nơi ông sinh sống hơn 10 năm. Còn Francesc Miralles sinh ra và lớn lên tại Barcelona. Hai người chưa từng gặp mặt dù từng đọc tác phẩm của nhau cho đến lần đầu trò chuyện tại một quán Bar nhỏ trong thành phố ở Tokyo. Mối lương duyên hình thành cuốn sách bắt đầu từ đây khi mà giữa hai tác giả có cùng niềm mong muốn tìm ra liệu pháp giúp mọi người tìm ra mục đích sống của mình. Cuốn sách gồm 9 chương, mỗi chương sẽ chứa rất nhiều thông tin thú vị về cuộc sống của những người trên đảo Okinawa của Nhật Bản từ đó mà bạn có thể tìm ra “phương thuốc” khiến cuộc sống trở nên hạnh phúc hơn mỗi ngày.
Ikigai và bí quyết chống lão hóa
Ikigai - một khái niệm đến từ Nhật Bản, có lẽ là cụm từ còn xa lạ với nhiều người.
Theo người Nhật, tất cả mọi người đều có Ikigai, thứ mà một triết gia người Pháp có thể gọi là raison d'être hay lý do tồn tại. Một số người đã tìm thấy Ikigai của mình, số khác vẫn đang tìm kiếm, thế nhưng Ikigai vốn luôn tồn tại trong họ.
Ikigai ẩn sâu bên trong mỗi chúng ta, và để tìm được nó phải cần sự kiên nhẫn. Theo những người sinh ra ở Okinawa, hòn đảo có nhiều người sống trăm tuổi nhất trên thế giới, Ikigai là lý do chúng ta thức dậy mỗi sáng.
Lý do thức dậy mỗi sáng? Một điều tưởng chừng quen thuộc mà lại khó hiểu bởi có thể chúng ta chưa từng thử nghĩ sâu xa về nó. Nhiều người nói mỗi ngày thức dậy là để đi học, đi làm, để giải quyết công việc, chúng ta làm điều đó trong vô thức mà chưa từng ngồi lại để suy nghĩ tại sao phải làm như vậy hàng ngày hàng giờ. Có lẽ nhiều người trong chúng ta không biết rằng việc xác định mục đích sống mỗi ngày (Ikigai) lại đem lại ý nghĩa vô cùng. Một số nghiên cứu về tuổi thọ cho thấy việc xác định rõ Ikigai quan trọng không kém gì chế độ ăn uống lành mạnh nổi tiếng của người Nhật, có khi còn quan trọng hơn.
Chương 2 sẽ tiết lộ cho bạn những điều dù nhỏ nhặt nhưng lại góp phần làm nên cuộc sống hạnh phúc lâu dài. Đó là bí quyết chống lão hóa - một vấn đề dường như là nỗi lo của khá nhiều cá nhân. Lão hóa không chỉ biểu hiện ở những trạng thái bên ngoài như xuất hiện nếp nhăn, da không còn căng bóng, hồng hào,...mà còn biểu hiện của sự suy giảm trí tuệ. Trong đó stress được coi là “thủ phạm giết chết tuổi thọ”. Viện nghiên cứu về stress tại Mỹ đã tiến hành tìm hiểu về quá trình lão hóa và kết luận rằng stress là nguyên nhân gây ra hầu hết những vấn đề về sức khỏe. Ở mức độ vừa phải thì những áp lực công việc hay thách thức sẽ giúp trí óc luôn năng động tuy nhiên sự căng thẳng mà con người phải đối mặt ngày nay rõ ràng là có hại.
Theo thời gian, stress gây ra tác động thoái hóa. Tình trạng liên tục ở trong trạng thái báo động ảnh hưởng tới các nơron liên quan đến trí nhớ, cũng như ức chế quá trình giải phóng một số hooc-môn, và sự thiếu hụt này có thể dẫn tới chứng trầm cảm. Tác dụng phụ của nó bao gồm mất ngủ, lo âu, dễ cáu kỉnh và cao huyết áp.
Do đó chúng ta cần điều chỉnh lại cách sống để hạn chế những việc gây nên stress đồng thời tránh tình trạng lão hóa của cơ thể.
Liệu các bạn có biết ngồi nhiều cũng khiến bạn già nhanh?
Ngồi quá nhiều ở văn phòng hoặc ở nhà không chỉ làm suy giảm cơ bắp và sức khỏe đường hô hấp, mà còn làm tăng sự thèm ăn và ức chế ham muốn vận động. Ngồi nhiều có thể dẫn đến chứng tăng huyết áp, mất cân bằng ăn uống, bệnh tim mạch, loãng xương, và cả một số loại ung thư.
Chính vì thế mà chúng ta phải cần năng hoạt động hơn, không chỉ siêng hoạt động thể chất mà còn có cả hoạt động trí óc như tự thử thách bản thân với những điều mới mẻ để kích thích hoạt động sáng tạo của não thường xuyên.
Các nơ-ron đã bắt đầu già đi khi chúng ta vẫn còn trong độ tuổi đôi mươi. Tuy nhiên quá trình này giảm tốc nhờ các hoạt động trí óc, tính tò mò và hiếu học. Xử lý các tình huống mới, học hỏi điều mới mẻ mỗi ngày, chơi trò chơi và tương tác với người khác dường như là những chiến lược chống lão hóa thiết yếu cho tâm trí.
Bên cạnh đó giữ cho mình một thái độ sống tích cực, lạc quan cũng nắm giữ sức mạnh to lớn để đẩy lùi quá trình lão hóa không mong muốn này.
Trên đảo Okinawa, người dân nơi đây có cho mình một cuộc sống vô cùng chất lượng và hạnh phúc. Đó là một “thế giới” trong lành tràn đầy niềm vui và luôn đầy ắp nguồn năng lượng sống tuyệt vời. Họ tập thể dục, họ đi bộ hàng ngày, họ làm việc trong vườn rau, họ còn ca hát và có những buổi tụ họp vui vẻ. Họ có trong mình niềm lạc quan yêu đời mà bản thân mình được lần đầu tiên chứng kiến. Đặc biệt họ luôn biết Ikigai (mục đích sống) của mình là gì và sống hết mình với ikigai đó. Hẳn điều này có thể lí giải tại sao Okinawa là nơi có tuổi thọ trung bình lâu nhất thế giới nhỉ ?
Liệu pháp để tiến gần tới Ikigai
1. Liệu pháp ý nghĩa
Ở phần này tác giả đưa ra một so sánh nhỏ giữa phân tâm học và liệu pháp ý nghĩa cùng những tình huống, những thực nghiệm chính của Frankl để hiểu rõ hơn về liệu pháp ý nghĩa cũng như việc tìm ra mục đích sống của mình. Nếu trong “phân tâm học” bệnh nhân nằm xuống ghế dài và kể cho bạn nghe những điều đôi lúc, rất khó nói thì liệu pháp ý nghĩa được Viktor Frankl mô tả là bệnh nhân sẽ ngồi ngay ngắn và lắng nghe những điều đôi lúc rất khó nghe. Thêm vào đó nếu Phân tâm học tìm ra cách hòa giải xung đột và thỏa mãn những thôi thúc cũng như bản năng thì liệu pháp ý nghĩa cố gắng giúp bệnh nhân tìm ra ý nghĩa cuộc sống và thỏa mãn các nguyên tắc đạo đức của họ.
Liệu pháp ý nghĩa thúc đẩy bệnh nhân khám phá mục đích sống để họ có thể đương đầu với chứng loạn thần kinh. Nhiệm vụ của họ là hoàn thành số mệnh của mình, sau đó thúc đẩy họ tiến lên phá vỡ những xiềng xích của quá khứ và vượt qua bất kỳ trở ngại nào trên đường đời.
Cảm giác thất vọng cũng thường luôn tồn tại trong cuộc sống thường ngày. Thất vọng , vì bị sếp la mắng, không thể đạt được điểm tốt, vì mọi việc diễn ra không được như ý muốn và bản thân không tốt bằng người khác. Chúng ta luôn có xu hướng so sánh bản thân với mọi điều, để rồi mỗi lần đem ra so sánh là những lần sự thất vọng xuất hiện. Vậy bạn suy nghĩ về cảm giác ấy như thế nào? Liệu có điểm tương đồng với liệu pháp ý nghĩa?
Không như nhiều loại phương pháp khác, liệu pháp ý nghĩa không xem cảm giác thất vọng này là một chứng bệnh tâm thần mà là sự đau khổ về mặt tinh thần - một hiện tượng tự nhiên và có ích vốn khiến những người đang trải qua phải tìm cách chữa trị, cho dù từ chính bản thân họ hay từ người khác. Và trong quá trình đó, tìm ra được cảm giác mãn nguyện lớn lao hơn trong cuộc sống. Nó giúp họ thay đổi vận mệnh của chính mình.
Bên cạnh đó một vài ý tưởng chính để sống tốt hơn thông qua liệu pháp ý nghĩa cũng được nêu ra để người đọc có thể áp dụng:
Chúng ta không tạo ra ý nghĩa cuộc đời mình, như Sartre từng khẳng định - chúng ta khám phá nó.
Mỗi người có một lý do riêng để tồn tại, và lý do đó có thể điều chỉnh và biến đổi nhiều lần theo năm tháng.
Cũng như việc lo âu thường mang lại điều chính xác mà chúng ta e sợ, sự chú ý quá mức đến ham muốn (hay ý định nghịch lý) có thể khiến ham muốn đó không được thỏa mãn.
Sự hài hước có thể giúp phá vỡ chu kỳ tiêu cực và làm giảm lo âu.
Tất cả chúng ta đều có khả năng làm những điều cao cả hoặc tồi tệ. Điều đó phụ thuộc vào quyết định của chúng ta, chứ không phải hoàn cảnh cá nhân.
Tất cả chúng ta đều có khả năng làm những điều cao cả hoặc tồi tệ. Điều đó phụ thuộc vào quyết định của chúng ta, chứ không phải hoàn cảnh cá nhân.
2. Liệu pháp Morita
Cùng với thời gian ra đời của liệu pháp ý nghĩa, tại Nhật Bản, liệu pháp Morita được xem là phương pháp để tập trung vào mục đích sống. Liệu pháp này được chứng minh là có hiệu quả trong điều trị chứng rối loạn thần kinh, rối loạn ám ảnh cưỡng chế và hậu chấn tâm lý.
Liệu pháp Morita không được đề ra để nhằm loại bỏ các triệu chứng mà thay vào đó, nó dạy cho chúng ta biết chấp nhận những ham muốn, sợ hãi và lo âu của bản thân, để rồi buông bỏ chúng.
Nhiều liệu pháp phương Tây tập trung vào kiểm soát hoặc thay đổi cảm xúc của bệnh nhân. Người phương Tây có xu hướng tin rằng điều chúng ta nghĩ ảnh hưởng đến cách chúng ta cảm nhận, từ đó ảnh hưởng đến cách chúng ta hành động. Ngược lại, liệu pháp Morita tập trung vào việc dạy cho bệnh nhân cách chấp nhận cảm xúc của họ mà không cố gắng kiểm soát, bởi lẽ cảm nhận sẽ thay đổi theo cách hành động của họ.
Con người vốn luôn sống có cảm xúc, cả tích cực lẫn tiêu cực. Nhưng có điều đáng tiếc rằng hiện nay có nhiều người lựa chọn giấu đi những cảm xúc ấy, không dám sống thật với chính mình. Nhưng bạn có biết việc chối bỏ cảm xúc lâu dần có thể khiến chúng ta trở nên vô cảm trước mọi thứ hoặc nếu cố kìm nén những cảm xúc tiêu cực, không những nó không mất đi mà ngày càng nặng nề hơn, khiến mọi việc tồi tệ hơn. Vậy nên cách duy nhất là phải biết sống chung và cân bằng mọi thể loại cảm xúc trong cuộc sống.
Morita lý giải quan điểm buông bỏ cảm xúc tiêu cực bằng câu truyện ngụ ngôn như sau: Khi bị buộc bằng dây thừng, một con lừa sẽ không ngừng đi vòng quanh cột nhằm tìm cách giải thoát bản thân, để rồi ngày càng bị bó buộc và gắn chặt vào cây cột hơn. Điều tương tự cũng diễn ra với những người có xu hướng ám ảnh, họ ngày càng mắc kẹt trong đau khổ của chính mình khi tìm cách thoát khỏi nỗi sợ hãi và khó chịu của bản thân.
Chúng ta có thể cùng tổng kết 3 nguyên tắc cơ bản của liệu pháp Morita như sau:
Chấp nhận cảm xúc của bản thân
Làm điều nên làm, tập trung vào hiện tại
Khám phá mục đích sống của bản thân
Yếu tố kì diệu để trường thọ
1. Ăn ít sẽ sống lâu?
Chắc hẳn bạn đã từng nghe qua quy tắc 80% phải không? Dành cho những bạn lần đầu tiên nghe tới thì đó là: trong mỗi bữa ăn, chỉ ăn đến khi hơi no tức là dù cảm thấy có thể dung nạp tiếp nhưng sẽ ngừng lại.
Đây cũng là lý do tại sao ở Nhật Bản, khẩu phần ăn thường nhỏ hơn nhiều so với ở phương Tây. Thức ăn không được phục vụ theo kiểu món khai vị, món chính và món tráng miệng. Thay vào đó, món ăn được bày lên cùng một lúc trên các đĩa nhỏ: Một ít cơm, một ít rau, một bát súp Miso, và một món ăn nhẹ. Phục vụ thức ăn trên nhiều đĩa nhỏ giúp hạn chế tình trạng ăn quá nhiều, và tạo điều kiện để thực đơn được đa dạng hơn.
Việc ăn ít hơn khẩu phần ăn hàng ngày sẽ giúp bạn hạn chế lượng calo đi vào cơ thể. Nhiều bạn sẽ có xu hướng nghĩ rằng vậy thì cứ ăn ít là sống lâu? Điều đó chỉ đúng khi bạn ăn ít nhưng có chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng chứ không phải nhịn ăn một cách tiêu cực như nhiều bạn hay làm khi muốn giảm cân. Nhịn ăn “quá đà” dù đôi lúc đem lại hiệu quả nhất thời nhưng nó cũng gây tác hại đến hoạt động của các bộ phận trong cơ thể, còn có khả năng gây rối loạn. Vì thế hãy là một người tiêu dùng thông minh để có một cơ thể thật khỏe mạnh.
Năm 2010, tờ Daily Mirror của Anh đã công bố danh sách các loại thực phẩm chống lão hóa được chuyên gia khuyên dùng:
Các loại rau như bông cải xanh và cải cầu vồng, do có hàm lượng nước, khoáng chất và chất xơ cao.
Các loại cá giàu chất béo như cá hồi, cá thu, cá hồi cà cá mòi, do có chứa các chất chống oxy hóa trong vỡ của chúng.
Các loại trái cây như cam, quýt, dâu tây và mơ ; chúng là nguồn vitamin tuyệt vời và giúp loại bỏ độc tố khỏi cơ thể.
2. Bí mật của trà
Uống trà xanh hoặc trà trắng mỗi ngày, có thể giảm thiểu các gốc tự do trong cơ thể, giúp chúng ta duy trì sự trẻ trung lâu hơn.
Chưa cần là một người yêu văn hóa Nhật Bản nhưng chúng ta có thể rằng “uống trà” từ lâu đã trở thành truyền thống của người Nhật, họ uống trà mỗi ngày và có cho mình những cách pha trà rất đặc biệt. Có thể kể đến 3 loại trà thường được dùng nhất là: trà hoa nhài, trà xanh, trà trắng. Những loại trà này mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Một bí mật nữa dành cho trà trắng đó là:
Trà trắng, với hàm lượng polyphenol cao, thậm chí còn chống lão hóa hiệu quả hơn. Trên thực tế, trà trắng được coi là một sản phẩm tự nhiên và có khả năng chống oxy hóa mạnh nhất trên thế giới - có thể hình dung một tách trà trắng có tác dụng tương đương khoảng chục ly nước cam.
3. Vận động
Vận động chính là biểu hiện của sự sống. Chúng ta đều biết chăm chỉ vận động sẽ giúp nâng cao sức khỏe nhưng với điều kiện cuộc sống hiện nay cùng với sự phát triển của Công nghệ thông tin thì đây trở thành khái niệm xa xôi với nhiều người. Cho những bạn chưa biết:
Năm 2015, trong cuộc phỏng vấn với Brigid Schulte của tờ Washington Post, Gavin Bradley giải thích: “Sau 30 phút ngồi, quá trình trao đổi chất bị chậm lại tới 90%. Các enzym giúp vận chuyển chất béo xấu từ động mạch đến cơ bắp, nơi nó có thể bị đốt cháy, sẽ hoạt động chậm lại. Và sau hai tiếng, cholesterol tốt sẽ giảm 20%. Chỉ cần đứng dậy trong 5 phút, mọi thứ sẽ trở lại bình thường.”
Đến với cuốn sách bạn sẽ được tìm hiểu thêm những phương pháp tập luyện sức khỏe hàng ngày của người phương Đông. Những vận động nhẹ nhàng nhưng nếu được thực hiện thường xuyên thì gia tăng tuổi thọ là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Wabi-Sabi và Ichi-go Ichi-e
Wabi-Sabi là một khái niệm của Nhật Bản diễn tả vẻ đẹp của bản chất ôn hòa, dễ thay đổi và không hoàn hảo của thế giới xung quanh chúng ta. Thay vì tìm kiếm vẻ đẹp trong sự hoàn hảo, chúng ta nên tìm kiếm nó trong những thứ không hoàn hảo , thiếu hoàn chỉnh. Đây là lý do tại sao người Nhật ưa chuộng, chẳng hạn như, một tách trà không đều hoặc bị nứt. Chỉ những thứ không hoàn hảo, không hoàn chỉnh và phù dù mới thực sự đẹp, bởi chỉ những thứ đó mới giống với thế giới tự nhiên.
Một quan niệm nữa của người Nhật là ichi-go ichi-e (Nhất kỳ nhì hội), có thể hiểu là “Khoảnh khắc chỉ tồn tại ngay lúc này, và sẽ không bao giờ trở lại”. Câu nói này được nhắc đến thường xuyên nhất trong mỗi buổi họp mặt như một lời nhắc nhở rằng: Mỗi cuộc gặp gỡ - dù là với bạn bè,gia đình hoặc người lạ - là duy nhất và sẽ không bao giờ lặp lại, thế nên đừng chìm đắm bản thân trong những muộn phiền về quá khứ hoặc tương lai.
Tất cả đều nhấn mạnh vào tính hiện tại của khoảnh khắc mà chúng ta nên sống và trân trọng nhiều hơn.
Review chi tiết bởi: Phạm Huyền - Bookademy
Hình ảnh: Phạm Huyền
--------------------------------------------------
Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy
Bạn đam mê viết lách, yêu thích đọc sách và muốn lan tỏa văn hóa đọc tới cộng đồng của YBOX.VN? Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv
(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
Mình là người rất quan tâm về văn hóa Nhật nên từ ban đầu mình rất ấn tượng với tựa đề của cuốn sách, và sau những trang đầu đọc thử mình đã quyết định mua để tìm hiểu về Ikigai - một từ khóa rất ma lực. Trong quá trình đọc thì thật sự cuốn sách không làm mình thất vọng khi trình bày chi tiết về Ikigai từ khởi nguyên cho đến triết lý, cách áp dụng từ khóa này của người Nhật vào cuộc sống. Thật thú vị! Chỉ hơi tiếc một chút là mình đang muốn tìm hiểu sâu hơn về Ikigai trong khi cuốn sách lại không nghiên cứu sâu hơn mà lại cung cấp những nghiên cứu lan man về bí quyết sống thọ. Điểm cộng là sách được trình bày đẹp, rõ ràng cung cấp nhiều thông tin bổ ích đa chiều về văn hóa Nhật. Điểm trừ: trình bày mọi thứ theo trải rộng, chứ chưa tập trung vào sâu như tiêu đề sách đã hứa hẹn Nếu bạn đang muốn tìm hiểu về văn hóa Nhật hay xây dựng một lối sống tích cực, khỏe khoắn thì cuốn sách này dành cho bạn.