Kafka bên bờ biển
Xem thêm

Kafka bên bờ biển không chỉ đơn thuần là cuốn tiểu thuyết giả tưởng, mà ở đó là sự kết hợp của những yếu tố trừu tượng trong triết học, của những hình tượng tâm linh trong các câu chuyện thần thoại, cũng có những yếu tố kinh dị kì bí, nhưng cũng có những câu chuyện của hiện thực, của đời sống hàng ngày. Vì thế quả là không ngoa khi người ta ví đây như một nồi lẩu thập cẩm!

Nhưng điểm hay là ở chỗ mặc dù câu chuyện chứa đầy những yếu tố giả tưởng, đầy những điều phi thường, thực tại và mộng ảo đan xen lẫn nhau, nhưng qua khung cảnh được tái hiện, qua ngòi bút của Murakami, tất cả những thứ ấy, mặc dù huyền bí nhưng vẫn vô cùng thuyết phục. Có thể độc giả sẽ có lúc hoài nghi rằng đâu đó trong cuộc sống thực tại sẽ xuất hiện những mê cung, những phiến đá cửa vào,…như thế.

Hình ảnh trung tâm của tác phẩm, cũng chính là tiêu đề, Kafka bên bờ biển, đó vừa là bức tranh với hoài niệm về quá khứ, cũng là bản nhạc nơi khởi nguồn của khát khao lưu giữ hiện tại.

Ngay từ khi cái tên bản nhạc được nhắc tới, dòng chảy của tác phẩm như cơn sóng trào lên và cuốn theo cái tên Kafka bên bờ biển từ giây phút đó, một điệp khúc chỉ với hai hợp âm, như mọi vật đều mang hai nghĩa.

Đây là câu chuyện với đầy những ẩn dụ, là hành trình với đầy những mê cung, nơi quy tụ những cuộc đời với đầy những bản ngã, tác phẩm thực sự là cuốn tiểu thuyết sâu sắc nhưng như tác giả đã nói, chưa chắc đã có thể hiểu hết được ngay từ lần đầu. Với cuốn tiểu thuyết này, chắc chắn xứng đáng để quay lại đọc lần 2, và cả những lần khác nữa, khi ấy, khi đã trải nghiệm rồi, khi đã bị những cơn sóng của cảm xúc cuốn trôi, đã lạc những mê cung của cuộc sống, có thể độc giả sẽ chiêm nghiệm được nhiều điều hơn nữa, và biết đâu, sẽ bắt gặp chính bản ngã của đời mình!

Tác phẩm là hai câu chuyện tưởng như riêng biệt với hai cuộc đời của hai con người mà chẳng quen biết nhau hay có bất cứ mối quan hệ nào ràng buộc họ với nhau. Một bên là cậu học sinh trung học đang vào tuổi mới lớn, chập chững vào đời thì bên kia là ông già lẩm cẩm, đang ở bên kia sườn dốc của cuộc đời.

Kafka Tamura, một học sinh trung học, bỏ nhà ở Tokyo vào sinh nhật 15 tuổi của mình, để chạy trốn thực tại, chạy trốn lời nguyền khủng khiếp mà người cha đã giáng xuống đầu mình.

Có một yếu tố rất hay khi tác giả miêu tả Kafka, đó chính là ở nội tâm của cậu. Ở con người này chính bản thân cậu thì hoàn toàn mộc mạc và thực tế, nhưng những mối quan hệ xung quanh cậu, những câu chuyện về quá khứ của cậu thì lại luôn bí ẩn, chứa đầy những điều kì lạ. Từ một cậu bé với người cha vô tâm, bị mẹ bỏ rơi ngay từ khi còn nhỏ, cậu lớn lên như một học sinh cá biệt. Cậu luôn vịn vào “cái thằng cu tên Quạ” để trốn tránh những tình huống khó phản ứng trong cuộc sống.

Nakata, một ông lão luôn tự nhận mình không được sáng dạ cho lắm, không biết đọc, sống nương nhờ vào trợ cấp hàng tháng và tưởng như chẳng bao giờ ra khỏi cái quận Nakoto.

Với con người này thì có lẽ mọi sự kì lạ đã xuất hiện ngay từ thời điểm bắt đầu khi từ một cậu bé thông minh, sáng dạ, ông gần như đã chết trong 3 tuần để rồi khi tỉnh lại trở thành một con người hoàn toàn khác, quên hết tất cả, mất một nửa cái bóng của chính mình, như một bản thể ở thế giới song song này vô tình lạc sang thế giới kia trong lúc dòng thời gian nhiễu loạn vậy. Nhưng ở Nakata có sự khoan thai từ tốn mà có thể khiến người ta đến ghen tị. Lão sống chẳng cần để tâm tới thời gian, lão tham gia vào cuộc hành trình mà chẳng hề biết điểm đến hay phải làm gì tiếp theo. Những gì xảy ra với lão tựa như thoi đưa, tất cả đều tự nhiên mà không phải bận tâm hay toan tính điều gì. Thật là một cách du lịch kì lạ! Đời người bây giờ liệu rằng có còn được như thế khi mà  guồng quay của cuộc sống cuốn ta đi, như cơn sóng dữ dội cuốn trôi những gì ta để lại trên cát?

Haruki Murakami có lẽ là một cái tên không xa lạ gì với độc giả Việt Nam với một số cuốn tiểu thuyết nổi tiếng và có sức ảnh hưởng, trong đó không thể không kể đến Kafka bên bờ biển. Và nếu độc giả vẫn chưa có cơ hội tiếp xúc nhiều với các tác phẩm của ông thì chỉ với cuốn sách này thôi cũng đủ để cảm nhận được văn phong và hiểu được lý do vì sao ông lại giành được tiếng tăm cả ở phương Tây lẫn ở quê nhà.

Nếu dùng một từ để miêu tả cuốn sách này thì ắt hẳn “dị thường” sẽ là một tính từ thích hợp. Dị thường ở đây là sự hòa trộn giữa những thứ quái dị, hoang đường với những điều giản dị, bình thường. Cuốn sách chứa đựng những yếu tố siêu thực mà dường như ý nghĩa của nó vượt lên trên những gì hiện hữu trên trang giấy, ngôn từ ở đây cũng trở thành một cái gì đó hoàn toàn siêu hình.

Ngay từ những chương đầu tiên, tác phẩm đã thể hiện cái “lạ” khi để hai tuyến nhân vật với hai chuyến hành trình được chia đôi rõ rệt, Kafka ở những chương lẻ và những chương chẵn còn lại dành cho lão Nakata. Tưởng như khi bỏ cách một chương, đọc các chương lẻ với nhau, rồi các chương chẵn với nhau, chúng ta sẽ có hai câu chuyện hoàn toàn khác vậy. Ấy thế mà như sợi dây thừng với những sợi riêng rẽ mà bện lại, câu chuyện của hai con người này đan xen vào nhau và xuất hiện những điểm giao thoa nơi xảy ra những trùng hợp ngẫu nhiên đến kì lạ. Họ có chung điểm xuất phát, chung chuyến hành trình và thậm chí cùng hướng đến một điểm.

Soi chiếu cuộc đời Oedipus vào cuộc đời của Kafka, Kafka trước hết khẳng định cái tồn tại của mình, khẳng định “cái đích thực”, cái bản thân của cậu bằng cách chạy xa khỏi người cha, chạy khỏi một nguy cơ của lời nguyền, hay một khả năng được định sẵn trong cuộc đời của cậu. Hành trình sống của Kafka tuồng như là sự khước từ câu hỏi của triết học Hy Lạp cổ đại: “Con Người là gì?”, khi họ cố gắng định nghĩa con người bằng hai chữ viết hoa, xem nó như khuôn vàng thước ngọc, một mực thước lý tưởng và hết mực sống vì nó, sống vì cái khuôn mẫu toàn bích ấy. Hành trình sống ấy dường như trả lời cho câu hỏi “Tôi là ai?”, tức là không tồn tại một mực thước nào, mà cá nhân, chính là người định hình nên đời sống riêng của cuộc đời họ. Bỏ nhà ra đi là một cách định hình, một cách tự tách mình khỏi số phận tiền định. Khước từ cái được định sẵn, và dấn thân vào một hành trình mới mẻ, đó là năng lượng liều lĩnh đầy tinh thần hiện sinh trong hành trình ra đi của Kafka: hành trình không chỉ để chối bỏ sự hạn hẹp trong khuôn mẫu của số phận, mà còn là hành trình trả lời cho ẩn số mẹ mình là ai, hành trình đi tìm cái “căn cước” cho chính bản thân mình. Ngay cả khi đối diện với một khả thể, rằng bản thân mình đã thực sự giết cha dù chỉ trong giấc mơ, bản thân đã thực sự ngủ với mẹ và chị gái, dù là một khả thể mơ hồ, nhưng Kafka vẫn có suy nghĩ:

Giá như tôi có thể xóa bỏ cái thằng tôi đây, ngay tại chỗ và ngay bây giờ! Tôi sẽ xem xét ý tưởng này một cách nghiêm túc. Giữa bức tường cây dày đặc này, trên con đường không ra đường này, nếu tôi ngừng thở, tôi sẽ lặng lẽ chôn vùi ý thức của mình vào bóng tối, dòng máu đen màu bạo lực của tôi sẽ rỉ ra đến giọt cuối cùng, gien của tôi sẽ rữa nát giữa đám cỏ dại. Lúc đó cuộc chiến của tôi sẽ kết thúc.

Giờ đây, khi đọc những câu độc thoại nội tâm này, độc giả, một lần nữa lại thấy thân phận của Oedipus trở lại. Nhưng rồi, cũng như Oedipus, Kafka đã không chọn cái chết, đã không chọn tự sát. Nếu Kafka tự sát, vậy có khác gì một Oedipus, trong phiên bản được định sẵn, của thời hiện đại đâu? Nhưng nếu như thế, sự sống có nghĩa lý gì? Nếu Kafka tự sát, tức là trốn chạy khỏi việc “định nghĩa bản thân” trong thế giới đầy vô nghĩa. Kafka đã không dừng lại hành trình sống của mình, không tự giết chính mình, mà dấn thân vào một hành trình khác, dấn thân vào khu rừng ẩn sâu trong núi, có bóng ma của chiến tranh, của sự trốn chạy khỏi hiện thực của những người lính, để một lần nữa đối diện với tự ngã, trả lời những câu hỏi của bản thân, và trả lời câu hỏi về ý nghĩa trong hành trình sống của mình. Và rồi, lại một lần nữa, khước từ việc ở lại thế giới giả tạo của sự trốn chạy ấy, một lần nữa bước ra ngoài, đối diện với cuộc sống của mình đang tới. Có lẽ đó cũng là “thái độ” mà Oedipus đã có khi quyết định chọc mù hai mắt của mình và khước từ định mệnh. Đứng trước một ngã rẽ trong khu rừng, Kafka dũng cảm đối diện với số phận, với tương lai của bản thân. Đó là ý chí tự do, là tinh thần sống bản lĩnh đầy chất hiện sinh trong con người Kafka. Ta không khỏi nghĩ đến lời nói của cô gái điếm mà Hoshino đã gặp, khi trích dẫn Henri Bergson:

Hiện tại thuần tuý là một bước tiến không thể nắm bắt của quá khứ gặm nhấm tương lai. Thực ra, mọi cảm giác đã là ký ức.

Đúng vậy, mọi sự đã ở phía sau, con người không thể thay đổi, mà con đường sống của mỗi con người gắn liền với tinh thần vị lai, vì mọi cảm giác đã là kí ức. Con người không thể ưu sầu về quá khứ, mà phải tiếp tục sống, tiếp tục hành trình miên viễn của mình, đi tìm, và trả lời câu hỏi “Tôi là ai?”. Đó cũng là tinh thần hiện sinh gắn liền với vị lai được Murakami gửi gắm:

Và khi cơn bão qua đi, bạn sẽ không nhớ bạn đã vượt qua như thế nào, bạn xoay xở để tồn tại được ra sao. Bạn thậm chí sẽ không dám chắc, thật ra, liệu cơn bão có thật sự đi qua. Nhưng có một điều chắc chắn. Là khi bạn ra khỏi cơn bão, bạn sẽ không còn là cùng một người mà đã bước vào. Đó là những gì về cơn bão.

Cuộc sống luôn tồn tại những khúc mắc, những gập ghềnh, những câu hỏi, và những cơn bão. Thái độ sống, theo tôi, là thông điệp cao cả nhất mà Murakami gửi gắm cho “Kafka bên bờ biển”, nếu con người không có can đảm đối diện với cơn bão, vậy thì anh ta đã bị nó quật ngã, ngay cả khi nó vẫn còn là một cánh bướm vỗ ở cuối chân trời. Và ngược lại, có lẽ chỉ cần một thái độ sống liều lĩnh, một năng lượng sống vùng vẫy mang chất hiện sinh thôi, thì đã có một sự hứa hẹn:

Mày đã là một bộ phận của một thế giới mới toanh.

Nghĩ về “Kafka bên bờ biển“, tôi nghĩ đây là cuốn tiểu thuyết dấn thân, và những con người trong tiểu thuyết này là những con người dấn thân, từ Kafka, Nakata, hay Hoshino. Từ quá trình dấn thân ấy, can đảm bước ra khỏi vũng lầy của đời sống lặp lại đời thường, bước vào một chuyến phiêu lưu để làm hiện hình sự sống của bản thân, hay nói như Jean Paul-Sartre, rằng: “… con người trước hết tồn tại, đối diện với chính mình, khẳng định mình trong thế giới – và định nghĩa bản thân mình sau đó”.

Bản thân Kafka bị cha mình nguyền rủa, “sẽ giết cha và ngủ với mẹ”, giống như lời nguyền giáng xuống số phận tiền định của Oedipus trong bi kịch “Oedipus làm vua” của Sophocles thời Hy Lạp cổ đại. Kafka, trên hành trình sống của mình, cố gắng trốn chạy khỏi thuyết tất định ấy. Hành trình ấy vấp phải một quan niệm mà Oshima nói với Kafka khi ở trong thư viện, về thế giới quan cơ bản của bi kịch cổ đại Hy Lạp, khi con người không lựa chọn số phận, mà số phận lựa chọn con người. Còn Aristotle, viết về nghệ thuật thi ca, cho rằng bản thân sự bi kịch mà con người phải gánh chịu không xuất phát từ sự ngu dốt, xấu xa, lười biếng, những phẩm chất tồi tệ của một con người, mà bắt nguồn từ chính phẩm hạnh, đạo đức của họ. Bản thân Oedipus vướng vào bi kịch không phải vì chàng ngu ngốc hay bội bạc, mà xuất phát bởi tình cảm yêu quý với cha mẹ của mình. Chính vì phẩm giá cho đi rồi nhận lại điều cay đắng, nhân loại mới khóc thương cho bi kịch của Oedipus, chứ không phải nụ cười hả hê thoáng chốc như thể đáng đời hay ác giả ác báo.

Quay lại với số phận của Kafka, luôn có khoảng trắng không được lấp đầy, những câu hỏi không thể trả lời được: bản thân Kafka có giết cha mình trong đêm mà lão Nakata giết chết Johnnie Walker, và Miss Saeki có phải mẹ của Kafka hay không? Haruki Murakami không đưa cho chúng ta một câu trả lời xác quyết như Sophocles. Nhưng dù sao, dường như đáng kể nhất trong trường hợp của cả Oedipus hay Kafka, cả Sophocles hay Murakami, điểm nhấn lớn nhất và cao cả nhất là thái độ của của mỗi nhân vật trước cái bi kịch, cái số phận tất định của mình. Oedipus, không trốn chạy sự thực, mà can đảm đối diện với sự thực, rằng mình đã giết cha, và lấy mẹ của mình làm vợ. Bản thân Oedipus cũng có thể được nhìn nhận như một con người hiện sinh: không cam chịu, không đầu hàng trước cái nghiệt ngã, không nệ vào lời phán truyền của chư thần hay sợi chỉ ràng buộc số mệnh, mà luôn cố gắng vùng vẫy hòng ra khỏi sự trói buộc ấy. Dù cho có thất bại, Oedipus vẫn không bao giờ là kẻ bạc nhược, loay hoay trong sự bế tắc của dòng chảy cuộc đời, khi chàng quyết định chuộc tội, chuộc lại tội ác vô thức của bản thân: chọc mù hai mắt và rời khỏi ngai vua để cứu chuộc cho Thebes. Thông điệp sâu kín mà Sophocles gửi gắm đến chúng ta: con người có thể không lựa chọn được số phận của bản thân, nhưng có thể lựa chọn được cách sống và thái độ sống, sống sao cho nhân cách của mình không bị thui chột đi, níu lại phẩm giá cũng như số phận, để bản thân không thực sự trở thành trò đùa của tạo hoá.

Nội dung tác phẩm theo chân nhân vật “Tôi” - Kafka Tamura, một thanh thiếu niên mười lăm tuổi bỏ nhà chạy trốn, để lại sau lưng những ám ảnh quá khứ, đối diện với những khủng hoảng vị thành niên và lời nguyền khủng khiếp mà người cha độc đoán giáng lên cậu. Cuộc phiêu lưu của Kafka mang đầy những tâm tư, xúc cảm, những ham muốn trần tục, những suy ngẫm lắng đọng đầy triết lý. Và đầu bên kia câu chuyện là hành trình của Nakata - một lão già thiểu năng đang từng bước kiếm tìm bản ngã của riêng mình. Theo chân hành trình này, ta trải qua một cuộc dạo chơi đầy kỳ ảo ma mị, những đoạn kết bỏ ngỏ khiến ta không khỏi nóng lòng khám phá những diễn biến tiếp theo của câu chuyện. Có thể coi tuyến truyện của Kafka là một con tàu sắt nhẹ nhàng lướt đi trên đường ray một cách từ tốn, chậm rãi giúp người đọc thoải mái nhìn ngắm quan cảnh bên ngoài khung cửa sổ. Nhờ đó ta không bỏ sót một chi tiết nào trên mọi cung đường mà đoàn tàu đã lướt qua - một trải nghiệm tĩnh lại đầy sự trầm tư, suy ngẫm. Ở phía đối diện đoàn tàu, hành trình của ông lão Nakata như một con tàu lượn siêu tốc đưa ta qua nhiều những cung bậc cảm xúc với những ngã rẽ bất ngờ, đầy thú vị. Nó kích thích sự tò mò và cuốn ta theo nhịp điệu của nó. Đến một thời điểm nhất định, hai con tàu đâm sầm vào nhau tạo ra một chấn động to lớn. Một vụ tai nạn kinh hoàng mà chắc chắn sẽ để lại những dư âm vang vọng trong tâm trí của người đọc. Hai tuyến truyện tưởng chừng như tách biệt hoàn toàn, va vào nhau và trở thành tấm gương phản chiếu nhau. Một bên đang cận kề những đoạn cuối cùng của cuộc hành trình trăm năm, bên còn lại chỉ mới chập chững đặt những bước chân non trẻ vào thế giới rộng lớn mà tâm trí của một cậu thanh niên mới lớn chưa thể hiểu hết được. Một người thì đang trốn chạy, người kia thì tìm kiếm; một người thì hướng về phía trước, người kia thì nhìn lại; một người đưa tay mò mẫm tương lai rộng lớn, người còn lại lục lọi quá khứ đục mờ. Hai con người như hai mặt của đồng xu nhưng số phận họ lại đan vào nhau bởi một điều gì đó không thể lý giải. Không một nhân vật nào trong câu chuyện là thừa thãi, mỗi người đều có những dị biệt riêng mình. Ai cũng đều trong một cuộc tranh đấu với những mất mát, khó khăn. Điều ấy khiến họ trở nên đầy cá tính và đầy nghị lực. Những con người mà ta có thể nhìn vào và đối chiếu lại bản thân ta. Từ đó tiếp thêm sức mạnh cho ta lao vào cuộc chiến nội tâm với những thử thách mà ta đang hoặc sẽ đối mặt.

Song hành với cuộc hành trình của hai ông - cháu là những yếu tố kì ảo phi thường. Cả cuốn sách như một giấc mơ kì quái đưa người đọc đến một trải nghiệm độc đáo, mới lạ. Những yếu tố ấy được đan cài cùng những chi tiết liên quan đến văn hóa đại chúng không những góp phần giữ sự kì ảo ấy gần với hiện thực mà còn giúp những mộng mị, ảo tưởng hiện lên một cách tự nhiên không gò bó. Sự chân chất ấy khiến ta tin tưởng vào câu chuyện, từ đó giúp ta đón nhận nó một cách dễ dàng. Tác phẩm không chỉ là một trải nghiệm đầy màu nhiệm về cảm xúc mà còn là một cuộc đối thoại giữa người đọc với chính tác giả về những triết lý, quan niệm, cách nhìn nhận sự việc của ông. Nhờ đó những cảm xúc trong tác phẩm hiện lên một cách trần trụi thấm ngầm, cộng hưởng với xúc cảm người đọc tạo nên một dòng chảy chứa đựng đầy những tâm tư, tình cảm thuần khiết. Mặc cho câu chuyện diễn ra với một nhịp độ chậm rãi thì dòng chảy của những xúc cảm nhạy bén ấy vẫn cuốn người đọc theo từng trang sách khiến ta không thể rời mắt khỏi nó. Một khi cầm tác phẩm này lên bạn sẽ không thể nào đặt nó xuống.“Kafka bên bờ biển” – Một tác phẩm mang đậm màu sắc của Murakami với những gia vị của văn hóa, âm nhạc, tình yêu, tình dục, khủng hoảng, bi kịch Sophocles, những ám ảnh của chiến tranh, và đặc biệt là những kì ảo ma mị như một cuốn truyện tranh … Một cuốn sách có đủ tất cả mọi yếu tố cho tất cả mọi người - một tác phẩm không thể bỏ qua với những người yêu thích đọc sách. Còn nếu bạn không phải người thích đọc sách thì cuốn sách có thể sẽ mở ra một chặng đường đầy những áng văn, con chữ để bạn đắm mình vào nó. Chắc chắn sau khi đọc tác phẩm này bạn đọc cũng sẽ như các nhân vật trong câu chuyện sẽ không còn là con người của trước đây nữa.

“Đôi khi số phận như một cơn bão cát nhỏ cứ xoay chiều đổi hướng liên tục. mày đổi hướng nhưng cơn bão đuổi theo. Cứ thế quay tới quay lui, mày diễn đến cùng cái trò ấy như một điệu nhảy báo điềm gở với cái chết dữ ngay trước bình minh. Tại sao? Vì cơn bão ấy không phải một cái gì từ xa thổi tới, một cái gì không liên quan tới mày. Cơn bão ấy là mày. Một cái gì bên trong mày. Cho nên tất cả những gì mày có thể làm là cam chịu nó, bước thẳng vào trong cơn bão, nhắm mắt lại và bịt chặt tai để cát khỏi lọt vào và từng bước một đi xuyên qua nó.

Và khi cơn bão đã chấm dứt mày sẽ không nhớ mình đã làm thế nào mà vượt qua được nó, làm thế nào mà mình đã sống sót. Thậm chí mày cũng sẽ không biết chắc là cơn bão đã thực sự chấm dứt hay chưa nữa. Nhưng điều này thì chắc chắn. Khi mày ra khỏi cơn bão mày sẽ không còn là con người đã dấn bước vào nó. Ý nghĩa của cơn bão là như thế đó.”

Đó là lời nhắn nhủ của “thanh niên tên Quạ” nói với cậu trai Kafka trước khi câu dấn thân vào cơn bão được định sẵn là sẽ thay đổi cậu mãi mãi. Đây đồng thời cũng là lời nhắn nhủ của tác giả gửi đến đọc giả ngay tại chương đầu của tác phẩm. Cuốn sách này như cơn bão cát nói trên, là một trải nghiệm mà sau khi hoàn thành nó các bạn - những đọc giả, chắc chắn sẽ thay đổi dù ít hay nhiều. Một trải nghiệm vô cũng thú vị với nhiều cung bậc cảm xúc, những suy ngẫm về bản thân và thế giới, một áng văn đáng để chiêm nghiệm trong những ngày dịch dã nhàn rỗi. 

“Kafka bên bờ biển” là tiểu thuyết được chắp bút bởi nhà văn Haruki Murakami, ông nổi tiếng với những tác phẩm như: Rừng Na Uy; Xứ sở kì diệu vô tình và nơi tận cùng của thế giới; Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời; Người tình Sputnik; Biên niên ký chim vặn dây cót; … Được hoàn thành vào năm 2002, phiên dịch sang tiếng Anh và phát hành vào năm 2005. Cũng vào ngay trong năm, tác phẩm đã lọt vào “Top 10 cuốn sách hay nhất năm 2005” của The New York Times và giành giải thưởng World Fantasy vào năm kế tiếp. Ngoài ra tác phẩm còn mang lại cho nhà văn Haruki Murakami giải thưởng văn học Frank Kafka vào năm 2006. Bản dịch tiếng Việt được Dương Tường hoàn tất và đưa ra công chúng vào năm 2007 với tổng cộng 531 trang sách được gói gọn qua 51 chương truyện.

Năm 2018: Hãy ghi nhận trước khi tôi viết thêm bất cứ điều gì, theo ý kiến của tôi, đây không phải là tác phẩm hay nhất của Murakami, nhưng vẫn là một câu chuyện chứa đựng sự kỳ lạ thú vị của Murakami; kể về một người sống sót sau sự cố UFO nói chuyện với mèo, người bắt đầu câu chuyện như một người thì thầm với mèo - theo nghĩa đen; chủ đề chính khác là câu chuyện về một người chạy đường băng 15 tuổi tìm thấy một thư viện công cộng tuyệt vời thuộc sở hữu tư nhân! vô số chủ đề từ những trò tai quái của Oedipal cho đến bình luận xã hội của 'tầng lớp lao động', nhìn chung tất cả đều hơi hiếm trong các tác phẩm của ông. Nhưng, nếu bạn thích Murakami... bạn biết rằng bạn phải đọc tất cả chúng :) 6 trên tổng số 12, Ba sao.

Năm 2012: Tác phẩm cổ điển hiện đại "Kafka Bên bờ biển" của Murakami không thực sự kích thích tôi nhiều như những tác phẩm khác của ông, nhưng vẫn được viết một cách tuyệt vời, với một số đoạn tuyệt vời trong câu chuyện này gần như trở nên siêu thực ở nhiều phần, trái ngược với chỉ 'huyền diệu' thật' theo ý kiến ​​của tôi. Chưa bao giờ là cuốn sách phải đọc đối với những người ủng hộ Murakami. 6 trên 12, 3 sao.